(SGTT) – Trong khi da khô là một loại da đặc trưng bởi sự thiếu sản xuất bã nhờn thì da mất nước là trạng thái tạm thời do thiếu nước trong da. Nếu bạn không chắc chắn làm thế nào để biết da mình bị mất nước hay khô, hãy tham khảo bài viết dưới đây để tìm hiểu về các dấu hiệu chính của da mất nước và da khô cùng với các mẹo để xây dựng thói quen chăm sóc da, hỗ trợ hàng rào bảo vệ da và quản lý từng vấn đề về da đúng cách.
- Cách chăm sóc và bảo vệ da khỏi chất tẩy trong bể bơi
- Phân lại hạng bằng lái: Đừng gây bất lợi và tốn kém cho người dân
Da khô
Da khô là một trong năm loại da chính (những loại khác là da dầu, da thường, da hỗn hợp và da nhạy cảm). Loại da này được đặc trưng bởi da sản xuất ít bã nhờn hơn da thường hoặc da dầu. Di truyền thường là nguyên nhân gây khô da nhưng nó cũng có thể trở nên nghiêm trọng hơn bởi các yếu tố bên trong và bên ngoài khác nhau bao gồm khí hậu lạnh hoặc khô, một số phương pháp điều trị y tế, tắm nước quá nóng, các sản phẩm chăm sóc da có chứa thành phần gây khô da và quá trình lão hóa tự nhiên.
Khô da là tình trạng phổ biến đối với hầu hết mọi người. Bạn có thể nhận thấy làn da của mình trở nên khô hơn theo tuổi tác vì khả năng sản xuất bã nhờn của da sẽ giảm dần theo thời gian (đặc biệt là sau 40 tuổi).
Dấu hiệu khô da
Bởi vì da khô luôn sản xuất ít bã nhờn hơn các loại khác nên da có thể xuất hiện dấu hiệu xỉn màu, cảm giác khô căng và khó chịu. Da khô cũng dễ bị nứt nẻ hơn. Theo Mayo Clinic, khi không được chăm sóc đúng cách, da khô thậm chí có thể bị nhạy cảm và gặp các vấn đề nghiêm trọng như bệnh chàm và bệnh vẩy nến. Các dấu hiệu khác của da khô bao gồm:
- Bề mặt da thô ráp, có cảm giác căng chặt
- Da khô ngứa
- Các nếp nhăn rõ rệt hơn
- Đóng vảy, thậm chí là bong tróc
Da mất nước
Da mất nước là một tình trạng tạm thời thường bị nhầm lẫn với da khô. Da khỏe mạnh chứa khoảng 30% nước, rất cần thiết để duy trì độ đàn hồi, sức mạnh và độ căng mọng của da. Nhưng khi làn da của bạn mất nhiều nước hơn lượng nước nạp vào, nó có thể trở nên khô sần.
Ngoài việc không uống đủ nước, tình trạng mất nước cũng có thể xảy ra do một số lý do bao gồm đổ mồ hôi quá nhiều, tăng tiết mồ hôi, tiêu chảy, sốt cao, cháy nắng hoặc say nắng, bệnh tiểu đường hay sử dụng các loại thuốc gây mất cân bằng chất lỏng, chẳng hạn như thuốc kháng histamin hoặc thuốc nhuận tràng.
Làm thế nào để nhận biết làn da đang bị mất nước
Thông thường, các dấu hiệu của da mất nước tương tự như da khô. Nó có thể căng, thô ráp và cũng có thể trông xỉn màu. Tuy nhiên, da mất nước là một tình trạng da tạm thời chứ không phải là một loại da. Da mất nước có thể khiến bạn cảm thấy cả cảm giác nhờn và khô cùng một lúc. Các nếp nhăn cũng rõ ràng hơn trên nền da mất nước, đó là lý do tại sao da mất nước đôi khi cũng bị nhầm lẫn với lão hóa da sớm.
Với làn da mất nước, bạn có thể nhận thấy rằng da của bạn trông thiếu sức sống, không đều màu và quầng thâm dưới mắt sẫm màu hơn. Bạn cũng có thể quan sát thấy các dấu hiệu mất nước đến và đi tùy thuộc vào hoạt động, mùa, thay đổi lối sống hay thậm chí là đến từ một loại mỹ phẩm hoặc sản phẩm chăm sóc da.
Mẹo: Thử nghiệm độ đàn hồi của da để kiểm tra độ ẩm. Dùng 2 ngón tay véo nhẹ một phần da ở mu bàn tay hoặc má. Giữ trong vài giây và thả ra. Nếu da nhanh chóng trở lại bình thường, đó là dấu hiệu da bạn đã đủ nước. Nếu mất nhiều thời gian hơn, bạn có thể đang bị mất nước. Theo trang thông tin sức khỏe MedlinePlus, căng da là dấu hiệu mất nước. Da với độ căng bình thường sẽ nhanh chóng phục hồi trạng thái ban đầu. Trong khi da có độ căng kém cần có thời gian để trở lại bình thường.
Điều trị tại nhà cho da mất nước và da khô
Da mất nước
Bạn sẽ bị mất nước khi không có đủ nước trong cơ thể. Vì vậy, cách tốt nhất để điều trị da mất nước tại nhà là uống nhiều nước hơn (bạn cũng có thể thử bổ sung thêm nước điện giải). Ngoài ra, bạn cũng nên thoa kem dưỡng ẩm gốc nước để làm giảm những tổn thương hiện có trên da.
Da khô
Phương pháp chính để điều trị da khô tại nhà là sử dụng kem dưỡng ẩm, chất làm mềm hoặc kem dưỡng da. Một số nguyên liệu thô có thể giúp làm mềm da như dầu dừa (thoa lên những vùng da khô để tăng thêm độ ẩm).
Phòng ngừa
Hầu hết các phương pháp phòng ngừa da mất nước đều tập trung vào việc duy trì các điều kiện bên trong cơ thể, trong khi việc ngăn ngừa da khô tập trung nhiều hơn vào các yếu tố bên ngoài.
Da mất nước
Giữ nước có thể giúp ngăn ngừa da bị mất nước. Ngoài việc uống nước thường xuyên, bạn có thể giảm thiểu nguy cơ da bị mất nước bằng cách hạn chế rượu và caffeine, ngủ đủ giấc và bổ sung thực phẩm giàu chất dưỡng ẩm.
Da khô
Da khô có thể bị nứt nẻ, nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến nhiễm trùng. Do đó, thoa kem kháng khuẩn lên những vùng tiếp xúc nhiều có thể làm giảm nguy cơ này. Các phương pháp ngăn ngừa khô da bao gồm:
- Giảm tần suất và thời gian tắm
- Tắm bằng nước ấm thay vì nước nóng
- Sử dụng sữa rửa mặt, sữa tắm dịu nhẹ, lành tính
- Thoa kem dưỡng ẩm hoặc chất làm mềm da ngay sau khi tắm
Theo Medical News Today và CeraVe