Thứ Năm, Tháng Năm 16, 2024

Du lịch y tế của Malaysia hút ngoại tệ từ khách hàng Indonesia

(SGTT) – Mỗi ngày có gần 1.100 bệnh nhân nước ngoài, trong đó, chủ yếu là người Indonesia đến khám và chữa bệnh đã biến Penang của Malaysia dần trở thành trung tâm y tế của ASEAN. Lo ngại mất đi nhiều tỉ đô la Mỹ mỗi năm nên Indonesia đang tìm cách cải thiện dịch vụ y tế trong nước để “ngăn cản” tình trạng chảy máu ngoại tệ sang láng giềng.
Hình ảnh quảng cáo du lịch y tế tại sân bay quốc tế Penang, Malaysia. Ảnh: Nikkei Asia

Y tế Penang: Cứ 10 bệnh nhân quốc tế thì có 9 người từ Indonesia

Năm 2022, lượng khách du lịch y tế của Indonesia chiếm 54% bệnh nhân nước ngoài đến Penang, một tiểu bang của Malaysia khám và chữa trị. Nhưng sang năm 2023, con số này đã tăng mạnh. Theo dữ liệu của Trung tâm Du lịch y tế Penang (PMED), trong 9 tháng của năm 2023, khoảng hơn 287.000 bệnh nhân nước ngoài đã đến Penang, tính trung bình mỗi ngày có 1.069 bệnh nhân đến khám và chữa bệnh, trong đó, 90% là từ nước láng giềng Indonesia

Theo một lãnh đạo của PMED, tiểu bang Penang ưu tiên khách Indonesia vì vị trí địa lý gần, hầu hết bệnh nhân đến từ Medan trên đảo Sumatra. “Penang cũng cách Medan một chuyến phà. Người dân Medan cũng sang đây chăm người nhà đang trị bệnh”, vị này nói. Cách thức quảng bá “miệng truyền miệng” đã khiến danh tiếng của Penang từ Medan lan tỏa khắp xứ vạn đảo.

Trong khi đó, Giám đốc Lim Kooi Ling của Bệnh viện Island ở George Town, thủ phủ của Penang lại cho biết, gần 90% trong số 200.000 bệnh nhân quốc tế tính đến thời điểm hiện tại là người Indonesia”.

Hoạt động từ năm 1996, bệnh viện tư nhân này hiện có hơn 80 bác sĩ làm việc toàn thời gian và 400 giường bệnh. Bệnh viện đã xây thêm tòa nhà thứ hai vào cuối năm ngoái. Các dịch vụ y tế bao gồm khoa tiêu hóa, tim mạch, vật lý trị liệu và ung thư. “Điều trị các ca phức tạp ở đây chỉ bằng 1/3 chi phí điều trị tương tự ở Singapore, rẻ hơn giá ở Jakarta, Indonesia khoảng 10-20%. Thậm chí so với Bangkok, Thái Lan giá của chúng tôi rẻ hơn 20-30%”, Giám đốc Lim giải thích vì sao người dân trong khu vực chọn đi Malaysia chữa bệnh.

Tan Hui Ling, CEO của Bệnh viện tư nhân Bagan Specialist Centre ở Butterworth cho biết, “hơn một nửa” bệnh nhân nước ngoài là người Indonesia. Ở đây, người Indonesia dễ giao tiếp với bác sĩ và y tá hơn vì ngôn ngữ tương đồng (tiếng Bahasa). Còn CEO Stephanie Lee, CEO Trung tâm y tế Sunway Penang ở Perai cho biết, khoảng 90% bệnh nhân là người Malaysia, nhưng lượng bệnh nhân từ Indonesia đang tăng trưởng đáng khích lệ.

Một tương lai tương sáng cho ngành du lịch y tế Malaysia?

“Công cụ tiếp thị mạnh mẽ nhất vẫn là truyền miệng”, ông Tan Hui Ling và các nhân sự cấp cao ngành y tế Malaysia nhận định về thế mạnh của du lịch y tế Penang trong thời gian qua.

Trie Damayanti, giảng viên quan hệ công chúng tại Đại học Padjadjaran của Indonesia cho biết, nghiên cứu của bà chỉ ra rằng người Indonesia thường tin tưởng những câu chuyện do bạn bè, người thân kể lại. “Những người tiếp cận với dịch vụ y tế ở một quốc gia khác và khi họ cảm nhận tay nghề của các y bác sĩ, được trải nghiệm dịch vụ chất lượng cao thì sẽ chia sẻ với người khác trong câu chuyện của mình”, bà giải thích.

Vì chưa tin tưởng hoàn toàn vào đội ngũ y bác sĩ trong nước nên nhiều người dân Indonesia tìm mua các gói bảo hiểm y tế đa quốc gia, trong đó, những gói bảo hiểm nào được điều trị tại các bệnh viện ở Malaysia thường được nhiều người chọn lựa. “Người dân Indonesia cũng muốn được điều trị tại quê nhà, nhưng đôi khi họ không tin tưởng vào tay nghề và trình độ của bác sĩ địa phương bởi vẫn có một vài sai sót xảy ra”, đại diện một công ty bảo hiểm đa quốc gia tại Malaysia nói.

Indonesia tìm cách giữ chân bệnh nhân điều trị trong nước

Thực tế, ngành y tế Indonesia đang đối diện với những thách thức lớn, đặc biệt sau Covid-19. Hơn 3.000 bệnh viện ở đây chịu trách nhiệm chăm sóc cho số dân khổng lồ hơn 270 triệu người, phân bổ trên 17.000 đảo nên ít nhiều dẫn đến tình trạng quá tải.

Tháng 3-2023, Tổng thống Indonesia Joko Widodo viết trên mạng xã hội Twitter (nay là X) rằng, có gần hai triệu người Indonesia chọn ra nước ngoài để điều trị y tế mỗi năm, trong số này khoảng một triệu người đến Malaysia. ”Chúng ta (Indonesia) đã mất 165.000 tỉ rupiah (10,5 tỉ đô la Mỹ) ngoại hối chảy ra nước ngoài”, ông viết.

Sau động thái nói trên, tháng 6 vừa rồi, ông Widodo khánh thành Bệnh viện Từ Tế ở Jakarta trong nỗ lực mang đến cho những bệnh nhân có ý định “bỏ trốn” một lý do ở lại và điều trị ở quê nhà. Indonesia cũng chuẩn bị khai trương Bệnh viện Quốc tế Bali vào quí 1-2024.

Theo kế hoạch, năm 2014, chính phủ nước này đã ban hành chính sách Bảo hiểm Y tế quốc gia (NHI) giúp mọi tầng lớp dân chúng có thể tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe công cộng và tư nhân.

Chính phủ Indonesia cũng đang triển khai Chiến lược chuyển đổi y tế kỹ thuật số 2024, với các giải pháp số toàn diện nhằm tăng cường khả năng tiếp cận, tích hợp dữ liệu, thủ tục hành chính, lập kế hoạch và phối hợp trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Chính phủ nước này cũng dự kiến chi 3,2% GDP cho chăm sóc sức khỏe cho người dân vào 2030. Theo Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey (The McKinsey Global Institute), đến năm 2030, nền kinh tế Indonesia có giá trị 1.800 tỉ đô la Mỹ và đứng thứ 7 thế giới.

Ricky Hồ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Phố chuyên doanh ở TPHCM: đừng để ‘sớm nở tối tàn’

0
(SGTT) – Trong năm 2023, TPHCM đã cho ra mắt nhiều tuyến phố chuyên doanh như phố Sức khoẻ (quận 10), phố Cưới hỏi...

Du lịch y tế: Thị trường tỉ đô la đang “chờ”...

0
(SGTT) - Tại Việt Nam, theo thống kê của ngành du lịch, loại hình du lịch nghỉ dưỡng kết hợp khám chữa bệnh được...

Bệnh viện gian nan trên con đường phát triển du lịch...

0
Với hệ thống cơ sở y tế hiện đại mang tầm khu vực và quốc tế, TPHCM có khả năng tiếp nhận bệnh nhân...

Kết nối