Thứ sáu, Tháng mười hai 13, 2024

Cách hạn chế độc hại khi dùng vật nhựa đựng đồ ăn thức uống

(SGTTO) - Hộp nhựa hoặc chai nhựa là những vật dụng tiện lợi, giúp lưu trữ thức ăn hoặc nước uống của nhiều gia đình. Tuy nhiên, có khá nhiều hộp nhựa được làm từ vật liệu độc hại, gây tác hại xấu đến sức khỏe người sử dụng.

Mặc dù hộp nhựa có thể gây ra một số rủi ro về sức khoẻ, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc bạn phải hoàn toàn từ bỏ thói quen sử dụng đồ nhựa để đựng thức ăn và nước uống. Một số lưu ý dưới đây có thể giúp bạn sử dụng hộp nhựa an toàn hơn cho sức khỏe của mình.

Ảnh: thespruceeats.com
Không hâm nóng thức ăn trong hộp nhựa

Hộp nhựa có thể an toàn để lưu trữ các loại thực phẩm khô hoặc lạnh nhưng không an toàn để bảo quản thực phẩm nóng hoặc thực phẩm đã nấu chín. Đặc biệt, hâm nóng hoặc nấu thức ăn trong các loại hộp nhựa (ngay cả những loại hộp được đánh dấu an toàn trong lò vi sóng) là không an toàn vì nhựa khi hâm nóng sẽ tiết ra hoá chất có thể thấm vào các loại thực phẩm, có thể dẫn đến một số bệnh nghiêm trọng như ung thư.

Ảnh: straitstimes.com
Không rửa hoặc đựng nước nóng trong chai nhựa

Rửa các vật dụng bằng nước nóng có thể giúp diệt một số vi khuẩn và vết bẩn. Tuy nhiên, rửa hộp nhựa bằng nước nóng hoặc đựng nước nóng trong chai nhựa không an toàn cho sức khoẻ của bạn.

Ảnh: Internet.

Tương tự như phản ứng làm nóng hộp nhựa, nước nóng có thể gây ra sự giải phóng hoá chất, ảnh hưởng xấu đến nước trong chai hoặc thực phẩm chứa trong hộp.

CÁC LOẠI HỘP NHỰA TƯƠNG ĐỐI AN TOÀN VÀ KHÔNG AN TOÀN

Một số loại hộp đựng thức ăn được làm bằng loại nhựa an toàn hơn những loại khác. Bạn có thể nhận biết hộp đựng thức ăn của mình làm bằng loại nhựa nào bằng cách nhìn vào mã số nhựa được in trong hình tam giác trên sản phẩm.

Loại nhựa tương đối an toàn

  • #1 Polyethylene terephthalate (PET or PETE): Những chai nhựa PET có thể tái sử dụng nếu như được làm sạch bằng nước xà phòng và sấy thật khô giữa các lần sử dụng. Tuy nhiên, các tổ chức môi trường khuyến cáo không nên rửa chai nhiều lần bởi những hoá chất độc hại có thể chuyển từ nhựa vào trong nước. Các hộp nhựa PET có thể mang đi tái chế.
  • #2 High-density polyethylene (HDPE): Các hộp đựng bằng nhựa HDPE không thấm hoá chất độc hại vào thức ăn và có thể được các nhà tái chế chấp nhận.
  • #4 Low-density polyethylene (LDPE): Những loại nhựa loại này không thấm hoá chất độc hại vào thức ăn nhưng một số nhà tái chế không chấp nhận.
  • #5 Polypropylene (PP): Những hộp nhựa loại này không thấm hoá chất độc hại vào thức ăn nhưng nhiều thành phố không chấp nhận tái chế.
  • #7 Nhựa sinh học (Bio-plastic): Nhựa sinh học được làm từ các tài nguyên tái tạo như bắp, khoai tây, mía hoặc các vật liệu có hàm lượng tinh bột cao. Mặc dù nhựa sinh học có thể phân huỷ được nhưng rất ít cơ sở có thể phân huỷ một số lượng lớn.
Loại nhựa nên tránh sử dụng

#3 Polyvinyl chloride (PVC): PVC được sản xuất bằng quy trình giải phóng dioxin – chất mà EPA phân loại có khả năng gây ung thư ở người. PVC cũng chứa chất làm mềm nhựa gọi là phthalates mà một số nghiên cứu đã chứng minh là gây tổn hại cho hệ thống nội tiết tố.

#6 Polystyrene (PS): Quá trình sản xuất Polystyrene liên quan đến việc hình thành các hoá chất độc hại do đó nên tránh sử dụng những sản phẩm làm từ loại nhựa này.

#7 Polycarbonate (PC): Đây là một loại nhựa khác được làm bằng bisphenol A (BPA), một hóa chất nghi ngờ gây rối loạn nội tiết tố.

K.P.

Tổng hợp theo Ecologist, Live Strong, và NDTV Food

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối