(SGTT) – Trong vòng 12 tiếng đồng hồ, chúng tôi đã kịp trải nghiệm những điểm đến tuyệt vời của Quảng Nam như phố cổ, lò gạch cũ hay thánh địa Mỹ Sơn và không quên thưởng thức những món ăn đặc sản tại đây. Sau thời gian dài giãn cách, chúng tôi quyết định “phượt” một ngày để “giãn gân giãn cốt” khi việc đi lại giữa Đà Nẵng và Quảng Nam trở nên thuận tiện hơn.

Thánh địa Mỹ Sơn – di sản thế giới – tại tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Nhân Tâm

Tuy nhiên, hiện nay khách từ 4 tỉnh phía Nam là TPHCM, Đồng Nai, Long An, Bình Dương khi đến Quảng Nam phải cách ly tại nhà 14 ngày nên tour này chỉ dành cho du khách ở các tỉnh gần Quảng Nam.

7:30 sáng thứ Bảy, ba người chúng tôi xuất phát từ quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, đi men theo con đường dọc biển. Sau khi khai báo y tế để “thông chốt” tại điểm kiểm soát dịch của Quảng Nam, chúng tôi đến trung tâm phố cổ Hội An vào lúc 8:30. Thời gian lâu hơn dự kiến vì chúng tôi đi chậm để ngắm nhìn cảnh vật thoáng đãng, yên bình hai bên đường.

Đậu xe tại bãi xe công cộng ở công viên An Hội, chúng tôi rảo bộ dọc sông Hoài trước khi chọn một quán café có thể nhìn ra sông, gọi 3 tô cao lầu kèm 3 ly cà phê đậm chất phố Hội. Trò chuyện với cô chủ quán, chúng tôi mới biết rằng, chỉ có vài quán mở cửa phục vụ người Hội An và một số ít khách vãng lai từ Đà Nẵng.

Sau khi uống café, trò chuyện, và chụp hình thỏa thích trong ngày cuối tuần yên bình, chúng tôi rời trung tâm phố cổ, ra đến biển Cửa Đại và chạy thẳng đến cuối con đường dọc biển này, đến trạm biên phòng và bến thuyền đi Cù Lao Chàm – khu dự trữ sinh quyển thế giới nổi tiếng của Hội An.

Cuối con đường dọc biển này – kéo dài từ bán đảo Sơn Trà đến Hội An – cũng là làng chài nhỏ, nơi người dân Hội An vẫn đang cần mẫn giăng lưới bắt tôm, cá. Từ đây, bạn có thể thấy Cù Lao Chàm bằng mắt thường và cồn cát mới nổi ngay giữa biển trong 2 năm gần đây.

Đến khoảng 12:00 trưa, chúng tôi quay lại trung tâm phố cổ, nghỉ ngơi cho hành trình buổi chiều với điểm đến tiếp theo là khu lò gạch cũ – điểm check-in nổi tiếng thời gian gần đây của giới trẻ.

Vì lò gạch cũ nằm trơ trọi ở cánh đồng thuộc xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, không có địa chỉ cụ thể nên chúng tôi đi theo “Google Map”.

Rời trung tâm phố cổ, chúng tôi đi theo hướng qua cầu Cửa Đại, men theo các con đường làng quanh co, mất 15 phút để đến nơi.

Đây là lò gạch bỏ hoang gần 20 năm, từng bị chính quyền địa phương treo bảng cấm chụp hình, check-in. Tuy nhiên, thời gian gần đây, lò gạch đã được sửa chữa, kết hợp phát triển với loại hình du lịch nông trại, thu hút giới trẻ khám phá, trải nghiệm.

Chiếc cầu tre nối lò gạch với đường đi, tạo điểm nhấn cho bức tranh làng quê thanh bình cũng là cách để du khách không giẫm chân lên lúa.

Sau khi nghỉ chân và tìm hiểu mô hình farmstay độc đáo của đôi vợ chồng gần đó, khoảng 4:00 chiều chúng tôi rời lò gạch cũ hướng đến thánh địa Mỹ Sơn – di sản thế giới thứ hai tại Quảng Nam bên cạnh phố cổ Hội An.

Mất gần một tiếng đồng hồ để chúng tôi có mặt tại khu du lịch nổi tiếng sau hành trình hơn 30km và là những hành khách cuối cùng trong ngày tham quan những vết tích còn lại của vương quốc Champa xa xưa.

Mỹ Sơn là một thung lũng hẹp, rộng độ 4 km2, có núi bao quanh như một tường thành tự nhiên, vững chãi, có khe nước sâu (Khe Thẻ) vừa có tính phòng thủ, vừa huyền bí, cách kinh đô cũ Simhapura của Champa (Trà kiệu ngày nay) khoảng 15km, được các vương triều Champa xưa chọn xây dựng thành một trung tâm tôn giáo lớn nhất của vương quốc này.

Mua vé vào cổng 100.000/vé/người với quan niệm kích cầu điểm đến và góp phần trùng tu di sản, chúng tôi tham quan một vòng khu di sản trong ánh chiều tà với một cảm giác thú vị.

Gần 6:00 chiều, chúng tôi rời thánh địa Mỹ Sơn về lại Đà Nẵng qua quốc lộ 1A chứ không quay lại Hội An, để thưởng thức một đặc sản khác của địa phương này – bê thui Cầu Mống.

Cầu Mống là một ngôi làng nhỏ nằm ở phía Bắc đầu cầu Câu Lâu, cây cầu bắt qua sông Thu Bồn, trên tuyến quốc lộ 1A thuộc địa bàn xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Nơi đây có rất nhiều quán ăn phục vụ món bê thui ngon nổi tiếng, có chất lượng mà không nơi nào có thể sánh được bởi mang đậm hương vị xứ Quảng.

Cầu Mống cũng là điểm dừng chân cuối cùng của chúng tôi sau một ngày rong ruổi Quảng Nam theo hình tam giác, trước khi về đến Đà Nẵng vào khoảng 8h tối.

Tuyệt vời và sảng khoái là cảm giác chung của ba người chúng tôi sau chuyến đi cuối tuần. Trước khi chia tay, chúng tôi không quên hẹn nhau cuối tuần sau làm một chuyến phượt ngắn ngày khác tại Lăng Cô (Thừa Thiên Huế).

Nhân Tâm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây