Thứ Năm, Tháng Năm 2, 2024

Thú chơi nhà trên ‘rú’!

(SGTT) – “Rú” ở đây thường được ghép với “rừng”. “Rừng rú” chỉ nơi cây cối mọc mênh mông, rậm rạp. Ở thế kỷ trước, quê tôi lọt thỏm giữa rừng, mỗi khi lấy củi, hái nấm, hái sim…, người ta hẹn nhau lên trên rú. Trong tâm trí tôi và các bạn trang lứa, ký ức về rú luôn sừng sững, uy nghi, nhưng gần gũi, bảo bọc muôn loài.

Bao năm xa rú để đi học, rồi xa hẳn để lập nghiệp nơi quê hương mới, dịp hè này tôi mới lại tìm về nơi “ngày xưa còn bé”. Đường sá, nhà cửa đã mất dấu nghèo nàn ngày trước, thay vào là các khu du lịch sinh thái thu hút cả khách trong nước lẫn nước ngoài. Bà con có công ăn việc làm nên cuộc sống thấy khấm khá hơn.

Nhưng cây cối ở nhiều rú đã bị đốn hạ nhường chỗ cho biệt thự, hồ bơi, sân golf, những con đường bê tông… Sáng sớm, đi men theo con đường bê tông giữa rừng, đồng hồ báo cáo tôi đã đi hết 4.400 mét với “nhà một bên và rừng một bên” của cái gọi là sản phẩm du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng.

Nhìn theo bảng hướng dẫn “Recidences” ở phía trên cao hơn 100 mét cũng thấy thấp thoáng có dãy nhà giữa rú. Gần đó, một xe xúc đang nằm chờ việc, chắc là sẽ cày xới thêm một khoảng rừng để tiếp tục phục vụ “thú chơi nhà trên rú”. Ở trên đó trời mát mẻ, lại được nhìn ra biển, có thể nhìn xuống “hạ giới” mà không cần phải len lỏi đi hay mệt nhoài khám phá. “Du lịch sinh thái” vô hình trung khiến cả phía cung lẫn phía cầu giẫm nát hệ sinh thái. Với mặc định triết lý nên/được hưởng thụ khi có tiền và sự khai thác bất chấp để kiếm tiền, “hàng hóa” bị hiểu và vận dụng theo chiều thực dụng khiến rú dần bị thu hẹp. Không khéo chỉ ít năm nữa, rú chỉ còn là biểu tượng. Khách đi du lịch sinh thái chỉ còn để ngắm màu xanh của cỏ, của cây cảnh; còn cây rừng cao vời, ken rậm sẽ chỉ được nghe qua lời kể của hướng dẫn viên?

2. Vẫn biết để phát triển thì khó tránh khỏi lúc chấp nhận đánh đổi. Nhưng giảm thiểu đến mức thấp nhất sự tổn thương cho rừng rú là điều phải liệu tính ở các cương vị của người quản lý, đầu tư, giám sát.., để không gây tác động quá xấu đến môi trường, để giữ cho tốc độ biến đổi khí hậu chậm nhất có thể!

Vụ sạt lở ta luy trên quốc lộ 20 vùi lấp một người dân và ba chiến sĩ công an Trạm cảnh sát giao thông Madagui vừa rồi lại xảy ra, sau những vụ sạt lở kinh hoàng trước đó mà nhiều người còn nhớ, như vụ tại thủy điện Rào Trăng 3 hồi tháng 10-2020. Đó là cái giá phải trả do “chảy máu rừng”. Lời cảnh báo từ rừng – dẫu nghiệt ngã – đòi hỏi chúng ta nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá, điều chỉnh. Nhiều bài học sẽ được rút ra, nhưng bài học của mọi bài học là phải tuyệt đối tôn trọng rừng rú!

Mới đây, sau chuyến thị sát, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có chỉ đạo về phát triển bền vững khu vực Cần Giờ (TPHCM). Cần Giờ được định hướng là “thành phố trong rừng, rừng trong thành phố” (Tuổi Trẻ, 18-7-2023). Nghị quyết của Thành ủy TPHCM về Cần Giờ có nêu mục tiêu đến năm 2030, Cần Giờ sẽ là thành phố biển nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái với thu nhập bình quân đầu người đạt 182 triệu đồng/năm. Tương lai xán lạn cho Cần Giờ là điều ai cũng đợi mong, nhưng song song đó cũng canh cánh niềm hy vọng một Cần Giờ phát triển nhanh nhưng phải bền vững.

Và trên bình diện cả nước, đâu chỉ có một Cần Giờ cần phải lấy sự bền vững làm mục tiêu, động lực và giải pháp phát triển! Xác định giới hạn của sự đánh đổi môi trường phải là mệnh lệnh từ trái tim của mọi công dân, ở mọi vị trí, trong cuộc chiến một mất một còn với biến đổi khí hậu.

3. Tài nguyên rừng và biển ở nước ta từng được ví là vàng là bạc. Nhưng với thực tế hiện nay, ngay cả những ai lạc quan nhất cũng không còn đủ tự tin khi lần giở lại sách giáo khoa địa lý trước đây.

Trong khi đó, cuộc tranh luận “nên hay không nên có bộ sách giáo khoa nhà nước” vẫn chưa tìm được mẫu số chung, chắc cần phải thêm một thời gian nữa. Tuy vậy, hệ giá trị về ứng xử với môi trường đưa vào nội dung giảng dạy học sinh phổ thông vẫn không ngoài giáo dục các em luôn làm chủ bản thân, sống thấu hiểu mọi người, trách nhiệm với thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống – từ non cao, đến đồng bằng, ra biển cả. Trân quý thiên nhiên chính là giữ cho mái nhà chung xanh trở lại trên con đường xây dựng đất nước giàu mạnh.

Có một hệ quy chiếu thì một hay nhiều bộ sách giáo khoa không còn là lựa chọn khó khăn. Với trách nhiệm trước hết thuộc về giáo dục – tác nhân vận hành “động cơ” mang lại lợi ích trăm năm, thú chơi nhà trên rú sẽ thôi… ngạo nghễ!

Nguyễn Hoàng Chương

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Cầm xẻng về rừng, hai vợ chồng chủ vườn “thuận theo...

0
(SGTT) – Gác lại hình ảnh váy vóc, lụa là thuở còn đi làm ở phố thị, chị Trần Thị Mỹ Thuận (27 tuổi),...

Đầu bếp bỏ phố về rừng làm TikToker triệu view: Nấu...

0
(SGTT) – Sau 11 năm gắn bó với nghề bếp ở TPHCM, anh Hồ Hoàng Giao quyết tâm đổi hướng về Lâm Đồng tìm...

Hành trình “bỏ phố về quê” trở thành YouTuber ẩm thực...

0
(SGTT) - Không xô bồ cũng chẳng vội vã, kênh YouTube của anh chàng nông dân Tô Tiểu Tường giờ đây đã trở thành...

Lên buôn làng ăn Tết

0
(SGTT) - Cả chặng đường mười mấy cây số với điểm khởi hành là trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột theo các cánh...

Bỏ phố về quê – chọn lựa nhất thời hay xu...

0
Những ngày này, dạo một vòng trên mặt báo của nhiều nước thấy khá nhiều tiêu đề như: “Tạm biệt Matxcơva”; “Rời bỏ Seoul”;...

Bỏ phố về rừng: Bờ kia bờ này Nam Cát Tiên?

0
(SGTT) - Gởi xe tại nhà một người quen, bọn tôi phóng xuống ghe len vào rừng ngay. Bỏ phố về rừng cho nhẹ...

Kết nối