Thứ Hai, Tháng Tư 29, 2024

Du khách thả “bom hạt giống” để tái sinh rừng

(SGTT) – Nhỏ gọn, dễ vận chuyển khi đi rừng, cùng với khả năng chịu hạn cao, những “bom hạt giống” đã được kiểm lâm và du khách ở Vườn Quốc gia Núi Chúa, thành viên Sáng kiến Điểm đến An toàn thả vào tự nhiên để nhân rộng diện tích rừng trong nhiều năm qua.
Cán bộ Vườn Quốc gia Núi Chúa đang thả những “bom hạt giống” vào rừng. Ảnh: Thành Ngon

“Bom hạt giống” là phương pháp được Ban quản lý Vườn Quốc gia Núi Chúa, tỉnh Ninh Thuận áp dụng để tái tạo hệ thực vật nhằm tăng thêm cây xanh cho vùng núi khô cằn, nhiều đá trên địa bàn 2 huyện Ninh Hải và Thuận Bắc.

Vườn Quốc gia Núi Chúa (Vườn) nằm hoàn toàn trong khu vực khí hậu ven biển miền Trung thuộc vùng khí hậu Nam Trung Bộ. Nơi đây với đặc điểm là khô hạn cao, mùa mưa ở khu vực này đến muộn so với các vùng khác trong tỉnh và kết thúc cũng sớm hơn. Mùa mưa thường bắt đầu từ tháng 9, tháng 10 và kết thúc vào khoảng tháng 12.

Vì điều kiện khí hậu khắc nghiệt, cộng với việc mùa mưa ngắn nên việc tái sinh rừng tự nhiên khá khó khăn, cây con chưa ổn định thì mùa khô hạn đã đến, khiến cây không sống được. Ngoài ra, địa hình phức tạp nơi đây khiến công tác chuẩn bị và thiết kế khu vực trồng rừng gặp nhiều hạn chế.

Do đó, từ năm 2018, Vườn thực hiện phương pháp trồng rừng bằng “bom hạt giống”. Những bom này sinh trưởng dựa theo nguyên lý tự nhiên, chúng nảy mầm khi gặp trời mưa, không cần bón phân hay tưới nước. Mặt khác, vào thời điểm khô hạn, các hạt mầm được đất bao bọc bên ngoài, không bị côn trùng hay kiến ăn.

Mỗi bom có đường kính từ 3 đến 6cm, bên trong có nhiều loại hạt thuộc các giống cây rừng khác nhau. Ảnh: Thành Ngon

Cách tạo “bom hạt giống” khá đơn giản, lại thêm chi phí rẻ nhờ tận dụng từ những nguồn vật liệu sẵn có ở địa phương như đất sét, phân chuồng và hạt giống tự thu hái trên rừng. Các nhân viên phòng Bảo tồn tài nguyên rừng và biển sẽ dùng đất sét và phân trộn với ít nước, sau đó nắn thành những viên tròn, bên trong chứa những hạt giống thuộc các loại cây khác nhau tùy vào thời điểm.

Năm ngoái có hơn 10.000 “bom hạt giống” là những cây bản địa, đặc trưng của Vườn Quốc gia Núi Chúa như cây trôm, cây lim, cây gõ… đã được du khách và nhân viên của Vườn thả vào rừng.

Cùng với các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan rừng và biển. Vườn Quốc gia Núi Chúa cũng phát triển các loại hình du lịch sinh thái. Theo ông Nguyễn Thành Trung – Phó giám đốc phụ trách Vườn Quốc gia Núi Chúa cho biết: “Du lịch sinh thái theo đúng nghĩa là du lịch có trách nhiệm với thiên nhiên, góp phần tái tạo thiên nhiên, bảo vệ thiên nhiên. Vườn đang làm dựa trên phương châm “bảo tồn để phát triển du lịch và phát triển du lịch để góp phần bảo tồn”. Chẳng hạn như mỗi du khách đến đây, khi vào rừng sẽ mang theo từ 2 đến 10 “bom hạt giống” và theo sự hướng dẫn của hướng dẫn viên để thả vào những chỗ trống góp phần tái tạo rừng”. 

Những quả “bom hạt giống” được ném, thả vào triền dốc ở Núi Chúa góp phần gieo những mầm xanh vào tự nhiên. Những quả “bom hạt giống” này có ý nghĩa lớn trong việc tái sinh rừng, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học.

“Bom hạt giống” được tạo thành từ việc trộn đất sét với phân chuồng, sau đó nhào kỹ bằng tay và cho những hạt cây rừng vào giữa rồi vo viên lại. Ảnh: Thành Ngon

Hiện nay du khách đến tham quan, đặc biệt những du khách tham gia trekking (đi bộ đường dài trên rừng núi) tại Vườn Quốc gia Núi Chúa sẽ được hướng dẫn viên giới thiệu về mô hình này. Những nhóm khách phượt thường chọn những cung đường núi hiểm trở để thám hiểm và những “bom hạt giống” mang mầm xanh cho cánh rừng cũng theo chân du khách đến với những nơi cheo leo, khó khăn nhất, bám rễ vào các triền núi đá.

Trồng rừng bằng “bom hạt giống” không những tốn kinh phí thấp, tỷ lệ cây sống cao và điều quan trọng là giúp xây dựng ý thức bảo tồn, gìn giữ rừng và bảo vệ môi trường sinh thái cho du khách.

Vườn quốc gia Núi Chúa là thành viên của Sáng kiến Điểm đến An toàn (do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức và vận hành) và đã được công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 2021. Nơi đây hội tụ đầy đủ 3 không gian: rừng, biển, bán sa mạc, là hệ sinh thái rừng khô hạn độc đáo của Việt Nam. Tính từ đầu năm đến nay, nơi đây đã có hơn 130.000 lượt khách đến tham quan và trải nghiệm. Một số thắng cảnh đẹp, nổi tiếng ở Vườn Quốc gia Nũi Chúa như Hang Rái, công viên Đá, vịnh Vĩnh Hy, đỉnh Núi Chúa…

Ngọc An

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Mẹ rùa Malaysia vượt biển đến Côn Đảo đẻ trứng

0
(SGTT) - Ngày 22-4, một rùa mẹ đeo thẻ quốc gia Malaysia đã bơi vào bãi Cát Lớn tại hòn Bảy Cạnh, thuộc Vườn...

Tăng cường đối thoại công-tư để tránh hàng xuất khẩu bị...

0
(SGTT) - Yêu cầu chống phá rừng và giảm phát thải carbon từ thị trường EU buộc các nhà quản lý phải thảo luận...

Chèo sup, lội bùn bắt hải sản ở khu du lịch...

0
(SGTT) -  Đến khu du lịch sinh thái Dần Xây (huyện Cần Giờ, TPHCM), du khách sẽ có dịp khám phá khu rừng ngập...

Mùa xuân tìm về Bù Gia Mập ngắm những ‘nàng xuân’...

0
(SGTT) - Những ngày cuối tuần của mùa xuân, nếu du khách vẫn chưa tìm được những điểm đến phù hợp, có thể Vườn...

Giọt rừng

0
(SGTT) - Các nhà khoa học đưa ra thuyết địa tâm lý rằng: thiên nhiên nào con người ấy. Nghĩa là môi trường sống...

Du xuân gieo mầm xanh

0
(SGTT) - Vườn Quốc gia Côn Đảo là điểm đến nổi tiếng với những bãi biển hoang sơ, bờ cát trắng mịn và những...

Kết nối