Thứ Ba, Tháng Tư 30, 2024

Black Friday không còn sôi động như xưa

(SGTT) – Ngày Thứ Sáu đen (Black Friday) hàng năm từng là dấu ấn tiêu biểu của chủ nghĩa tiêu dùng Mỹ nhưng gần đây, sự kiện mua sắm giảm giá này đã mất đi một phần sức mạnh vốn có. Các đợt khuyến mãi thực sự bắt đầu từ nhiều tuần trước ngày Black Friday và tiếp tục kéo dài sau đó. Các tượng đám đông xếp hàng sớm trước các cửa hàng, siêu thị để tranh nhau mua những món hời cũng ít hơn, một phần là do người tiêu dùng có thể dễ dàng mua sắm trực tuyến.
Khách hàng ở khu mua sắm Mall of America tại Bloomington, bang Minnesota hôm 24-11. Ảnh: AP

Không còn những đám đông tranh giành hàng “đại hạ giá”

Người tiêu dùng Mỹ săn hàng giảm giá vẫn xếp hàng sớm trước các cửa hàng của Macy’s hoặc Best Buy vào ngày Black Friday (24-11) với hy vọng mua được những món hời. Nhưng đối với nhiều người, món hời đã có sẵn từ trước. Trong nhiều ngày thậm chí nhiều tuần trước sự kiện Black Friday, các nhà bán lẻ và các thương hiệu đã ồ ạt gửi email đến cho người tiêu dùng chào mời những sản phẩm bán với giá rẻ nhất trong năm

“Khi bạn nghĩ về Black Friday, bối cảnh cạnh tranh đã thực sự chuyển sang các giao dịch khuyến mãi trước Black Friday”, Jeffrey Gennette, CEO của chuỗi cửa hàng bách hóa Macy’s, nói với các nhà đầu tư trong một cuộc họp báo gần đây khi ông giải thích lý do tại sao công ty ông dàn trải các chương trình khuyến mãi ra nhiều ngày trong mùa mua sắm cuối năm.

Điều đó không có nghĩa là Black Friday đã mất hết ý nghĩa. Cái thời mà đám đông khách hàng đổ xô đến các cửa hàng bán lẻ lớn hoặc chen lấn nhau để có mua được những chiếc tivi giá rẻ có thể đã không còn nữa, nhưng Black Friday vẫn là cách nói ngắn gọn cho cơn cuồng mua sắm đang bao trùm người Mỹ vào thời điểm này hàng năm.

“Đây vẫn là một sự kiện văn hóa, nhưng không còn giống như trước đây nữa”, Craig Johnson, người sáng lập Công ty tư vấn bán lẻ Customer Growth Partners, bình luận.

Sự tiện lợi của hoạt động mua sắm trực tuyến cũng giúp làm giảm đám đông vào ngày Black Friday, nhưng một số người tiêu dùng vẫn thích trải nghiệm trực tiếp hơn.

Tại một cửa hàng của chuỗi bán lẻ hàng điện tử Best Buy ở Durham, bang Bắc Carolina, từ sáng sớm hôm 24-11, hàng chục khách xếp hàng bên ngoài. Có mặt trong những người xếp hàng, Nitish Michael cho biết, ông và vợ không muốn mua sắm những món đồ đắt tiền. Thay vào đó, họ mua một số trò chơi điện tử Nintendo Switch giảm giá cho cậu con trai 14 tuổi.

Nandan Namvuri, 31 tuổi đang cân nhắc mua một chiếc TV QLED được giảm giá ít nhất 40%. Namvuri đã tìm thấy các giao dịch giảm giá này trên mạng nhưng với một sản phẩm đắt tiền như vậy, anh muốn đến cửa hàng trực tiếp kiểm tra độ phân giải pixel.

Sydney Hladilek, 21 tuổi, đi săn hàng giảm giá vào sự kiện Black Friday với mẹ cô trong hơn một thập niên . Năm nay, họ đang tìm kiếm một chiếc tivi màn hình phẳng.

“Cá nhân tôi không thích mua sắm trực tuyến. Tôi muốn đích thân đến cửa hàng. Hơn nữa, điều đó mạng lại một trải nghiệm gắn kết”, Hladilek nói.

Black Friday chưa phải là cao điểm mua sắm

Các chương trình khuyến mãi cho Black Friday hiện nay thực sự khởi động sớm nhiều tuần trước ngày chính thức đánh dấu sự kiện này nhiều. Craig Johnson cho biết các deal giảm giá có thể tung ra sớm từ tháng 10.

“Nếu là một nhà bán lẻ, bạn sẽ không muốn nắm bắt nhu cầu bằng cách giảm giá thấp đến mức không kiếm được lãi. Cách mà hầu hết các nhà bán lẻ nắm bắt là nhắm mục tiêu vào nhu cầu sớm”, ông nói.

Theo dữ liệu của Adobe Analytics, trong 20 ngày đầu của tháng 11 năm nay, người tiêu dùng Mỹ chi tiêu mua sắm trực tuyến nhiều hơn 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều nhà bán lẻ cho rằng hoạt động chi tiêu vào cuối lịch mua sắm trong kỳ nghỉ lễ, vào những ngày cận kề Giáng sinh trong tháng 12 quan trọng hơn khi mọi người đổ xô đi mua những món quà vào phút cuối.

Ví dụ, chuỗi cửa hàng sách Barnes & Noble bán được hơn 20 triệu cuốn sách chỉ trong tháng 12 năm ngoái. Riêng doanh số bán sách của chuỗi này trong 7 ngày trước Giáng sinh cao gấp 20 lần so với mức trung bình của một tuần bình thường.

Theo Placer.ai, một công ty nghiên cứu thị trường, trong năm 2022, đêm Giáng sinh và ngày Thứ Bảy trước Giáng sinh là những ngày kinh doanh bận rộn nhất đối với các chuỗi cửa hàng giảm giá.

Công ty tư vấn bán lẻ Customer Growth Partners dự báo, Black Friday sẽ là ngày kinh doanh bận rộn thứ ba đối với các nhà bán lẻ ở Mỹ trong năm nay, sau ngày 16-12 và 23-12 và, hai ngày Thứ Bảy cuối cùng trước Giáng sinh.

Đối với nhiều công ty và ngành kinh doanh, kỳ nghỉ đông là thời điểm quan trọng nhất, đóng góp tới 1/3 doanh thu hàng năm của họ.

Trong phần lớn năm nay,  người tiêu dùng Mỹ vẫn tiếp tục chi tiêu mạnh mẽ bất chấp lạm phát và lãi suất tăng cao. Nhưng có những dấu hiệu cho thấy điều đó đang bắt đầu thay đổi. Trong quí trước, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nhận thấy người tiêu dùng bắt đầu chi tiêu dè sẻn hơn.

Adobe Analytics dự kiến ​​tăng trưởng doanh thu bán hàng trực tuyến ở Mỹ trong hai tháng tới là 4,8% so với một năm trước đó. Dù tốc độ đó nhanh hơn năm ngoái nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 13% trước đại dịch.

Chờ giảm giá thêm

Xu hướng mua sắm ban đầu cho thấy mọi người vẫn đến các cửa hàng vào ngày Black Friday, nhưng không khí không còn quá sôi động.

Michael Brown, đối tác của Công ty tư vấn quản lý Kearney, cho biết nguyên nhân có thể là các nhà bán lẻ khởi động các chương trình khuyến mãi cho kỳ nghỉ năm nay sớm hơn nhiều so với thường lệ.

Ông cũng lưu ý mức giảm giá vào ngày Black Friday chỉ trung bình ở mức 25-30%.

“Đó là các mức khuyến mãi mà các nhà bán lẻ đã lên kế hoạch. Đây là ưu đãi mở đầu. Người mua hàng sẽ chờ đợi những giao dịch tốt hơn”, ông nói.

Một số người mua hàng cho biết họ không ấn tượng với các đợt giảm giá vào ngày Black Friday và có khả năng sẽ chờ đợi các nhà bán lẻ tung ra các deal tốt hơn nửa. Hôm 24-11, Alyssa Fanelli ghé Trung tâm thương mại Willowbrook ở Wayne, bang New Jersey, với dự định mua giày cưới tại một cửa hàng của Macy’s. Nhưng rốt cục, cô ra về tay không. Thương hiệu giày cô thích đang giảm giá 25%.

“Đó không phải là deal giảm giá của Black Friday, mà chỉ chỉ là mức giảm giá thông thường”, Fanelli nói.

Jessica Ramírez, nhà phân tích của Jane Hali & Associates, giải thích nhà bán lẻ không giảm giá mạnh vì không chịu nhiều áp lực giải phóng hàng tồn kho như năm ngoái.

“Người tiêu dùng đã kỳ vọng giá sẽ giảm  rất sâu nhưng đó là điều không thực tế”, Melissa Minkow, Giám đốc chiến lược bán lẻ của Công ty tư vấn CI&T, nói và lưu ý các nhà bán lẻ cần bảo vệ lợi nhuận của họ.

Người tiêu dùng Mỹ vẫn đang kỳ vọng các nhà bán lẻ giảm giá hơn nữa trong những ngày tới.

Theo Adobe Analytics, những người mua sắm muốn mua đồ chơi và quần áo nên đợi đến Chủ nhật (26-11) để được giảm giá sâu nhất. Còn đối với đồ điện tử và nội thất, họ tốt nhất nên đợi đến thứ Hai (27-11).

Khánh Lan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Thời trang Việt trong ‘làn sóng’ đua tranh trên các sàn...

0
(SGTT) - Liên tiếp vào danh sách các ngành đứng đầu về doanh thu trên sàn thương mại điện tử (TMĐT), thời trang đang...

Mua sắm online phát triển tạo ‘sàn diễn’ cho người sáng...

0
Sau Covid-19, thói quen mua sắm online ngày càng phổ biến, tạo cơ hội cho mọi người thử sức với công việc sáng tạo...

Bạn có mua sắm sáng suốt không?

0
Ủa em coi gì mà suốt ngày nghe “áo dài… tơ tằm, ét/mờ/lờ xả 180k, mua đi, rẻ quá các chị ơi…” hoài vậy?...

Hơn 50% người Việt sử dụng đa kênh khi mua sắm...

0
(SGTT) - Hiện nay, mua sắm đa kênh đang trở thành xu hướng mới của người mua hàng trong nước. Trải nghiệm mua sắm...

TikTok Shop – kênh bán hàng mới: kẻ khóc, người cười...

0
(SGTT) – Sau khi chính thức ra mắt vào cuối tháng 4-2022, bên cạnh các nền tảng xã hội khác, TikTok Shop trở thành...

“Đi chợ trực tuyến” – muốn phát triển thì không chỉ...

0
Đại dịch Covid-19 đã buộc chúng ta phải phản ứng và thích ứng, nhiều cách làm mới, tích cực đã hình thành, bén rễ,...

Kết nối