(SGTT) – Bây giờ nghĩ lại, hành trình đến với “cổng thiên đường” của tôi bắt đầu từ những nguyên nhân rất đời thường. Tôi quả thực đến Granada để thăm Alhambra vì đã đọc ở đâu đó rằng nơi đây có lượng khách tham quan hàng đầu trong nhiều di tích lịch sử rất nổi tiếng ở Tây Ban Nha. Ý tưởng hình thành chuyến đi chắc còn bị kích động bởi việc phải đăng ký vé tham quan trước nhiều tuần dù Granada chỉ là thành phố nhỏ trong góc khuất gần Địa Trung Hải…

Nhưng thú thực, nguyên nhân chính phải là vì bộ phim Ký ức Alhambra với chàng diễn viên Hàn Quốc điển trai Hyun Bin vốn làm mưa làm gió trong lòng người hâm mộ nhiều tháng trước.

Một góc cung điện Nasrid.

Tuy vậy, khi vừa đặt chân đến Granada, nhìn toàn cảnh thành phố từ cửa sổ khách sạn, tôi mới bắt đầu cảm nhận sức cuốn hút của pháo đài Alhambra.  Trong đêm, Alhambra – tọa lạc ngay đỉnh một ngọn đồi giữa thành phố – nổi lên trên nền trời màu đèn vàng huyền hoặc. Và kể từ đó đến khi rời khỏi thành phố, cảm xúc của tôi cứ bị “tung hứng”, lúc nhẹ nhàng, lúc mãnh liệt, lúc thỏa mãn, lúc thâm trầm…

Cung điện Nasrid với kiến trúc Hồi giáo điển hình.

Không biết ai khéo tạo con đường dốc nhỏ bé ngoằn nghèo hai cây số từ Plaza Nueva, quảng trường ở trung tâm Granada, dẫn lên Alhambra. Bất cứ ai khi bắt đầu rảo bước vào đầu đường chắc luôn mang trong lòng niềm hứng khởi được đến với một kỳ quan kiến trúc. Nhưng con đường dốc với nhiều ngõ rẽ quanh co như cố trì kéo bước chân lữ khách để bắt họ phải rảo mắt nhìn xung quanh và niềm hứng khởi bắt đầu chuyển biến thành những suy nghĩ hoài niệm xa xôi.

Hoa văn cổ xưa nơi “cổng thiên đường”.

Những tảng đá nằm dưới tán cây, những ngôi nhà cổ vài trăm năm tuổi san sát nhau mang phong cách Tây Ban Nha cổ điển sinh động, vẫn không khỏa lấp được tiếng thở dài còn phảng phất đâu đó của người Moor (tên gọi của người Hồi giáo trên vùng đất bán đảo Iberia). Cứ như vậy khi đến đoạn cuối con đường để bước vào lãnh địa Alhambra, du khách bất giác bâng khuâng trước sự trớ trêu và đôi khi lạnh lùng của thời gian.

Đặt chân đến thiên đường
Nếu đã đến đây đừng vội vã rời đi, hãy ngồi lại mà ngẫm việc đời…

Người Hồi giáo từ Bắc Phi đã xâm chiếm khu vực này từ khoảng thế kỷ thứ 6. Vào thời kỳ đỉnh cao phát triển, các vương quốc Hồi giáo đã chiếm một diện tích lớn trên bán đảo Iberia (Tây ban Nha và Bồ Đào Nha ngày nay). Một lối sống Hồi giáo pha trộn bản sắc địa phương đã tạo nên một nền văn minh đặc trưng rực rỡ của cộng đồng người Moor. Granada thời ấy trở thành một trong những thành phố quan trọng bậc nhất trong khu vực. Alhambra (có nghĩa là thành trì màu đỏ) đã ra đời vào thời điểm này. Thoạt đầu đó là một thành nhỏ, sau lớn dần qua năm tháng để trở thành pháo đài. Rồi khoảng giữa thế kỷ 13, quốc vương Mohammed ibn Yusu đã cho tiến hành xây kiệt tác quần thể cung điện Nasrid để làm nơi ở của gia đình hoàng tộc và cũng là nơi làm việc của bộ máy nhà nước.

Lịch sử chép rằng công cuộc chinh phục bán đảo Iberia (Tây Ban Nha) của người Hồi giáo để dựng xây và khẳng định dấu ấn như một nền văn minh lớn ở châu Âu đã trải qua nhiều năm tháng thắm đượm mồ hôi, nước mắt và máu. Và rồi sự lụi tàn của cộng đồng người Moor trước đợt phản công của văn minh Thiên Chúa giáo cũng thấm đầy những bạo lực và đắng cay.

Vương quốc Hồi giáo này cứ thu hẹp dần. Có nhiều áng thơ khóc than cho sự tàn lụi và trong đó từ lặp đi lặp lại nhiều nhất vẫn là Granada – Alhambra… Tại sao cứ phải là như vậy? Bởi Granada là cứ điểm cuối cùng của nền văn minh bị vùi dập đó và kiệt tác pháo đài – cung điện Alhambra là cứ điểm cuối cùng của Granada…

Tôi bước vào cổng với tấm vé trị giá 15 euro phải mua trước vài tuần, bên trên có ghi tên tuổi và số hộ chiếu của người mua cùng với ngày giờ tham quan được ấn định trước. Người soát vé kiểm tra và đưa cho tôi tấm bản đồ hướng dẫn cách đi. Alhambra là quần thể khổng lồ với tổng diện tích hơn 140.000 mét vuông, nếu không được chỉ dẫn có thể đi lạc. Bên trong quần thể này có những công trình quan trọng như thành Alcazaba, cung điện Nasrid, cung điện Charles V,  vườn Generalife…

“Nếu mảnh đất dưới chân tôi gọi là tiên cảnh thì Alhambra là gì đây? Thiên đường?” – Lope De Vega (nhà văn Tây Ban Nha thế kỷ 16)

Tuyệt tác chính là cung điện Nasrid với kiến trúc Hồi giáo điển hình. Bên trong, những bức phù điêu trang trí trừu tượng phủ khắp các tòa nhà Sư tử, tòa nhà Đại sứ, sân vườn Lindaja… đủ sức cạnh tranh với bất kỳ công trình mỹ thuật Hồi giáo nổi tiếng nào trên thế giới. Những vạch thẳng ngang dọc, những đường cong lên xuống trên nền màu vàng nhạt đặc trưng khi nghiêng về sắc lục, lúc sắc đỏ đủ làm mọi người quên đi nỗi bực dọc vì phải xếp hàng chờ đợi để được vào đây, đủ làm mọi ngươi dễ tha thứ cho hàng đoàn du khách chen chúc hối thúc sau lưng để lựa một góc ảnh ưng ý. Hòa lẫn vào những đường nét trang trí là vô số những bài thơ ca ngợi Alhambra được trình bày khéo léo, tất cả tạo ra một không gian siêu thực.

Nấc thang xuống hạ giới

Nếu Nasrid là trời, thì Generalife bên cạnh là nấc thang để bước từ thiên đường xuống hạ giới. Tất nhiên, Generalife là khu vườn rất đẹp, nhiều cây xanh, hoa trái được bố trí hài hòa. Nhưng nét đặc biệt của Generalife là cách bố trí cho du khách khi đứng trên đỉnh đồi, giữa cỏ cây xanh tươi, thơm dịu có thể nhìn xuống toàn bộ thành phố bên dưới với đầy đủ bức tranh xã hội trần tục hạnh phúc, ngọt ngào, đắng cay và đau khổ. Nếu đã đến đây đừng vội vã rời đi, hãy ngồi lại mà ngẫm việc đời.

Điểm đến sau Generalife nhất định phải là thành Alcazaba. Chỉ là những tường đá khổng lồ còn sót lại, nhưng chắc rằng ai đứng trên đó cũng dễ liên tưởng đến những thanh kiếm vung lên, đầu rơi, máu chảy… Và rồi, chúng ta chợt nghĩ lại, cũng là điều tự nhiên thôi khi thiên đường nào cũng có sự tham vọng và tranh giành lợi ích và quyền lực. Mà đã là tranh giành thì có người được, kẻ thua. Hôm nay ta là người thắng trận, ngày mai ta có thể bị diệt vong. Nếu ai còn mơ hồ cho suy nghĩ đó thì cung điện Charles V không xa đó là minh chứng hùng hồn.

Sau khi đánh đuổi được các quốc vương Hồi giáo Moor, nhiều đời vua theo đạo Thiên Chúa đã phá bỏ hàng loạt công trình ở Alhambra trong đó có cả một phần tuyệt tác Nasrid để xây các công trình ghi dấu ấn cho sự phục hưng châu Âu. Cung điện Charles V đã ra đời như vậy. Kiến trúc đẹp với khoảng sân tròn độc đáo đáng để được chiêm ngưỡng với sự trầm trồ thán phục. Nhưng sứ mệnh quan trọng nhất mà cung điện này gánh vác khá nặng nề: kể lại bài học lịch sử về hưng thịnh và suy tàn cho hậu thế. Tôi tin chắc là Charles V đã thành công.

Từ cổng soát vé để đến được các di tích bên trong Alhambra, du khách phải đi qua một một con đường ngoằn nghèo ngoạn mục giữa cây cỏ xanh ngát dài cả cây số. Không biết ban quản lý có ẩn ý gì khi bắt du khách phải đi bộ một quãng đường dài, phải chăng là để mọi người có cơ hội hồi tưởng về những con đường mà vua Hồi giáo đã đi khi phải chia tay “thiên đường” của mình.

Lịch sử còn ghi rõ ngày 2-1-1492, Muhamed XII, vị vua cuối cùng của triều đại Hồi giáo Moor ở bán đảo Iberia, đã đầu hàng và chính thức trao Alhambra lại cho quân đội Thiên Chúa giáo. Ngày ấy Muhamed XII ăn vận chỉn chu, lên ngựa cùng mẹ của ông và đoàn tùy tùng khoảng 100 người đi dạo một vòng để nhìn Alhambra lần cuối. Theo truyền thuyết ông đã nói với đại diện đội quân chiến thắng rằng “tôi trao cho các ông chiếc chìa khóa vào Thiên đường” và sau đó gạt nước mắt ra đi không một lần quay đầu lại.

Tôi ngồi nghỉ dưới tàn cây lớn trong một góc vắng hiếm hoi của Alhambra với đôi chân mỏi nhừ sau nhiều giờ lang thang và đầu óc lẫn lộn nhiều cảm xúc. Ngước mắt nhìn bầu trời xanh thẳm không gợn chút mây, tôi thoáng buồn cười với cái suy nghĩ phải chăng mình đang ở cánh cổng để lên Thiên đường bên trên ấy như Muhamed XII đã nói.

Lúc ấy, bất chợt tai nghe giai điệu ghi-ta êm dịu nhưng dữ dội của bài Hồi ức về Alhambra (Recuedos de Alhambra) bất tử của Francisco Tarrega. Giai điệu từ chiếc máy nghe nhạc của người đàn ông da trắng to béo lững thững ngang qua với đôi mắt nhìn xa xăm như không cần quan tâm đến ai. Tiếng đàn làm bao nhiêu hồi ức tuổi thơ của tôi kéo về. Dường như ở giữa không gian Alhambra này, chỉ cần một tác động nhỏ là bao nhiêu đoạn đời đã qua cứ thế tự nhiên tràn về, những hỉ nộ ái ố của ước mơ và hành động hòa quyện vào nhau. Tôi chợt hiều rằng không gian kỳ diệu ở Alhambra này đã giúp tôi, người đàn ông da trắng lững thững nghe nhạc, nhà soạn nhạc vĩ đại Tarrega tìm thấy cánh cổng thiên đường của chính tâm hồn mình.

Một ngày nào đó tôi sẽ quay lại Alhambra để chạm tay vào cánh cổng thiên đường lần nữa… Còn bạn?

Thủy Triều

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây