Thứ Ba, Tháng Năm 14, 2024

Dọn nhà đón mùa mưa

An Nguyễn

Sài Gòn đã bước vào mùa mưa, có lẽ đây cũng là lúc các gia đình nên có sự chuẩn bị để đối phó với những cơn mưa.

Với nhiều người, những cơn mưa thường mang đến không ít sự khó chịu, trong đó nồm và ẩm mốc là những ảnh hưởng dễ nhận thấy. Để khắc phục tình trạng trên, bên cạnh việc sử dụng các loại máy hút ẩm, có thế tính đến các giải pháp thay thế nhằm tạo sự khô thoáng cần thiết, chẳng hạn như mở tất cả cửa khi trời không mưa để tận dụng sự thông gió; dán vào các khe cửa một lớp đệm cao su để hạn chế nước mưa lọt vào làm cho tường, sàn bị ướt… Khác với mùa nắng, gia chủ nên thường xuyên vệ sinh khô nhà cửa, chỉ nên lau ướt hai lần/tuần để đảm bảo sự sạch sẽ. Ngoài ra, nên hút thảm thường xuyên để hạn chế bụi bẩn lây lan khi dính đến nước mưa, nên dùng thảm nhựa hoặc tre thay vì thảm vải để hạn chế sự hút ẩm.

Không nên để nhiều cây xanh trong nhà bởi điều này sẽ khiến cho ngôi nhà trở nên ẩm ướt hơn. Thảm, chăn, ga giường cùng những vật dụng bằng vải có kích thước tương đối lớn nên thường xuyên giặt sạch để tránh bụi bẩn bám lên. Để không tạo điều kiện cho độ ẩm thấm sâu vào sợi vải, nên gấp và cuộn chăn, gối vào các túi sạch, sau đó cất ở nơi thoáng đãng để tránh bị ẩm mốc. Thường xuyên hút bụi ghế sofa để ngăn ngừa nấm mốc phát triển. Mùa mưa vừa ẩm vừa lạnh, do đó nên thay lớp bọc ngoài sofa bằng các loại vải có khả năng giữ ấm, hạn chế thấm nước.

Màn chống thấm.
Màn chống thấm.
Sàn nhựa.
Sàn nhựa.

Theo tư vấn từ một vài công ty chuyên thiết kế nội thất, vào mùa mưa các vật dụng, thiết bị nội thất bằng gỗ rất dễ bị ẩm mốc, mối mọt, vì thế để bảo quản tốt trong quá trình sử dụng nên lưu tâm đến một số giải pháp sau: đặt long não hoặc lá sầu đâu vào tủ để giúp loại bỏ độ ẩm; rắc một ít đinh hương lên quần áo để diệt côn trùng, ngăn ngừa vi khuẩn. Với sàn nhà, sau khi vệ sinh sạch sẽ có thể dùng sáp nến thoa lên bề mặt – giữ sàn sạch đẹp mà không bị ngấm nước. Ngoài ra, ở không gian thường xuyên đi lại có thể đặt một tấm nhựa nhiệt dẻo polyurethane dưới gỗ khi lát sàn, sẽ giúp ngăn chặn hơi ẩm tích tụ bên dưới; hoặc sử dụng sàn vinyl – loại sàn nhựa có khả năng chống thấm nước, cách điện, kháng khuẩn, chịu được lực nén cao, dễ vệ sinh. Trong tiết trời ẩm ướt, các loại cửa gỗ thường bị co lại, điều này làm cho bản lề mau lỏng, vì thế nên kiểm tra bản lề, cũng như cố định lại hoặc thay bằng bản lề mới để đảm bảo thời gian sử dụng và an toàn. Nên lắp thêm tấm chắn ở cửa sổ để tránh nước mưa hắt vào, kiểm tra lại phần gioăng cao su hoặc những vị trí mà nước có thể thấm vào để khắc phục kịp thời.

Ngoài sàn nhà thì trần và tường cũng là những thành phần cần được chăm sóc kỹ lưỡng khi mùa mưa đến. Để bảo vệ ngôi nhà, nên kiểm tra và sửa chữa những nơi bị rò rỉ để nước không ngấm vào, chẳng hạn như các vết nứt trên trần và tường. Cũng nên làm sạch máng xối hàng tuần để đảm bảo cặn bẩn không đọng lại, gây ách tắc dòng chảy, hoặc sơn lại các mảng tường bị bong tróc, kém an toàn…

Lưu ý, trong trường hợp tường hay trần bị thấm nước, nên kiểm tra kỹ các vị trí để đưa ra phương án giải quyết tối ưu, bởi có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, ví dụ như do thấm nước từ trên mái, sàn nhà vệ sinh, thấm do nứt cổ trần, thậm chí là do mặt tường phía ngoài bị rạn nứt hoặc đường ống nước bị tắc nghẽn… Trong đó, những chất liệu được lựa chọn nhiều chính là sơn chống thấm và màng chống thấm – cấu tạo bằng các lớp nhựa có khả năng kháng lại tia UV, cũng như hạn chế mọi tác động ở nhiều điều kiện thời tiết.

Thông thường, để chống thấm mái, sân thượng có thể sử dụng các loại màng hoặc màng khò (đòi hỏi nhiệt độ khi thi công) chống thấm dày 2-4 mm. Với những vị trí của hộp kỹ thuật, ống thoát sàn có thể sử dụng các loại vữa chống thấm đàn hồi hai thành phần, với độ dày mỗi lớp khoảng 2 mm, sau đó hoàn thiện vị trí sửa chữa bằng vữa trát chống thấm để tăng khả năng chống lại tác động do nước mưa. Bên cạnh các loại vữa thông thường, hiện vữa chống thấm dạng composite khá được người tiêu dùng quan tâm. Đây là loại vật liệu mới, thường được sử dụng để chống thấm cho các bể chứa, làm đáy lót cho các sân vườn trên ban công hoặc trên mái.

Theo một nhân viên kinh doanh của Công ty Hóa chất xây dựng công nghệ mới, quận 12, TPHCM, để chống thấm cho các hạng mục nhà ở, hiện nay nhiều gia đình sử dụng các sản phẩm như màng chống thấm với độ dày 1,5-4 mm tùy theo vị trí dán, với mặt cát, mặt trơn hoặc cao su kết hợp với nhựa đường tạo sự đàn hồi chắc chắn. Ngoài ra còn có hồ dầu, bột chống thấm hai thành phần vừa đảm bảo sạch sẽ vừa tiện dụng, tùy theo chất liệu và nguồn gốc mà mỗi sản phẩm có giá bán từ vài chục ngàn đồng đến vài trăm ngàn đồng/m2.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

TPHCM sẽ có mưa lớn vào cuối tuần vì ảnh hưởng...

0
Cơn bão có tên quốc tế Mawar ở phía đông của Philippines có khả năng mạnh lên thành siêu bão. Tuy không ảnh hưởng...

TPHCM bắt tay thực hiện công tác chống ngập khi mùa...

0
(SGTT) - Dưới cái nắng 38 độ C, gần 10 công nhân thuộc Công ty Cấp thoát nước đô thị TPHCM đang tất bật...

TPHCM: Nhiều tuyến đường vẫn ngập trong mùa mưa năm nay

0
TPHCM bắt đầu vào mùa mưa, dù thành phố đã đầu tư hàng ngàn tỉ đồng để chống ngập nhưng mùa mưa năm nay...

Cẩm nang bảo vệ và chăm sóc da mùa mưa

0
(SGTT) - Bước vào mùa mưa, làn da của chị em phải đối mặt với nhiều vấn đề như môi trường ẩm ướt, nấm...

TPHCM mưa lớn trên diện rộng

0
(SGTT) – Khoảng 7:00 giờ sáng 25-5, TPHCM xuất hiện mưa lớn trên diện rộng khiến nhiều tuyến đường ngập, tình trạng giao thông...

Cách phòng chống các bệnh có thể xảy ra trong mùa...

0
(SGTTO) - Bộ Y tế đã đưa ra những khuyến cáo phòng bệnh cho người dân trong mùa mưa bão. Người dân có thể...

Kết nối