Chủ Nhật, Tháng Năm 5, 2024

Show giải trí truyền hình tăng nhiệt nhờ nền tảng số

A.I

(SGTT) – Nhờ hoạt động truyền thông, quảng bá trên các nền tảng số, giờ đây các chương trình truyền hình giải trí, gameshow được biết đến và quan tâm nhiều hơn trên các khung giờ vàng. Các show (chương trình) được khán giả yêu thích có xu hướng khai thác nội dung chân thật, chủ đề gần gũi, song gameshow với bản quyền Việt vẫn còn thiếu về cả số lượng lẫn chất lượng.

Giải trí truyền hình “nóng” trở lại nhờ nền tảng số

Lĩnh vực giải trí truyền hình luôn chia thành ba mảng lớn như phim, gameshow, truyền hình thực tế. Từ đầu năm 2024 đến nay, theo ông Nguyễn Minh Triết, Giảng viên ngành Quan hệ Công chúng, trường Đại học Hutech, có kinh nghiệm sản xuất chương trình truyền hình, mảng phim có dấu ấn mạnh mẽ ở khung giờ vàng phim Việt trên VTV đã định hình về chất lượng nhiều năm qua.

Cùng đó là khung giờ “phim Việt đặc sắc” trên HTV gần đây, dù chưa gây tiếng vang nhưng cũng đang dần định hình phong cách và chất riêng. Khán giả có thêm “món ăn” lạ từ truyền hình thực tế, còn gameshow, quanh đi quẩn lại cũng là game âm nhạc và các game tổng hợp thông thường. Tuy nhiên, tất cả vẫn có thể đáp ứng nhu cầu giải trí cho khán giả màn ảnh nhỏ.

Gần đây, các chương trình truyền hình thực tế lấy chủ đề, câu chuyện xoay quanh đề tài gia đình như Mẹ vắng nhà – Ba là siêu nhân hay chương trình Mẹ siêu nhân được Việt hóa từ chương trình gốc nước ngoài, chương trình gameshow ca nhạc Chị đẹp đạp gió rẽ sóng mùa 1… tạo nên sức hút truyền thông và hiệu ứng người xem từ truyền hình đến các nền tảng mạng xã hội liên quan.

Ông Minh Triết cho rằng các chương trình bây giờ rất biết cách tạo sân chơi và tiếp cận mọi đối tượng khán giả ở đa nền tảng chứ không đơn thuần chỉ phát sóng trên ti vi. Theo thống kê từ Kompa, Mẹ siêu nhân lọt top 10 chủ đề hot trên mạng xã hội 2 tuần liên tiếp. Trên kênh Tiktok, chương trình Mẹ vắng nhà – Ba là siêu nhân cũng đạt 1,2 triệu người theo dõi với gần 16 triệu lượt yêu thích các nội dung được giới thiệu lại từ kênh phát sóng chính thức. Chương trình Chị đẹp đạp gió rẽ sóng cũng lọt top trending youtube, thêm hiệu ứng từ những nền tảng số khác.

Đây không phải là xu hướng mà là yếu tố tất yếu buộc các nhà sản xuất phải chuyển đổi, mở rộng phương thức truyền thông, làm nhiều định dạng video ngắn…. “Khán giả xem show là trên truyền hình, nhưng họ “biết” đến show trên các nền tảng mạng xã hội”, ông nói.

Chia sẻ với SGTT Online, ông Võ Thanh Hải, Giám đốc công ty truyền thông Viettel (Viettel Media), chi nhánh tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội, vừa phát sóng chương trình Mẹ vắng nhà – Ba là siêu nhân nhìn nhận nhu cầu giải trí của khán giả đã chuyển dịch từ hình thức giải trí truyền thống (TV – truyền hình) sang hình thức giải trí qua internet, đặc biệt số người có thói quen giải trí bằng điện thoại hoặc các loại hình có tính năng di động như ipad, laptop… ngày càng lớn.

Những gia đình cùng tham gia chương trình Mẹ vắng nhà – Ba là siêu nhân 2024. Ảnh: BTC

Do đó, với chương trình Mẹ vắng nhà – Ba là siêu nhân, đại diện cho biết đơn vị cũng không ngoài cuộc, bên cạnh nội dung phát sóng trên truyền hình có thời lượng từ 55 đến 60 phút/tập, chương trình còn có định dạng video ngắn phát trên các hạ tầng như Facebook, Youtube, Mocha, Tiktok để đảm bảo không giới hạn về thời gian, không gian giải trí đối với khán giả.

Ông Thanh Hải cho rằng thị trường truyền hình nói chung và các chương trình truyền hình thực tế nói riêng đã sôi động trở lại từ năm 2022. Xã hội càng phát triển, cha mẹ càng bận rộn, thời gian dành cho gia đình ngày càng hạn hẹp, chủ đề cuộc sống gia đình có con nhỏ trở nên “ăn khách” hơn, trước tiên là do chương trình về gia đình và trẻ em khan hiếm. Yếu tố thứ 2, chương trình giải trí đề tài gia đình vừa giúp các bậc phụ huynh tìm được tiếng nói chung, thấu cảm chung từ góc độ làm cha mẹ, mở mang kiến thức và kỹ năng nuôi dạy con cái. Song song với đó, lớp khán giả trẻ lại được thỏa mãn với nội dung giải trí mới với sự đáng yêu và biểu cảm dễ thương của các em bé trong chương trình.

Đạo diễn chương trình truyền hình thực tế khác có tên Mẹ siêu nhân, ông Đức Đỗ cũng đồng tình khán giả đang quay ngược lại xem truyền hình và “khát” những gia vị giải trí khác nhau, chẳng hạn đi tìm sự đồng cảm với những nhân vật trên sóng.

Sản xuất “format Việt” còn khó

Ngoài quá trình Việt hóa các hình thức, bản quyền gameshow, chương trình truyền hình nước ngoài cho phù hợp với khán giả trong nước, hành trình sản xuất các nội dung “made in Việt Nam” vẫn còn nhiều khó khăn bởi bài toán làm thế nào thu hút người xem, được đón nhận rộng rãi và câu chuyện doanh thu, lợi nhuận.

Đại diện từ Viettel Media chia sẻ 5 năm gần đây, sự bùng nổ của các chương trình giải trí được mua bản quyền từ nước ngoài khiến cho thị trường gameshow truyền hình sôi động trở lại. Có thể thấy, các chương trình “ngoại” có rất nhiều lợi thế, như kịch bản, khung nội dung đã thành công từ bản gốc, kinh nghiệm sản xuất từ nhà sản xuất nước ngoài, sự đồng hành từ chính những nhân sự trong ekip sản xuất gốc, tiếng vang hay lượng người hâm mộ sở hữu từ những khán giả theo dõi bản gốc, tất cả những yếu tố đó đã làm nên 60% thành công của chương trình.

Tuy nhiên, yếu tố thực tế hay chân thật của việc mua chương trình bản quyền nước ngoài đôi khi còn hạn chế, Việt hóa không khéo léo sẽ tạo cảm giác “xa lạ” đối với khán giả, sáng tạo vượt ra ngoài khuôn khổ lại khiến khán giả so sánh không giống nội dung gốc. Chính vì vậy mua bản quyền và Việt hóa thành công chương trình nước ngoài vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với các đơn vị sản xuất nội dung.

Bên cạnh đó để đầu tư làm một hình thức, khung chương trình mới hoàn toàn không hề dễ dàng vì phải đo lường, phân tích thị hiếu khán giả và cần thời gian chứng minh. Nếu xét về bài toán kinh doanh, nhà sản xuất sẽ tính toán làm sao để hòa vốn nếu mua bản quyền chương trình đã có nền tảng từ trước, thay vì hoàn toản tự thân làm chương trình thuần Việt, dễ gặp rủi ro hoặc cần chi phí lớn hơn rất nhiều.

“Tôi nhìn nhận show thuần Việt hay mua từ nước ngoài đều đang song hành đi lên trên thị trường. Chúng ta có cơ hội tiếp nhận những tinh hoa đã có sẵn và Việt hóa chúng thật tốt để tạo niềm tin cho khán giả Việt chọn xem chương trình Việt”, đạo diễn Đức Đỗ bộc bạch.

Những hình ảnh thực tế trong chương trình Mẹ siêu nhân vừa phát sóng năm 2024. Ảnh: BTC

Ông Nguyễn Minh Triết đánh giá thách thức của gameshow, chương trình thực tế nói riêng vẫn không nằm ngoài khó khăn chung của sản xuất truyền hình, chi phí vận hành lớn nhưng nguồn lực đầu tư ngày càng thu hẹp.

Thực tế, các chương trình khai thác chủ đề gia đình luôn có đất diễn và có cơ hội thu hút tài trợ nên mức độ sản xuất cao hơn các chương trình hướng đến đối tượng khác. Thành công của một chương trình dưới góc độ truyền thông chính là độ nhận biết, bàn luận về nó trên mọi nên tảng, có độ phủ rộng, mức tương tác cao. Bên cạnh đó, dưới góc độ sản xuất thì chương trình phải có lời và có khả năng tiếp tục sản xuất vào những mùa sau.

Ông Trần Đình Phương, Giám đốc sản xuất công ty Truyền thông Bee (Bee Comm) đưa ra ý kiến với các gameshow thuần Việt, khó khăn lớn nhất là việc đầu tư phát triển làm show vừa mang tính xu hướng, vừa đảm bảo các yếu tố gần gũi, phù hợp với khán giả trong nước.

Ở Bee Comm mỗi năm đều tìm kiếm các chương trình quốc tế ăn khách để phục vụ thị hiếu khán giả Việt. Bên cạnh đó, việc luôn lắng nghe những phản hồi từ khán giả truyền hình và khán giả trên mạng xã hội để có những điều chỉnh nội dung, cách thức sản xuất, đáp ứng nhu cầu của khán giả ở tất cả nền tảng luôn được chú trọng.

Hoàng An

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Đưa chất điện ảnh vào phim video thu phí, mở ra...

0
(SGTT) - Phim truyện sản xuất theo loạt (series) với chất lượng cao trình chiếu trên các nền tảng VOD (Video On Demand) đang...

Gameshow nội ngoại sôi nổi hút khán giả qua sóng truyền...

0
(SGTT) - Bên cạnh việc phát sóng trên các nền tảng trực tuyến, các chương trình truyền hình thực tế, gameshow phiên bản mới...

Sôi động gameshow, chương trình truyền hình kết hợp quảng bá...

0
Những năm gần đây, các chương trình truyền hình thực tế, gameshow tổ chức lưu động tại các điểm đến du lịch ngày càng...

World Cup bóng đá nữ 2023 hoàn toàn khác biệt về...

0
Từ việc tách riêng bản quyền truyền hình của các giải đấu nam và nữ, cho tới sự gia tăng đầu tư đáng kể...

Từ 15-8, dán nhãn phân loại chương trình truyền hình giải...

0
Theo Trung tâm thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), từ ngày 15-8, các chương trình truyền hình giải trí, thể thao có...

Phim remake gặp khó tìm ‘đất diễn’ ở Việt Nam

0
Sự phát triển nhanh chóng của các nền tảng xem truyền hình trả phí theo yêu cầu như OTT, VOD đã tạo ra làn...

Kết nối