Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024

Chàng trai Cần Thơ khởi nghiệp với ca cao dừa, bán gần 500 ly mỗi ngày

Ẩm thựcDuyên ẩm thựcChàng trai Cần Thơ khởi nghiệp với ca cao dừa, bán gần...

(SGTT) – Món ca cao dừa “Cô Ba” của anh Ngọc Thịnh được biến tấu thêm hạt sen, hạt điều, đậu phộng để tăng trải nghiệm cho thực khách. Vừa khai trương chi nhánh mới ở trường đại học, ngày cao điểm quán ca cao dừa Cô Ba của anh phục vụ từ 450-500 ly mỗi ngày.

Anh Nguyễn Ngọc Thịnh (sinh năm 1993) đã từng thử làm món ca cao dừa bán khi còn là sinh viên năm ba. Sau nhiều lần thử nghiệm công thức, anh đã cho ra đời món ca cao dừa theo bí quyết riêng của mình và sở hữu hai chi nhánh ca cao dừa Cô Ba – tại Cần Thơ và trong khuôn viên Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn (cơ sở Linh Trung, TP Thủ Đức). “Cô Ba” đối với anh không chỉ là một quán cà phê thông thường, đó còn là nơi anh gửi gắm tình thương với người mẹ của mình. 

Anh Nguyễn Ngọc Thịnh chủ quán Ca Cao Dừa Cô Ba. Ảnh nhân vật cung cấp.

Bỏ việc ổn định về quê… bán ca cao dừa

Anh Ngọc Thịnh quê tại Cần Thơ, anh theo học ngành Xã Hội Học tại Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn. Vì hoàn cảnh cá nhân, anh vào đại học trễ hơn bạn cùng trang lứa ba năm. Nhưng điều này không cản bước anh khởi nghiệp. Từ năm ba đại học, anh đã bắt đầu thử bán món ca cao dừa nổi tiếng một thời của giới trẻ. 

Công thức anh học hỏi từ kinh nghiệm đi làm phục vụ quán cà phê, tham khảo trên mạng. Anh mạnh dạn mở một quán ca cao dừa nhỏ dưới khu vực làng Đại học Quốc gia để bán cho sinh viên. “Khi đó quán chỉ duy trì được 6 tháng thôi là phải đóng cửa. Lúc này, tôi mới nhận ra mình còn thiếu nhiều kinh nghiệm về quản lý và quyết định đi làm ở doanh nghiệp để học hỏi thêm”, anh Thịnh kể. Sau đó, anh vẫn duy trì bán ca cao dừa giao hàng tận nơi, dù đã đóng cửa quán. 

Anh Thịnh tự tin, món ca cao dừa tại quán của mình có hương vị riêng biệt so với nhiều quán khác tại TPHCM. Ảnh nhân vật cung cấp.

Anh đã bắt đầu đi làm nhiều nơi, thử qua nhiều vị trí từ công ty lớn đến công ty nhỏ. Từ tháng 1-2020 đến tháng 8-2020, anh đã từng chuyển việc đến bốn công ty. Thời gian đầu năm 2020 cũng là thử thách cho anh khi tình hình dịch bệnh khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn. Tuy nhiên, anh Thịnh vẫn cảm thấy bản thân may mắn vì được gặp gỡ nhiều đồng nghiệp giỏi, giúp đỡ và hướng dẫn mình học hỏi nhiều kỹ năng. Lúc này, anh đã có mức lương đủ để sống thoải mái, ổn định ở thành phố dù chỉ mới tốt nghiệp từ năm 2018.  

Thời điểm đang có công việc ổn định nhất, anh Thịnh luôn cảm thấy muốn tiếp tục khởi nghiệp với món ca cao dừa vì nhìn thấy tiềm năng của món đồ uống này. Ban ngày chu toàn công việc văn phòng, ban đêm anh luôn tìm kiếm ý tưởng cho quán ca cao dừa mơ ước. “Tháng 8-2020, sau nhiều ngày ấp ủ, tôi đã xin nghỉ việc ngay và trở về quê với ý tưởng quán Ca Cao Dừa Cô Ba, trước sự ngỡ ngàng của nhiều đồng nghiệp, bạn bè, người thân”, anh Thịnh hào hứng nhớ lại. Lúc này, anh đã có hình dung rõ ràng về hình thức kinh doanh cũng như hoàn thiện ý tưởng khởi nghiệp. 

Anh nhận thấy, trở về quê vừa là thách thức vừa là cơ hội cho anh và ca cao dừa Cô Ba. Vì ở quê ít người biết đến món uống này và cũng chưa có nhiều điểm giải trí. “Tôi chọn đối tượng là học sinh, sinh viên, giới trẻ với nhu cầu thưởng thức món mới và thích khám phá điểm đến mới. Và không ngờ, ca cao dừa Cô Ba tại Cần Thơ được đón nhận nồng nhiệt”, chủ quán chia sẻ. Khi mở quán ở quê, anh giảm được giá thành và nguyên liệu tươi ngon sẵn có tại quê nhà. 

Chi nhánh Ca Cao Dừa Cô Ba tại Cần Thơ thu hút thực khách gần xa bởi món uống ngon miệng và không gian đẹp, gần gũi. Ảnh: Facebook Ca Cao dừa Cô Ba.

Nhờ bước đệm thành công này, đầu năm 2021, anh trở lại TPHCM và mở chi nhánh thứ hai tại trường đại học anh từng theo học, trở thành điểm vui chơi – giải trí – tụ họp của nhiều bạn trẻ. 

Anh Thịnh (áo đen không đeo tạp dề) cùng nhân viên tại bức tường vàng huyền thoại “check-in” của quán tại chi nhánh TPHCM. Ảnh nhân vật cung cấp.

Ca cao dừa Cô Ba mang dáng dấp bình dị của mẹ: Anh Nguyễn Ngọc Thịnh (chủ quán), cho biết ý tưởng trang trí và phong cách cho quán mang nét mộc mạc, gần gũi gợi nhắc anh đến hình ảnh mẹ, gia đình – từ những chiếc bàn gỗ giản dị, đến những chiếc nón lá, bảng hiệu cũng đậm chất Việt Nam. Đồng thời, các món nước trong thực đơn của quán cũng là những thức uống dân dã: dừa tắc, đá me, sữa huế… với mong muốn thực khách sẽ luôn cảm thấy như trở về những ngày tuổi thơ bình dị. 

Anh Ngọc Thịnh và mẹ – người truyền tinh thần cho ý tưởng không gian Ca Cao Dừa Cô Ba. Ảnh nhân vật cung cấp.

Bí quyết để ca cao dừa bán gần 500 ly/ngày

Anh Thịnh bật mí: “Ca cao dừa ở TPHCM cũng nhiều, nhưng tôi tự tin Cô Ba có những món ca cao dừa mà bạn khó tìm thấy ở nơi khác”. Đặc trưng của quán là ca cao dừa kết hợp với hạt sen tươi, hạt điều và đặc biệt là món “dừa Oreo”. 

Món ca cao dừa ăn kèm hạt sen tươi độc đáo, ngọt bùi tại quán của anh Thịnh. Ảnh nhân vật cung cấp.

Ban đầu, anh tự thử nghiệm công thức ca cao dừa với nhiều liều lượng khác nhau. Dừa anh chọn phải vừa ăn, vừa mềm, không quá già hoặc quá non để vẫn còn độ béo bùi. Bột ca cao nguyên chất sẽ được trộn với sữa bột theo tỷ lệ riêng để tạo nên vị ca cao riêng. Anh nhớ lại, khi mở bán ca cao dừa sinh viên, anh chưa có máy xay phù hợp nên ly ca cao dừa không được nhuyễn mịn hòa quyện hoàn toàn. Thậm chí, anh còn phải tự đập nhỏ đá viên bằng tay rồi mới cho vào máy để đạt yêu cầu. 

Anh Thịnh tự tay pha chế món ca cao dừa tại quán. Ảnh nhân vật cung cấp.

Lúc chưa có “tay nghề”, món ca cao dừa của anh lúc nhạt, lúc ngọt, lúc lại quá béo. Anh mới thấy mình khá cảm tính trong việc thống nhất chất lượng sản phẩm. Sau đó, anh tìm hiểu đong đếm kỹ để cho ra ly ca cao chuẩn chỉnh, từ cách chọn dừa đến lượng đường sữa để ra đúng y một vị. “Sau những lần thay đổi công thức, tôi cho lại nhiều người thưởng thức thử để dung hòa lại hương vị sao cho nhiều người uống được”, anh Thịnh nói.

Dần dà, anh bắt đầu thử tìm những vị ca cao dừa mới để tạo nên điểm nhấn riêng.  Anh phát hiện ra ca cao dừa ăn cùng hạt sen tươi có vị ngọt, nhẵn đắng từ tâm sen ăn kèm vị béo bùi, thơm thơm của ca cao cho ra món nước hấp dẫn và lạ miệng. Sau đó, anh kết hợp thêm hạt điều, đậu phộng vào ca cao dừa để khách thưởng thức có thể “nhấm nháp” vui miệng hơn. 

Một trong những món thu hút thực khách nhiều nhất tại ca cao dừa Cô Ba là dừa Oreo (một loại bánh quy sô cô la có nhân kem) dâu, sô cô la, việt quất. Anh sử dụng phần nhân kem xay cùng dừa, phần bánh quy xay vụn rắc lên mặt. “Tôi rất bất ngờ vì món này chinh phục hầu hết thực khách đến Cô Ba. Vị kem bánh hòa quyện với dừa rất vừa ăn, không gây ngán mà lại rất thơm ngon, lạ miệng. Thậm chí thực khách lớn tuổi cũng ưa thích”, anh Thịnh cho hay.

Món dừa Oreo lạ miệng, thơm ngon tại quán Ca Cao Dừa Cô Ba chinh phục tất cả thực khách. Ảnh nhân vật cung cấp.

Mỗi ly ca cao dừa tại quán anh chỉ có giá từ 17.000 đồng. Ngoài ra, anh cũng nghiên cứu thêm cách sên me với thơm để làm món đá me riêng; làm mứt tắc, mứt thơm cho món dừa tắc hấp dẫn. Các món nước tại quán anh không chỉ dễ uống, không gây ngán, giá cả hợp lý với nhiều người mà còn có thể uống bất cứ mùa nào. 

Những ngày cao điểm, chi nhánh tại Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn tại Thủ Đức có thể bán từ 450 – 500 ly. Ảnh nhân vật cung cấp.

Nhờ hiểu tâm lý đối tượng khách hàng và thực đơn món ca cao dừa và đồ uống về dừa đa dạng, chi nhánh tại TPHCM của anh ngày cao điểm có thể bán được từ 450 – 500 ly. Anh Ngọc Thịnh cho biết, trong tương lai gần, anh có dự định sẽ mở một quỹ thiện nguyện trích từ doanh thu bán ca cao dừa. Như vậy, mỗi thực khách đến uống nước còn có thể chung tay cùng anh giúp đỡ những người khác. Đối với anh, quán Cô Ba không chỉ là nơi để kinh doanh đơn thuần, mà là cả tâm huyết để đưa những món đồ uống bình dị sống mãi với thời gian. 

Yến Nhi

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Du khách đổ về bán đảo Sơn Trà ‘săn’ hoa tím thàn mát

0
(SGTT) - Những ngày cuối tháng 4, cây thàn mát mọc tự nhiên trên bán đảo Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng lại nở rộ, khoe sắc tím đẹp mắt. Đà Nẵng khởi động mùa du lịch biển với 'sóng mùa hè' Đến Đà Nẵng, thử món bánh cuốn...

Chiêm ngưỡng bảo vật hơn 300 tuổi ở làng nghề Thổ Hà, Bắc Giang

0
(SGTT) - Bức cửa võng đình làng nghề Thổ Hà, xã Vân Hà (thị xã Việt Yên, Bắc Giang) có tuổi đời hơn 300 năm, là một kiệt tác nghệ thuật chạm khắc gỗ, đại diện cho đỉnh cao nghệ thuật chạm khắc kết hợp với sơn son thếp...

Check-in núi đá giữa ruộng lúa ở Đồng Nai

0
(SGTT) – Toạ lạc tại huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, núi đá Chữ Thập là điểm check-in quen thuộc của nhiều người trong vài năm gần đây. Cách TPHCM chỉ hơn 130km, núi đá này là gợi ý thú vị để du khách khám phá vào dịp cuối...