Thứ Tư, Tháng Năm 8, 2024

Lao Chải mùa xuân, bức họa giữa đại ngàn

(SGTTO) – Mùa xuân sắp về trên dải đất biên cương vùng Tây Bắc. Thật lý tưởng khi dừng chân ở vùng đất Lao Chải để hòa mình vào sắc xuân nơi đây. Trong tiết trời mùa xuân, vùng đất ấy đẹp và thơ mộng như một bức họa thổ cẩm giữa đại ngàn.

Chạm tới mây trời

Lao Chải là một bản của xã Y Tý (Bát Xát – Lào Cai). Vùng này nằm ở độ cao hơn 2.000m so với mực nước biển.

Nhà trình tường, nét đẹp cổ truyền của vùng đất Lao Chải.

Đến đây mới thấy, vùng đất ấy như một thế giới khác giữa mây trời Tây Bắc. Nếu đến khám phá Y Tý đại ngàn mà không tìm đến Lao Chải thì quả là chưa khám phá hết vẻ đẹp nơi đây. Ở đó, người Hà Nhì sinh sống từ bao đời nay, nơi có cảm giác những mái nhà chạm tới mây trời.

Mới nghe qua tên địa danh Lao Chải, đã thấy gợi lên vẻ hoang vu của một vùng đất xa xôi mà có lẽ nhiều người chưa từng biết đến, chưa đặt chân đến. Hành trình qua một chặng đường xa xôi theo hướng ngược đường lên Tây Bắc, dừng chân ở Y Tý của huyện vùng cao Bát Xát, con đường mòn gập ghềnh chạy ngược dốc núi sẽ đưa bạn đến với Lao Chải.

Bản Lao Chải tựa như một tổ chim nằm vắt vẻo giữa một vùng rừng núi cao vút, hiểm trở và xanh thẳm. Nơi đây có những ngôi nhà trình tường nằm dưới những bóng cổ thụ gợi lên một sắc màu vừa hoang sơ, vừa thơ mộng và hữu tình.

Nét thanh sơ, đậm sắc xuân ở Lao Chải.

Đến Lao Chải là để khám phá vẻ đẹp của nhà trình tường, một tập quán sinh tồn của người Hà Nhì. Nằm cheo leo nhưng khá vững chắc bên sườn núi, hàng trăm ngôi nhà trình tường được cư dân bản địa dựng lên bằng chính đôi tay khéo léo và trí tưởng tượng, sáng tạo của mình để làm không gian sinh sống, tránh mưa nắng, gió bão.

Ngập tràn sắc xuân

Dọc trên con đường đến với những mảnh đất Lao Chải xa xôi, du khách đã nhận thấy mùa xuân hiện diện. Những làn mưa lất phất không ướt đầu càng làm cho khung cảnh thêm tình tứ. Trên những khu rừng già, hoa mơ, hoa mận đua nhau nở trắng. Chúng là bạn của người Hà Nhì ở xứ sở mờ sương này và năm nào cũng nở rộ khi những cơn mưa phùn về rắc bụi vào những thân cành.

Trò chơi đánh quay của người dân Lao Chải mỗi khi mùa xuân về.

Vẻ đẹp sắc xuân Lao Chải toát lên ở những ngôi nhà trình tường với những đám rêu xanh phủ trên mái nhà. Nhà trình tường của người Hà Nhì nơi đây không chỉ là biểu tượng cho văn hóa, tập quán của con người mà còn là sự chống chọi bền chắc với thời gian và sự khắc nghiệt của thời tiết.

Trong mỗi ngôi nhà trình tường, không bao giờ thiếu ngọn lửa ấm áp, đó là sức sống nơi đại ngàn của người Hà Nhì từ bao đời nay.

Vào mùa xuân, Lao Chải bừng lên sức sống và vẻ đẹp hoang sơ đầy quyến rũ bởi sự trỗi dậy của cỏ cây, hoa lá và không khí dập dìu của mùa xuân. Trên triền núi, sau ngôi nhà trình, dọc đường đi, hoa đào, hoa mận bung nở trắng hồng như khoác lên vùng đất này chiếc áo tuyệt đẹp của mùa xuân.

Mâm cơm tết đậm bản sắc của người Hà Nhì ở Lao Chải.

Mùa này, người Hà Nhì tấp nập đón xuân với những nét phong tục, tập quán đậm đà bản sắc như đi chợ phiên, gói bánh, mổ lợn, các trò chơi dân gian ngay tại bản làng. Nét hấp dẫn khi du xuân ở vùng đất Lao Chải khi bạn đứng trên những mỏm núi cao, phóng tầm mắt ra xa mà ngắm nhìn những đường viền ruộng bậc thang uốn lượn quanh triền núi mà cảm thấy khung cảnh bình yên, tươi đẹp đến nao lòng.

Núi rừng Lao Chải như khoác trên mình tấm áo đầy hoa đẹp. Màu trắng tinh khôi của hoa mận, hoa mơ đang lan tràn khắp nơi, màu hồng hồng của hoa ban rừng, màu vàng của những dây hoa hình loa kèn đang buông đu đưa xuống ven suối. Rồi trên nền xanh biếc của cây lá, vụt lên như một đốm lửa bông hoa chuối rừng đỏ tươi làm cho bức tranh thiên nhiên thêm ấm. Thế vẫn chưa đủ khi không nhắc đến hoa đào- loài hoa biểu tượng cho mùa xuân.

Rực rỡ sắc màu thổ cẩm

Dừng chân ở Lao Chải vào mùa xuân, bạn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng nét đẹp thổ cẩm trên trang phục, đầu tóc, khăn áo, vật dụng của người Hà Nhì. Những họa tiết trên trang phục của cư bản địa vô cùng sinh động và thể hiện những quan niệm nhân sinh của con người nơi đây.

Chờ trời nắng ấm, các cô sơn nữ Hà Nhì nhanh tay thêu thùa và khâu váy áo, khăn vấn đầu mới cho mình. Khâu xong, mấy cô rủ nhau ra suối giặt. Vào những ngày nắng đẹp, những bộ váy áo thổ cẩm được đồng bào mang ra những mỏm đá, bờ rào phơi bên những ngôi nhà trình tường khiến cho không gian nơi đây đậm sắc màu thổ cẩm.

Những phụ nữ dân tộc sinh hoạt bên suối

Lao Chải mùa xuân vui hơn bởi những phiên chợ tết. Chợ tết đông hơn chợ ngày thường. Dân bản tấp nập đi chợ, có người đi chơi chợ chứ không mua bán gì. Đi chợ như đi hội.

Sản vật chợ giáp tết nhiều vô kể, toàn những thứ của núi rừng. Nào là măng khô của người Hà Nhì trên rừng, nào là mộc nhĩ khô, gà sống thiến mào bầm tím, lợn cắp nách, gạo séng cù và cả những trái cam sành vàng ươm bên những chiếc gùi to. Thêm vào đó là những luồng khói nghi ngút, thơm lựng của những nồi thắng cố ngựa, mùi thơm ấm tỏa ra từ những que hương càng làm cho không khí tết thêm đậm đà.

Nguyễn Thế Lượng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Đến Huế xem triển lãm ảnh lịch sử Việt Nam của...

0
(SGTT) – Triển lãm ảnh của nhiếp ảnh gia (NAG) người Đức Thomas Billhardt (sinh năm 1937) mang tên “Tái ngộ Việt Nam” khai...

Tổng giám đốc HSBC: Năm 2022 GDP Việt Nam có thể...

0
(SGTT) – Ông Tim Evans, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, vừa đưa ra một số dự báo về kinh tế và...

Việt Nam có thể sẽ thiếu hụt khoảng 45.900 trẻ sơ...

0
(SGTTO) - Việt Nam có tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh cao thứ ba trên thế giới và ước tính dựa trên...
thánh địa mỹ sơn

Thành lập khu bảo tồn Di sản Văn hóa thế giới...

0
(SGTTO) - Khu bảo vệ cảnh quan Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn vừa được thành lập nhằm bảo vệ, phục hồi...

Công nhận Mũi Né là khu du lịch quốc gia

0
(SGTTO) - Khu du lịch Mũi Né, tỉnh Bình Thuận vừa được công nhận là khu du lịch quốc gia. Đây chính là đòn...

Lên đỉnh Hòn Yàng nghe truyền thuyết “vàng hời”

1
(SGTTO) - Với du khách và người dân Quảng Ngãi, có lẽ Hòn Yàng là địa danh mà không nhiều người muốn đến, bởi...

Kết nối