Thứ Hai, Tháng Năm 13, 2024

Ngày xuân nghĩ về cách người Nhật thổi hồn vào văn hóa du lịch

(SGTTO) – Một trong những ấn tượng khó phai trong tôi sau khi tháp tùng đoàn khách du lịch khảo sát (famtrip) Đà Nẵng tại miền Trung Nhật Bản vừa qua là cách người Nhật thổi hồn vào những giá trị văn hóa, du lịch của mình.

Và thật thú vị, người gây ấn tượng cho tôi và cả đoàn là cô hướng dẫn viên du lịch người Việt sinh sống ở xứ sở hoa anh đào nhiều năm.

Một buổi họp chợ tại Nhật, ở đó người bán và người mua đều là người lớn tuổi. Ảnh: Nhân Tâm
Những câu chuyện đời thường của người Nhật

Với giọng nói và phong thái bình dị, chân chất đặc trưng của miền Tây Nam bộ, cô hướng dẫn viên đã dẫn dắt chúng tôi đến những câu chuyện đầy thú vị của văn hóa Nhật Bản trong gần 5 ngày theo đoàn. Cô nói người Nhật biết cách kể những câu chuyện tưởng chừng như đời thường nhất và cô chỉ là “người đưa đò”, truyền tải những câu chuyện này đến với du khách.

Đầu tiên là câu chuyện về hoa. Hoa cúc là quốc hoa của Nhật, hiện thân cho sự trường tồn vĩnh cửu, viên mãn. Nhưng hoa anh đào (sakura) mới là biểu tượng mà người Nhật tự hào khoe với thế giới vì “giống với tinh thần Samurai”. Hoa anh đào nở và rụng lúc hoa đẹp nhất. Được ban ơn để tham gia vào nghi thức mổ bụng tự sát là vinh hạnh lớn nhất của một hiệp sĩ Samurai. Cô kể người Nhật rất thích sinh hoạt và ăn uống ở công viên, đặc biệt vào mùa xuân tại những nơi có hoa anh đào nở. Họ tin rằng một cánh hoa anh đào vô tình rơi trúng phần cơm đang ăn sẽ đem lại may mắn.

Một hộp cơm bento của Nhật, thể hiện văn hóa của gia đình Nhật. Ảnh: Nhân Tâm

Cơm hộp của Nhật, hay còn gọi là bento, cũng mang một câu chuyện thú vị. Hộp bento luôn phải có 5 màu, tượng trưng các chất khác nhau trong một bữa ăn. Hộp cơm bento cũng thể hiện văn hóa gia đình Nhật. Buổi sáng, trước khi ra khỏi nhà, người chồng, người con cầm theo một hộp cơm để ăn trưa do người vợ chuẩn bị. Những đứa trẻ khoe những hộp cơm chất lượng với nhau trong giờ ăn trưa. Người chồng tự hào khoe với đồng nghiệp tài năng của người vợ qua hộp cơm.

Tài nguyên con người là điều mà cô kể nhiều nhất và len lỏi trong các câu chuyện trong suốt hành trình. Cô ví von đức tính người Nhật dường như được lập trình sẵn. Họ cực kỳ nghiêm khắc với quy chuẩn đã được đặt ra từ người già đến trẻ nhỏ và sẵn sàng chuyển trạng thái rất nhanh. Vì đức tính này, người Nhật sẵn sàng trở thành phát xít trong thời kỳ chiến tranh để trở thành số một thế giới. Vì đức tính này, người Nhật sẵn sàng làm việc bất chấp để đưa đất nước trở thành cường quốc về kinh tế. Vì đức tính này, người Nhật sẵn sàng mở cửa hơn trong 4 năm trở lại đây để thúc đẩy công tác chuẩn bị và quảng bá cho Thế Vận hội mùa hè Tokyo 2020.

Người Nhật sẵn sàng xây con đường riêng cho 2 hộ dân sống trong khu vực sân bay và kiên quyết không di dời. Trước khi ra khỏi nhà, vật đầu tiên họ kiểm tra là bao ni lông để đựng rác rồi mới điện thoại, ví tiền. Trên đường đi, họ sẵn sàng nhặt rác khi thấy trên đường. Điều đó giải thích tại sao trên đường phố Nhật chỉ thấy lá cây chứ không thấy rác. Người già ở Nhật nhất quyết không sống bám vào con cái. Họ tự tụ họp với nhau mở những phiên chợ truyền thống, làm lao công, lái xe…

Việt Nam thiếu những câu chuyện kể

Tôi bỗng giật mình nghĩ lại dường như tại Việt Nam đang thiếu những câu chuyện kể, ít nhất ở khía cạnh hướng dẫn viên du lịch.

Trong một lần đi theo một đoàn khách Hàn Quốc tham quan thành phố Huế, tôi hơi bất ngờ về cách giới thiệu điểm đến. Cô hướng dẫn viên người Việt nói cô phải cất công tìm một người thuyết minh phù hợp khi dẫn khách tham quan kinh thành Huế. “Phù hợp” ở đây có nghĩa là nói chuyện năng động, vui vẻ và đặc biệt là biết cách lèo lái câu chuyện.

Cụ thể, trong câu chuyện lịch sử cung đình Huế phải kể đến vua Khải Định, một vị vua nổi tiếng là “xuất sắc trong chuyện chăn gối một phần nhờ hằng ngày được cho uống nước nhàu”. Sau đó, hướng dẫn viên sẽ cho đoàn khách thăm lăng Khải Định và ghé các cửa hàng bán sản phẩm nhàu Noni.

Khi về đến Việt Nam, với những câu chuyện và trực tiếp trải nghiệm, tôi có suy nghĩ: thay vì tốn một số tiền lớn cho công tác tuyên truyền nhưng ít đem lại hiệu quả, Việt Nam có thể tài trợ cho người dân, đặc biệt sinh viên và thanh niên, và các công ty du lịch đến nước Nhật và trải nghiệm cách người Nhật làm du lịch. Quan sát cách thổi hồn vào du lịch của người Nhật, tôi tin rằng nhiều người sẽ có những thay đổi, ít nhất là về ý thức không xả rác và có tinh thần làm việc để góp phần phát triển kinh tế Việt Nam. Những người hướng dẫn viên sẽ biết cách hữu hiệu hơn để quảng bá những giá trị tốt đẹp của Việt Nam đến du khách.

Nhân Tâm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Người người ‘mở khoá’ năm mới tại các điểm vui chơi...

0
(SGTT) - Các điểm vui chơi như Thảo Cầm Viên, Dinh Độc Lập, Suối Tiên hay những khu vực trung tâm TPHCM như phố...

Gác lại tất bật, cùng ngồi chuyện trò về mùa Xuân...

0
(SGTT) - Ẩm thực không chỉ nói về "văn hóa vật chất" mà còn nói về cả mặt "văn hóa tinh thần". Chính những...

Sắc Xuân tràn ngập các quán cà phê ở Đà Nẵng

0
(SGTT) – Những ngày giáp Tết, các quán cà phê tại Đà Nẵng đồng loạt thay màu áo mới ngập tràn không khí Tết...

Đa sắc thái chuyện thưởng Tết 2024 ở châu Á

0
(SGTT) - Thưởng Tết 2024 ở châu Á được dự báo sẽ tiếp tục theo cách “thắt lưng buộc bụng” để thích ứng với...

Gợi ý 5 điểm cắm trại gần TPHCM trong kỳ nghỉ...

0
(SGTT) – Trảng cỏ Bù Lạch (Bình Phước), suối La Ngâu (Bình Thuận) hay khu glamping Tropical Eglamping (Đồng Nai), Đi bụi Camping (Bà...

Lấy lại vóc dáng ‘diện’ Tết với những bài tập giảm...

0
(SGTT) - Mỡ bụng không chỉ gây mất thẩm mỹ, khiến các nàng cảm thấy tự ti mà còn dẫn đến những rủi ro...

Kết nối