Chủ Nhật, Tháng Chín 1, 2024

Bán lẻ trực tuyến bắt nhịp cùng xu hướng quà tặng điện tử

(SGTT) – Những tháng cuối năm cũng là mùa kinh doanh rộn ràng của các nhà cung ứng dịch vụ quà tặng, và hiện tại, số hóa dịch vụ quà tặng đang là xu hướng mới được các nhà bán lẻ tại Việt Nam thực hiện để gia tăng trải nghiệm cho khách hàng. Với dịch vụ này, thay vì nhận những món quà truyền thống như phiếu quà tặng, đồ dùng lưu niệm… người tiêu dùng khi mua sắm có thể dùng phiếu quà tặng điện tử (E-voucher) tích hợp sẵn trên điện thoại. 
Sử dụng quà tặng điện tử tại một điểm bán hàng. Ảnh minh họa: DNCC

Theo đánh giá từ các đơn vị nghiên cứu, quà tặng điện tử hiện chỉ chiếm 5-10% trong thị trường quà tặng trị giá vài tỉ đô la Mỹ mỗi năm tại Việt Nam. Cùng với sự tham gia ngày càng mạnh của các doanh nghiệp cung cấp giải pháp thúc đẩy thị trường, quà tặng điện tử sẽ ngày càng được sử dụng nhiều trong thời gian tới.

Thêm một sự lựa chọn trên thị trường quà tặng

Chị Thùy Linh, trưởng bộ phận hành chính của một công ty quảng cáo cho biết, doanh nghiệp của chị thường xuyên gửi quà tặng đến đối tác vào các dịp lễ tết hoặc ngày kỷ niệm quan trọng. Nhiều năm trước, đơn vị thường đặt mua hàng hóa hiện vật (máy sấy tóc, bình đun nước, lò vi sóng…) để gửi tận tay hoặc chuyển phát qua đường bưu điện đến đối tác, khách hàng. Nhưng khoảng 2 năm gần đây, chị bắt đầu chuyển sang quà tặng điện tử bởi tính tiện ích của giải pháp này. Chị Linh chuyển e-voucher qua email, tin nhắn và người nhận quà được chọn món quà theo ý thích và nhu cầu của mình thay vì nhận món quà ấn định sẵn.

Tuy giải pháp này nhanh chóng và tiện lợi, nhưng chị Linh vẫn thấy quà tặng điện tử còn nhiều hạn chế. Trước hết, món quà chưa phù hợp để tặng cho những người cao tuổi (do có nhiều người cao tuổi không sử dụng điện thoại thông minh), kế tiếp là số lượng nhãn hàng, nhà cung ứng sử dụng giải pháp còn chưa nhiều (có nhiều nhãn hàng công ty chị định mua quà tặng điện tử nhưng chưa có)… Chưa kể, chỉ có vài ngàn doanh nghiệp sử dụng quà tặng điện tử trong khi nền kinh tế có đến hàng trăm ngàn đơn vị lớn nhỏ khác nhau.

Theo các công ty cung cấp giải pháp công nghệ quà tặng điện tử, sau Covid-19 số nhãn hàng sử dụng quà tặng điện tử tăng nhanh vì đại dịch đã làm bùng nổ thương mại điện tử. Bên cạch đó các đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ cũng “tát nước theo mưa”, đẩy mạnh tiếp cận khách hàng để thuyết phục sử dụng dịch vụ…

Do đó, thời gian gần đây, quà tặng điện tử được ngày càng nhiều doanh nghiệp lựa chọn để cung cấp cho khách hàng. Saigon Co.op và UrBox mới đây đã ký kết hợp tác chiến lược trong việc triển khai số hóa phiếu mua hàng (e-voucher) của Co.opmart, góp phần nâng cao trải nghiệm mua sắm của khách hàng. E-voucher của Saigon Co.op sẽ có các mệnh giá tương đương như phiếu mua hàng giấy. E-voucher sẽ hiển thị trực tiếp trên thiết bị di động dưới hình thức mã code, khách hàng chỉ cần xuất trình tại quầy thu ngân để thanh toán tương tự như phiếu mua hàng giấy.

E-voucher được sử dụng và lưu trữ trên UrBox App, người sở hữu quà tặng điện tử không phải lo lắng về việc quên, mất hoặc hỏng hóc như khi dùng phiếu mua hàng giấy. Thậm chí còn được nhắc ngày hết hạn e-voucher, đề xuất cửa hàng áp dụng gần đây…

Cung cấp thông tin cho báo chí nhân sự kiện này, ông Lê Trường Sơn, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, chia sẻ Saigon Co.op hiện đang thực hiện mạnh mẽ công tác chuyển đổi số trong chăm sóc khách hàng – thông qua chiến lược sử dụng công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả quản trị, cũng như cập nhật gần như tất cả các công nghệ thanh toán không dùng tiền mặt đang có trên thị trường. Saigon Co.op phối hợp với UrBox để số hóa phiếu quà tặng, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, đa dạng hóa các chương trình khuyến mãi, từ đó khách hàng có thể trải nghiệm mua sắm tốt nhất ở những hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op.

Tương tự Saigon Co.op, hệ thống trung tâm phân phối MM Mega Market Việt Nam cũng mới cung cấp quà tặng điện tử đến cho khách hàng. Nhân sự kiện này, cung cấp thông tin cho báo chí, ông Bruno Jousselin, Tổng Giám đốc Điều hành kiêm Cung ứng toàn cầu Công ty MM Mega Market Việt Nam, chia sẻ: “Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc số hóa nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng, MM Mega Market không ngừng tìm kiếm giải pháp bền vững và thân thiện với môi trường để thay thế cho phiếu mua hàng giấy truyền thống. Cụ thể là sử dụng e-voucher để đa dạng hóa tiện ích và kho quà tặng điện tử của khách hàng.”

Ngoài những doanh nghiệp nêu trên, hiện có khá nhiều doanh nghiệp cung cấp giải pháp quà tặng điện tử cho khách hàng. Người dùng chị cần vào công cụ tìm kiếm Google gõ từ khóa “quà tặng điện tử” sẽ ra rất nhiều doanh nghiệp có cung cấp giải pháp này cho khách hàng.

Nhen nhóm một thị trường tiềm năng

Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện thị trường quà tặng Việt trị giá vài tỉ đô la mỗi năm và quà tặng điện tử mới chỉ chiếm khoản 5-10% trong đó. Song, tỉ lệ này được dự báo là sẽ tăng trưởng nhanh chóng hơn khi người sử dụng bắt đầu xem việc tặng quà trực tuyến trở thành hành vi thường xuyên trên Internet.

Sở dĩ Saigon Co.op hay MM Mega Market và nhiều doanh nghiệp khác cung cấp được quà tặng điện tử do hợp tác với một doanh nghiệp cung cấp giải pháp công nghệ này. Tại Việt Nam hiện có nhiều doanh nghiệp cung cấp giải pháp công nghệ quà tặng điện tử như: Got It, UrBox, Mobile Gift… Nhờ sử dụng các giải pháp công nghệ mà các nhãn hàng mới có thể cung cấp được quà tặng điện tử cho khách hàng.

Trong đó, Got It là một trong những doanh nghiệp cung cấp giải pháp công nghệ quà tặng điện tử tại Việt Nam, ra đời từ năm 2015 bởi các nhà sáng lập đến từ Việt Nam, New Zealand và Hàn Quốc. Got It được ra đời bởi những người sáng lập ấn tượng với cách KakaoTalk thay đổi hành vi tặng quà của người tiêu dùng Hàn Quốc nên đã triển khai hình mẫu này tại Việt Nam.

Tuy nhiên, cung cấp thông tin cho báo chí, bà Nguyễn Thị Hải Minh, đồng sáng lập kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Got It, cho hay chỉ trong 6 tháng sau khi thành lập, doanh nghiệp này nhận ra việc triển khai mô hình KakaoTalk là quá sớm ở Việt Nam. Bởi lúc đó thanh toán trực tuyến chưa phổ biến, các ứng dụng nhắn tin chưa trở thành thói quen hằng ngày của người sử dụng thì rất khó có chỗ cho việc tặng quà trực tuyến.

Tuy nhiên, Got It nhận ra nhu cầu sử dụng thẻ quà tặng điện tử từ doanh nghiệp trong nước đã sẵn sàng, khi các hình thức thẻ quà tặng giấy và quà tặng hiện vật tỏ ra bị giới hạn bởi sự phức tạp và tốn kém trong quản lý, in ấn, bảo quản. Nhưng để hấp dẫn các doanh nghiệp tham gia, Got It tìm lối đi riêng.

Thời điểm đó, trên thị trường voucher/coupon thường được gắn với khái niệm giảm giá, mỗi hóa đơn mua hàng chỉ áp dụng một mã, sử dụng kèm nhiều điều kiện, không được hoàn lại phần dư ra nếu giá trị hóa đơn thấp hơn… Got It đưa ra quà tặng điện tử sử dụng thanh toán tương đương tiền mặt để loại bỏ các hạn chế của mô hình cũ.

Bà Minh cho hay việc lựa chọn doanh nghiệp để cung cấp dịch vụ cũng quyết định yếu tố thành công của Got It. Ngân hàng là nhóm đầu tiên Got It tiếp cận vì ngân hàng có tốc độ số hóa cao hơn so với các doanh nghiệp khác và thói quen tặng quà khách hàng đã có sẵn. Công ty mất 6 tháng để tiếp cận và được chấp thuận bởi một trong các ngân hàng thương mại cổ phần lớn nhất trên thị trường. Các lợi ích của mô hình tặng quà trực tuyến lan truyền rộng rãi trong giới ngân hàng và từ đó, việc tiếp cận các ngân hàng còn lại trở nên dễ dàng hơn.

Sau ngân hàng, Got It đem công thức này sang lĩnh vực bảo hiểm và trong vòng một năm đã kết nối gần hết các khách hàng lớn. Năm 2017, Got It bắt đầu tiếp cận nhóm khách hàng tiêu dùng nhanh.

“Khó nhất trong mô hình quà tặng trực tuyến là cân đối giữa khách hàng và các nhà cung cấp tham gia. Nếu tốc độ tăng trưởng cả 2 quá vênh nhau, Công ty sẽ gặp khó khăn, nên cần đi chậm mà chắc”, bà Minh nói.
Do thích mô hình kinh doanh và cũng có phần mềm Zalo để tiện phổ biến quà tặng điện tử, đầu năm 2021, tập đoàn VNG đã đầu tư 6 triệu đô la Mỹ vào Got It. Thông qua việc hợp tác với VNG, Got It là ứng dụng quà tặng điện tử đầu tiên tích hợp cùng Zalo, triển khai cách thức tặng quà mới nhanh chóng và tiện lợi cho hàng triệu người dùng.

Hiện Got It đã hợp tác với hơn 300 thương hiệu và có hơn 20.000 điểm đổi quà trên toàn quốc.

UrBox cũng là một doanh nghiệp cung cấp giải pháp quà tặng điện tử được ra đời sau Got It hai năm. Cung cấp thông tin cho báo chí, ông Bùi Hoài Nam, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Công ty Giải pháp quà tặng điện tử UrBox, cho biết là công ty này gặp rất nhiều khó khăn trong việc có nguồn vốn để phát triển. Do đó UrBox đã thu hút vốn từ các quỹ đầu tư để có nguồn tài chính nghiên cứu phát triển công nghệ, phổ cập quà tặng điện tử. UrBox đã nhận vốn đầu tư từ VinaCapital, Visa (năm 2019), các Touchstone Partners, Quỹ Pavilion Capital đến từ Singapore (năm 2021).

Sau 7 năm, UrBox đã xây dựng được mạng lưới đối tác thương hiệu với hơn 350 nhãn hàng, 1.000 đối tác thương hiệu khác thuộc đủ các nhóm ngành nghề: giải trí, mua sắm, ẩm thực, du lịch – di chuyển…

Trong thị trường cạnh tranh, ông Nam cho hay UrBox đã nỗ lực tạo ra những điểm khác biệt như nền tảng quà tặng tất cả trong một, ứng dụng di động UrBox App và nỗ lực phát triển đối tác chiến lược đặc thù…

UrBox là đơn vị tiên phong trên thị trường quà tặng điện tử trong việc xây dựng ứng dụng trên di động (UrBox App) – cho phép khách hàng lưu trữ toàn bộ e-voucher trong một nơi với thao tác truy cập đơn giản, tránh việc thất lạc quà tặng. Ứng dụng cung cấp các tính năng như: nạp tiền điện thoại bằng thẻ quà tặng, nhắc hết hạn e-voucher, đề xuất cửa hàng gần đây áp dụng e-voucher và chia sẻ, tặng e-voucher cho người thân.

Những nhà sáng lập UrBox cho biết áp lực lớn nhất khi thực hiện dự án này chính là thói quen của người dùng Việt, như phải nhìn thấy quà hoặc giao tận tay. Việc tặng quà theo hình thức truyền thống thường bó hẹp trong một vài dịp quan trọng như sinh nhật, kỷ niệm, ngày lễ… hoặc dành cho đối tượng đặc biệt là bạn thân, người yêu, gia đình… Tuy nhiên, với những người đang tìm kiếm các món quà hàng ngày, dành tặng những người không quá đặc biệt, nhưng vẫn muốn thể hiện thái độ trân trọng với giá trị hợp lý, thì hình thức tặng quà thông thường đã không còn thực sự hợp gu trong bối cảnh công nghệ phát triển hiện nay. Đó chính là thị trường tiềm năng cho Urbox.

Thị trường quà tặng điện tử Việt đang chỉ hấp dẫn không chỉ các doanh nghiệp trong nước mà còn cả các doanh nghiệp nước ngoài. Cuối tháng 10 vừa qua, Công ty giftee đã thành lập Công ty TNHH giftee Tech Vietnam sau 13 năm cung cấp dịch vụ tại Nhật Bản. giftee mở công ty tại Việt Nam nhằm nâng cao năng lực phát triển hệ thống trong chiến lược mở rộng kinh doanh trên khắp Đông Nam Á.

Theo giftee, ngành công nghiệp quà tặng điện tử (eGift) ở Đông Nam Á được kỳ vọng sẽ đạt tỉ lệ tăng trưởng kép hằng năm là 64%, doanh số dự kiến 131 tỉ đô la Mỹ vào năm 2032. Đây là hệ quả tất yếu của ngành thương mại điện tử phát triển thần tốc, kéo theo nhu cầu cao về quà tặng điện tử. Do đó giftee Tech Vietnam được thành lập đúng thời điểm để tận dụng cơ hội chín muồi từ ngành.

Cung cấp thông tin cho báo chí về động thái mở công ty tại Việt Nam, ông Fumitaka Yanase, Giám đốc công ty giftee Tech Vietnam, chia sẻ do Việt Nam có vị trí địa lý gần với ba quốc gia trong khu vực ASEAN, nơi giftee đặt công ty chi nhánh và là quốc gia sở hữu nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao. Vì vậy giftee có thể kết nối nhanh chóng và liền mạch với các đội ngũ phát triển của công ty tại Đông Nam Á và Nhật Bản.

“giftee tin rằng việc thiết lập trung tâm phát triển tại Việt Nam là quyết định sáng suốt và tối ưu để xây dựng và mở rộng nền tảng eGift, tạo ra những sản phẩm xuất sắc để quà tặng hoá mọi thứ, giúp mọi người bày tỏ, truyền đạt tình cảm với nhau thông qua công nghệ,” ông Fumitaka Yanase nói.

Được biết, trong năm 2023, giftee bắt đầu triển khai dịch vụ eGift ở khu vực ASEAN, thiết lập các công ty chi nhánh tại Malaysia, Việt Nam và Indonesia. Trong đó, giftee Tech Vietnam là một cột mốc quan trọng đánh dấu việc thành lập trung tâm phát triển đầu tiên của giftee ngoài lãnh thổ Nhật Bản. Cho đến nay, mọi nỗ lực phát triển hệ thống nội bộ đều được giftee tập trung thực hiện tại Nhật Bản.

Qua động thái này, giftee định hướng sẽ thiết lập một khung phát triển thông qua giftee Tech Vietnam nhằm hỗ trợ công tác mở rộng kinh doanh và tăng trưởng khắp Đông Nam Á – bằng cách điều phối công việc cho một đội ngũ phát triển tại nước ngoài với việc phân bổ các nguồn lực toàn cầu.

Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường quà tặng điện tử Việt với sự tham gia của ngày càng nhiều doanh nghiệp nội ngoại sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Vân Ly

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Hoa giá tầm trung hút khách ở chợ hoa Hồ Thị...

0
Theo ghi nhận của Kinh tế Sài Gòn Online, giá hoa tươi tại TPHCM trong ngày lễ tình nhân 14-2 (Valentine’s Day) đã tăng...

Đa dạng quà tặng cho ngày lễ tình nhân

0
Cận kề ngày lễ tình nhân (Valentine's Day), các loại sản phẩm quà tặng đặc trưng như hoa tươi, gấu bông, chocolate, trang sức…...

Dịp 20-10, quà tặng handmade hút khách, hoa tươi nhập khẩu...

0
Bên cạnh quà tặng truyền thống, gần đây nhiều người chuyển sang tìm mua sản phẩm thủ công vì tính độc đáo. Theo ghi...

Hàng trăm phần quà được trao cho người khó khăn tại...

0
(SGTT) - Ngày 24-7, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận 1 đã tổ chức ngày hội “Nghĩa tình quận 1” tại Trường THCS...

Tạo dấu ấn cho quà lưu niệm Việt

0
Ngày nay, lịch sử, văn hóa và văn học nghệ thuật không chỉ là những bức tường thành cao ngất của quá khứ, thường...

Tặng sách cho trẻ thay bánh kẹo, đồ chơi

0
(SGTT) - Ở các trường mầm non, các bé thường tổ chức sinh nhật nho nhỏ trong lớp, cùng chung vui với bạn bè....

Kết nối