Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024

Dựng lối sống sạch

(SGTT) – Không chăm chăm mở cửa hàng mới mà hầu hết những cửa hàng refill chỉ duy trì ở con số một đến hai cửa hàng để có thể hoạt động đúng nghĩa một doanh nghiệp xanh. Họ định vị mình không phải là một doanh nghiệp phát triển nóng mà là một doanh nghiệp có thể truyền cảm hứng đến nhiều người, lan tỏa lối sống xanh, mang lại giải pháp cho những người muốn sống bền vững.

Quầy hàng bán các sản phẩm thân thiện môi trường ở Lá Xanh, quận Phú Nhuận. Ảnh: Ngân Hà

Lá Xanh chỉ đơn thuần là một tiệm tạp hóa bán đủ thứ thức ăn, đồ uống và đồ dùng cần thiết trong cuộc sống hằng ngày, trừ túi ni lông. Với mong muốn quay lại thời còn nhỏ mỗi khi đi mua thức ăn đều xách theo cái giỏ, cái hũ, cái chén để đựng, Lá Xanh đã ra đời.

Đây là lời giới thiệu mộc mạc của cửa hàng làm đầy (refill) Lá Xanh nằm trong một con hẻm nhỏ ở quận Phú Nhuận, TPHCM.

Cần bao nhiêu, mua bấy nhiêu

Những bạn trẻ lần đầu đến Lá Xanh sẽ thấy mọi thứ khá lạ lẫm khi mọi mặt hàng đều được bán kiểu châm thêm như “bán xăng”. Khách hàng được khuyến khích mang theo túi, hộp đựng, lọ đựng… tự lấy hàng, tự cân sản phẩm bằng một cái cân điện tử và ghi lại khối lượng lên nhãn để nhân viên tính tiền.

Các loại dầu gội, sữa tắm, nước rửa chén, nước rửa tay, nước mắm, nước tương, dầu dừa, dầu ăn thực vật… được đựng trong những chiếc bình lớn. Khách muốn mua bao nhiêu thì tự vặn vòi vào chiếc chai, bình đã mang theo rồi tính tiền. Ngay cả bánh xà phòng cũng để nguyên một bánh lớn và bán theo kiểu cân ký.

Tương tự, các loại gạo, đậu, bột nghệ, bột cà ri, bánh quy… để trong các thùng, hộp lớn và khách hàng muốn mua bao nhiêu thì lấy bấy nhiêu. Cửa hàng còn khuyến khích người tiêu dùng gìn giữ môi trường bằng cách thu lại vỏ hộp, chai đựng các loại kem chống nắng, kem dưỡng ẩm, sữa dưỡng thể đã dùng hết để tái chế. Chị Trần Ngọc Mai, 26 tuổi, người thường mua hàng ở các cửa hàng làm đầy như Lá Xanh, cho biết nếu khách mới chưa quen với việc mang theo bình đựng, cửa hàng sẽ cho mượn hoặc cho thuê hộp với một khoản tiền thế chân. Lần sau đến mua có thể trả lại số hộp đó.

Kho hàng thân thiện với môi trường

Ở một trạm bán hàng theo kiểu làm đầy khác là Lại Đây refill station, chị Nguyễn Dạ Quyên – một trong hai thành viên sáng lập – cho hay, cửa hàng của chị bán các vật liệu thân thiện với môi trường và được mở ra do chính nhu cầu của bản thân.

Để làm được điều này không dễ. Chị Dạ Quyên cho biết đã phải mất rất nhiều năm chờ đợi các hãng lớn làm các mô hình kinh doanh refill theo một quy trình bài bản từ nơi bán hàng cho đến nơi thu hồi các loại vỏ chai và hộp để tái chế trước khi chị tự mình tổ chức lấy. Đến khi cửa hàng được vận hành, lại thấy có thêm nhiều điểm khó khăn, từ chuyện khách hàng “không mang theo chai lọ để refill” cho đến việc tìm kiếm các nhà cung ứng, thúc đẩy họ hoàn thiện mỗi ngày theo tiêu chí hàng hóa “xanh, sạch”.

Theo chị Quyên, mỗi sản phẩm ở trên kệ là cả một câu chuyện phía sau. Chẳng hạn như câu chuyện xà bông của một bạn trẻ ở Bình Dương. Trước đây, gia đình bạn có nghề làm xà bông nhưng đã phải ngưng làm nghề vì không cạnh tranh nổi với loại xà bông công nghiệp 9.000 đồng một cục. Khi biết bạn muốn vực lại nghề của gia đình, Lại Đây đã quyết định đồng hành cùng bạn. Bạn dựng một cái xưởng nhỏ ở góc sân nhà và bắt tay vào làm. Mỗi ngày mỗi điều chỉnh để sản phẩm phù hợp với tiêu chí của trạm. Xà bông ban đầu bọc bằng màng phim rồi chuyển qua bọc bằng giấy, thay thành phần dầu cọ bằng các loại tinh dầu hữu cơ khác…

Quầy hàng bán các sản phẩm thân thiện môi trường ở Lại Đây quận 2. Ảnh: Ngân Hà

Khơi nguồn lối tiêu dùng bền vững

Bên cạnh việc bán hàng làm bằng phương pháp thủ công, từ các vật liệu có sẵn trong tự nhiên, Lại Đây cũng thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn hướng dẫn làm túi đựng từ vải cũ, làm nước giặt sinh học bằng phương pháp thủ công tại nhà… cho mọi người, đăng tải các bài khuyến khích không dùng ống hút nhựa, chia sẻ các bài viết về lối sống tối giản… Cả hai nhà sáng lập Lại Đây là chị Dạ Quyên và Helly Tống thường xuyên tham dự rất nhiều những buổi nói chuyện về môi trường, xây dựng thói quen tiêu dùng bền vững với các bạn trẻ. “Mục tiêu của chúng tôi không phải là tạo ra một mô hình kinh doanh kiếm nhiều tiền, một mô hình phát triển nóng để kêu gọi đầu tư mà chỉ muốn tạo thêm nhiều giá trị cho cộng đồng, truyền cảm hứng sống bền vững cho mọi người”.

Cũng có cùng quan điểm như chị Dạ Quyên, chị Quyên Trần – chủ cửa hàng refill The Organik House, quận 1, TPHCM – cho biết cửa hàng không khuyến khích khách hàng mua – dùng càng nhiều càng tốt mà khuyên họ sử dụng hàng đúng và tiết kiệm như một cách gìn giữ tài nguyên, góp phần bảo vệ môi trường.

“Tôi không phải là một nhà kinh doanh. Tôi không để tâm đến bài toán lợi nhuận. Chúng tôi chỉ như một chiếc cầu nối giữa những người đang theo đuổi lối sống xanh với những doanh nghiệp, nhà sản xuất tận tâm với những sản phẩm không hóa chất, không chất bảo quản với lối mua bán để hạn chế phát sinh ra bao bì”, chị Quyên Trần khẳng định.

Ngân Hà

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Có những start-up lãng mạn

0
(SGTT) - Xuất hiện khoảng mươi năm trước, nhưng phải đến những năm gần đây, phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam mới phát...

Thú thưởng trà của người trẻ

0
(SGTT) - Những ngỡ trà sẽ bị lu mờ bên cạnh những loại nước uống có ga, bật lon kêu tanh tách của cuộc...

Tắm rừng và sự chữa lành

0
(SGTT) - New Zealand nổi tiếng với chương trình “đơn thuốc xanh”. Người Mỹ có hơn 150 dự án “đơn thuốc công viên”, người...

Cổng thiên đường ở Alhambra

0
(SGTT) - Bây giờ nghĩ lại, hành trình đến với “cổng thiên đường” của tôi bắt đầu từ những nguyên nhân rất đời thường....

Đắk Nông – 3 tuyến du lịch trải nghiệm không thể...

0
(SGTT) - Công viên Địa chất Đắk Nông được định hướng trở thành “Xứ sở của những âm điệu”, nơi hội tụ những thanh...

Công viên địa chất Đắk Nông – điểm đến mới năm...

0
(SGTT) - Tháng 10-2019, Công viên địa chất Đắk Nông được Mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu (Global Geoparks Network) đề cử...

Kết nối