Thứ Bảy, Tháng Năm 11, 2024

Lặng lẽ Tokyo

(SGTT) – Tokyo, Nhật Bản là một trong những đô thị đông đúc nhất thế giới, nhưng lại mang những nét trầm mặc rất riêng. 

Phải đến tận nơi mới cảm nhận được sự “đông đúc một cách khác biệt” của thành phố-thủ đô xứ Phù Tang này. Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là nhà ga Shibuya, một nhà ga được biết do kiến trúc đặc biệt và lượng người qua lại nườm nượp mỗi ngày. Vì bay đến Tokyo sớm, chủ nhà trọ chưa chuẩn bị kịp nhà cho thuê nên  chúng tôi có cơ hội được tham quan nơi này.

Tàu viên đạn tốc độ nhanh, một niềm tự hào của người Nhật.

Từ nhà ga tàu Shibuya

Về mặt thiết kế, có thể tưởng tượng Shibuya giống như bên trong một đĩa bay.  Và hầu hết các hoạt động của nhà ga đều diễn ra ngầm dưới lòng đất. Đây là nhà ga có lượng người qua lại nhiều nhất Nhật, với khoảng hai triệu lượt mỗi ngày. Người qua lại đông, và nhìn quanh cũng thấy người bán hàng khá đông.

Đối với những người mới đến và không biết tiếng Nhật – không nhiều người Tokyo nói tiếng Anh, việc tìm đường và hỏi thăm ở chốn này tương đối khó khăn. Chúng tôi đã mất khá thời gian để tìm nơi gởi hành lý. Mọi việc chỉ trở nên suôn sẻ khi chúng tôi gặp được một cô nhân viên khác biết nói tiếng Anh nhiệt tình chỉ dẫn.

Trong các ga tàu nước ngoài, không cứ gì Tokyo, luôn có những tủ khóa dành cho khách bỏ đồ vô cho khỏi vướng víu tay chân. Hồi đó, cách nay 5 năm, tại Shibuya, tủ khóa gởi hành lý giá 600 yên, nhưng phải lấy ra trước 6:00 chiều.

Nhà ga, tuy đông người qua lại, nhưng lại khá thoáng đãng và mát mẻ.Nhờ những bức tường trông như đan kết bằng những sợi thủy tinh. Nghe nói, nhờ đó mà còn tiết kiệm được tiền điện nữa!

Chúng tôi cũng đọc được một câu chuyện xem như huyền thoại về xây dựng đã diễn  ra ở đây. Chuyện như thế này, vào năm 2013, người Nhật đã chỉ dùng đúng bốn tiếng đồng hồ để chuyển tuyến đường tàu từ trên mặt đất xuống lòng đất ngầm tại Shibuya.

Khi ấy, một đoạn đường ray nối liền ga Shibuya với ga Daikanyama phải được thay thế. Khoảng 1.200 kỹ sư, công nhân đã được huy động để làm việc này – một đoạn trên mặt đất, còn một đoạn dưới mặt đất.

Và họ chỉ có bốn tiếng đồng hồ – thời gian nghỉ giữa hai chuyến tàu trễ nhất và sớm nhất để hoàn thành công việc, không ảnh hưởng đến lịch trình chạy tàu. Đó là một nhiệm vụ dường như bất khả thi, nhưng đã được hoàn thành, và không ồn ào đến nỗi ngay cả dân cư trong khu vực cũng không hề hay biết.

Thật ra, mọi chuyện đã được chuẩn bị từ trước; bốn tiếng đồng hồ đêm hôm đó chỉ là bước cuối cùng để hoàn thiện mà thôi. Nhưng có thể nói đây là một bài học về sự tỉ mỉ, cẩn thận và chính xác của người Nhật.

Lên mặt đất, ở trước sảnh Hachiko, có thể nhìn thấy tượng đồng của một chú chó. Đó là chú chó Hachiko mà sảnh này mang tên. Từ khi có tượng, khách du lịch thập phương đã đổ xô tới đây để nhìn ngắm và chụp ảnh.

Hachiko chính là biểu tượng của lòng trung thành. Có một câu chuyện cảm động về một chú chó này. Chiều nào, chú cũng ra ga đợi chủ, mà không hề hay biết chủ nhân đã qua đời, trong suốt gần 10 năm trời như thế. Hachiko ra đi lúc 12 tuổi, tức đã dành gần trọn cuộc đời để đợi chờ.

Để ca ngợi và tưởng nhớ chú chó trung thành, người dân Nhật đã góp tiền dựng tượng chú, đặt ngay vị trí mà chú hằng ngày đã tới, chờ đợi chủ nhân tại ga tàu Shibuya. Bức tượng mà chúng ta thấy bây giờ thực ra không phải bức đầu tiên, vì tượng nguyên bản đã bị trưng thu và nung chảy để làm đạn dược phục vụ trong thời kỳ chiến tranh Mỹ – Nhật. Sau khi chiến tranh kết thúc, người ta lại dựng lại bức tượng, và nó tồn tại cho đến bây giờ, và hẳn cả trong tương lai nữa.

Câu chuyện về chú chó này sau đó được viết thành sách, dựng thành phim gây tiếng vang trên khắp thế giới. Phim về Hachiko, chúng tôi đã xem thời trẻ. Phim có thể lấy nhiều nước mắt khán giả và để lại dư âm sâu sắc.

Đến ngã tư Shibuya

Ngay trước sảnh Hachiko, cửa chính dẫn vào ga tàu Shibuya, là ngã tư Shibuya hay Shibuya Crossing. Nhiều khách du lịch, sau khi xem tượng Hachiko, đã đến đây chỉ để được đi bộ qua giao lộ đặc biệt này.

Với đến năm lối sang đường lớn và là nơi giao cắt của 10 làn đường, ngã tư Shibuya được cho là giao lộ đông đúc nhất thế giới. Theo một ước tính, ở đây có tới 2,4 triệu lượt người qua lại mỗi ngày và khoảng 2.500 người sánh vai nhau sang đường cùng một lúc, vào giờ cao điểm.

Khi đèn đỏ bật lên, xe cộ dừng lại, và khách bộ hành bộ liền rầm rập bước đi. Đứng bên phía nhà ga tàu, nhìn ra thấy không biết cơ man nào là người đã đợi sẵn từ khắp các hướng nhanh chóng sang đường, khiến chúng tôi mường tượng đến một cái khung cửi dệt với sợi dọc, sợi ngang đan vào nhau…

Người Nhật cũng ngồi dưới đất đọc báo.

Người đông nhưng không hỗn loạn: một sự “đông đúc lặng lẽ” hiếm thấy…

Đó là trải nghiệm ngày đầu tiên đến Tokyo của chúng tôi. Ngày hôm sau, chúng tôi dự định đi công viên Yoyogi để ngắm hoa anh đào. Theo lời giới thiệu của chủ nhà trọ, tháng tư là lúc hoa anh đào nở rộ đẹp nhất, mà công viên Yoyogi là nơi lý tưởng để ngắm hoa.

Chúng tôi lại ra ga Shibuya để bắt đầu hành trình. Rút kinh nghiệm lần trước, lần này chúng tôi hỏi đường một nhân viên bảo vệ. Sau một hồi nói tiếng Anh và ra dấu như đánh thái cực quyền, chúng tôi được chỉ đi theo đường tàu số 5 để tới ga gần đó, và phải hỏi tiếp.

Lúc xuống bến thì cũng lại lơ ngơ vì không biết tiếp theo đi như thế nào thì lại gặp một cô gái Nhật nhiệt tình chỉ đường. Thực ra, cô ấy cũng không biết đường, nhưng đã chịu khó dùng điện thoại tra Google Map để chỉ cho chúng tôi. Đi theo chỉ dẫn của cô ấy, chúng tôi lại lên tàu, đi thêm một bến rồi xuống.

Xuống rồi, lại hỏi đường tiếp. Cũng một cô gái, không rành tiếng Anh lắm, nhưng đã cùng lên tàu hướng dẫn chúng tôi đến công viên Yoyogi.

Quay lại thời Minh Trị 

Thực tế lại khác với dự định ban đầu, khi điểm đến ngày hôm đó không phải công viên Yoyogi mà đền thờ Meiji – Minh Trị Thiên hoàng. Một lát sau thì biết được đền thờ nằm ngay gần công viên. Sự nhầm lẫn lại mang đến một kết quả khá thú vị. Đền thờ Minh Trị Thiên hoàng cũng là một điểm tham quan đáng giá.

Ngôi đền nằm lặng lẽ trong một khu rừng gần như tách biệt với thế giới ồn ào bên ngoài. Đông người tới đây nhưng không gian vẫn đặc biệt yên tĩnh.

Thời kỳ Minh Trị là thời Nhật bắt đầu tiếp xúc với văn minh phương Tây, với súng đạn và công nghệ. Vua Minh Trị cũng là người tiên phong đưa nước Nhật từng bước trở nên hùng mạnh nhờ học hỏi, ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến lúc bấy giờ của phương Tây. Người Nhật dưới thời Minh Trị được khuyến khích học hỏi, tiếp thu kiến thức mới để tiến hành công nghiệp hóa đất nước.

Đây còn là thời kỳ Nhật đã chuyển tiếp từ chế độ phong kiến qua chế độ tư bản.

Sau khi lên ngôi, vua Minh Trị đã lật đổ chế độ phong kiến Mạc phủ, tự tay nắm đại quyền và từng bước đưa ra những chính sách mang tính bước ngoặt của lịch sử nước Nhật. Trong số đó, có thể kể đến như dời đô từ Kyoto về Tokyo, đưa Thần đạo trở thành Quốc giáo, ban hành Hiến pháp Minh Trị…

Nhưng quan trọng và có ảnh hưởng mang tính quyết định trong sự phát triển của Nhật Bản thì phải nói đến cuộc “cách mạng công nghiệp” và cải cách quân sự thời Minh Trị.

Cách mạng công nghiệp ở Nhật được tiến hành từ những năm 1870 trên toàn bộ lãnh thổ, với hai hình thức đặc trưng: thuê mướn chuyên gia nước ngoài và gửi du học sinh sang các nước phương Tây học tập, nghiên cứu.

Theo ghi chép lịch sử, thời đó, Nhật đã thuê hơn 3.000 người phương Tây đến đây nghiên cứu, làm việc và giảng dạy các môn khoa học, công nghệ, ngoại ngữ. Nhật cũng gởi hàng ngàn sinh viên sang Mỹ và các nước châu Âu  học tập, nghiên cứu.

Thuê mướn chuyên gia nước ngoài có thể đẩy nhanh tiến độ công nghiệp hóa đất nước, cắt bớt giai đoạn tự mò mẫm, thử nghiệm vừa tốn công sức, thời gian, tài chính và nhiều nguồn lực khác. Còn việc gởi người ra nước ngoài chính là để đảm bảo cho sự phát triển bền vững về sau.

Kết quả của quá trình này là hàng loạt sự thay đổi được ghi nhận: máy móc được đưa vào các ngành công nghiệp, ngân hàng được mở, đường sắt được xây dựng, hệ thống điện báo được lắp đặt…

Dưới thời Minh Trị, lần đầu tiên khái niệm “kinh tế thị trường” được áp dụng, các công ty tư bản xuất hiện. Đến khi chiến tranh thế giới thứ Nhất bùng nổ, Nhật đã nổi lên như một cường quốc công nghiệp đứng đầu cùng với Mỹ, Anh, Pháp.

Ngọc Trân

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Nhiều người quan tâm



Cùng chủ đề