Thứ Bảy, Tháng Tư 27, 2024

Tết về lại nhớ món canh lưỡi long Phú Yên

(SGTT) – “Mấy đứa nhỏ sắp về tết rồi, ông nhớ chăm bụi lưỡi long cho tốt nhen. Tụi nhỏ ghiền món đó lắm”. Bà Sáu vừa mở tờ lịch vừa nói vọng sang chồng. Cả 2 đứa con đều đi làm xa, năm chỉ về nhà vài dịp nên mỗi lần về là bà tranh thủ chiều ý con. Nhất là con bé Đăng, nó mê canh lưỡi long.
Canh lưỡi long nấu cá chù. Ảnh: Việt An

Cây lưỡi long còn gọi là lưỡi rồng, xương rồng tai thỏ, thuộc họ xương rồng. Loài cây này chẳng hề xa lạ bởi nó mọc dại khá nhiều trên những vùng đất hoang mạc cằn cỗi, nhiều nơi được đưa vào trồng làm cảnh. Vì vậy, thoạt nghe chắc có nhiều người ngạc nhiên vì hiếm có nơi nào lại chọn xương rồng làm món ăn. Ấy thế mà ở đất Phú Yên nói riêng và nhiều tỉnh vùng Nam Trung bộ nói chung, lưỡi long lại là món khoái khẩu của nhiều gia đình.

Cây lưỡi long cũng được trồng làm cảnh. Ảnh: Việt An

Cây lưỡi long chỉ có vẻ ngoài cứng cáp, gai góc chứ bên trong thân lại rất nhớt. Tất cả bộ phận của cây từ thân, lá, hoa, quả, hạt đều dùng để làm thuốc, nhất là liên quan đến đường tiêu hóa. Nếu không để ý đến dược tính của nó thì tô canh lưỡi long mát rượi trong ngày nắng cũng đủ đưa cơm.

Để nấu canh, người ta chỉ lấy lá non, gai mềm. Ảnh: Việt An

Buổi sáng ra vườn bẻ mấy nhánh lưỡi long xanh non, cái gai chỉ vừa nhu nhú, mềm xèo. Gọt hết gai, rửa sạch, xắt thành miếng rộng cỡ nửa đốt ngón tay. Nhanh gọn chỉ cần nấu lưỡi long với dầu. Đậm đà hơn thêm mớ tôm cá mới mua trong phiên chợ sớm, chỉ cần một loại là đủ ngon cho tô canh. Ướp sơ gia vị và hành băm cho rổ tôm còn nhảy tanh tách, hoặc mấy con cá liệt da lấp lánh ánh bạc, muốn ngon nữa lấy vài lát cá chù (thuộc họ cá ngừ) còn tươi cứng. Nước sôi bùng, cho cá vào cùng ít muối hột, bẻ đôi quả ớt đỏ. Cá gần chín cho lưỡi long vào nấu trên lửa lớn. Nước sôi trở lại, cả cá và lưỡi long đều chín, nêm gia vị vừa ăn, thêm hành ngò và tiêu, bắc xuống là xong.

Gọt sạch gai lưỡi long và lưỡi long sau khi gọt sạch gai. Ảnh: Việt An
Thường thì người ta sẽ nêm hành ngò, nhưng ở Phú Yên cũng có nhà nêm lá hẹ xắt nhỏ. Ảnh: Việt An

Lưỡi long hơi chua nhẹ nên khi nấu chín thường ngả sang màu vàng. Húp muỗng nước canh ngọt mùi biển, nhâm nhi vị chua thanh thanh, giòn sần sật, hơi nhớt của loại cây đồng nội hòa quyện với miếng cá đậm đà, tươi rói. Bao nhiêu đó thôi mà nhỏ Đăng nhớ hoài. Thi thoảng bà Sáu cũng gửi ít lá tươi vào cho con tự làm, nhưng tô canh má nấu bao giờ cũng là món ngon nhất. Mỗi dịp tết về, hai ông bà lại cặm cụi chăm bụi cây, chuẩn bị đón hai đứa con đi làm xa về thưởng thức hương vị quê nhà.

Việt An

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Chỉ ăn đạm có giúp giảm cân nhanh sau Tết?

0
(SGTT) - Theo các chuyên gia dinh dưỡng, phương pháp giảm cân chỉ ăn chất đạm như ức gà, thịt bò nạc… có thể...

Số lượt khách đến TPHCM dịp Tết tăng so với năm...

0
(SGTT) - Trong 15 ngày Tết Nguyên đán 2024, có khoảng 3,6 triệu lượt khách đến TPHCM, tăng 5% so với cùng kỳ năm...

Da khô ráp, nổi mụn ồ ạt: Bác sĩ chỉ cách...

0
(SGTT) - Kỳ nghỉ Tết vừa qua, một số chị em phụ nữ có thói quen trang điểm kỹ càng để trông diện mạo...

Nỗi niềm và hy vọng từ sân khấu kịch mùa Tết

0
(KTSG Online) - Nếu diễn viên được xem là linh hồn của các vở diễn thì khán giả chính là người nuôi dưỡng nên...

Năm rồng nói chuyện rắn bay

0
(SGTT) - Những tiếng rào rào kéo dài từ dưới mái tranh lan nhanh về phía những ngọn cây ở cuối góc vườn. Trời...

Mùng 5 Tết, người dân trở lại TPHCM, cửa ngõ miền...

0
(SGTT) - Trong ngày nghỉ cuối của Tết Nguyên đán, nhiều người dân các tỉnh miền Tây Nam bộ trở lại TPHCM làm việc. Trên...

Kết nối