Thứ Tư, Tháng Chín 18, 2024

Phân lại hạng bằng lái: Đừng gây bất lợi và tốn kém cho người dân

A.I
(SGTT) – Ít nhất 50 triệu người, tức một nửa dân số Việt Nam, sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp từ quy định phân hạng mới đối với giấy phép lái xe. Cơ quan quản lý nhà nước cần cân nhắc giải pháp và lộ trình triển khai sao cho ít gây thiệt hại cho nền kinh tế, tốn kém cho người dân mà vẫn quản lý thuận tiện như yêu cầu đặt ra.

Tại dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ tháng 4-2024, Bộ Công an đề xuất hàng loạt thay đổi về phân hạng giấy phép lái xe. Với cách phân hạng mới, hầu như tất cả các loại bằng lái xe mô tô và ô tô đang phân loại theo Luật Giao thông đường bộ 2008 hiện hành đều thay đổi.

Để tránh phiền phức cho người dân, tốn kém cho nền kinh tế mà vẫn đạt hiệu quả về quản lý nhà nước và hội nhập quốc tế như cơ quan soạn thảo luật đề ra, cần luật hóa các quy định để không thay đổi liên tục gây tốn kém, phiền toái và bảo đảm quyền lợi người dân.

Quy đổi phân hạng bằng lái có khiến người dân bất lợi?

Hai điểm tác động đến nhiều người dân nhất theo cách phân hạng bằng lái mới đều liên quan đến xe mô tô, là nhóm bằng lái có đến vài chục triệu người sử dụng.

Đầu tiên là việc thay đổi được đề xuất là ngưỡng phân khối với hạng A1 từ 175cc xuống chỉ còn 125cc. Kế tiếp là những người đang có bằng lái mô tô không thời hạn loại bằng giấy được “khuyến khích” đổi sang bằng lái nhựa PET theo phân hạng mới sau khi Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực.

Việc phân hạng theo ngưỡng phân khối mới sẽ có thể gây khó cho hàng triệu người đang chạy xe mô tô từ trên 125cc đến 175cc hiện nay. Bằng lái A1 của họ vốn được cấp để chạy xe đến 175cc thì theo luật mới sẽ được quy đổi như thế nào?

Một điểm khác cũng cần cân nhắc là khoảng 5 năm gần đây, các nhà sản xuất xe mô tô đã thiết kế động cơ mới và những dòng xe hai bánh dung tích động cơ 150-160cc hiện rất phổ biến.

Thiết kế động cơ với dung tích dưới 175cc là để phù hợp với phân hạng bằng lái A1 hiện hành. Do vậy, việc thay đổi phân hạng bằng lái nếu không được quy đổi hợp lý sẽ gây khó cho thị trường xe máy vì một lượng lớn xe 150-160cc đã sản xuất sẽ khó tiêu thụ. Đa số người dân chỉ có bằng hạng A1, nếu quy đổi theo phân loại mới thì họ sẽ không được phép điều khiển.

Như vậy, việc thay đổi phân hạng bằng lái, đặc biệt đối với hạng A1 đặt ra vấn đề quy đổi theo phân hạng mới ra sao? Nếu quy đổi theo cách “phiên ngang” A1 thành A1 mới thì người dân sẽ bị thiệt thòi vì rõ ràng theo luật hiện hành họ đã được Nhà nước cho phép lái xe mô tô đến 175cc.

Phải bảo đảm đổi bằng lái là “không bắt buộc”

Theo Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải), hiện có 22 triệu giấy phép lái xe mô tô không thời hạn bằng giấy được cấp từ 1995 đến năm 2012. Với lệ phí đổi mức thấp nhất là 115.000 đồng (theo Thông tư 63/2023/TT-BTC) thì chỉ riêng việc đổi bằng lái giấy sẽ gây tốn kém khoảng 2.500 tỉ đồng, tức tương đương 100 triệu đô la Mỹ.

Ngoài chi phí trực tiếp, việc đổi bằng lái còn có những chi phí ẩn khác là người dân sẽ phải tốn thời gian (chẳng hạn như phải nghỉ làm việc) và chi phí chụp ảnh, in ấn giấy tờ khi làm thủ tục đổi bằng lái. Con số giờ công và chi phí này nhân với hàng chục triệu người sẽ là khoản chi phí không nhỏ chút nào.

Ngoài số 22 triệu bằng lái bằng giấy, đến cuối năm 2023, dữ liệu của Bộ Giao thông Vận tải cho thấy đang quản lý gần 35 triệu giấy phép lái xe bằng nhựa PET theo cách phân hạng bằng lái cũ.

Nếu việc đổi bằng lái mở rộng hơn theo kiểu phải đổi tất cả bằng lái bằng giấy và nhựa PET theo cách phân hạng mới thì nền kinh tế sẽ phải gánh chịu thêm một khoản chi phí khổng lồ hàng ngàn tỉ đồng. Khoản chi phí này dù là người dân hay nhà nước chi trả thông qua hình thức miễn phí cho người dân thì đều là quá tốn kém cho nền kinh tế đất nước.

Việc đổi bằng lái đại trà vẫn có thể xảy ra nếu quy định pháp luật thay đổi từ “khuyến khích” sang “bắt buộc” trong tương lai. Sự lo ngại của người dân xuất phát từ việc khả năng này đã được nhắc đến trong một dự thảo luật này trước đó.

Tại dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ tháng 9-2023 việc đổi giấy phép lái xe giấy sang thẻ nhựa được quy định là “bắt buộc” và chỉ đến dự thảo  tháng 4-2024, việc đổi bằng lái xe này mới được chuyển thành “khuyến khích”.

Dù quy định “khuyến khích” được ghi rõ trong trong dự thảo luật lần này, người dân vẫn có lý do để lo ngại vì việc thay đổi quy định trong luật vẫn có thể diễn ra trong tương lai.

Tiền lệ gần đây nhất là liên quan đến loại giấy tờ thiết thân của người dân: chứng minh nhân dân. Trước đây, khi chuyển từ giấy chứng minh nhân dân (CMND) 9 số bằng giấy sang thẻ căn cước công dân bằng nhựa, Điều 38 Luật Căn cước công dân 2014 quy định: CMND đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định (15 năm kể từ ngày cấp). Chỉ khi nào công dân có nhu cầu thì mới phải đổi trước hạn CMND sang thẻ căn cước công dân.

Tuy nhiên, đến cuối năm 2023, Luật Căn cước công dân được sửa đổi và tại Điều 45 luật này đã bổ sung quy định giấy CMND còn thời hạn sử dụng đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì chỉ được sử dụng đến hết ngày 31-12-2024 (*).

Vì vậy, để bảo đảm quyền lợi người dân và tránh gây tốn kém không cần thiết cho xã hội, cơ quan quản lý nhà nước phải bảo đảm cách quy đổi phân hạng bằng lái không được gây bất lợi cho người dân. Ngoài ra, phải luật hóa quy định về lộ trình, phương thức đổi bằng lái, tránh thay đổi từ “khuyến khích” thành “bắt buộc” trong tương lai có thể dẫn tới lãng phí nguồn lực xã hội.
———————–
(*) https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/chung-minh-nhan-dan-duoc-su-dung-den-khi-nao-119230116221500104.htm

Mục Nhĩ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

33,5 triệu giấy phép lái xe trùng khớp cơ sở dữ...

0
(SGTT) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết đến nay cơ quan này đã hoàn thành việc chia sẻ dữ liệu giấy...

Người dân TPHCM ồ ạt đi đổi bằng lái xe

0
(SGTT) - Ông Ngô Đình Quang, Trưởng phòng Quản lý sát hạch và cấp giấy phép lái xe (thuộc Sở Giao thông Vận tải...

Đề xuất giải pháp khắc phục khó khăn trong đổi giấy...

0
Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Cục Đường bộ rà soát, khắc phục các khó khăn liên quan tới việc đổi giấy phép...
Các loại giấy phép lái xe quốc tế khác (bao gồm giấy phép lái xe quốc tế IAA) sẽ không có giá trị sử dụng tại Việt Nam. Ảnh: PC 08

Các bước đăng ký cấp đổi giấy phép lái xe quốc...

0
(SGTT) - Hiện người dân khi có nhu cầu xin cấp đổi bằng lái quốc tế có thể đến Tổng cục Đường bộ Việt...

Bản tin ngày 15-1: Tại TPHCM, người mới cấp bằng lái...

0
(SGTT) - Sở Giao thông Vận tải TPHCM vừa gửi Bộ Giao thông Vận tải về góp ý sửa đổi bổ sung một số...

Ngày 13-10, thêm 3.461 ca mắc mới Covid-19

0
(SGTT) – Theo thông tin từ bản tin dịch Covid-19 của Bộ Y tế cho biết, hôm nay ngày 13-10, nước ta ghi nhận...

Kết nối