Thứ bảy, Tháng mười hai 7, 2024

Tắm rừng và sự chữa lành

(SGTT) - New Zealand nổi tiếng với chương trình “đơn thuốc xanh”. Người Mỹ có hơn 150 dự án “đơn thuốc công viên”, người Anh kêu gọi trích ngân sách để người dân tiếp cận với thiên nhiên. Hàn Quốc chi 14 triệu đô la Mỹ xây dựng liệu pháp rừng quốc gia, mở từ trường mẫu giáo, lớp học tiền sản tới dịch vụ mai táng để kiến tạo “quốc gia xanh thịnh vượng”. Còn ở Việt Nam, chúng tôi bắt đầu rủ nhau đi núi để chữa trị các vấn đề của mình.

“Tắm rừng” không có nghĩa là tắm trong rừng hay buộc phải đi bộ, chạy bộ. Chỉ cần đắm mình trong thiên nhiên của rừng, mở các giác quan thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác và xúc giác để cảm nhận, kết nối với thiên nhiên, đó là bạn đã tắm rừng.

Đi để nỗi buồn, cơn đau rụng xuống
Chỉ cần đắm mình trong thiên nhiên của rừng, mở các giác quan thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác và xúc giác để cảm nhận, kết nối với thiên nhiên, đó là bạn đã tắm rừng.

Nếu hỏi Saba (tên thường gọi của hướng dẫn viên Ngô Lâm Anh) đã đi qua bao nhiêu cánh rừng, chắc chắn anh không đếm nổi. Không chỉ rừng trong nước, hộ chiếu của anh chi chít dấu thị thực và không một chuyến xuất ngoại nào anh không trực chỉ hướng đến các khu rừng, các ngọn núi. Ở tuổi 42 với mái tóc bạc gần hết, Saba đang ở gần với phía mùa thu của cuộc đời... Và anh đi lên rừng lên núi vì sức khỏe của mình.

“Năm 2016, tôi gặp một cơn bạo bệnh. Lúc đó tôi đã là trưởng nhóm kỳ cựu của cung trekking Tà Năng - Phan Dũng. Tôi lo rằng mình không thể phục hồi để theo đuổi tiếp niềm đam mê dã ngoại. Rất may mắn tôi qua khỏi và tiếp tục tập luyện để quay lại các cung đường. Tôi chạy bộ, đạp xe, vận động thể lực mỗi ngày”, đó là một phần lá thư Saba gửi đi để được tham gia đoàn chinh phục những ngọn núi cao nhất thế giới.

Tắm rừng là một môn khoa học và nghệ thuật xuất phát từ Nhật Bản và nay phổ biến toàn thế giới. Tắm rừng giúp kết nối con người và thiên nhiên, chữa lành các bệnh lý.

Nhiều năm nay, mỗi cuối tuần, Saba đều dẫn một đoàn người đi khám phá núi rừng. Anh nói: “Tôi mong truyền được sự đam mê hoạt động vận động, yêu thiên nhiên, bảo vệ môi trường cho lớp trẻ. Vì các nghiên cứu cho thấy hoạt động trong thiên nhiên giúp cải thiện sức khỏe và tránh các căn bệnh văn phòng thường gặp như tim mạch, xương khớp...”.

Saba chưa phải người duy nhất “vịn” vào những chuyến leo núi, xuyên rừng. Trong chuyến đi bộ vượt 20 cây số đường rừng khu vực Nam Cát Tiên, tôi đã bất ngờ phát hiện trong đoàn hơn 10 người, đa số là phụ nữ, trẻ em, cũng đều là những người bệnh hiểm nghèo. Họ tìm tới những cung đường cỏ cây thiên nhiên hoang sơ để chữa lành vấn đề của mình.

Ví dụ, phía sau cái dáng nặng nề của người phụ nữ nặng ký nhất đoàn kia (gần 70 ký) là cả một hành trình gần mười năm chống chọi bệnh ung thư vòm họng, chống chọi cơn trầm cảm hậu ly hôn. Một cô gái khác luôn bị bỏ lại cuối đoàn vì quá yếu ớt. Những đoạn dốc, tôi phải kéo em lên, rất vất vả.

Sau đó, em mới cho tôi biết em đang mắc bệnh ung thư ngực ở giai đoạn nguy hiểm. Cùng với việc dùng thuốc, em tìm tới rừng vì lợi ích sức khỏe và tinh thần em nhận về sau các chuyến đi rất rõ rệt. Ngoài ra, em đi theo nhóm thế này để chống chọi với cảm giác cô đơn ở thành thị, nỗi ám ảnh bệnh viện và suy nghĩ tăm tối về cái chết.

Một ngành khoa học từ cảm giác
Hướng dẫn viên Saba (áo vàng) đang dẫn một đoàn phụ nữ và trẻ em vào rừng Tà Năng (Bình Thuận) trong một chuyến khám phá và trị liệu. Ảnh nhân vật cung cấp

Năm 1984, nhà sinh học người Mỹ E. O. Winson đưa ra khái niệm “Biophilia”. Giả thuyết Biophilia cho rằng con người muôn đời có nhu cầu kết nối với thiên nhiên. Bản năng sinh tồn và quá trình tiến hóa tự nhiên của con người diễn ra giữa thiên nhiên. Vì vậy tình yêu thiên nhiên có sẵn trong bộ gen con người, di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Ông Wilson khẳng định: “Con người được lập trình để kết nối với tự nhiên, sức khỏe chúng ta được cải thiện nếu sống giữa thiên nhiên. Vì vậy, nếu con người rời xa thiên nhiên, sức khỏe chúng ta cũng suy giảm”. Điều này cũng được nhiều nhà khoa học chứng minh: càng sống lâu ở thành phố, nguy cơ bị stress từ cuộc sống vội vã của thành thị gây ra với chúng ta càng cao. Mà càng bị căng thẳng tinh thần thì cơ thể càng giảm khả năng chống đỡ bệnh tật.

Trong cuốn sách Nghệ thuật tắm rừng của người Nhật (NXB Công Thương – Công ty Thái Hà Books), Phó giáo sư, bác sĩ Qing Li, Chủ tịch Hiệp hội Y học rừng Nhật Bản, cho biết mỗi năm ở Nhật có khoảng 2,5 - 5 triệu người thực hiện các lộ trình đi bộ trong rừng. Những người này đi bộ có mục đích rõ ràng: trị bệnh.

Từ năm 1982, ông Tomohide Akiyama, Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản thời đó đã đưa ra thuật ngữ Shinrin - yoku (trị liệu rừng), tuyên bố rằng người dân cần được thiên nhiên chữa lành. Từ đó, Nhật Bản thực hiện nhiều cuộc nghiên cứu khoa học nghiêm túc, để chứng minh cái cảm giác sống khỏe nhờ rừng núi mà người cổ đại khắp thế giới đã trải nghiệm.

Hội nghiên cứu liệu pháp tắm rừng của Nhật ra đời và tới năm 2006, Iiyama trở thành điểm đầu tiên tại Nhật được cấp giấy phép chứng nhận rừng trị liệu. Tới nay, có trên 60 địa điểm trên nước Nhật đã được cấp giấy chứng nhận này và chúng đều đem lợi ích cho con người.

“Tại sao ở giữa thiên nhiên chúng ta lại rung động đến vậy. Tôi là một nhà khoa học chứ đâu phải nhà thơ. Thế nên tôi đã nghiên cứu khía cạnh khoa học của cảm giác này nhiều năm trời. Tôi muốn biết vì sao chúng ta dễ chịu tới vậy khi ở giữa thiên nhiên?”, bác sĩ Qing Li chia sẻ.

Bác sĩ Qing Li hiện là chuyên gia hàng đầu thế giới về liệu pháp tắm rừng. Kể về lý do quyết tâm theo đuổi việc nghiên cứu y học rừng, ông nói, do phần lớn thời gian ông sống và giảng dạy ở Tokyo, một thành phố nhộn nhịp hàng đầu thế giới. Cuộc chạy đua với giờ làm việc, tàu điện, xe buýt, khiến ông nhiều khi có cảm giác kiệt sức. Và sau mỗi lần vào rừng, ông cảm nhận rõ sự thư thái, dễ chịu qua ánh nắng, tán lá, không khí mát lành, mùi thơm cỏ cây. Chúng giúp ông giải tỏa căng thẳng và suy nghĩ trở nên thông suốt.

Ở giữa thiên nhiên, ông suy nghĩ về thời thơ ấu, những cảm xúc xuân - hạ - thu - đông lướt qua. Đẹp đẽ và trong lành. Những điều không thể biểu đạt bằng lời như một linh tính, một bản năng mà chỉ khi ở hoàn toàn trong rừng và đắm chìm giữa thiên nhiên, ông mới cảm nhận được.

Hàng loạt nghiên cứu của Quing Li và cộng sự khá chi tiết, làm mạnh thêm các chứng minh của nhiều nhóm nhà khoa học khắp thế giới: rừng có những hợp chất cỏ cây tiết ra trong quá trình chúng chống lại côn trùng để sinh tồn mang tên phytoncide. Phytoncide còn gọi là hóa chất thực vật, dễ nhận thấy qua hương thơm cỏ cây, qua mùi tinh dầu giúp giảm căng thẳng, khơi dậy tâm trạng vui vẻ, ổn định nhịp tim, giảm chỉ số lo âu…

Các nghiên cứu cũng chứng minh tắm rừng giúp tăng lượng tế bào sát thủ tự nhiên (NK) trong cơ thể. Tế bào NK là loại hạch bạch huyết chuyên tấn công các tế bào ung thư, những số liệu thực nghiệm thuyết phục hoàn toàn giới khoa học luận điểm: tắm rừng giúp giảm nguy cơ ung thư, giúp trị bệnh ung thư.

Vậy là, thế giới hiện đại liên tục khẳng định điều người xa xưa đã trải nghiệm, lý giải vì sao Đức Phật thiền dưới cây bồ đề, vì sao các nhà tu hành lại lên núi cao, các ngôi chùa lại ẩn mình trong rừng, vì sao tắm rừng làm tiêu tan cảm xúc tiêu cực, giúp chúng ta thanh lọc tâm trí, suy nghĩ thấu đáo, lạc quan…

Tuy nhiên, tin tốt lành với những người phố thị không nhiều cơ hội lên rừng xuống biển như tôi là: chúng ta cũng nhận được lợi ích của tắm rừng nếu tiếp xúc với cây cỏ ở các công viên, các cánh đồng, dù tác dụng ít hơn vào tận rừng sâu, núi cao. Ít nhất thì mỗi người cũng trồng một ban công đầy cỏ cây mà ngắn nhìn, hít thở vùng không gian quanh nó mỗi ngày. Bạn sẽ khỏe hơn đấy!

Minh Lê

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối