(SGTT) – So với bếp Âu, bếp Á hay xu hướng ẩm thực kết hợp (fusion), bếp gia đình là mảng ít đầu bếp theo đuổi bởi có nhiều thử thách và khó khăn. Nhưng với chị Lê Thị Lanh, một đầu bếp trẻ lại chọn bếp gia đình là kim chỉ nam cho sự nghiệp ẩm thực của mình. 

Chị Lê Thị Lanh tại Festival văn hóa ẩm thực du lịch quốc tế Nghệ An 2019.

Không như phần lớn các đầu bếp khác đến với ẩm thực một cách tình cờ, chị Lê Thị Lanh, sinh năm 1990, quê ở Thái Bình lớn lên trong cái nôi ẩm thực của gia đình, từ nhỏ đã thạo việc bếp núc nên cái duyên nợ của nghề bếp đã đến với chị rất tự nhiên.

Bén duyên bếp từ thuở nhỏ

Chị Lanh sinh ra ở ngoài Bắc, gia đình chị có nghề làm đậu phụ, bánh cuốn, bún, cốm… Hồi nhỏ chị đã phụ gia đình làm bếp nên việc cầm dao, thớt, nấu bếp củi đã quá quen thuộc với mình.

Do có năng khiếu nên chỉ cần nhìn ai nấu là chị Lanh bắt chước được ngay. Ở nhà, chị hay thấy ông bà nấu những món ăn truyền thống ngày xưa, nhất là món cá kho nhừ xương mà khi xa nhà chị luôn nhớ. Sau này, khi chị chuyển đến sống ở nhà người bác, vào những ngày cuối tuần, chị cùng bác làm chà bông, nấu thịt kho trứng, muối mè, khô cá lóc và những món ăn gia đình ngon đúng vị.

Khi đến Sài Gòn đi học, chị tự nấu ăn, chi kể: “Bạn bè hay rủ tôi đi ăn hàng quán, tôi nói thôi về nhà tôi nấu cho mà ăn. Các bạn khen tôi nấu ngon, từ đó tôi trở thành đầu bếp đảm nhận việc nấu ăn cho cả phòng”.

Không chỉ giỏi nấu nướng, chị còn rất năng động và xông xáo trong mọi hoạt động của trường. Chị từng là chủ tịch hội sinh viên của khoa kế toán kiểm toán và luôn tham gia những cuộc thi nấu ăn. Trong những năm tháng tham gia đoàn, hội, chị đã đi nhiều tỉnh, thành và học hỏi về ẩm thực ở khắp nơi.

Du lịch và ẩm thực là những “món ăn” tinh thần của đầu bếp trẻ Lê Thị Lanh.

Cơ hội đầu tiên đến nhờ tài nấu bếp

Trong một lần tham gia bữa tiệc nướng dã ngoại của trường, chị đảm nhiệm khâu ướp đồ ăn và chuẩn bị mọi thứ hoàn chỉnh. Một chủ đầu tư trong lĩnh vực ẩm thực nhìn thấy khả năng của chị nên đã ngỏ lời mời về làm quản lý căn tin của một trường học quốc tế. Đang là sinh viên năm cuối ở một lĩnh vực không liên quan ẩm thực, chưa từng trải qua công việc quản lý bếp nhưng chị vẫn đảm nhận được công việc hiệu quả.

Nhờ những năm tháng hoạt động đoàn, hội và khả năng tư duy từ ngành học kế toán đã giúp chị sự tự tin, hoạt bát, nhanh nhẹn, kỹ năng tính toán, đặc biệt xử lý tình huống tốt. Trước đây, khi tham gia hội sinh viên, chị đã có kinh nghiệm giới thiệu nhân sự cho các doanh nghiệp nên cũng phần nào am hiểu việc tuyển dụng nhân sự bếp.

Chị chia sẻ về cơ hội đầu tiên trong sự nghiệp nấu bếp: “Đó là lần đầu tôi làm công việc lên thực đơn, quản lý căn tin nên chưa có kinh nghiệm. Nhưng do ham tìm hiểu, học hỏi, tôi cũng làm tốt công việc. Tôi rất thành thạo việc tra cứu trên Google nên điều gì không biết tôi có thể học được ngay”.

Tuy nhiên, cuộc sống của chị không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Chị cũng đã trải qua nhiều thăng trầm trước khi thành công trong lĩnh vực ẩm thực. Khoảng thời gian khi chưa tốt nghiệp, không có xe đi lại, việc làm chưa ổn định, cuộc sống của chị rất khó khăn và bấp bênh. Chị đã phải làm nhiều nghề để kiếm sống từ phục vụ, phụ bếp và làm giúp việc trong gia đình.

Thử sức với vai trò quản lý điều hành bếp ăn công nghiệp

Bôn ba với nhiều công việc khác nhau một thời gian, chị quay lại làm việc tại trường học. Trong hai năm 2015-2016, chị tham gia hội đầu bếp và trải qua nhiều lớp đào tạo để nâng cao tay nghề. Sự nghiệp thăng tiến dần khi chị về làm cho các công ty kinh doanh dịch vụ cung cấp suất ăn công nghiệp.

Trở thành quản lý khi còn trẻ tuổi, tưởng chừng chị sẽ gặp nhiều trở ngại khi phải lo 2.500 suất ăn/ngày và làm việc với những nhân viên lớn tuổi nhưng mọi thứ đều được Lanh sắp xếp rất chỉn chu. Ra đời sớm làm người đầu bếp trẻ này trở nên cứng cáp và mạnh mẽ, các tình huống phát sinh trong bếp đều được chị xử lý hiệu quả.

Với kinh nghiệm làm việc tại trường học, nơi được xem là có quy trình chế biến thực phẩm nghiêm ngặt, nên khi chuyển sang lĩnh vực suất ăn công nghiệp, chị không thấy bỡ ngỡ.

Chị cho biết: “Công việc này rất áp lực. Có thể nói không có công việc nào vất vả như lĩnh vực suất ăn công nghiệp. Vừa phải đảm bảo các suất ăn được hoàn thành đúng giờ vừa đảm bảo chất lượng món ăn. Căn bếp có 15-20 người, từ 5 giờ sáng, sơ chế thực phẩm, nấu nướng, 9 giờ có đồ ăn sẵn sàng, 10 giờ chia phần ăn, 11 giờ bắt đầu phục vụ. Thức ăn công nghiệp cần phải sạch sẽ vì được làm theo quy trình. Tuy nhiên, chỉ cần một sơ suất rất nhỏ có thể ảnh hưởng đến uy tín và mất khách hàng”.

Ngoài việc đảm bảo thời gian ra món ăn, người quản lý còn phải lên thực đơn sao cho đa dạng, phù hợp khẩu vị nhiều người, có kỹ năng xử lý tình huống như sự cố mất điện, thiếu hụt nhân sự…

Chị Lanh tại một sự kiện tiệc ngoài trời với khoảng 2.000 khách.

Niềm đam mê với Bếp cô Lành

Do dịch bệnh Covid-19, chị không còn làm lĩnh vực cung cấp suất ăn công nghiệp mà chuyển sang làm đầu bếp riêng cho các gia đình. Những bữa ăn do cô nấu cho các thành viên trong gia đình đều được chăm chút kỹ lưỡng, vừa ngon đúng vị vừa đầy đủ các chất dinh dưỡng và vệ sinh.

Vì quá quen thuộc với các món truyền thống của người Việt, trân trọng và yêu mến những món ăn ngon trong gia đình, chị xây dựng thương hiệu Bếp cô Lành, chuyên nấu những món ngon chuẩn nhà làm. Chị chia sẻ: “Tên thật của tôi là Lê Thị Lành, do sự cố khi làm giấy khai sinh nên đổi tên là Lanh. Bếp cô Lành sẽ nấu những món ăn theo yêu cầu của các gia đình. Nhưng thông thường tôi lên thực đơn gồm các món phù hợp cho trẻ em, người lớn, người già, món ăn chơi, món trong bữa cơm gia đình, món nhậu… Đặc biệt là các món bồi bổ sức khỏe từ sâm bố chính được nhiều thực khách ủng hộ”.

Chị Lanh trong một lần ghé thăm cách đồng sâm chọn nguyên liệu. Trong thực đơn món ăn của mình, chị Lanh tâm đắc nhất với những món làm từ sâm bố chính.

Trong năm vừa qua, Bếp cô Lành bán rất chạy những món như gà ác hầm sâm, chè sâm, chân gà sả tắc, thịt kho mắm ruốc, mắm kho quẹt. Đặc biệt, đặc sản của Bếp cô Lành là nước mắm trộn gỏi đóng chai, muối ớt xanh, muối ớt đỏ, sốt lẩu được nhiều chị em nội trợ ưa chuộng vì tiện lợi khi chuẩn bị bữa ăn gia đình.

Ưu điểm của bếp gia đình là người đầu bếp có thể kiểm soát được chất lượng món ăn. Theo phương châm kinh doanh của Bếp cô Lành, món ăn có ngon, vệ sinh và tốt cho sức khỏe thì khách hàng mới quay trở lại với mình.

Định hướng của Bếp cô Lành trong tương lai là sẽ mở chuỗi gà tiềm và mì gà tiềm sâm bố chính, trong đó Bếp cô Lành sẽ là bếp trung tâm, cấp cấp sản phẩm cho các điểm bán khác.

Quỳnh Châu

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây