Chủ Nhật, Tháng Năm 12, 2024

Rượu vang không chỉ uống mà còn cần… hiểu

(SGTT) – Nếu biết uống đúng cách, rượu vang sẽ có lợi cho sức khỏe. Hơn nữa, thưởng thức rượu vang cũng cần có kiến thức, kỹ năng và được xem như một khía cạnh của văn hóa ẩm thực thời thượng.

Không khí đầm ấm mùa xuân là một điều gì đó mà đôi khi để tả lại, câu chữ thường là không đủ. Người ta hay phải nhờ cậy đến sự liên tưởng về hình ảnh, màu sắc và mùi hương. Bên cạnh đào thắm, mai vàng, bánh chưng xanh và mùi nhang thơm, ngày nay, màu đỏ sóng sánh và hương thơm của ly vang hảo hạng cũng giúp gợi lên hồi tưởng về cuộc họp mặt ngày xuân ấm cúng và trang nhã.

Rượu vang là một loại đồ uống có cồn, làm từ phương pháp lên men trái nho, biến đường trong nho trở thành rượu. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng rượu vang có hàng ngàn năm lịch sử, sớm xuất hiện trên bàn tiệc của giới quý tộc thời La Mã cổ đại. Cũng bởi vậy, phương pháp chế biến loại rượu này trở nên phức tạp.

Người viết vốn cũng không phải là tín đồ về rượu vang. Nhưng “hay học thì sang, hay làm thì có”, tôi quyết định tìm hiểu vang chủ yếu vì vẻ đẹp, sự tinh tế trong thưởng thức. Một phần nữa là cũng vì thú uống vang đang ngày càng thịnh hành với người Việt. Những người tôi có quen đều quan tâm tới lối sống khỏe và giàu trải nghiệm tích cực. Với họ, uống vang trở thành một lựa chọn lành mạnh và có chiều sâu văn hóa hơn chuyện nhậu nhẹt với rượu cồn và bia công nghiệp.

Cùng trào lưu sống khỏe

Tôi đến gặp một chuyên gia về vang của Casawines, nơi nhập khẩu và phân phối vang Mỹ có tiếng ở TPHCM: chị Minh Hằng, một doanh nhân người Mỹ gốc Việt được khá nhiều người biết đến trong ngành rượu.

Gặp chị Hằng rồi mới biết, không chỉ tôi mà có rất nhiều người Việt đã bắt đầu chú ý tìm hiểu kỹ về rượu vang và nghệ thuật thưởng thức vang. Sự chuyển biến đó cũng chỉ mới đây, bắt đầu từ khoảng mươi năm trước, ngày càng rõ nét kể từ khoảng ba năm trở lại đây. Trước đó, hầu như người ta nghĩ đến vang như một thứ đồ uống xa xỉ, đa số là người nước ngoài sành sỏi mới dùng và hiểu. Làm ngành này đã 15 năm, chị Hằng cũng nếm trải đủ những khó khăn buổi đầu đưa rượu vang vào thị trường Việt.

Chị Hằng cho rằng ngoài nhu cầu giao tế, yếu tố giữ gìn sức khỏe cũng là một nguyên nhân quan trọng. Rượu mạnh thì có hại cho sức khỏe, do nồng độ cồn quá cao, còn bia thì gây đầy bụng. “Người Việt đang giàu lên và nhu cầu thưởng thức đã vươn đến những sản phẩm giàu tính văn hóa hơn như rượu vang”, chị Hằng nói,“nhu cầu đó thậm chí còn chưa đạt thời kỳ tăng trưởng vàng nữa”. Nhiều đối tác, khách hàng sẵn sàng chi “đậm” để đưa vang đến bàn tiệc gia đình và đãi khách, vì họ đã có kiến thức tốt hơn, cảm nhận của họ về rượu vang có giá trị hơn.

Một vài lầm tưởng của người mới bắt đầu

Theo chị Minh Hằng, rượu vang chất lượng cao nhập khẩu từ Mỹ nay đã rất đa dạng về chủng loại và giá bán. Với người mới thử tập uống rượu vang, điều cần nhớ chưa hẳn đã là những quy tắc, kiểu cách cầu kỳ. Cái đáng giá hơn cả là trải nghiệm và cảm nhận cái gu rượu của riêng mình. Chị Minh Hằng nói: “Người này có thể thích vị của chai vang này, chê chai vang kia dở, nhưng ngược lại, có những người lại chê chai kia dở, nói chai này mới ngon”. Đừng để thông tin về chai rượu ảnh hưởng quá nhiều đến cảm xúc thực sự.

Thưởng thức vang theo phong cách của bản thân và cảm xúc thực sự của mình.

Nét cười thoáng hiện trên mắt khi chị nghĩ đến chuyện nhiều người vẫn lầm tưởng vang là chỉ có màu đỏ và trắng, hay vang thì phải chua và chát. Thực ra, có nhiều loại rượu vang khác nhau, vang đỏ, vang hồng, vang trắng, vang có ga (vang sủi tăm)… và trong vang có nhiều loại hương vị thiên nhiên khác nữa. Tùy thuộc vào thời gian ngâm nước nho với vỏ mà chất chát trong rượu có thể là rõ nét, đậm đà hay chỉ nhẹ nhàng, thoáng qua.

Hiểu về cách thưởng thức vang đúng

Cuộc trò chuyện vui giữa một chuyên gia về vang với kẻ mới “nhập môn” đượm thêm khi chị mời tôi một ly vang sủi tăm màu vàng sóng sánh mê người, thơm thứ mùi thơm của trái chín và vị ngọt dịu nhẹ. Uống rượu vang ngon ở chỗ phải uống từ tốn, từng ngụm nhỏ để hương vị kịp tan trong miệng và thấm dần trí não. Tôi vừa thưởng rượu theo cách “thầy” dạy, vừa nghe thêm về những điều đầu tiên cần biết khi uống vang.

Đầu tiên là thời điểm để uống tốt nhất. Một ly rượu vang trước khi đi ngủ, như chị Hằng khuyên, sẽ giúp giấc ngủ sâu hơn do trong rượu vang chứa chất Melatonin. Chất này giúp điều hòa đồng hồ sinh học của cơ thể, ức chế quá trình lão hóa, ngăn ngừa các yếu tố gây bệnh ung thư. Cũng vừa vặn hữu ích cho tôi vì giấc ngủ ngon sau cả ngày tết du xuân xuôi ngược là một phần thưởng quý.

Thưởng thức rượu vang trong bữa ăn cũng giúp kích thích vị giác, tiêu hóa tốt hơn. Tôi nhận ra dù vang rất đa dạng về mùi vị nhưng nhìn chung thích hợp với đồ ăn chế biến kiểu Âu hơn. Việc sử dụng rượu vang vì thế có lẽ cũng có những quy tắc riêng để mang lại trải nghiệm ẩm thực trọn vẹn, tinh tế và sang trọng. Như chị Hằng điểm sơ qua thì vang đỏ thích hợp dùng với các món có thịt đỏ như thịt bò, cừu… còn vang trắng dùng cho các món có vị hơi tanh hoặc nhạt như hải sản và thịt gia cầm. “Riêng tôm hùm thì lại chỉ hợp với vang đỏ thôi nhé”, chị Minh Hằng bật mí.

Ngược lại, các món mặn truyền thống của người Việt thường tẩm ướp nhiều bằng nước mắm, có vị kim loại, thì lại được khuyên là không nên dùng kèm vang đỏ. Dùng như vậy dễ gây hỏng cả mùi vị của rượu lẫn đồ ăn. Chỉ duy có các món xốt hoặc nấu kiểu chua ngọt thì có thể dùng kèm vang trắng hoặc vang hồng có vị hơi ngọt.

Chị Minh Hằng hướng dẫn thêm, sau khi mở nắp bạn nên để vang được “thở”, để oxy trong không khí tác động vào vang khiến hương thơm tỏa ra, làm cho vị chát dịu bớt đi. Đối với các dòng rượu vang cao cấp, lời khuyên là nên mở nắp tầm 20 đến 30 phút rồi mới bắt đầu uống.

Sau khi mở nắp, vang cần được tiếp xúc với không khí để vị dịu đi.

Nghề chơi thật lắm công phu, tôi khá… choáng trước lượng kiến thức cơ bản về vang, chỉ qua đôi câu chuyện đã rộng lớn như vậy. Nghiền ngẫm chút dư vị đang từ đầu lưỡi vào từng ngăn trí nhớ, vị ngon của ly vang hảo hạng trong không khí xuân ngoài cửa, tôi lại thấy thứ đồ uống quyến rũ này cũng đáng để bỏ công tìm hiểu lắm thay.

Phong Vũ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Có những start-up lãng mạn

0
(SGTT) - Xuất hiện khoảng mươi năm trước, nhưng phải đến những năm gần đây, phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam mới phát...

Thú thưởng trà của người trẻ

0
(SGTT) - Những ngỡ trà sẽ bị lu mờ bên cạnh những loại nước uống có ga, bật lon kêu tanh tách của cuộc...

Tắm rừng và sự chữa lành

0
(SGTT) - New Zealand nổi tiếng với chương trình “đơn thuốc xanh”. Người Mỹ có hơn 150 dự án “đơn thuốc công viên”, người...

Cổng thiên đường ở Alhambra

0
(SGTT) - Bây giờ nghĩ lại, hành trình đến với “cổng thiên đường” của tôi bắt đầu từ những nguyên nhân rất đời thường....

Đắk Nông – 3 tuyến du lịch trải nghiệm không thể...

0
(SGTT) - Công viên Địa chất Đắk Nông được định hướng trở thành “Xứ sở của những âm điệu”, nơi hội tụ những thanh...

Công viên địa chất Đắk Nông – điểm đến mới năm...

0
(SGTT) - Tháng 10-2019, Công viên địa chất Đắk Nông được Mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu (Global Geoparks Network) đề cử...

Kết nối