Thứ Tư, Tháng Năm 22, 2024

Khi quá buồn, hãy tưới nước cho cây

Trương Huỳnh Như Trân –

Một chậu cây nhỏ, xanh bên bậu cửa sổ, một ngày bỗng gây tò mò cho cô con gái ba tuổi của tôi:
– Vì sao mình trồng cái cây này hả mẹ?
– Vì cây xanh rất tốt cho mình. Cây cho mình ô xy…

Không để ý đến vẻ bận rộn, trả lời theo quán tính của mẹ nó, con gái ngẫm nghĩ một chút rồi hỏi tiếp:
– Vì sao cái cây này thích ở trong nhà mình hả mẹ?
Đến đây thì tôi ngớ ra. Câu này không nằm trong phạm vi “hỏi đáp khoa học”. Tôi cũng phải ngẫm nghĩ để tìm ra câu trả lời thích hợp:
– Vì cái cây muốn có bạn. Cây muốn làm bạn với con.
– Cây thích điều gì hả mẹ?
– À… Thích được tưới nước, và thỉnh thoảng được phơi nắng.

Kể từ đó, con gái tôi xem cái cây là bạn. Con tưới nước và mang cây phơi nắng mỗi ngày, theo dõi, xuýt xoa từng cái lá non nhú ra, rầu rĩ khi có chiếc lá vàng rụng xuống. Một ngày con đi học về, con có vẻ mặt không vui:

– Bạn Na nghỉ chơi với con rồi. Na không cần con nữa. Con buồn…

Tôi phì cười trước nỗi buồn thơ trẻ của con, nhưng cố kìm lại và tỏ vẻ rất thông cảm với con. Sau khi thử đưa ra các giải pháp cho vấn đề mà con vẫn khăng khăng “con buồn”, tôi bèn gợi ý:

– Hay là con thử tưới nước cho cây đi.
– Để làm gì hả mẹ?
– Vì cây cần con. Khi nào con buồn, hãy tưới nước cho một cái cây.

Không hồ nghi về ý tưởng đó, con gái nhanh nhẹn cầm cái bình tưới của mình để tưới nước cho chậu cây bên cửa sổ. Những chiếc lá bé xíu rung rinh và con gái tôi đang mỉm cười.

Tôi bỗng chợt nhận ra một “chân lý” đơn giản mà tôi chưa từng nghĩ tới trước khi nói với con gái tôi: Khi nào buồn, hãy tưới nước cho một cái cây.

Ừ, khi quá buồn, hãy tưới nước cho một cái cây. Để thấy rằng có một đối tượng nào đó đang cần mình. Con gái tôi vui lại ngay vì cảm thấy mình đang đem lại niềm vui cho cái cây. Đem lại niềm vui cho ai đó là bớt đi một chút nỗi buồn của mình. Một đứa bé ba tuổi sẽ hiểu ngay điều đó, nhưng người lớn thì chưa chắc. Người lớn ủ mình trong một vỏ bọc dày và gặm nhấm nỗi buồn của mình trong đó. Người lớn không tin rằng khi đang ở cảm xúc tồi tệ, họ có thể làm được điều gì đó cho ai khác.

Nhưng hãy cứ nhìn một đứa bé đang tưới một cái cây, bạn sẽ thấy mọi thứ đơn giản hơn nhiều. Đứa bé ba tuổi biết cầm cẩn thận bình tưới, nghiêng vừa phải đủ để cho nước tưới vừa phải xuống chậu cây nhỏ bé. Nỗi buồn tuần tự tan đi. Đứa bé sẽ cảm nhận được bài học mới mẻ trong đời mình: những nỗi buồn đến như là tất yếu, và cũng sẽ ra đi như tất yếu, chỉ cần mình khéo một chút, kiên nhẫn một chút thôi.
Chợt nhớ, một người phụ nữ lớn tuổi, cuộc sống cơ cực nhưng vẫn ôm đàn hát say mê trên một chương trình truyền hình, với câu nói làm xúc động cư dân mạng: “Không sao đâu, cứ bình tĩnh sống!”.

Ừ cứ bình tĩnh. Bình tĩnh để tìm cách xử lý những nỗi buồn của mình. Bình tĩnh để đi qua nỗi buồn một cách tỉnh táo. Nhưng làm sao để giữ được bình tĩnh những khi lòng mình quá dậy sóng? Thì hãy hít một hơi thở dài rồi đi tưới nước cho một cái cây. Bạn sẽ có thêm một nhịp thời gian để chặn đứng những ý nghĩ tiêu cực, chặt những chiếc rễ ý nghĩ ma quỷ đang chực bò lan thao túng toàn bộ ý nghĩ và cơ thể mình.

Nhắm mắt lại và mở ra xem. Giọt nước trong lúc quá buồn của bạn đã tưới xanh chậu cây.

Vì vậy, khi nào quá buồn, hãy thử tưới nước cho một cái cây.

Riêng tôi, khi nỗi buồn đến định kỳ phôi pha, tôi vẫn muốn giữ lại một ít trong lòng, để làm chất đề kháng cho những cơn buồn định kỳ tiếp nối.

Con gái tôi đã tưới nước xong cho chậu cây, quay lại nhoẻn cười:
– Mẹ ơi, con vẫn để lại một ít nước ở đáy bình mẹ nhé! Để dành cho những lần sau con buồn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Chiêm ngưỡng cung đường ven biển Phú Yên từ trên cao

0
(SGTT) - Với góc nhìn từ trên cao, cung đường ven biển từ hải đăng Đại Lãnh (Mũi Điện) đến thành phố Tuy Hòa...

Các công ty điện lực châu Âu giảm mục tiêu năng...

0
(SGTT) - Một loạt các công ty điện lực lớn ở châu Âu thu hẹp hoặc xem xét lại mục tiêu phát triển năng...

Đến thăm lăng Võ Tánh, di tích kiến trúc nghệ thuật...

0
(SGTT) - Lăng Võ Tánh tọa lạc tại quận Phú Nhuận, TPHCM, được vua Gia Long cho xây dựng từ năm 1802 nhằm tưởng...

Kết nối người trẻ cùng làm du lịch bền vững tại...

0
(SGTT) -  Cù lao Cồn Sơn ở thành phố Cần Thơ từng là vùng đất nghèo khó nhưng giờ đã đổi thay nhờ du...

Lễ hội Trái cây Nam Bộ sẽ diễn ra suốt 3...

0
(SGTT) - Lễ hội trái cây Nam Bộ năm 2024 sẽ được tổ chức từ ngày 1-6 đến 31-8, tại Khu Du lịch Văn...

Nhà tuyển dụng tiếp cận nhân sự Gen Z qua nền...

0
(SGTT) – Với khoảng 150 triệu người dùng, mạng xã hội Threads nhanh chóng trở thành nơi nhà tuyển dụng có thể tìm kiếm...

Kết nối