Thứ ba, Tháng mười hai 10, 2024

Đỗ Đức Việt: chàng trai 7 năm theo đuổi việc biến cái vô dụng thành hữu dụng

Du lịchHành trình nối những miền xanhĐỗ Đức Việt: chàng trai 7 năm theo đuổi việc biến cái...

(SGTT) – Thay vì đem bỏ đi những vật không còn sử dụng được nữa, anh Đỗ Đức Việt đã biến những vật dụng ấy thành những món đồ mang tính nghệ thuật.

Anh Đỗ Đức Việt tái chế một chiếc khoan cũ thành đèn. Ảnh: NVCC

Công việc tái chế luôn được gia đình ủng hộ

Với việc rác thải hiện nay càng nhiều, để những chất thải phân hủy phải cần hàng chục năm hoặc hàng trăm năm. Vì thế việc tái chế sẽ góp phần làm giảm ô nhiễm và góp phần bảo vệ môi trường.

Hiện nay, cộng đồng những người tham gia công việc tái chế xuất hiện khá nhiều ở ngoài đời sống lẫn trên các trang mạng xã hội như nhóm Việt Nam tái chế, ý tưởng tái chế-tái sử dụng được nhiều người ủng hộ, tham gia và chia sẻ kinh nghiệm trong việc tái chế.

Anh Đỗ Đức Việt, thành viên nhóm ý tưởng tái chế-tái sử dụng, hiện sinh sống và làm việc tại Hà Nội với công việc là một nhiếp ảnh gia. Anh Việt thường xuyên chia sẻ hình ảnh và kinh nghiệm tái chế của mình trong nhóm với chủ đề tái chế những đồ dùng cũ thành đèn trang trí.

Một chiếc đèn được tạo ra từ thủy tinh vỡ và gỗ. Ảnh: NVCC

Trao đổi với phóng viên về hành trình từ những ngày đầu bắt tay vào công viêc tái chế, anh Việt cho biết mọi thứ bắt đầu khoảng bảy năm về trước. Trong một lần tình cờ tiếp xúc với những linh kiện xe máy cũ, nhận thấy các vật dụng tưởng chừng như bỏ đi này đều có những góc cạnh và vẻ đẹp thời gian sau khi đã sử dụng. Anh chợt nảy ra ý tưởng biến những món đồ này thành những sản phẩm có giá trị nghệ thuật.

“Mình rất yêu thích các loại đèn điện, nên khi làm công việc này mình đều luôn cố gắng sáng tạo cho ra các sản phẩm tái chế thành đèn. Cá nhân mình cho rằng đèn cũng là biểu tượng của ý tưởng và sự sáng tạo”, anh Việt nói.

Nguồn vật dụng cũ để anh chế đèn đa phần được thu gom từ những đồ dùng đã hư cũ trong gia đình hoặc của bạn bè. Có khi là những chai thủy tinh vỡ, lúc là chiếc bàn may cũ hay máy khoan đã hư hỏng.

Những lúc đã dùng hết nguồn vật liệu từ những người quen, anh Việt phải đến những kho phế liệu cũ để tìm kiếm, mua về những món đồ độc lạ để thỏa niềm đam mê tái chế .

Trong suốt nhiều năm tham gia công việc này, anh Việt chia sẻ rằng rất may mắn khi gia đình và bạn bè luôn ủng hộ và giúp đỡ mỗi khi anh cần.

Kết hợp nhiều kỹ năng như mộc, cơ khí, điện

Nói về “xưởng” chế tạo, nơi ra lò những sản phẩm mang thương hiệu “anh thợ đèn” của mình, anh Việt cho biết đây là một góc nhỏ được anh tận dụng trong nhà. Sau khi đã gom đủ các vật liệu, anh lên ý tưởng và phác họa sơ lược, sau đó bắt đầu gọt dũa món đồ để khoác lên nó diện mạo mới.

Ngoài yêu cầu về sáng tạo và tỉ mỉ, theo anh, việc tái chế còn đòi hỏi phải hiểu về các kỹ thuật như mộc, cơ khí hay thậm chí là điện để đạt hiệu quả cao trong công việc cũng như đem lại cho sản phẩm sự chỉnh chu nhất có thể.

“Có không ít lần mình bị tai nạn khi sử dụng máy móc vì một phút không tập trung khi xử lý những vật liệu có góc nhọn nhiều. Nhưng đó cũng là những bài học để mình cẩn thận hơn trong công việc”, anh Việt nói.

Đối với các vật liệu sắt, anh sẽ xử lý những phần thô trước, như những chỗ bị hoen rỉ. Còn với những vật liệu thủy tinh, anh sẽ lựa chọn màu thủy tinh phù hợp, rửa sạch, mài mòn góc để đảm bảo an toàn. Sau đó anh tiếp tục với nhiều công đoạn gia công cơ khí như gò hàn, cắt mài, đánh bóng để tạo dáng cho đèn. Cuối cũng sẽ là tìm kiếm mẫu bóng đèn phù hợp để hoàn thiện.

Tuỳ thuộc độ khó của mỗi sản phẩm, những ý tưởng đơn giản sẽ mất khoảng 1-2 ngày, nhưng đôi khi để hoàn thành những sản phẩm với ý tưởng mới lạ, anh phải mất 7-10 ngày.

Vậy nên để sản phẩm được sáng đèn, anh Việt đã dành nhiều thời gian để trau dồi kỹ thuật, giúp những sản phẩm về sau ngày càng hoàn hảo. Mỗi khi hoàn thiện tác phẩm, nhìn ánh sáng lung linh từ chiếc đèn, anh sẽ “khoe” với người thân, các bạn trong nhóm tái chế. Đặc biệt, con trai anh rất thích những chiếc đèn do bố tạo ra.

Qua công việc chế tạo đèn của mình, anh Việt mong muốn lan toả tinh thần tái chế tới mọi người, cũng như những người chung niềm đam mê. Điều đó nhằm giúp mọi người cùng nhau xây dựng cộng đồng xanh bảo vệ môi trường, giảm lượng rác thải ra bên ngoài.

Một số tác phẩm tái chế của anh Việt khi đã hoàn thiện:

Minh Hoàng