(SGTT) – Tháng 10-2019, Công viên địa chất Đắk Nông được Mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu (Global Geoparks Network) đề cử Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp quốc (UNESCO) xem xét, công nhận là Công viên địa chất toàn cầu trong kỳ họp diễn ra vào mùa xuân năm 2020 của UNESCO.

Công viên Địa chất Đắk Nông có diện tích hơn 4.700 km2, chiếm hơn 2/5 diện tích tự nhiên của tỉnh Đắk Nông; nằm trên cao nguyên M’Nông nên thơ, hùng vĩ, có ranh giới trải dài trên năm huyện và một thị xã, gồm huyện Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk G’Long và thị xã Gia Nghĩa. Đây là nơi hội tụ các giá trị tiêu biểu về địa chất, địa mạo, khảo cổ, văn hóa và đa dạng sinh học mang tầm quốc tế và khu vực, đáp ứng các tiêu chí để đăng ký danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO.

Hệ thống hang động núi lửa dài nhất Đông Nam Á
Bản đồ công viên địa chất Đắk Nông.

Cách đây hơn 140 triệu năm, do vận động kiến tạo của vỏ trái đất, từ một phần của đại dương rộng lớn, nơi đây được nâng lên và xuất hiện núi lửa. Các hoạt động của núi lửa đã phủ lên nơi đây một lớp dung nham bazan (dung nham bazan chiếm hơn 50% tổng diện tích công viên địa chất).

Hang động núi lửa. Ảnh: Nguyễn Văn Lộc

Điểm đặc biệt nhất trong khu vực Công viên Địa chất Đắk Nông là hệ thống hang động nằm trong các núi đá bazan, phân bố ở khu vực D’ray Sáp – Chư R’Luh, được phát hiện từ năm 2007. Hệ thống hang động núi lửa này đã được Hiệp hội Hang động Núi lửa Nhật Bản xác lập kỷ lục Đông Nam Á về cả quy mô, độ dài và tính độc đáo. Trong các hang động còn ẩn chứa nhiều điều bí mật về cơ chế thành tạo, các tổ hợp khoáng vật, sự đa dạng sinh học và di chỉ khảo cổ… Đến nay, các nhà khoa học và đại diện của các cơ quan quản lý nhà nước tỉnh Đắk Nông xác định hệ thống có gần 50 hang động với tổng chiều dài hơn 10.000m.

Núi lửa Nâm Kar. Ảnh: Lê Thành Đạt

Trong khu vực Công viên Địa chất còn có các di sản kiểu cổ sinh như hóa thạch hoa cúc, khuôn cây trong đá bazan; các dãy núi cao phân bậc địa hình, các hồ nước tự nhiên đầy thơ mộng như hồ Ea Snô, hồ Tây… được tạo thành từ các sụt võng kiến tạo; các miệng núi lửa độc đáo và đặc trưng như Nâm Blang, Nâm Kar, Băng Mo… và hệ thống các thác nước đẹp, hùng vĩ như thác Gia Long, Băng Rup, D’ray Sáp…

Các nghệ nhân chơi đàn đá Đắk Kar ở suối Đắk Kar, bon Bù Sir, huyện Đắk R’lấp. Ảnh: Võ Anh Tú

Bên cạnh đó, Công viên Địa chất Đắk Nông còn đa dạng và phong phú các mỏ và điểm quặng khoáng sản bauxit, antimon, thiếc sa khoáng, puzơlan, đá quý và đặc biệt là đá bán quý opal – chalcedon kích thước lớn.

Bất ngờ về khảo cổ
Công cụ hình đĩa và rìu ngắn ở hang C4.

Kết quả bước đầu ghi nhận nơi đây là dấu tích văn hóa của cư dân Hậu kỳ Đá mới và Sơ kỳ Kim khí, có niên đại từ 6.000 đến 3.000 năm trước. Các di vật khảo cổ được phát hiện bao gồm đồ đá, đá nguyên liệu và các công cụ đá hình đĩa, rìu ngắn, công cụ mảnh tước, phiến tước, hòn ghè… Về đồ gốm thì có rất nhiều loại vật dụng, với độ dày, mỏng khác nhau được làm từ đất sét pha cát. Ngoài ra còn có xương động vật, các mảnh xương ống của động vật và có cả xương người tiền sử.

Lưu giữ những giá trị văn hóa
Tam đại đồng chiên. Ảnh: Duy Thoan

Ngoài những nét đặc trưng nêu trên, Công viên Địa chất Đắk Nông còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể như: không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; di tích cấp quốc gia đặc biệt Đường mòn Hồ Chí Minh và các di tích cấp quốc gia khác.

Ngoài ra, du khách còn được trải nghiệm đời sống tinh thần đa dạng, phong phú của các dân tộc trên địa bàn tỉnh qua các nghi lễ, lễ hội, nghệ thuật diễn xướng, các trò chơi dân gian…

Đa dạng sinh học
Cá thể khỉ ở rừng Nâm Nung. Ảnh: Nguyễn Hùng

Hệ thống động thực vật trong Công viên Địa chất rất phong phú với nhiều giống, loài quý hiếm, có tên trong Sách Đỏ Việt Nam và thế giới như: voi, hổ, bò rừng, voọc đen má trắng, chà vá chân đen; các loại thực vật như sồi ba cạnh, đỉnh tùng, sao, trắc, giáng hương, căm xe… Đây là tiềm năng lớn để tỉnh phát triển các mô hình du lịch sinh thái, thám hiểm, nghiên cứu về đa dạng sinh học… thu hút các nhà khoa học cũng như du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu.

Chim Hồng Hoàng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung. Ảnh: Lê Mạnh Hùng – Viện Sinh Thái và Tài Nguyên Sinh Vật, VAST

Với các giá trị tiêu biểu nêu trên, có thể nhận thấy Công viên Địa chất Đắk Nông là tài sản vô vùng quý giá, không chỉ của cộng đồng các dân tộc tỉnh Đắk Nông mà còn của Việt Nam và của thế giới. Việc xây dựng thành công danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO là một hướng đi đúng đắn của tỉnh Đắk Nông để gìn giữ và phát huy các giá trị di sản; đồng thời góp phần phát triển bền vững kinh tế – xã hội địa phương.

Bạch Vân

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây