(SGTTO) – Đọc sách, nấu cho ba mẹ món gà chiên nước mắm, viết dự án online… là những việc mà bạn trẻ đã làm trong những ngày ở nhà mùa dịch Covid-19. Họ gọi đó là một cách sống chậm, tận hưởng cuộc sống trọn vẹn dù sắp tới có khó khăn thế nào.
Nhiều nơi đã cho nhân viên làm việc tại nhà khi có lệnh cách ly xã hội 15 ngày. Không phải chạy đua với nhịp sống hối hả, bạn trẻ đã tạo các thói quen lành mạnh, dành nhiều thời gian cho gia đình, người thân.
Không còn lý do để vội vã
Không phải chiến đấu với chiếc đồng hồ báo thức mỗi sáng, không còn đổ mồ hôi vượt qua những điểm kẹt xe, áp lực đối thoại với cấp trên, đau đầu sắp xếp các cuộc hẹn, nhiều người giờ đây có thể thoải mái hơn về tinh thần.
Chị Nguyễn Nguyên Nhi (24 tuổi, ngụ tại quận Phú Nhuận, TPHCM) bắt đầu tập “sống chậm” từ khi học xong đại học và duy trì cả trong mùa dịch. Theo chị, dịch Covid-19 là dịp những người không cần ra khỏi nhà sẽ dần học được cách sống hài hòa hơn.
Chị Nhi chia sẻ: “Khi có quá nhiều việc phải làm cùng lúc thì chúng ta buộc phải sống nhanh hơn. Tôi làm công việc tự do, linh động ở nhà từ sau khi tốt nghiệp. Khi phải ở nhà thường xuyên, tôi nghĩ rằng bản thân không thể để một ngày trôi qua vô nghĩa nếu chỉ nằm dài”.
Mùa dịch, chị Nhi tận dụng quỹ thời gian làm những việc mình thích mà trước kia chưa có nhiều thời gian làm. Chị đọc nhiều sách, vẽ tranh, vừa xem ti vi vừa đan vòng tay, vừa dọn nhà vừa ngẫm nghĩ cách sắp xếp và những thứ cần mua… “Tôi không đặt mục tiêu để sống chậm. Tôi chỉ cố gắng để mỗi ngày trôi qua không nhàm chán. Tôi muốn sáng tạo thêm từ những thứ có trước mặt, kết hợp các việc làm với nhau”, chị Nhi nói.
Tương tự, anh Đào Lê Tâm An, làm việc tại một công ty khởi nghiệp, cũng cho rằng mùa dịch là cơ hội sống chậm cho những ai phải di chuyển xa để đến nơi làm việc, phải làm việc theo khung thời gian cố định. Vì những ngày này họ có thể sử dụng giờ giấc theo ý muốn, miễn sao vẫn đảm bảo tiến độ công việc.
Bản thân tốt nghiệp ngành tâm lý học nên anh An lý giải: “Sống chậm không nằm ở yếu tố vật lý, mà là ở tâm lý. Mùa dịch này, đa số mọi người đều không tốn thời gian di chuyển, tham gia những cuộc gặp gỡ không cần thiết... Họ sẽ có thêm thời gian đầu tư cho bản thân hoặc suy nghĩ về cuộc sống”. Bản thân anh cũng dành thời gian đọc thêm sách nghiên cứu hoặc sách chuyên khảo liên quan vấn đề anh muốn học sâu hơn trong tương lai.
Còn đối với chị Phạm Diễm (21 tuổi, sinh viên ngụ tại quận 10), mùa dịch khiến quỹ đạo của nhiều người thay đổi, riêng bản thân chị không còn đến trường và đi làm thêm. Chị nhớ lại: “Lúc trước, tôi cảm thấy mọi thứ dồn dập và nhiều lúc rất áp lực. Tôi từng ước mình có nhiều hơn 24 giờ. Giờ đây, tôi có thể tự sắp xếp thời gian sống của mình thoải mái hơn”.
Gia đình gắn bó, tạo nhiều thói quen tốt
Một số thói quen lành mạnh cũng được hình thành để đáp ứng nhu cầu thể chất và tinh thần khi nhiều người phải ở nhà mùa dịch.
Chị Nguyên Nhi cảm thấy gia đình chị gắn bó với nhau nhiều hơn dù dịch bệnh khiến gia đình chị giảm thu nhập. Hiện tại, chị đã chuyển việc dạy kèm tiếng Anh cho học sinh sang dạy online. Chị vẫn nhận các công việc khác như thiết kế, quay vlog cho học viên như khi chưa có dịch.
Chị Nhi nhận thấy có nhiều nơi mở góc sách miễn phí trên mạng nên đã mua máy đọc sách để có thể tranh thủ cơ hội này đọc nhiều sách hơn. Chị có thời gian quan tâm đến gia đình, biết thế nào là làm pizza từ những gói bột mì mà ba chị mua dự trữ… Đặc biệt, chị còn thử làm một số việc mà nếu khi ra đường nhiều không dám làm như… tự cắt kiểu tóc mới.
Chị Nhi chia sẻ: “Thời điểm này, quan trọng là giữ được năng lượng tinh thần đủ mạnh để không rơi vào trạng thái bất an. Và biến mọi thứ thành có ích bằng chính sức lực của mình. Đó là hai điều tôi cố gắng làm được không chỉ thời gian này mà tất cả thời gian khác”. Dịch bệnh cũng giúp chị có góc nhìn mới về nhiều vấn đề như: tinh thần cá nhân của người phương Tây qua cách ứng xử với cộng đồng trong đại dịch; trăn trở về những ngành nghề hiện đại khi dịch bệnh ảnh hưởng đến kinh tế; ý thức cộng đồng…
Còn đối với chị Diễm, những ngày hạn chế đi lại, chị thường sẽ sắp xếp công việc cụ thể theo sổ tay kế hoạch. Việc này giúp chị ý thức những việc cần làm trong ngày, cân bằng giữa làm việc và nghỉ ngơi. Chị bắt đầu ngày mới bằng việc tập yoga, tưới cây, pha thức uống yêu thích cho mình, rồi làm việc.
Đến tối, chị Diễm phụ giúp gia đình nấu cơm, học và chế biến thêm những món ăn mới. “Gần như tôi không còn làm việc sau 18g. Tôi dành toàn thời gian để trò chuyện với mẹ, đọc sách, tập luyện và nói chuyện với bạn bè”, chị kể.
Trong thời gian này, chị Diễm cũng rèn được thói quen ngồi thiền và tập yoga đều đặn mỗi ngày. “Nhờ hiệu ứng tua chậm nhịp sống giữa mùa dịch, tôi đã có thể nhận ra và làm những điều ý nghĩa, giá trị mà ngày thường không hề làm được”, chị nói.
Với anh Tâm An, dịch bệnh Covid-19 là lúc gia đình anh có nhiều thời gian bên nhau, dùng bữa cùng nhau. Buổi sáng, anh dành thời gian viết nội dung, thông tin về hướng nghiệp cho dự án hướng nghiệp online của công ty. Mùa dịch này, học sinh không dự chương trình tư vấn hướng nghiệp trực tiếp, nên anh nghĩ việc mình làm ở nhà sẽ có ích cho các bạn. Buổi chiều, anh dành thời gian phụ giúp mẹ chế biến một vài món ăn đơn giản. Cả nhà anh đặc biệt thích món gà chiên nước mắm, nên anh hay trổ tài làm món này.
Dù không bị ảnh hưởng nhiều về công việc, anh An chia sẻ rằng bản thân vẫn luôn ý thức về việc sống chậm có kỷ luật. Anh nhắc nhở bản thân: "Sống chậm cũng dễ trở thành lười biếng nếu không tự nhắc và tự kiểm soát bản thân mình”. Ngoài ra, sau đại dịch này, anh nhận thấy mình đã nhận ra giá trị của sức khỏe và việc bảo vệ môi trường xung quanh.
Yến Nhi