Thứ bảy, Tháng mười một 9, 2024

Mua sắm online phát triển tạo ‘sàn diễn’ cho người sáng tạo nội dung

Sau Covid-19, thói quen mua sắm online ngày càng phổ biến, tạo cơ hội cho mọi người thử sức với công việc sáng tạo nội dung, làm tiếp thị liên kết. Trong các hoạt động kết hợp với nền tảng thương mại điện tử và nhãn hàng, những người sáng tạo nội dung sẽ đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng qua kênh cá nhân của mình. Với nhiều người, đây là công việc đem lại thu nhập khá ổn định.

Tiềm năng, cơ hội từ thế giới trực tuyến

Công việc quảng cáo, giới thiệu để bán sản phẩm nhận chiết khấu (hoa hồng) không còn mới lạ ở Việt Nam. Hình thức phối hợp giữa nhà cung cấp và cá nhân, đơn vị phân phối đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng cuối qua nền tảng trực tuyến đã có từ lâu và thông dụng ở nước ngoài, hay còn được biết đến với tên gọi tiếp thị liên kết (Affilate Marketing).

Các “ông lớn” trong lĩnh vực thương mại điện tử xuất hiện ở Việt Nam như Shopee, Lazada, Tiki, gần đây nhất là Tiktok Shop… đã đưa nhiều nhà bán hàng nhỏ lẻ, doanh nghiệp gia nhập vào thị trường này. Quá trình đó tạo nên xu hướng công việc mới như làm nội dung số, truyền thông, giới thiệu trải nghiệm sản phẩm, quảng cáo đến người chưa biết nhằm kích cầu tiêu dùng, tiếp thị mặt hàng và ra đơn qua mạng.

Chia sẻ với KTSG Online, ông Tuấn Anh, Co-founder của EcomTik, một nền tảng chuyên về phân tích và tìm kiếm những người sáng tạo nội dung trong lĩnh vực giới thiệu, review sản phẩm (KOC), những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, người nổi tiếng (KOL), cho hay trên ứng dụng TikTok hiện nay có khoảng 150.000 KOL, KOC hoạt động thường xuyên tạo doanh thu cho nhãn hàng. Trung bình, có hơn 30 triệu nội dung được sản xuất từ những người làm công việc này, đồng thời có khoảng 300.000 chương trình mà các thương hiệu “bắt tay” cùng họ làm tiếp thị liên kết, quảng cáo sản phẩm.

Các hoạt động livestream, sáng tạo nội dung ngay tại sự kiện triển lãm xe hơi quốc tế Thượng Hải tháng 4-2023. Ảnh: Nikkei Asia

Theo ông Tuấn Anh, thị trường thương mại điện tử phát triển mạnh tạo sân chơi cho mạng lưới cộng tác viên, người làm nội dung quen với hình thức được trả hoa hồng khi giới thiệu và có đơn hàng thành công. Công việc này giúp họ tạo ra thu nhập không giới hạn và sáng tạo không có điểm dừng nên bất cứ ai cũng có thể bắt đầu. Ông nói thêm hiện có nhiều hình thức tiếp thị liên kết như qua bài viết, video quảng cáo, trải nghiệm thực tế rồi review… để tạo ra sự gắn kết giữa nội dung và sản phẩm cần bán một cách tự nhiên nhất có thể.

Thu nhập tiền triệu từ công việc sáng tạo

Qua khảo sát của Metub Network chỉ ra TikTok thu hút nhà sáng tạo nội dung ở độ tuổi từ 18-24 tuổi, YouTube và Instagram đều được người ở độ tuổi khoảng 18-44 lựa chọn. Đáng chú ý, YouTube là nền tảng được những nhà làm nội dung ở độ tuổi trên 54 yêu thích.

Được biết, người làm công việc này tạo doanh thu qua tiếp thị liên kết (Affiliate Links), hợp tác từ các nhãn hàng, quyên góp từ những người yêu thích (Donate), bán hàng… Trong đó, nguồn thu chiếm phần lớn từ kết hợp cùng các thương hiệu (Brand Deals) chiếm 31%, theo sau đó là kinh doanh riêng chiếm 25%.

Accesstrade, công ty chuyên về mạng lưới tiếp thị liên kết (Affiliate Network), đóng vai trò cầu nối cho người làm tiếp thị liên kết với các nhà cung cấp sản phẩm, thống kê hệ thống có gần 2 triệu thành viên làm vị trí này. Trong đó, nhóm làm tốt nhất có thể kiếm trăm triệu hàng tháng, nhóm kiếm từ 5 đến 10 triệu thì chiếm phần nhiều. Từ năm 2015 đến năm 2019, các Affiliate Network như Accesstrade, Adflex, Ecomobi… đã đóng góp tới 10% tổng doanh số cho sàn thương mại điện tử, trung bình cứ 10 đơn mua trên sàn sẽ có 1 đơn tới từ mạng lưới liên kết.

Những nhà sáng tạo nội dung ở châu Á đến tham gia chương trình truyền hình thực tế ở Việt Nam. Ảnh: Let’s Feast Việt Nam

Hiểu nôm na, khi ta mua một cái áo thun 200.000 đồng trên sàn thương mại điện tử thì mạng lưới trung gian sẽ nhận hoa hồng 8.000 đồng (4%) và người làm tiếp thị sẽ được chia 5.000 đồng (2,5%). “Người làm công việc này chỉ lo đăng bài giới thiệu sản phẩm và quảng cáo qua các nội dung riêng trên mạng xã hội, chứ không cần phải vận chuyển, chốt đơn, quản lý hàng hóa”, đại diện nhấn mạnh.

Bà Mai Nguyễn, quản lý đối tác chiến lược, người nổi tiếng và nhà sáng tạo nội dung của Meta Việt Nam nhìn nhận công việc của những nhà làm nội dung đang được bạn trẻ quan tâm và phát triển nhiều hơn ở hiện tại. Bà cho rằng ngành nghề này không chỉ tạo ra nguồn thu nhập cá nhân mà sẽ có ý nghĩa xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế sáng tạo nếu có nội dung văn minh, lành mạnh, đi đúng hướng.

Anh Hữu Nam, cũng bắt đầu xây dựng trang cá nhân, tài khoản chia sẻ các nội dung làm bếp, hướng dẫn nấu ăn bên cạnh công việc chính làm văn phòng 8 tiếng của mình. Anh kể với lượng người theo dõi khoảng vài nghìn, anh tận dụng thời gian rảnh sau khi tan ca để quay video, tự chỉnh sửa rồi đăng tải trên mạng. Lâu dần, mọi người quan tâm hỏi sản phẩm anh dùng, anh sẽ giới thiệu chỗ đặt mua hàng qua đường dẫn và nhận phần trăm tiền hoa hồng.

Theo dõi nội dung sáng tạo của những Tiktoker, người làm tiếp thị liên kết. Ảnh: Tư liệu

“Thời gian đầu chưa ai biết đến cũng nản lắm nhưng coi video giải trí, người xem cũng dần chuyển đổi thành người mua, có nhu cầu với sản phẩm đó. Tôi cũng kiếm thêm một tháng khoảng 3 đến 5 triệu nếu chăm làm. Tôi nghĩ đây là công việc phù hợp cho những ai thích mày mò mạng xã hội cũng như có nhiều ý tưởng hay mà không lo chuyện quản lý kho bãi, thu chi”, anh nói.

Tuy vậy, công việc này cũng có những khó khăn riêng bởi lẽ thị trường mua sắm online sôi động thu hút nhiều người tham gia thử sức. Điều này đặt ra thách thức dễ bị thay thế nếu không chủ động làm mới, phát triển bản thân, cập nhật kiến thức công nghệ. Ngoài ra, các nền tảng mạng xã hội cũng thay đổi chính sách người dùng liên tục, thuật toán vận hành nên ảnh hưởng ít nhiều đến những người làm nội dung đăng tải trên đây.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Khuyến khích phát triển thương mại điện tử theo hướng bền...

0
(SGTT) - Theo Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục trình Chính phủ sửa đổi bổ sung quy định...

Nghề livestream thuê có thực sự dễ kiếm tiền?

0
(SGTT) - Những phiên livestream (bán hàng trực tiếp) trên sàn thương mại điện tử liên tiếp “khoe” doanh thu vài trăm triệu đến...

Xu hướng cửa hàng truyền thống trở thành trung tâm xử...

0
(SGTT) - Các nhà bán lẻ của Mỹ ngày càng dựa vào cửa hàng truyền thống của họ để xử lý các đơn hàng...

Thương mại điện tử và nỗi lo 800.000 tấn rác thải...

0
(SGTT) - Thị trường thương mại điện tử (TMĐT) của Việt Nam phát triển nhanh trong những năm gần đây và dự báo còn...

Nở rộ dịch vụ hỗ trợ các phiên livestream bán hàng

0
(SGTT) - Hình thức livestream (bán hàng trực tiếp) trên các nền tảng mạng xã hội đang xuất hiện với tần suất dày hơn...

Thương mại điện tử hàng xa xỉ trong cơn suy thoái

0
(SGTT) - Đại dịch Covid-19 thúc đẩy sự trỗi dậy của các nhà bán lẻ thương mại điện tử chuyên về thương hiệu thời...

Kết nối