Thứ Năm, Tháng Năm 30, 2024

Lo ngại dược liệu không nguồn gốc

BÌNH AN – 

Thời gian gần đây, cơ quan chức năng liên tục bắt giữ nguyên dược liệu không có nguồn gốc xuất xứ, không hóa đơn chứng từ, được nhập về phân phối cho các tỉnh phía Bắc và phía Nam. Nhiều người lo ngại, không biết sức khỏe người dân sẽ ra sao nếu uống phải những thang thuốc được làm từ nguồn dược liệu trôi nổi kia.

Hàng nhập lậu nhiều

duoclieuDuợc liệu đuợc bày bán trên đường Hải Thuợng Lãn Ông, quận 5, TPHCM.

Theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam tiêu thụ 60.000-70.000 tấn dược liệu mỗi năm, trong khi đó lượng dược liệu sản xuất trong nước chỉ chiếm chưa đến 10%. Điều này có nghĩa, phần lớn nguồn dược liệu phải nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc.

Thời gian gần đây, tình trạng buôn bán, vận chuyển nguyên liệu chế biến thuốc Bắc lậu, kém chất lượng từ biên giới Việt-Trung có chiều hướng tăng mạnh với số lượng lớn. Theo cơ quan chức năng, các chủ hàng thường mua nguyên liệu thuốc không rõ nguồn gốc từ Trung Quốc, rồi nhập vào Việt Nam qua đường tiểu ngạch, sau đó tập kết ở Lạng Sơn và đưa về Hà Nội cũng như các tỉnh phía Nam tiêu thụ.

Ngày 4-5 vừa qua, gần 10 tấn nguyên liệu thuốc Bắc nhập lậu gồm táo tàu, thục địa, cam thảo, hoài sơn, đương quy, đỗ trọng… được đựng trong các bao tải và thùng carton bên ngoài in chữ Trung Quốc bị công an tỉnh Hưng Yên bắt giữ. Tất cả số nguyên liệu dùng để bào chế thuốc Bắc này đều không rõ nguồn gốc. Trước đó, ngày 25-4, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp công an huyện Gia Lâm kiểm tra kho hàng Đông dược tại tổ 8, xã Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội, phát hiện gần 300 kg dược liệu dùng trong Đông y được nhập lậu.

Cuối năm 2015, Cục C46 – Bộ Công an phối hợp với Phòng CP46 và Phòng PC45 – Công an thành phố Hà Nội phát hiện và bắt giữ một lô dược liệu không nguồn gốc lên đến gần 70 tấn tại tỉnh Bắc Giang.

Không đảm bảo chất lượng

Trước thực trạng nguồn dược liệu trên thị trường kém chất lượng, nhiều lương y đã phải tự trồng cây thuốc tại vườn nhà hoặc đi mua đất khắp nơi để trồng cây thuốc nhằm có nguồn dược liệu sạch đảm bảo công việc khám chữa bệnh cho người dân.

Lương y Nguyễn Đức Nghĩa, phòng khám Tuệ Lãn (quận 3, TPHCM), cho biết ông thường xuyên lên rừng để tìm những cây thuốc quý về trồng tại các tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Thuận và tại quận 9, TPHCM. Bên cạnh đó, ông cũng giữ mối quan hệ với các lương y ở các tỉnh, thành trong cả nước để tìm kiếm cây thuốc về trồng và dùng làm thuốc chữa bệnh cho người dân.

Ông Nghĩa kể, vừa qua, một sinh viên tại TPHCM nghiên cứu đề tài về hoạt chất trong một số cây thuốc bán trên thị trường. Khi mang nguyên liệu đi kiểm nghiệm tại Trung tâm kiểm nghiệm Sắc ký TPHCM, kết quả cho thấy không có hoạt chất nào tồn tại trong các cây dược liệu đó, hoặc có nhưng rất ít. Phần lớn chỉ còn là “bã dược liệu”, cuối cùng sinh viên ấy phải bỏ đề tài.

Trên thực tế, một số tuyến đường ở quận 5 TPHCM mua bán tấp nập nguồn dược liệu Đông y. Tại đây, nguồn nguyên liệu rất phong phú, nếu không muốn nói là mua gì cũng có. Cùng một loại cây, nhưng giá bán khác nhau. Ai muốn mua loại rẻ tiền cũng có, loại đắt gấp hai ba lần cũng có. Khi được hỏi về hoài sơn rằng loại rẻ tiền và đắt tiền chất lượng ra sao, người bán cho biết: loại rẻ tiền có miếng lớn hơn được làm từ củ sắn, còn loại đắt tiền là hoài sơn thật.

Một cửa hàng trên đường Hải Thượng Lãn Ông, nơi bán hồng hoa, chi tử và quả dành dành có màu sắc tươi và bắt mắt. Khi mua thử một ít và đưa về một nhà thuốc Đông y đạt chuẩn GPP (nhà thuốc tốt), lương y của nhà thuốc cho biết, dược liệu này được nhuộm màu và có thuốc chống mốc. Ngoài ra, các loại nấm linh chi, sâm cũng được bán loạn giá cả. Tại một cửa hàng lớn, bán nhiều loại cây thuốc ngâm rượu gần bùng binh đường Hải Thượng Lãn Ông, chủ cửa hàng cho biết, nấm linh chi loại nào cũng có, có loại 200.000 đồng/kg, loại tốt hơn có giá 500.000 đồng/kg, loại đặc biệt có giá 1,2 triệu đồng/kg.

Cục Quản lý y dược cổ truyền (Bộ Y tế) cho biết, trong năm 2015 cơ quan này đã lấy 227 mẫu dược liệu để kiểm nghiệm thì có tới 60% mẫu không đạt chất lượng (không đạt chất lượng về hàm lượng, hoạt chất, làm giả dược liệu). Còn thống kê tại Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM cho thấy, thuốc y học cổ truyền mỗi năm mua cả dược liệu và Đông dược, thuốc thành phẩm có hơn 250 loại, trong đó thuốc có nguồn gốc từ Trung Quốc chiếm hơn một nửa, còn lại là thuốc trong nước.

Một bác sĩ Đông y đang làm việc tại Bệnh viện Y học cổ truyền, cho biết khi mua dược liệu về, lương y, bác sĩ chỉ biết nhìn bằng mắt thường, nghi ngờ loại nào kém chất lượng thì mang đi kiểm nghiệm lại nồng độ hoạt chất, độ ẩm và tạp chất để loại trừ ra… Chất lượng các loại dược liệu này không đảm bảo 100%.

Theo các lương y, các dược liệu dành dành, hoàng hoa, bạch linh, thỏ ti tử, hoài sơn dễ bị làm giả do thương lái hám lợi nên hay trà trộn bằng các loại củ khác để bán. Ngoài ra, có loại còn bị phát hiện có trộn tạp chất, nhuộm màu cho bắt mắt.

Vấn đề là hiện nay gần như các lương y đều phụ thuộc nguồn dược liệu từ thị trường, chẳng hạn như chợ thuốc Hải Thượng Lãn Ông tại TPHCM. Nhiều dược liệu bán không có giấy tờ, nguồn gốc, không ghi hàm lượng, hạn sử dụng. Các lương y, nhà thuốc vẫn mua về cắt thuốc, nấu thuốc cô đặc và viên thuốc bán cho người dân uống. Nhiều công ty dược vẫn mua dược liệu ở đây về sản xuất thực phẩm chức năng bán cho người tiêu dùng.

Theo lương y Đinh Công Bảy, Tổng thư ký hội dược liệu TPHCM, hiện nay việc buôn bán, vận chuyển các nguyên liệu bào chế thuốc lậu rất nhiều. Nguy hiểm ở chỗ, nếu các nguyên liệu này được bào chế thành thuốc thành phẩm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người sử dụng. Nếu người bệnh uống phải loại thuốc dỏm, thuốc kém chất lượng, chứa nhiều tạp chất sẽ bị ngộ độc, suy nội tạng. Bệnh nhân không những không khỏi bệnh mà còn bị nguy hại đến tính mạng.

Mới đây, Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương công bố thuốc Đông y trong các cơ sở khám chữa bệnh có khoảng 20% dược liệu bị trộn rác như cát, xi măng, tạp chất, nói chung là dược liệu giả với hàm lượng lưu huỳnh, asen (thạch tín) vượt quá chỉ số cho phép nhiều lần.

Những người trong ngành cho biết, việc quản lý nguồn dược liệu hiện nay cũng có vấn đề. Phòng Quản lý y dược học cổ truyền (Sở Y tế TPHCM) cũng chỉ quản lý theo hóa đơn chứng từ, các loại thuốc thành phẩm hay nguồn dược liệu do người bán đi kiểm nghiệm và cung cấp và tự chịu trách nhiệm, chứ không quản lý theo số lô, hạn sử dụng như thuốc Tây y.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

TPHCM cấm xe nhiều tuyến đường phục vụ Lễ hội sông...

0
Nhằm phục vụ các chương trình Lễ hội sông nước TPHCM lần thứ 2, Sở Giao thông vận tải TPHCM vừa đưa ra thông...

Tiếp tục trung chuyển miễn phí khách đi cao tốc TPHCM...

0
(SGTT) - Tối 29-5, Công ty cổ phần Tàu cao tốc Phú Quốc (chủ đầu tư tuyến tàu cao tốc TPHCM - Côn Đảo)...

Triển khai dịch vụ xe buýt 2 tầng ở khu vực...

0
(SGTT) - Từ nay, du khách có thể tham quan các địa điểm nổi bật tại khu Chợ Lớn như chợ Bình Tây, chùa...

Dòng chảy tiền trên thị trường bất động sản: những tín...

0
(SGTT) - Dòng tiền doanh nghiệp đã có sự cải thiện trong những tháng đầu năm 2024, nhưng vẫn đối diện với thách thức...

Gần 7,6 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong...

0
Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố sáng nay, trong tháng 5-2024, Việt Nam đón gần 1,4 triệu lượt khách quốc tế,...

Tự tay làm món Tây giữa vườn ca cao ở Tiền...

0
(SGTT) - Nằm ở vùng Tây Nam bộ, Alluvia Chocolate tại Tiền Giang đang thu hút du khách bởi những vườn ca cao trĩu...

Kết nối