Thứ Tư, Tháng Năm 15, 2024

Những ngày đầu của áo dài tân thời Việt Nam

(SGTT) – Có lẽ những ai đã đọc qua cuốn “Áo dài Lemur và bối cảnh Phong Hóa & Ngày Nay” của tác giả Phạm Thảo Nguyên đều dễ đồng thuận áo dài Lemur đã tạo ra một phong trào đổi mới y phục phụ nữ sâu rộng, là khởi điểm một thời kỳ mới trong lịch sử áo dài phụ nữ Việt Nam. Thời kỳ mới đó gắn liền với một giai đoạn lịch sử lớn của đất nước vào những thập niên đầu thế kỷ 20 – giai đoạn xã hội chuyển mình trong sự va đập dữ dội giữa những giá trị văn hóa cũ và mới, từ ngôn ngữ, văn thơ, báo chí cho đến mỹ thuật.

Vẻ tân thời “nhập vào” hình hài Việt

Trước hết, “lemur” – tiếng Pháp, có nghĩa là “bức tường”. Người vẽ ra những mẫu áo dài mới, hay nói chính xác hơn là người đã cải tiến “vóc dáng” cho chiếc áo dài chính là họa sĩ Lemur Nguyễn Cát Tường (sinh năm 1912 – mất tích năm 1946), một trong số những họa sĩ Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.

Mẫu phục dựng áo dài Lemur.

Ở thập niên 1930 và những năm đầu 1940, trong hơi thở trào phúng của hai tờ báo đình đám Phong Hóa và Ngày Nay(**), việc gắn chữ “lemur” vào tên mình, phải chăng họa sĩ cũng đã trào phúng hóa những tư tưởng sáng tạo của mình khi biết chắc chúng sẽ va phải “bức tường” của những quan niệm cũ? Những thiết kế y phục cách tân của ông, đặc biệt là áo dài Lemur, khi được tờ Phong Hóa thường xuyên giới thiệu trên chuyên mục “Vẻ đẹp riêng tặng các bà các cô” đã như một luồng gió mới thổi vào đời sống xã hội, đánh thức những khao khát làm đẹp nơi bất kỳ phụ nữ nào, đặc biệt là những cô gái trẻ.

Trong bài “Cõi đẹp” viết mở đầu cho cuốn sách nêu trên, tác giả Cao Huy Thuần nhận định áo dài Lemur “là tiếng cười trẻ trung… của những nhan sắc đôi mươi thấy mình đã là bướm, không còn bị giam giữ trong chiếc kén bí hiểm của gia đình, xã hội”. Phải chăng trong “chiếc kén” ấy, một thời gian dài phụ nữ không được cho đi học; phụ nữ phải nhuộm răng đen, mặc quần đen, áo sẫm màu, vấn tóc bằng khăn vải; phụ nữ thường tủi phận vì gần như phải “chôn” đời trong công việc đồng áng hay ở một góc bếp nhà với vô vàn những nỗi niềm buồn, hận, xót xa…?

Cần phải nhắc vào khoảng thập niên 1920, trước khi áo dài Lemur xuất hiện, phong trào cạo răng trắng, mặc quần trắng do các cô vợ Tây và giới gái nhảy khơi mào từng bị bài xích nặng nề. Thế nhưng sau thời gian dài giằng co, sự thay đổi là không thể cưỡng lại bởi các bà các cô thấy mình đẹp hơn nhiều với bộ răng trắng và những chiếc quần trắng. Nhất là khi xã hội lúc này đã có nhiều hơn những phụ nữ đỗ đạt, có địa vị, và họ phải giao tiếp nhiều hơn, cả với những người từ phương Tây đến.

Năm 1934, đến lượt áo dài Lemur. Có thể nói đó là lần thứ hai y phục phụ nữ được cải cách mạnh mẽ. Nói mạnh mẽ là bởi Lemur Nguyễn Cát Tường quan niệm quần áo “như tấm gương phản chiếu trình độ trí thức”, “có vẻ mỹ thuật lịch sự”, “nhưng dù thế nào, nó cũng phải có cái tính cách riêng của nước nhà…, có một vẻ riêng để người khác khỏi nhầm các bạn với phụ nữ nước ngoài, như nước Tàu, nước Pháp, nước Nhật Bản chẳng hạn” (trên Phong Hóa số 86, năm 1934). Và thế là, áo dài tân thời Lemur xuất hiện cùng những bước cải tiến để “nhập vào hình hài Việt Nam một cách hài hòa”, theo Cao Huy Thuần.

Những mẫu áo dài Lemur của họa sĩ Nguyễn Cát Tường.

Tân thời như thế nào?

Đầu tiên, Lemur Cát Tường sáng tạo đa dạng kiểu cổ tay áo (kiểu trái tim, đuôi tôm, thắt ôm cổ tay…). Rồi ông “bỏ cổ áo cao đi, đừng theo Tàu nữa!” để thay thế bằng nhiều kiểu cổ áo mở rộng như cổ bẻ, cổ viền, cổ đính đăng ten, cổ hình trái tim… Từ chiếc áo dài kiểu xưa có thân áo rộng và thẳng, ông bắt đầu nhấn nhẹ cho eo áo nhỏ lại để có sự phân biệt giữa phần ngực và phần bụng. Áo trông gọn hơn nhưng vẫn kín đáo, rộng rãi (chứ chưa ôm sát thân thể như về sau này) và điểm chia tách hai tà trước và sau vẫn được ông giữ nằm trễ ở bên dưới eo như áo xưa, thế nhưng cũng đã gặp lắm điều tiếng, bởi lần đầu tiên, vẻ đẹp theo tinh thần mỹ thuật Âu Tây đã được đưa vào y phục phụ nữ Việt Nam.

Rồi để khắc phục phần vải thừa đùn lại ở nách áo, ông bắt đầu cho cắt rời phần tay áo để ráp lại với thân áo nơi vai (như tay áo chemise), hoặc nối xéo từ cổ thẳng tới nách (tay raglan). Sự cải tiến này khiến phần ngực và vai áo trở nên phẳng phiu hơn trước nhiều.

Nhưng có thể nói, ý tưởng cải tiến mang tính đột phá lại nằm ở chiếc quần đi cùng với tà áo. Lemur Cát Tường đã thay đổi cái cạp quần dúm dó kiểu giải rút sang những kiểu cạp ôm theo phần bụng, mở ra ở giữa và cài khuy như quần đàn ông. Tân thời hơn nữa, ông cho thu hẹp ống quần – phần từ cạp quần xuống đến đầu gối – rồi từ gối xuống dưới lại dần xòe ra thành “quần ống loe”. Rõ ràng, cho mãi đến tận ngày nay, những ai có kinh nghiệm mặc áo dài đều cảm nhận được sự cộng hưởng kỳ diệu giữa các kiểu quần ống loe che phủ đôi giày cao gót với những tà áo dài hàng lụa mỏng, làm tôn tạo vẻ yểu điệu, uyển chuyển trong dáng điệu của phụ nữ.

Còn một điều không thể không nhắc tới trong quá trình hoàn thiện vẻ đẹp cho chiếc áo dài Lemur đó là việc thay áo lót từ tấm yếm che ngang sang corset – một loại nịt ngực du nhập từ Pháp giúp nâng ngực cho đứng và cao lên. Ở thập niên 1930, hàng corset nhập không có nhiều và giá rất đắt, chỉ những người thật giàu sang mới dùng. Và cũng lại là Lemur Cát Tường, chính ông đã đề nghị một người bạn có xưởng dệt nghiên cứu làm thêm loại áo lót này để rồi chỉ khoảng hơn một năm sau, nhiều loại corset nội hóa được bán khắp nơi, từ các hiệu may âu phục cho đến các sạp hàng ở chợ.

Hành trình hoàn thiện

Việc mặc y phục Lemur nhanh chóng nổi lên thành trào lưu ở nhiều nơi bất chấp vẫn có những “lời ong tiếng ve”. Nếu có người cho rằng “Cát Tường biết gây ra phong trào hợp với sở vọng ngầm của chị em”(***) thì cũng không thiếu các cụ theo Nho học cho là “phong hóa suy đồi”. Không thiếu những gia đình cổ điển cấm con gái mặc áo tân thời, tương tự như trước đó đã từng cấm đọc tiểu thuyết vậy. Song điều được ghi nhận là phong trào này lại do giới nữ lưu trí thức Hà thành dẫn đầu, từ những phụ nữ Tây học, có chức vị, các nghệ sĩ, các bác sĩ, luật sư rồi đến cả các cô giáo và nữ sinh… Bóng dáng tà áo dài tân thời cũng rất nhanh chóng đi vào Thơ Mới và Tân Nhạc.

Họa sĩ Nguyễn Cát Tường

Về phần mình, ngay từ năm 1935, Lemur Cát Tường bắt đầu một chuyến hành trình xuyên Việt giới thiệu áo dài tân thời Lemur và được đón nhận nồng nhiệt. Thiết tưởng không thể không nhắc chuyện khi họa sĩ đến Huế thì được hoàng cung nhà Nguyễn mời thiết kế cho hoàng hậu Nam Phương cả tủ áo dài Lemur. Vào tới Hội An cổ kính, ông vẽ thêm nhiều kiểu áo nữa. Và với chuyến thăm miền Nam, họa sĩ đã thiết kế nhiều kiểu áo cho nghệ sĩ cải lương Phùng Há cùng những nghệ sĩ khác. Việc mở rộng thị trường đã tạo ra hơn hai mươi đại lý hàng y phục Lemur (ngoài thiết kế áo dài, họa sĩ Cát Tường còn thiết kế áo khoác, áo nịt ngực, bao tay, nhiều kiểu mũ, giày, guốc…), có cả ở Phnôm Pênh.

Việc thay đổi cách ăn mặc của các bà các cô mỗi ngày một đi xa hơn. Tác giả Phạm Thảo Nguyên ghi lại rằng bà “đã thấy áo Lemur cổ lọ, tay bồng với quần cài khuy, ống rộng bay phấp phới tại Sài Gòn vào năm 1955”. Theo bà, áo dài Lemur đã tạo ra một phong trào đổi mới y phục phụ nữ sâu rộng và còn ảnh hưởng tới ngày nay. Năm 2013, trong “Đại tự điển” (Đông Kinh, Nhật), Nguyễn Cát Tường được nhắc tới là một họa sĩ Việt Nam đã “khởi xướng việc cách tân y phục phụ nữ truyền thống của dân tộc. Những kiểu áo dài ông nghĩ ra có ảnh hưởng lớn đến lối thiết kế áo dài hiện tại”.

Thời trang là sự quay vòng…Tại sự kiện ra mắt Viện Nghiên cứu Trang phục Việt Nam hồi tháng 10-2019, nhà thiết kế thời trang Lê Sĩ Hoàng đã giới thiệu bộ sưu tập “Áo dài Sắc Lemur” lấy cảm hứng từ “ngai vàng cõi đẹp của Lemur Nguyễn Cát Tường” (theo cách nói của nhà thiết kế) kết hợp khuynh hướng thích diện váy đầm của phụ nữ hiện nay. Sĩ Hoàng cho biết trong những tháng cuối năm 2019, ông đã có khá nhiều khách đặt hàng các kiểu áo dài Sắc Lemur. “Nếu nhìn thời trang là một sự quay vòng có tính chu kỳ, tôi và những khách hàng của tôi có quyền kỳ vọng về một mùa áo dài Lemur mới nhất sẽ xuất hiện vào dịp Tết Canh Tý năm nay”, ông nói.

Một mẫu áo dài Sắc Lemur 2019 của Lê Sĩ Hoàng.

 


(*) Dựa theo cuốn “Áo dài Lemur và bối cảnh Phong Hóa và Ngày Nay”, 2019, NXB Hồng Đức liên kết với Công ty TNHH Văn hóa Khai Tâm. Hầu hết tài liệu phục vụ cho việc biên khảo cuốn sách này do gia đình của họa sĩ Lemur Nguyễn Cát Tường cung cấp và từ công trình sưu tầm hai bộ báo Phong Hóa và Ngày Nay của tác giả.

(**) Hai tờ báo Phong Hóa và Ngày Nay xuất hiện ở thập niên 1930 “là hai mũi dùi bén nhọn nhất trong chiến trận giữa cũ và mới”, theo Cao Huy Thuần (trong “Áo dài Lemur và bối cảnh Phong Hóa và Ngày Nay”).

(***) Theo Phan Thị Nga, trên Ngày Nay, số 6, ngày 20-3-1935 (trong “Áo dài Lemur và bối cảnh Phong Hóa và Ngày Nay”).

Thanh Phương

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Có những start-up lãng mạn

0
(SGTT) - Xuất hiện khoảng mươi năm trước, nhưng phải đến những năm gần đây, phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam mới phát...

Thú thưởng trà của người trẻ

0
(SGTT) - Những ngỡ trà sẽ bị lu mờ bên cạnh những loại nước uống có ga, bật lon kêu tanh tách của cuộc...

Tắm rừng và sự chữa lành

0
(SGTT) - New Zealand nổi tiếng với chương trình “đơn thuốc xanh”. Người Mỹ có hơn 150 dự án “đơn thuốc công viên”, người...

Cổng thiên đường ở Alhambra

0
(SGTT) - Bây giờ nghĩ lại, hành trình đến với “cổng thiên đường” của tôi bắt đầu từ những nguyên nhân rất đời thường....

Đắk Nông – 3 tuyến du lịch trải nghiệm không thể...

0
(SGTT) - Công viên Địa chất Đắk Nông được định hướng trở thành “Xứ sở của những âm điệu”, nơi hội tụ những thanh...

Công viên địa chất Đắk Nông – điểm đến mới năm...

0
(SGTT) - Tháng 10-2019, Công viên địa chất Đắk Nông được Mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu (Global Geoparks Network) đề cử...

Kết nối