Thứ Hai, Tháng Tư 29, 2024

Đầu bếp 31 tuổi tạo nền ẩm thực ‘hợp nhất’ từ cuộc dạo chơi 48 quốc gia châu Phi

(SGTT) – Bữa tối tại nhà hàng Meza Malonga (cộng hòa Rwanda, châu Phi) không chỉ là bữa ăn đơn thuần mà nó thật sự như chuyến tham quan lục địa đen. Tất cả nguyên liệu tươi ngon, văn hóa ẩm thực của lục địa này được kết nối lại với nhau bởi vị bếp trưởng Dieuveil Malonga.
Bếp trưởng Dieuveil Malonga có nhiều năm kinh nghiệm làm việc ở các nhà hàng đạt sao Michelin tại châu Âu trước khi quyết định về lập nghiệp ở quốc gia Rwanda. Ảnh: Chris Schwagga

Sinh ra ở Brazzaville (cộng hòa Congo) và lớn lên ở Đức, anh Dieuveil Malonga (31 tuổi) bắt đầu sự nghiệp đầu bếp ở một số nhà hàng gắn sao Michelin tại châu Âu. Năm 2014, anh tham dự chương trình truyền hình thực tế Đầu bếp thượng đỉnh ở Pháp. Tại đây, anh phô diễn những kiến thức và kỹ năng chế biến món ăn châu Phi và được mọi người đón nhận.

Năm 2016, anh nghĩ mình cần gắn bó hơn với ẩm thực châu Phi nên đã lên kế hoạch đi đến 48 quốc gia thuộc châu lục này trong hai năm. Năm 2020, anh quyết định dừng lại ở thủ đô Kigali, Rwanda và mở nhà hàng cùng tên (Malonga) nhằm giới thiệu những món ăn mang phong cách ẩm thực hợp nhất.

Một góc nhà hàng Meza Malonga. Ảnh: Facebook nhà hàng
Một món ăn thể hiện phong cách ẩm thực hợp nhất châu Phi của anh gồm thịt phi lê cá rô sông Nile mạ vàng, rougail xoài thơm và hoa dại. Ảnh: Chris Schwagga

Dù nhà hàng được thực khách và chuyên gia ẩm thực có lời khen ngợi nhưng tham vọng không nằm ở cá nhân mà anh muốn dành cho toàn bộ nền ẩm thực châu Phi. Sau khi thiết lập mạng lưới kỹ thuật số “Đầu bếp châu Phi”, đến nay, nền tảng này đã có sự tham gia của hơn 4.000 đầu bếp và chuyên gia ẩm thực. Qua đó, mang đến cho anh sự tự tin để thực hiện sứ mệnh nâng tầm ẩm thực châu lục này.

Trường học của những người bà

“Dù ở châu Âu tôi làm việc tại những nhà hàng đạt sao Michelin nhưng tôi vẫn cảm thấy đó là sự rời rạc và ‘mạnh ai nấy làm’. Vậy thì sao mình không sáng tạo ra những món ăn mang tính hợp nhất cho cả một châu lục, nhất là quê hương châu Phi”, anh trăn trở.

Theo đó, ẩm thực “hợp nhất” của bếp trưởng Dieuveil Malonga chính là đến từ những ngôi làng ở 48 quốc gia châu Phi anh từng ghé qua. “Tôi đến rất nhiều ngôi làng và gặp những người phụ nữ lớn tuổi để hiểu hơn về truyền thống, món ăn và cả cách chọn lựa nguyên liệu. Những người phụ nữ này sở hữu các kỹ thuật chế biến cổ xưa để cho ra thành phẩm món ăn tuyệt vời”, anh nhấn mạnh.

Kết hợp quá trình làm nghề ở châu Âu, anh đã vận dụng kiến thức học được ở 48 quốc gia châu Phi để xây dựng phong cách ẩm thực riêng mình. Đó là các món ăn Tây Phi đến từ Cameroon, Bờ Biển Ngà, Ghana hay các món ăn truyền thống của nhóm dân tộc người Maasai, Bantu và Zulu… được nấu bởi cách “đan xéo” nhau về nguyên liệu và gia vị để tạo nên hương vị riêng.

Lấy cảm hứng từ dầu cọ, sản phẩm đặc trưng của Congo, bếp trưởng Dieuveil Malonga kết hợp cùng khoai lang xay nhuyễn và thịt bò Rwanda. Ảnh: Chris Schwagga

“Thực phẩm không có biên giới. Nhiều thứ được kết nối với nhau và điều đó giúp tôi thỏa sức sáng tạo trong thế giới ẩm thực của mình”, Bếp trưởng Dieuveil Malonga nói.

Sự công nhận toàn cầu

Trong khi ẩm thực Bắc Phi, như món ăn Ma-rốc và Ai Cập, đã trở thành nền tảng chính của ẩm thực toàn cầu trong nhiều thập kỷ, thì cách nấu ăn của người Tây Phi ít được chú ý hơn. Mãi cho đến năm 2018, khi nhà hàng Ikoyi (chuyên phục vụ ẩm thực Nigeria) ở Anh được gắn sao Michelin và câu chuyện thương hiệu đồ ăn nhẹ kiểu Nigeria – Chika’s nổi tiếng lên thì mọi người mới dần có ấn tượng về ẩm thực Tây Phi.

Nhà hàng Ikoyi, Anh Quốc, chuyên phục vụ món ăn Nigeria đạt 2 sao Michelin vào năm 2018. Ảnh: Eater

“Khi tôi còn trẻ, mọi người chỉ nói về ẩm thực châu Âu, sau này đến món Á, Nam Mỹ, nhưng tôi tin tiếp đây sẽ là những câu chuyện về ẩm thực Tây Phi nói riêng và châu Phi nói chung”, anh Dieuveil Malonga cho hay. Được biết, vào tháng 3-2022, anh nhận giải thưởng top 100 đầu bếp xuất sắc nhất thế giới cũng như là top 50 đầu bếp có những cống hiến, tạo nên sự thay đổi cho ẩm thực quê hương. Ngoài ra, nhà hàng của anh cũng lọt vào top 50 nhà hàng tốt nhất thế giới do tổ chức Theworlds50best bình chọn.

Cuộc cách mạng ẩm thực

Không dừng lại ở việc kinh doanh, bếp trưởng Dieuveil Malonga còn cùng các cộng sự xây dựng “làng đổi mới ẩm thực” ở vùng nông thôn phía Bắc Musanze, Rwanda và dự kiến đi vào hoạt động cuối năm 2024.

Theo đó, cơ sở này là nhà hàng kiêm trường đào tạo ẩm thực trị giá 1,5 triệu đô la Mỹ, nơi anh hy vọng tạo nên cuộc cách mạng thực phẩm bằng cách mang thực phẩm tươi ngon đến các vùng xa hẻo lánh. Đồng thời, các em học sinh có thể học những khóa đào tạo bếp dù cho các em đến từ bất kỳ quốc gia châu Phi nào.

Cơ sở giáo dục ẩm thực của bếp trưởng Dieuveil Malonga (ảnh trái) nằm cạnh bờ hồ Ruhondo trù phú sản vật (phải). Ảnh: Facebook nhà hàng

Nằm cạnh bờ hồ Ruhondo, nơi đây hứa hẹn có nguồn thực phẩm tươi ngon là cá và trang trại trồng rau rộng gần 3ha. “Tôi tự hào khi cảm nhận văn hóa ẩm thực châu Phi đang ngày càng lớn dần, và chắc chắn sẽ lớn mạnh không kém nền ẩm thực ở các châu lục khác”, anh chia sẻ.

Gia Hân

Theo CNN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Nữ đầu bếp người Nigeria và hành trình ‘hái sao’ Michelin...

0
(SGTT) – Mang triết lý ẩm thực Tây Phi ứng dụng vào nhà hàng Chishuru ở giữa lòng thành phố Luân Đôn (Anh Quốc),...

Nghe đầu bếp nữ kể chuyện nghề nhân ngày Quốc tế...

0
(SGTT) - Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3), Sài Gòn Tiếp Thị đã có cuộc trò chuyện với một số nữ đầu bếp...

Gặp gỡ bếp trưởng người Việt của tập toàn đa quốc...

0
(SGTT) – Kinh qua nhiều vị trí trong ngành bếp hơn 20 năm, đầu bếp Trịnh Minh Thành vẫn nhớ ngày đầu khó khăn...

Chuyên gia ẩm thực Pháp và câu chuyện ‘nước mắm chai...

0
(SGTT) - Benoît Chaigneau, chuyên gia ẩm thực Pháp, người sáng lập ra thương hiệu “nước mắm chú Ben”, đã có buổi trò chuyện...

Nghệ nhân Kiều Oanh với khao khát đưa cờ Việt Nam...

0
(SGTT) - Tình yêu với bánh đã đưa Nghệ nhân Ẩm thực Lê Thị Kiều Oanh chinh phục những thành tựu trong nghề bếp....

Giảng viên Ngô Đình Trưởng: Người ‘thổi hồn’ cho những chiếc...

0
(SGTT) – “Mỗi chiếc bánh kem là một nghệ thuật, người làm bánh cũng như nghệ sĩ. Vậy nên mỗi khi đặt tay làm...

Kết nối