(SGTT) - Giống như da mặt, da đầu cũng cần được “thải độc” để giúp kích thích tuần hoàn máu, loại bỏ các tạp chất và góp phần giúp mái tóc chắc khoẻ.
Detox da đầu là gì?
Theo Bridgette Hill, nhà nghiên cứu về tóc và da đầu, detox da đầu (hay "thải độc" da đầu) là phương pháp giúp tăng cường sức khỏe da đầu. Phương pháp này giúp điều chỉnh quá trình luân chuyển tế bào, giảm viêm, giảm bã nhờn và thúc đẩy lưu lượng máu.
Ngoài ra, Giáo sư, bác sĩ da liễu Janiene Luke tại Đại học Loma Linda (Mỹ), cho rằng detox da đầu bao gồm làm sạch và tẩy da chết (thông qua massage hoặc sử dụng các dụng cụ chuyên dụng) để loại bỏ tế bào da chết, các tạp chất còn sót lại trên da đầu. Bên cạnh thói quen gội đầu, detox da đầu định kỳ sẽ mang lại nhiều lợi ích cho tóc và da đầu của bạn.
Ai cần phải detox da đầu?
Bridgette Hill khuyên dùng phương pháp này với mọi loại tóc, đặc biệt là tóc dày, thô, xoăn hoặc những người thường xuyên tạo kiểu bằng nhiệt. Bên cạnh đó, nó cũng có thể mang lại lợi ích cho những người có da đầu nhờn hoặc đang gặp phải một số vấn đề về tóc như gàu hoặc rụng tóc.
Thực hiện detox da đầu cũng hữu ích trong việc giữ cho da đầu sạch, các nang tóc được thông thoáng, đồng thời hỗ trợ cung cấp môi trường lành mạnh cho tóc tiếp tục chu kỳ phát triển.
Dấu hiệu nào cho thấy bạn cần phải detox da đầu?
Tình trạng bong tróc nhẹ, ngứa hoặc tích tụ các thành phần có thể nhìn thấy bằng mắt... thường là những dấu hiệu cho thấy da đầu của bạn cần được “thải độc”.
Khi da đầu bị ngứa, việc detox da đầu là điều kiện cần làm trước khi muốn loại trừ các nguyên nhân gốc rễ của các phản ứng dị ứng, sự tấn công của vi khuẩn hoặc nhiễm khuẩn.
Nhược điểm của detox da đầu
Mặc dù việc detox da đầu có thể mang lại nhiều lợi ích, nhưng việc thực hiện quá thường xuyên có thể dẫn đến tình trạng khô, gây ra tình trạng tổn thương da. Nếu bạn có các triệu chứng kéo dài như ngứa, bong tróc da hoặc rụng tóc, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân và được điều trị đúng cách.
Việc chọn mua sản phẩm detox không phù hợp, cũng như sử dụng không đúng cách có thể dẫn đến kích ứng, khiến tóc bị mất nước và có ảnh hưởng không tốt đến da đầu. Theo các chuyên gia, những ai đang mắc bất kỳ bệnh lý nào liên quan đến da đầu, đã trải qua các quy trình phục hồi tóc, sử dụng hóa chất, hoặc thậm chí có làn da nhạy cảm cần thận trọng khi detox da đầu. Nguyên nhân là vì quá trình "thải độc" da đầu có thể dẫn đến tình trạng kích ứng nhiều hơn.
Cách an toàn nhất là bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để xác định liệu phương pháp này có phù hợp với bạn hay không.
Một số lưu ý khi detox da đầu
Sau khi detox, hãy tiếp tục bước làm sạch với dầu gội. Lưu ý, chỉ sử dụng dầu gội đầu có độ pH trung tính, không chứa thành phần độc hại như paraben và silicon.
Tiếp đó, bạn có thể cân nhắc một hay nhiều bước dưỡng để chăm sóc tóc sâu hơn. Dầu xả là sự lựa chọn cơ bản nhất. Các chuyên gia khuyên dùng dầu gội và dầu xả cùng loại để tránh những kích ứng không đáng có.
Đồng thời, nên hạn chế sử dụng quá nhiều hóa chất và tác động nhiệt đến tóc. Tóc bị hư tổn do can thiệp bởi nhiệt như bị kéo căng quá mức bình thường, khiến tóc xốp và khó chăm sóc hơn.
Để quá trình detox da đầu thực sự phát huy tác dụng, bạn cần tránh nhuộm tóc - vì tẩy và nhuộm màu có thể làm hỏng đi cấu trúc tóc của bạn. Hơn nữa, vì "thải độc" da đầu là bước chăm sóc có tác động tương đối mạnh, do đó, bạn nên thực hiện mỗi tuần một lần là vừa đủ.
Theo Vogue, Healthline