Chủ Nhật, Tháng Mười 6, 2024

Đầu bếp miền Tây khởi nghiệp thành công dịch vụ nấu tiệc truyền thống

(SGTT) - Nhờ từng có kinh nghiệm đi nấu bếp ở nhiều tỉnh miền Tây Nam Bộ, anh Hồ Thành Sơn mạnh dạn thử khởi nghiệp, thành lập cơ sở nấu tiệc “Ẩm thực xứ dừa Minh Châu”, được vào top 10 cơ sở khởi nghiệp tiên phong và thành công của tỉnh Bến Tre. Chỉ sau hai năm, cơ sở nấu tiệc của anh đã có thể phục vụ đến 1.200 bàn/tháng vào mùa cao điểm. 

“Nấu tiệc cho bà con ở miền Tây tôi có nhiều kỷ niệm lắm! Nhưng nhớ một lần, cả xe chở đồ nấu tiệc bị… lao xuống mương hỏng hết do đường sụp lún. Lúc đó tôi phải linh động với khách đổi thực đơn ngay”, đầu bếp Hồ Thành Sơn chia sẻ về kỷ niệm với nghề nấu tiệc truyền thống cho bà con ở quê. Theo anh, hai yếu tố quan trọng nhất để làm dịch vụ nấu tiệc chính là kỹ năng sắp xếp nhân sự, lên kế hoạch và giao tiếp với khách hàng, bên cạnh việc làm ra món ăn ngon.

Tha phương để học nghề

Anh Hồ Thành Sơn (sinh năm 1984), sinh ra và lớn lên tại thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Gia đình anh không có ai từng theo nghề bếp. Anh là con thứ ba trong gia đình có bốn anh chị em, thường được mẹ giao nhiệm vụ nấu ăn cho cả nhà. “Lúc đó mẹ nhận xét tôi nấu ăn vừa vặn, hợp khẩu vị gia đình. Tôi cũng rất thích nấu ăn nhưng chưa nghĩ sẽ theo nghề làm bếp”, anh nhớ lại.

Nhờ có thời gian tha phương làm bếp khắp các tỉnh miền Tây Nam Bộ, anh Sơn (ngoài cùng bên phải) có thể nấu nhiều món ăn ngon, hợp khẩu vị nhiều tỉnh. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Sau khi tốt nghiệp phổ thông, anh nhận lệnh đi nghĩa vụ quân sự. Những ngày tháng quân ngũ, anh lại theo đuổi đam mê đá bóng và xác định theo lâu dài. Nhưng nghề không chọn người, anh gặp chấn thương và phải dừng thi đấu. Xuất ngũ xong, anh theo một người bạn lênTPHCM học nghề bếp tại trường Saigontourist.

Vừa học, anh vừa làm phụ bếp ở nhiều quán ăn để rèn luyện tay nghề, thực hành bài học. Tốt nghiệp xong, anh quyết định theo anh em trong nghề đi khắp nơi làm bếp để tích lũy thêm kiến thức. Anh cho rằng, nếu chỉ làm bếp ở một nơi thì sẽ khó có thể học thực tế các món ăn địa phương, khẩu vị đa dạng ở những nơi khác. Thời điểm đó, anh đi hầu hết các tỉnh miền Tây, kết nối với nhiều đầu bếp địa phương để vừa làm vừa học hỏi. 

Năm 2007, anh về quê nhà làm cho Công ty Du lịch Đồng Tháp. Đây chính là nơi anh được đào tạo các khóa nâng cao tay nghề. Sau đó, anh được nhận vào vị trí bếp phó cho Nhà hàng – Khách sạn Sa Đéc. 

Khởi nghiệp bằng nghề nấu tiệc truyền thống

Năm 2011, đầu bếp miền Tây Hồ Thành Sơn lập gia đình và quyết định lập nghiệp tại quê vợ - tỉnh Bến Tre. Nhờ những kinh nghiệm làm việc lâu năm cùng nhiều bằng cấp đào tạo nâng cao, anh nhận được công việc nấu bếp cho Nhà khách Tỉnh Ủy Bến Tre. Công việc này đòi hỏi anh phải trau chuốt thêm tay nghề để làm sao nấu được món ngon đặc trưng miền Tây cho các chính khách khắp nơi đến thăm tỉnh ủy. 

Nhận thấy tay nghề đã “chín”, anh quyết định ra khởi nghiệp với dịch vụ nấu tiệc vào năm 2018. “Ban đầu tôi chỉ nhận nấu cho người quen, bạn bè, không tính tới chuyện lợi nhuận nhiều. Làm chừng hơn chục tiệc, tôi mới thấy nghề này rất cần và tôi cũng có khả năng nên cố gắng sắm sửa thêm để phát triển”, anh chia sẻ thời gian đầu lập nghiệp. Anh bắt đầu sắm thêm bếp, tích góp dần để đáp ứng từ phục vụ chỉ 30 bàn, đến phục vụ đến 2.000 khách.

Trong vòng một năm, sự nỗ lực của anh đã giúp Ẩm thực Xứ Dừa Minh Châu đạt top 10 cơ sở khởi nghiệp tiên phong và thành công tỉnh Bến Tre. Anh cho biết, nhờ có khoảng thời gian tha phương khắp nơi, anh mới có được những người bạn, người anh trong nghề ở nhiều tỉnh, thành sẵn sàng giúp đỡ để anh phát triển thêm dịch vụ trong và ngoài tỉnh. Có những khách từng biết đến anh, dù anh ở xa họ vẫn muốn đặt hàng cơ sở của anh. Cũng nhờ biết nhiều món ngon, khẩu vị khắp các tỉnh miền Tây, anh dễ dàng “chiều lòng” thực khách ở tỉnh khác.

Anh Hồ Thành Sơn (áo trắng) cùng các đầu bếp nổi tiếng trong nghề. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Nhiều người vẫn ưa thích dịch vụ nấu tiệc truyền thống vì được tự do chọn món ăn, thêm bớt gia giảm nguyên liệu theo chi phi và không tốn công di chuyển. Đây cũng là thử thách trong nghề với anh Sơn để trao đổi với thực khách cho ra thực đơn hài hòa nhất. Anh nói: “Mình rất chiều khách, có khách ăn chay, có khách thích ít dầu mỡ, có khách muốn đổi đĩa rau khác. Nhưng tôi cũng chia sẻ thẳng thắn nếu khách có yêu cầu không phù hợp với món ăn. Thậm chí nếu món ăn mới, tôi sẵn sàng học hỏi, nấu thử để phục vụ”. 

Nghề nấu tiệc cần cả “tâm” và “trí”

Anh tự yêu cầu bản thân phải làm việc bằng cả “Tâm” và “Trí”, làm sao để thực khách hài lòng khi đặt tiệc của mình. “Tâm” để đảm bảo những món ăn ngon, sạch và gợi ý cho khách những món ăn phù hợp nhất. “Trí” để sắp xếp công việc, tính toán chi tiết cho bữa tiệc diễn ra suôn sẻ.

Theo anh, hai yếu tố quan trọng nhất để làm dịch vụ nấu tiệc chính là khâu sắp xếp nhân sự, chuẩn bị tiệc chu đáo và giao tiếp với khách hàng tốt, bên cạnh tay nghề và kinh nghiệm làm bếp. Mỗi tiệc cần phải lên kế hoạch chi tiết, sắp xếp thuê nhân sự, dụng cụ để đảm bảo tiệc diễn ra đúng yêu cầu.

Giao tiếp để giúp thực khách có phương án phù hợp với kinh phí và mong muốn của khách hàng. Hơn nữa theo anh Sơn cần phải có sự linh hoạt, “tùy cơ ứng biến” theo từng trường hợp mới có thể theo được nghề nấu tiệc. Bên cạnh đó, việc tạo ra món ăn hợp khẩu vị và có hình thức hấp dẫn cũng là điều quan trọng trong ẩm thực. Tùy theo tay nghề của người đầu bếp, đối với anh Sơn, anh có cơ hội đi làm bếp nhiều nơi nên cũng dễ “chiều lòng” những thực khách miền Tây.

Anh Sơn bên cổng hoa kiểu "miệt vườn" phục vụ thực khách miền Tây. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Khó khăn khác khi nấu tiệc cho bà con là phải di chuyển đồ đạc vào tận nhà, nhiều nơi xa xôi, đường vào nhỏ, ở giữa cồn… anh phải điều động xe ba bốn lần để chở hết. “Nấu tiệc cho bà con ở miền Tây tôi có nhiều kỷỉ niệm lắm! Nhưng nhớ một lần, cả xe chở đồ nấu tiệc bị… lao xuống mương hỏng hết do đường sụp lún. Lúc đó tôi phải linh động với khách đổi thực đơn ngay”, đầu bếp Hồ Thành Sơn chia sẻ. 

Với anh, một người thành công là người có thể giúp được người khác cũng thành công như mình. Anh liên tục đào tạo những đầu bếp mới để theo nghề, chia sẻ tất cả kinh nghiệm của mình để tạo việc làm cho họ. Những người tìm đến cơ sở của anh sẽ được đào tạo từ những điều căn bản nhất như nhặt rau, rửa thịt cá đến nấu món đơn giản rồi nấu món chính. Hơn nữa, anh còn quan tâm chú ý đến từng nhân viên để nhận biết khả năng của họ và sắp xếp công việc phù hợp giúp họ làm tốt nhất. 

Anh Thành Sơn liên tục đào tạo những đầu bếp mới để theo nghề, chia sẻ tất cả kinh nghiệm của mình để tạo việc làm cho họ. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Anh Hồ Thành Sơn (thứ hai bên trái) trong một lần tham gia Hội thi ẩm thực. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Sau hai năm, cơ sở nấu tiệc của anh hiện đã có thể phục vụ đến 1.200 bàn vào mùa cao điểm, không có dịch bệnh. Những mùa thấp điểm anh vẫn có lượng khách ổn định 500 – 600 bàn/tháng để duy trì doanh nghiệp. “Tôi may mắn và cũng có ưu điểm là có thể giao tiếp, kết nối với nhiều bạn bè trong nghề. Bên cạnh đó, tôi cũng rất cảm ơn vợ tôi – người làm hậu phương sắp xếp mọi việc để tôi có thể ra ngoài giao tiếp phát triển sự nghiệp”, anh Sơn chia sẻ. 

Yến Nhi

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Nhiều người quan tâm



Cùng chủ đề