Thứ Hai, Tháng Sáu 17, 2024

Đua ‘săn’ nhân lực trước dòng chảy vốn vào công nghệ bán dẫn

A.I
(SGTT) – Dòng chảy đầu tư vào điện tử, data center, và đặc biệt là công nghệ vi mạch bán dẫn… đặt ra nhiều thách thức để Việt Nam đẩy nhanh hơn nữa việc phát triển nguồn nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lớn của nhà đầu tư.

Đang có tình trạng các công ty dịch vụ cung cấp nhân lực “săn” nhân sự của doanh nghiệp công nghệ bán dẫn trong nước, thậm chí ở Singapore… để phục vụ các dự án sắp tới ở Việt Nam.

Nhu cầu tuyển dụng kỹ sư công nghệ vi mạch bán dẫn ở Việt Nam rất lớn khi dòng vốn FDI vào ngành này đang tăng. Ảnh minh họa về thiết kế vi mạch bán dẫn của một công ty Mỹ ở TPHCM. Ảnh: H. Lê

Nhu cầu tuyển dụng lớn

Lãnh đạo Marvell Technology Inc, tập đoàn hàng đầu về các giải pháp vi mạch và bán dẫn phục vụ cơ sở hạ tầng dữ liệu của Mỹ, gần đây phấn khởi với con chip 7nm (công nghệ 7 nanometer) do đội ngũ kỹ sư Việt Nam thực hiện.

Theo TS. Lợi Nguyễn, Phó chủ tịch cấp cao bộ phận Cloud Optics (Kết nối quang đám mây) của tập đoàn, con chip chỉ 0,3 x 0,3 cm chuyên về bộ điều khiển cho lưu trữ dữ liệu có đến 300 cổng kết nối, 200 triệu transistor, có thể trao đổi dữ liệu nhanh nhất hiện nay.

Ngoại trừ công đoạn đầu tiên là kiến trúc hệ thống, các kỹ sư Marvell Việt Nam đã tham gia vào hầu hết các công đoạn, như thiết kế (design), kiểm tra thiết kế, giai đoạn GDSII (chuyển đổi từ định dạng thiết kế sang sản xuất)… của con chip này.

Không chỉ con chip 7nm, theo TS Lợi, hiện nay, đội ngũ kỹ sư Marvell Việt Nam tham gia trực tiếp vào rất nhiều sản phẩm tiên tiến nhất của Marvell. Đơn cử như tham gia thiết kế, mô phỏng, kiểm thử và phần mềm cho sản phẩm Nova 2, là sản phẩm hiện đại nhất và đầu tiên trên thế giới cung cấp kết nối tốc độ cao 1,6 terabyte/giây.

Các kỹ sư của Marvell Việt Nam tham gia vào hầu hết các dòng sản phẩm khác nhau và được làm với những công nghệ mới nhất, thậm chí là những dự án 3 và 2 nano. “Các kỹ sư Việt Nam đã làm việc rất hiệu quả với các nhóm khác của Marvell ở Mỹ, Israel, Singapore… cho thấy kỹ sư Việt Nam có khả năng làm việc tốt ở những dự án cao, những công nghệ mới nhất trong ngành vi mạch bán dẫn”, TS. Lê Quang Đạm, CEO Marvell Việt Nam, nói.

Điều này cũng lý giải vì sao Marvell liên tục mở rộng hoạt động và tăng tốc tuyển dụng ở Việt Nam, từ gần 300 kỹ sư năm ngoái lên gần 400 kỹ sư ở thời điểm hiện tại.

TS Lợi Nguyễn, Phó Chủ tịch Tập đoàn Marvell Technology Inc, giới thiệu con chip 7 nano với phần lớn chất xám từ các kỹ sư Marvell Việt Nam. Ảnh: H. Lê

Hiện đã có hơn 50 doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bán dẫn hoạt động tại Việt Nam như Intel, Amkor, Hana Micron (đóng gói, kiểm thử); Ampere, Marvell, Cadence, Renesas, Synopsys, Qorvo (thiết kế); Lam Research, Coherent (sản xuất thiết bị)… Cùng với đó, các công ty trong nước cũng đã gia nhập thị trường như Viettel, FPT, VNChip…

Hàng loạt dự án FDI quy mô lớn cam kết vào Việt Nam cho thấy nhu cầu nhân sự cho ngành sắp tới là rất lớn. Tuy nhiên, khả năng đáp ứng nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam hiện chưa đến 20%.

Tỷ lệ ít ỏi này khiến cho tình trạng các doanh nghiệp “khát” kỹ sư có kinh nghiệm và cả kỹ sư mới ra trường ngày một trầm trọng. Các vị trí đòi hỏi kiến thức, kỹ năng sâu, có thâm niên… càng khan hiếm.

Cuộc chiến “săn” nhân sự, và…

Khan hiếm và thiếu nhân lực công nghệ vi mạch bán dẫn khiến cho tình hình săn đón, mời mọc của các công ty cùng ngành, nhất là các công ty dịch vụ “săn đầu người” cho các dự án mới đang âm thầm diễn ra với nhiều hứa hẹn lương bổng hấp dẫn, chính sách đãi ngộ cao. Việc này không chỉ diễn ra ở trong nước mà ngay cả những nhân sự đang làm việc ở ASEAN cũng diễn ra khá rầm rộ.

Từ đầu năm đến nay, Nguyễn Minh (đề nghị đổi tên), một kỹ sư cao cấp công nghệ bán dẫn ở Singapore, nhận được nhiều đề nghị của các công ty “săn đầu người” tại ASEAN để đổi nơi làm việc. Trong đó, có 6 lời mời trở về nước đầu quân cho các dự án FDI với thu nhập tương đương anh đang làm ở Singapore.

“Với thu nhập hơn 100 triệu đồng/tháng ở TPHCM sẽ rất thoải mái so với sống ở Singapore vốn chi phí đắt đỏ”, anh Minh nói, nhưng lăn tăn với quyết định trở về nước vì với khoản tiền trên anh phải chịu thuế thu nhập cá nhân đến 35%, trong khi tại Singapore hiện chỉ là 4%.

“Với thâm niên hơn 6 năm trong nghề và đã làm việc ở môi trường quốc tế, tôi nhận thấy cơ hội việc làm của mình đang khá rộng mở để chọn công ty phù hợp làm việc, nhất là làn sóng đầu tư vi mạch bán dẫn vào Việt Nam tăng cao”, anh Minh nói.

Nhu cầu tuyển dụng kỹ sư cho ngành công nghệ vi mạch bán dẫn ở trong nước rất lớn. Ảnh: H.L

Trong khi đó, kỹ sư V. Tuấn với hơn 10 năm kinh nghiệm quyết định trở về quê hương nhận mức thu nhập khoảng 200 triệu đồng/tháng cho vị trí trưởng phòng thiết kế vi mạch tại một công ty Mỹ.

Khoản thu nhập này tương đương ở Singapore nhưng với vị trí này các kỹ sư Việt Nam tại Singapore khó được đề cử vì đa số những công ty tại đảo quốc sư tử đến từ Đài Loan, Trung Quốc… Họ ưu tiên nhà quản lý phải biết tiếng Hoa để giao tiếp với chủ đầu tư, bên cạnh tiếng Anh. Quyết định trở về quê nhà còn là để an cư vì anh đã lập gia đình trong khi việc có “thẻ xanh” định cư ở Singapore là rất khó.

Một số kỹ sư phần mềm người Việt khác đang làm việc tại Singapore cũng cho biết cơ hội việc làm với họ không chỉ rộng mở tại đảo quốc này mà còn đang được săn đón cho các dự án FDI công nghệ bán dẫn mới ở Việt Nam.

Trên thực tế có những tập đoàn lớn chuyên về thiết kế vi mạch trước đây thường chọn Singapore để làm cơ sở chính cho cả khu vực ASEAN nhờ hội tụ tài năng và chuyên gia công nghệ thì giờ đây rục rịch chọn Việt Nam.

Đơn cử như Marvell sẽ tăng khoảng 20%/năm về quy mô nhân sự ở Việt Nam. Dự kiến trong 1-2 năm tới, đội ngũ nhân sự của Marvell Việt Nam sẽ vượt Marvell tại Singapore, trở thành một trong ba trung tâm Marvell mang tầm thế giới, sau Mỹ và Ấn Độ.

Để đạt được mục tiêu này, bên cạnh trung tâm thiết kế chính ở TPHCM tại KCX Tân Thuận (quận 7), Marvell Việt Nam dự kiến mở thêm ở khu trung tâm để tuyển được nhân sự không muốn ra quận 7 làm việc. Và để giảm cạnh tranh tại TPHCM, Marvell vừa mở trung tâm ở Đà Nẵng, tuyển dụng nhân lực khu vực miền Trung.

Để chiêu mộ, ngoài mở văn phòng nhiều nơi, Marvell đầu tư vào cơ hội tiếp cận công nghệ mới, môi trường làm việc và lương thưởng, phúc lợi. Đáng chú ý, theo TS Lê Quang Đạm, Marvell tặng cổ phiếu cho nhân viên, với số lượng tùy cấp bậc và thành tích để họ gắn bó với sự phát triển của doanh nghiệp.

Trao đổi với KTSG Online, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Công nghệ vi mạch bán dẫn TPHCM, cũng cho rằng nhu cầu nhân lực công nghệ vi mạch bán dẫn thế giới rất lớn và đang bị thiếu nhiều. Tình hình cung ứng nhân sự ngành này ở Việt Nam hiện chỉ đáp ứng được 1/10 nhu cầu. Trong khi đó, đầu tư công nghệ vi mạch bán dẫn đang tiếp tục rót vào đòi hỏi nhanh chóng phát triển nhân lực.

Trên thực tế, bên cạnh “chiêu mộ” kỹ sư thâm niên, để đáp ứng nhu cầu nhân sự cho hoạt động, các nhà đầu tư còn liên kết với các trường đại học để đào tạo sinh viên. Các doanh nghiệp cũng chọn những sinh viên giỏi, tài năng các trường công nghệ, kỹ thuật trao học bổng để đào tạo ngành này.

Theo các doanh nghiệp, các kỹ sư mới ra trường có nền tảng kiến thức kỹ thuật cơ bản tốt nên chỉ cần đào tạo 6-12 tháng là có thể làm việc. Tuy nhiên, phần lớn chưa mạnh về giao tiếp tiếng Anh, khả năng làm việc nhóm, trình bày và quản lý dự án. Nhóm kỹ sư 5-15 năm kinh nghiệm, quản lý được dự án, đảm nhiệm khâu kiến trúc trong ngành rất khan hiếm.

Nhận thấy nhu cầu lớn về nhân lực vi mạch trong tương lai, thời gian gần đây nhiều trường đại học trên cả nước tăng quy mô đào tạo hoặc mở thêm ngành đào tạo này. Đã có hơn chục trường học tham gia đào tạo nhân sự cho ngành.

Ông Vũ Chí Thành, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng FPT Polytechnic, đơn vị hợp tác với Tổ chức giáo dục Pearson (Anh), cho biết năm học tới trường lần đầu tuyển sinh ngành kỹ thuật công nghệ bán dẫn. “Chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế. Những sinh viên học xong không chỉ làm việc trong nước mà có thể ra nước ngoài làm việc”, ông Thành khẳng định.

Hàng loạt doanh nghiệp công nghệ bán dẫn tiếp tục vào Việt Nam, tuyển nhân sự và đây là thách thức rất lớn.

Trong bối cảnh ngành vi mạch bán dẫn phát triển mạnh mẽ, nhiều công ty rất chú trọng đến nguồn nhân lực chất lượng cao. Và để chuẩn bị cho làn sóng đầu tư vi mạch tại Việt Nam, các ban ngành, các doanh nghiệp, trường học đang ráo riết đưa ra những giải pháp phát triển nguồn nhân lực đón đầu làn sóng này.

Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045″ của Việt Nam đặt mục tiêu đào tạo từ 50.000 – 100.000 kỹ sư bán dẫn.

Hùng Lê

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Sợ lỗi thời, nhân viên công nghệ Mỹ sốt sắng đi...

0
(SGTT) - Nhân viên công nghệ ở Mỹ đang sốt sắng trang bị lại kỹ năng trong thời kỳ mà mọi công ty công...

Đào tạo nhân lực bán dẫn và cuộc ‘chạy đua’ với...

0
(SGTT) - Việt Nam đang đặt mục tiêu đào tạo được 50.000 kỹ sư bán dẫn vào năm 2030, trong khi hiện mới có...

Nhân lực ngành bán dẫn cần kế hoạch đào tạo ‘bắt...

0
(SGTT) - Việt Nam đang thu hút các nhà sản xuất ngành công nghiệp bán dẫn quốc tế đến đầu tư. Để nắm bắt...

Kỹ sư Việt vào ‘tầm ngắm’ của doanh nghiệp ngoại

0
(SGTT) - Các nhân sự cấp quản lý cấp trung có chuyên môn cao, kỹ sư hoặc kỹ thuật viên lành nghề trong nước...

Làm việc nhiều giờ hay làm việc thông minh?

0
(SGTT) - Chăm chỉ làm nhiều hay lựa chọn làm ít mà hiệu quả luôn là câu hỏi tranh luận từ rất lâu. Bài...

Làm việc từ xa giúp doanh thu công ty tăng trưởng...

0
(SGTT) - Doanh thu ở các công ty cho phép nhân viên làm việc linh động hoàn toàn tăng trưởng với tốc độ nhanh...

Kết nối