Thứ Bảy, Tháng Tư 27, 2024

Nữ đầu bếp người Nigeria và hành trình ‘hái sao’ Michelin cho Chishuru

A.I
(SGTT) – Mang triết lý ẩm thực Tây Phi ứng dụng vào nhà hàng Chishuru ở giữa lòng thành phố Luân Đôn (Anh Quốc), nữ đầu bếp người Nigeria – Adejoké Bakare – vừa “hái” sao Michelin thành công vào ngày 5-2-2024.

Theo đó, nữ đầu bếp Adejoké Bakare (tên gọi tắt là Joké) sinh ra và lớn lên ở thành phố Kaduna, Nigeria. Có cha là người Igbo (tộc người sống ở phía Đông Nam Nigeria) và mẹ là người Yoruba (tộc người sống ở phía Tây Nigeria), cô Adejoké Bakare đã tiếp thu sự giao thoa văn hóa ẩm thực vùng miền. Trong ký ức của mình, cô nhớ nhất là việc chứng kiến bà ngoại làm những món ăn đường phố truyền thống. Dần dần, vai trò là chị cả trong gia đình cũng phần nào nuôi dưỡng sở thích nấu nướng và tình yêu ẩm thực cho nữ đầu bếp này.

Mở nhà hàng từ câu lạc bộ ăn tối

Khoảng 20 năm trước, đầu bếp Adejoké Bakare đã quyết định du học và cô chọn đến Anh Quốc học ngành nghiên cứu vi trùng học. Trong khoảng thời gian này, cô vẫn duy trì niềm đam mê nấu nướng của mình bởi các món ăn quê hương nhằm chiêu đãi bạn bè.

“Cứ mỗi cuối tuần, mọi người lại tụ tập cùng nhau và nhiệm vụ của tôi là nấu món ăn cho bữa đó. Đến năm 2016, nhóm này trở thành câu lạc bộ ăn tối đặt ở Well Street Kitchen thuộc quận trung tâm Hackney”, cô thông tin.

Đầu bếp Adejoké Bakare bên Nhà hàng Chishuru. Ảnh: Secret London

Từ câu lạc bộ ăn tối này, cô Adejoké Bakare dần cân nhắc về việc chuyển sang lĩnh vực ẩm thực dù ngành học từng chọn không mấy liên quan. Duyên ẩm thực đến, đầu năm 2019, một người bạn chia sẻ thông tin về cuộc thi Brixton Kitchen. Cô quyết định tham dự ở hạng mục dành cho người nghiệp dư và cuối cùng giành giải thưởng là một suất lưu trú ở một nhà hàng cao cấp trong vòng sáu tháng tại Brixton.

“Tôi nhớ lúc đó mình nấu một set tiệc gồm khai vị, ăn nhẹ, món chính và đồ uống. Tôi vừa nấu ăn vừa có phần trình bày về ý tưởng chọn những món này. Cuối cùng, tôi đã thuyết phục họ và giành chiến thắng”, cô chia sẻ thêm. Đến năm 2020, cô có quyết định “táo bạo” khi mở cửa hàng ăn uống ở vùng Brixton, phía Nam Luân Đôn với tên gọi Chishuru.

Một góc không gian Nhà hàng Chishuru. Ảnh: CNN

Triết lý ẩm thực Tây Phi hiện đại ở Chishuru

Theo cô Bakare, trong ngôn ngữ Tây Phi, Chishuru có nghĩa là “sự im lặng bao trùm bàn ăn khi thức ăn được mang đến”. Chia sẻ trên CNN, cô nói “Tên nhà hàng thể hiện tình yêu và niềm đam mê đối với thực phẩm cũng như các nguyên liệu cần thiết của tôi ở tư cách là một đầu bếp”.

Có trụ sở tại Luân Đôn, Chishuru mang đến cho thực khách nhiều hương vị từ nền ẩm thực Tây Phi dựa trên những món ăn mà cô Bakare biết và từng nấu. Cô Bakare thông tin, ẩm thực Nigeria rất “rộng lớn” xét theo diện tích quốc gia và sự đa dạng của các tộc người. Thế nên, không dừng lại ở sự nguyên bản ẩm thực truyền thống, cô mong muốn mang đến một phong cách ẩm thực mới lạ hơn từ nền tảng những món truyền thống này.

Một số món ăn do đầu bếp Adejoké Bakare chế biến. Ảnh: CNN

Một trong những món ăn yêu thích của cô Bakare là ekuru, món bánh được làm từ dưa hấu, sốt pesto, hạt bí ngô và dùng kèm tương ớt Scoth. Đầu bếp giải thích “Nó bao gồm những nguyên liệu mà nhiều khách hàng chưa từng nếm thử trước đây và nó thực sự trông không giống món ăn của bất kỳ ai khác từng nấu”. Các món ăn còn lại ở Nhà hàng Chishuru được thực khách yêu thích không kém là ức gà Guinea nướng than, bánh đậu tủy xương hay bánh trứng chiên moi moi.

Gần đây, nhân viên ở nhà hàng của cô còn được đào tạo về giết mổ động vật để tận dụng tối đa các phần thịt động vật trong chế biến, cũng như bảo đảm miếng thịt tươi nhất.

“Điều tôi thích nhất khi đến Chishuru dùng bữa là thực đơn cao cấp, kỹ thuật nấu đổi mới và quan trọng là trải nghiệm ẩm thực từ món ăn rất thú vị. Tôi ra về sau bữa tiệc với tâm lý vui vẻ, no bụng và thật sự ngon miệng”, Harriet Fitch Little, Biên tập viên ẩm thực, tạp chí FT Weekend viết về Chishuru.

Chishuru và câu chuyện hái sao Michelin

Vận hành nhà hàng trong dịch và cả sau dịch Covid-19, đầu bếp Adejoké Bakare gặp nhiều khó khăn nhưng mỗi lần thử thách là mỗi lần cô và nhà hàng trưởng thành hơn.

Nữ đầu bếp nói “Tôi và đội ngũ nhân viên cố gắng phát triển nhà hàng và thực tế nó vượt xa khỏi không gian nhỏ bé của một gian bếp. Tuy nhiên, thực tế chúng tôi đã bị nhiều chủ nhà từ chối thẳng thừng bởi họ không tin rằng một nhà hàng phục vụ ẩm thực Tây Phi sẽ là thành công trong ngôi nhà họ cho thuê”.

Sau những lần tìm mặt bằng mới, Nhà hàng Chishuru hiện tọa lạc ở một góc phố Great Titchfield tại trung tâm Luân Đôn. Từ đó, nhà hàng không ngừng phát triển và đạt được một số thành tích như top 100 nhà hàng tốt nhất Anh Quốc thuộc Giải thưởng Nhà hàng Quốc gia Estrella Damm hay được vinh danh là Nhà hàng của Năm Time Out và Eater London vào năm 2022. Chưa hết, vào ngày 5-2 vừa qua, Nhà hàng Chishuru còn được cẩm nang ẩm thực quốc tế Michelin trao tặng một sao.

Đầu bếp Adejoké Bakare và nhà hàng Chishuru nhận 1 sao Michelin vào ngày 5-2-2024. Ảnh: BellaNaija

Thông tin trên CNN, Chánh thanh tra Chishuru của Michelin Guide cho biết: “Việc trao tặng một sao cho nhà hàng của nữ đầu bếp Adejoké Bakare là một sự kiện ẩm thực khá thú vị (danh tính của các thanh tra viên Michelin được giữ kín). Phong cách của cô ấy độc đáo và nhà hàng là sự phản ánh rõ nét về tính cách cũng như cách nấu nướng của cô ấy: vui vẻ, tràn đầy sức sống, hào phóng và thú vị”.

Với vị thế mới được gắn sao Michelin của Chishuru, thách thức tiếp theo đối với nữ đầu bếp Adejoké Bakare là theo kịp sự quan tâm ngày càng tăng sau giải thưởng này. “Hiện tại chúng tôi vẫn bảo đảm mọi thứ tốt nhất cho thực khách, nhưng song song đó mọi người vẫn không ngừng họp bàn làm sao đáp ứng nhu cầu tăng cao khi có một sao Michenlin”.

Cô Bakare nói thêm: “Điều tôi tự hào nhất ở Chishuru là có thể nấu đồ ăn theo cách của mình. Tôi nghĩ tằng không có nhiều đầu bếp có được đặc quyền đó và tôi cảm thấy mình thật may mắn”.

Theo CNN, Greatbritishchefs, womeninthefoodindustry

Gia Hân

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Nghe đầu bếp nữ kể chuyện nghề nhân ngày Quốc tế...

0
(SGTT) - Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3), Sài Gòn Tiếp Thị đã có cuộc trò chuyện với một số nữ đầu bếp...

Gặp gỡ bếp trưởng người Việt của tập toàn đa quốc...

0
(SGTT) – Kinh qua nhiều vị trí trong ngành bếp hơn 20 năm, đầu bếp Trịnh Minh Thành vẫn nhớ ngày đầu khó khăn...

Chuyên gia ẩm thực Pháp và câu chuyện ‘nước mắm chai...

0
(SGTT) - Benoît Chaigneau, chuyên gia ẩm thực Pháp, người sáng lập ra thương hiệu “nước mắm chú Ben”, đã có buổi trò chuyện...

Nghệ nhân Kiều Oanh với khao khát đưa cờ Việt Nam...

0
(SGTT) - Tình yêu với bánh đã đưa Nghệ nhân Ẩm thực Lê Thị Kiều Oanh chinh phục những thành tựu trong nghề bếp....

Giảng viên Ngô Đình Trưởng: Người ‘thổi hồn’ cho những chiếc...

0
(SGTT) – “Mỗi chiếc bánh kem là một nghệ thuật, người làm bánh cũng như nghệ sĩ. Vậy nên mỗi khi đặt tay làm...

Bếp trưởng Đinh Công Sơn: ‘Nụ cười thực khách là động...

0
(SGTT) - Thời gian gần đây, ẩm thực Bình Dương nhận được nhiều sự quan tâm của mọi người bởi các món như gỏi...

Kết nối