Chủ Nhật, Tháng Tư 28, 2024

Năm rồng nói chuyện rắn bay

(SGTT) – Những tiếng rào rào kéo dài từ dưới mái tranh lan nhanh về phía những ngọn cây ở cuối góc vườn. Trời nắng không chút gợn mây và cũng chẳng có giọt mưa nào đổ xuống. Đây ắt hẳn là hiện tượng di chuyển của bầy rắn bay về phía con mồi ở nơi bìa rừng.

Rắn bay có mặt ở hầu hết các tỉnh nước ta từ miền Nam ra tới miền Bắc, từ rừng sác ven biển đến các rừng già Tây Nguyên. Người ta có thể nhận ra chúng ẩn nấp đâu đó nơi mái tranh các túp lều hoang đến dưới các mái nhà có đông người ở, hoặc cuốn gọn trên đầu ngọn dừa, hay băng qua băng lại những nhành cây vắt vẻo hai bên vệ đường tạo thành những tiếng mưa rào và cả tiếng gió rít ở trong không trung.

Cho tới nay người ta vẫn chưa biết vì sao các loài bò sát như thằn lằn bay, rắn bay chỉ xuất hiện thành một dải từ các đảo Melanesia miền Nam Thái Bình Dương qua vùng Đông Nam Á đến Sri Lanka và các bờ biển phía Tây Ấn Độ. Các loài rắn bay lại khá tương cận với nhau, xếp thành một giống duy nhất gọi là rắn cây Chrysopelea thuộc họ rắn nước Colubridae. Câu trả lời có thể là giống này đã tiến hóa vào một thời kỳ đại hồng thủy khi nước dâng dần từ dưới sâu lên đến mực biển ngày nay. Nước dâng làm chìm ngập nhiều cánh đồng và con vật phải làm quen với lối sống trên cây rồi di chuyển bằng cách phóng từ cây này sang cây khác để bắt mồi.

Người ta mới chỉ biết được năm loài thuộc giống Chrysopelea sinh sống trên các thân cây, gồm ba loài phổ biến ở tất cả địa bàn mà chủ yếu là vùng đồng bằng lên đến cao độ không quá 550 mét là rắn vàng C. ornata, rắn thiên đường C. paradisi, rắn cạp C. pelias và hai loài hiếm hơn gồm C. rhodopleuron ở cung hải đảo Molluca nối giữa Philippines với Indonesia và C. taprobanica ở quốc đảo Sri Lanka. Các loài đã được tìm thấy đều không độc nhưng dễ lẫn lộn với nhiều loài rắn độc khác.

Trong các loài rắn bay thì rắn cạp C. pelias có thân hình đẹp nhất và nhỏ nhất với chiều dài ít khi vượt quá 60 cen ti mét. Toàn thân được bao phủ bởi bộ da sặc sỡ với nhiều cạp nong màu đen và trắng xen kẽ những vòng vảy dày cứng màu đỏ và vảy mỏng mềm màu vàng. Loài rắn thiên đường C. paradisi và các phụ loài của nó khá đồng nhất với chiều dài thân trong khoảng 120 cen ti mét, bộ da màu xanh lục nổi trên lưng một dải những hình đài hoa kết bằng các vảy màu đỏ, màu cam và màu vàng. Trong khi đó loài rắn vàng C. ornata có sự biến thái khá nhiều về nơi ở cùng kích thước lẫn màu sắc và hình thù sắp xếp các vảy, nhưng chúng vẫn giữ được nét chung là nền da màu vàng lục có thể nhận rõ từ phía dưới bụng.

Rắn vàng nước ta là phụ loài rắn cườm C. ornata ornata với chiều dài trên dưới 130 cen ti mét. Con vật có đầu xanh lục điểm các lằn đen. Thân màu vàng lục nhạt với vảy trơn bóng viền đen và những vảy toàn đen xếp thành các vạch ngang. Bụng màu xanh lục với các chấm đen kế các vết khía hình chữ V. Rắn cườm sống rất gần gũi với con người nhất là giữa các vườn cây, phía dưới mái tranh hay ẩn nấp đâu đó bên trong ngôi nhà để bắt thằn lằn, rắn mối và các con chuột. Nhưng nơi các đồng hoang, trảng cây hay các bìa rừng cao nguyên như ở Bù Đăng, Bù Đốp thỉnh thoảng người ta bắt gặp những con rắn cườm khổng lồ thuộc về phụ loài C. ornata ornatissima dài hơn 4 mét. Chúng có thể là nhân vật của những câu chuyện dân gian nói về rắn bò vào dưới mái nhà nhả ngọc trả ơn người nằm trên võng.

Từ góc vườn chúng ta có thể quan sát con rắn cườm dài gần 1,5 mét lách qua đám lá trầu trèo lên thân cau. Nó dừng lại rất lâu ở khoảng độ cao 15 mét, nhìn hết bên này bên kia, nhìn lên rồi nhìn xuống như thể tìm kiếm gì đó hay thăm dò sức thổi của ngọn gió. Bổng đuôi nó quấn chặt thân cây, thả mình đung đưa vài lần rồi ngẩng đầu lên và phóng ngay về phía cành mít cách đó khoảng 25 mét, rồi lại tiếp tục lao qua các ngọn cây về phía bìa rừng. Nó thực hiện các động tác thật nhẹ nhàng và rất quen thuộc như thể biểu diễn nhào lộn trên không. Mình dài và tròn, không cánh, các loài rắn bay đã làm nên được điều kỳ diệu mà con người luôn mơ ước và tìm hiểu.

Chúng ta có thể nhận ra con vật đã không lao tới và cắm xuống như một mũi tên mà luôn luôn uốn lượn nhịp nhàng trên một mặt phẳng nằm ngang. Sau khi biết được hướng gió và vị trí con mồi hay điểm đến, con rắn ngóc đầu cao lên nhắm vào mục tiêu, toàn thân dẹp lại nhờ bành cả bộ xương sườn ra, rồi dùng đuôi làm điểm tựa để bắt đầu phóng tới. Từ đó một phần ngắn thân đầu luôn được giữ thẳng theo hướng mục tiêu và tạo thành góc nghiêng lên 25 độ so với phương tới, trong khi phần thân đuôi rất dài uốn éo hình sin đánh thành chữ S bên này bên kia tạo thành thứ cánh vô hình giúp con vật trượt trên đệm khí do nó tạo ra. Đây chính là bí mật giữ kín lâu đời của các loài rắn bay.

Hoàng Việt

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Sếu đầu đỏ về Vườn quốc gia Tràm Chim sau 2...

0
Sau 2 năm vắng bóng, sáng 7-3, bốn cá thể sếu đầu đỏ đã về Vườn quốc gia Tràm Chim, bay lượn và đậu...

Chỉ ăn đạm có giúp giảm cân nhanh sau Tết?

0
(SGTT) - Theo các chuyên gia dinh dưỡng, phương pháp giảm cân chỉ ăn chất đạm như ức gà, thịt bò nạc… có thể...

Số lượt khách đến TPHCM dịp Tết tăng so với năm...

0
(SGTT) - Trong 15 ngày Tết Nguyên đán 2024, có khoảng 3,6 triệu lượt khách đến TPHCM, tăng 5% so với cùng kỳ năm...

Da khô ráp, nổi mụn ồ ạt: Bác sĩ chỉ cách...

0
(SGTT) - Kỳ nghỉ Tết vừa qua, một số chị em phụ nữ có thói quen trang điểm kỹ càng để trông diện mạo...

Nỗi niềm và hy vọng từ sân khấu kịch mùa Tết

0
(KTSG Online) - Nếu diễn viên được xem là linh hồn của các vở diễn thì khán giả chính là người nuôi dưỡng nên...

Mùng 5 Tết, người dân trở lại TPHCM, cửa ngõ miền...

0
(SGTT) - Trong ngày nghỉ cuối của Tết Nguyên đán, nhiều người dân các tỉnh miền Tây Nam bộ trở lại TPHCM làm việc. Trên...

Kết nối