(SGTT) – Đây làm lần đầu tôi trekking lên Núi Chúa, ngọn núi nằm trong vườn quốc gia Núi Chúa thuộc địa phận huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Chuyến đi này đã giúp tôi trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc như hào hứng, hoang mang, vui mừng, lo lắng, nhẹ nhõm… và chuyến đi có quá nhiều thử thách, đậm chất sinh tồn nhất của bản thân trong những hành trình đã từng đi qua.

Núi Chúa vừa được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới với hệ thống động thực vật đa dạng và quý hiếm, đặc biệt là hệ sinh thái rừng khô hạn đặc trưng hiếm thấy của Việt Nam. Ngọn núi này tuy không cao nhưng có địa hình và thực vật khá đa dạng, cộng với khí hậu khô hạn đặc trưng nên nơi đây vẫn là một điểm đến rất thu hút bước chân của những con người yêu thiên nhiên, thích khám phá, trải nghiệm.

Vịnh Vĩnh Hy nhìn từ xa.

Ngày khởi hành nhóm mình đi xe Thiện Trí về Vĩnh Hy, đến Vĩnh Hy cả nhóm ăn sáng và đi chợ để chuẩn bị lương thực cho hành trình 2 ngày 1 đêm sắp tới. Lúc này, trời chưa sáng hẳn nên chợ vẫn chưa họp, nhóm chỉ tìm mua được 2 con gà vẫn còn sống của hộ dân gần đó, với một ít gạo, bánh mỳ và nước đã chuẩn bị từ Sài Gòn rồi bắt đầu lên đường.

Đoạn đường đầu còn khá nhẹ nhàng và thơ mộng.

Nhóm mình đi ngược từ suối Lồ Ô lên, nên từ làng ven biển ở chân núi đi bộ tầm 30 phút thì tới cây cầu treo dẫn vào suối. Đường đi lúc đầu còn khá dễ, chỉ cần đi men theo con suối cạn nước tương đối bằng phẳng. Nhưng càng vào sâu, đường ngày càng dốc và khó đi hơn do những tảng đá to tròn dựng đứng, trơn trượt, nhìn không biết đường nào để vượt qua.

Thêm vào đó, đường đi không có một phương hướng chính xác nên một số thành viên bắt đầu cảm thấy hoang mang, lo lắng và liên tục hỏi “liệu bọn mình có đang đi đúng đường không hay có phải mình bị lạc rồi không”. Lúc này cả nhóm chỉ biết động viện, giúp đỡ và tin tưởng nhau để tiếp tục đi.

Càng vào sâu di chuyển lại càng khó khăn với những phiến đá to tròn.

Đi được một lúc thì trời cũng nhá nhem tối, mọi người đều đã mệt nhưng quan trọng hơn là nước cũng gần hết, do thời tiết ở Ninh Thuận rất khắc nghiệt, rất nóng nên mọi nhóm đã thống nhất tập trung tìm chỗ có thể dựng lều nghỉ ngơi để ngày mai tiếp tục cuộc hành trình.

Chỉ một vũng nước đọng nhỏ thôi nhưng rất quý giá trong hoàn cảnh này.

May mắn sao, nhóm đã tìm được một tảng đá bên bờ suối còn đọng lại một vũng nước nhỏ, có thể lọc để dùng sinh hoạt, nấu nướng. Sau đó, cả nhóm phân công nhau dựng lều, nấu ăn và lọc nước cho hành trình ngày mai. Tối hôm đó, cả nhóm dùng con gà đã làm sẵn ở suối hồi trưa để nấu cháo, ăn xong thì mọi người cũng đã thấm mệt sau một ngày dài leo núi nên tối đó cả nhóm đều đi ngủ sớm.

Đêm cắm trại đầu tiên.

Sáng hôm sau cả nhóm dậy sớm, ăn sáng nhẹ và bàn về đường đi tiếp theo. Trong nhóm có 2 luồng ý kiến: một ý kiến cho rằng nên tiếp tục men theo con suối, theo tracklog là sẽ ra được đường mòn dẫn lên đỉnh; một ý kiến khác cho rằng đường này sẽ không thể đi được vì có những phiến đá dựng đứng không thể trèo qua nên chỉ còn cách đi vòng cắt rừng mới ra được thôi.

Sau khi thảo luận thì nhóm quyết định theo ý kiến thứ hai là đi vòng cắt rừng vì đi theo ý kiến thứ nhất sẽ rất nguy hiểm.

Hành trình cắt rừng.

Nhóm tiếp tục lên đường và nhanh chóng ra khỏi con suối, bắt đầu cắt rừng để tìm hướng ra. Thật sự khi đi cắt rừng rất mất sức vì phải leo dốc liên tục, không có đường mòn, phải xẻ cây, len lỏi để di chuyển, khu rừng có rất nhiều bụi cây gai nên việc di chuyển lại càng khó khăn.

Sau khoảng hơn 2 tiếng trầy trật thì nhóm đã tìm được đường ra, mọi người lúc này mới bớt căng thẳng, tranh thủ nghỉ ngơi và ăn uống nhẹ. Mọi người chia nhau từng hộp sữa, lon nước ngọt và bánh vì ai cũng biết tình hình hiện tại vẫn còn khá căng thẳng, đồ ăn và thức uống cũng đã dần cạn kiệt vì mọi thứ chỉ được chuẩn bị cho 2 ngày 1 đêm, cả nhóm đều không biết khi nào mới có thể ra được khỏi rừng và thực tế thì khả năng phải ở trong rừng thêm 1 ngày 1 đêm là rất cao.

Những dốc đá nối tiếp nhau.

Sau khi ăn uống, nghỉ ngơi một lúc thì đoàn tiếp tục hành trình, đường đi bắt đầu rõ hơn và đi theo tracklog cũng dễ dàng hơn. Nhưng đi được thêm khoảng 2 tiếng nữa thì nhóm lại bị bí đường, mọi người cứ loay hoay tìm đường, leo lên đồi rồi lại xuống, rẽ trái rồi sang phải, xoay không biết bao nhiêu vòng mới tìm được lối rẽ cho con đường đi đúng. Tìm được hướng đi đúng giúp đoàn cũng đi được nhanh hơn và nhanh chóng đến được điểm ngã 3 đường để lên đỉnh Núi Chúa.

Đến đây trời cũng đã xế chiều, nhóm quyết định không lên đỉnh nữa mà xuống bãi suối cắm trại trước và tùy tình hình vào sáng hôm sau sẽ tính tiếp.

Đi tiếp hơn 1 tiếng thì nhóm cũng đến bãi suối để cắm trại, đoạn đường này có lẽ là đoạn đường êm đềm, nhẹ nhàng và đẹp nhất của chuyến đi này vì nhóm được băng qua những đồi cỏ lau xanh ngắt bao quanh là cảnh núi rừng trùng điệp.

Nhóm đã chọn cắm trại trên một bãi đất khá bằng phẳng ngay cạnh dòng suối Ô Liêm, đến được đây ai cũng thở phào nhẹ nhõm và việc đầu tiên là hòa mình vào dòng suối mát lạnh để làm dịu đi những khó khăn, cực nhọc của hành trình ngày hôm nay.

Chú gà Vĩnh Hy kiên cường sống đến giây phút cuối cùng để cứu rỗi cơn đói của cả nhóm.

Mọi người cùng nhau chuẩn bị bữa tối với những gì còn sót lại, cảm ơn chú gà Vĩnh Hy đã kiên cường trụ lại đến giây phút này và cứu đói cho cả nhóm tại đêm hôm ấy, bấy giờ một chén cháo gà loãng cũng ngon đến lạ thường.

Bữa ăn đạm bạc nhưng sao thấy thật ngon.

Sau khi ăn uống, trò chuyện và ngắm nhìn bầu trời đầy sao một lúc thì cả team tranh thủ nghỉ ngơi sớm để sáng mai tiếp tục hành trình lội ngược lên đỉnh. Thật tiếc là sáng hôm sau trời mưa lớn nên nhóm không thể quay lại chinh phục đỉnh núi được mà thay vào đó phải thu dọn hành lý để di chuyển ra khỏi rừng.

Những bụi cây gai trên đường ra khỏi rừng.

Đường từ chỗ cắm trại để ra khỏi rừng khá dễ. Đường đi khá rõ ràng, chủ yếu là đường bằng và xuống dốc, xung quanh là những bụi cây gai đặc trưng của vùng đất khô cằn đầy nắng gió này. Sau gần 2 tiếng di chuyển, đoàn cũng chính thức ra được khỏi vườn quốc gia núi Chúa đầy thách thức, mọi người vừa vui mừng vừa nhẹ nhõm.

Chính thức được ra khỏi rừng.

Sau khi ra khỏi rừng, nhóm ghé vào một quán nước để nghỉ ngơi và nhờ chủ quán liên hệ giúp để xe chở mọi người ra ngoài làng để tắm rửa, ăn trưa và nghỉ ngơi. Sau hành trình dài 3 ngày 2 đêm cực khổ trong rừng, đây là bữa ăn no, đủ đầy nhất của nhóm. Vẫn còn khá sớm nên cả nhóm quyết định di chuyển ra Vĩnh Hy và đi tàu ra bè cá để ăn mừng kết thúc chuyến trekking Núi Chúa, tối đến mọi người lên xe để quay về Sài Gòn nhộn nhịp.

Lên rừng xong lại xuống biển.
Bè cá trên vịnh Vĩnh Hy.

Chuyến đi này để lại cho mọi người rất nhiều cảm xúc và trải nghiệm thú vị, chuyến đi quá nhiều thử thách, đậm chất sinh tồn nhất của bản thân trong những hành trình đã từng đi qua, nhưng nhờ vậy mới biết:

+ Cái cảm giác gần hết nước, cạn đồ ăn trong rừng là như thế nào?

+ Cảm giác khi hết nước lại may mắn tìm được một vũng nước suối nhỏ còn đọng lại trên tảng đá cũng đủ vui và biết ơn ra sao?

+ Một chén cháo loãng, cái kẹo, lon nước ngọt, hộp sữa, thanh lương khô nó giá trị như thế nào trong hoàn cảnh ấy?

+ Và cảm giác khi ra được khỏi rừng sau 3 ngày 2 đêm mệt mỏi, mò mẫm tìm đường nó nhẹ nhõm và hạnh phúc ra sao?

+ Hay cái cảm giác khi được ăn một bữa tiệc đầy đủ sau những ngày ăn cháo, uống nước cầm chừng nó “sướng” như thế nào?

Nhờ chuyến đi này bản thân tôi có thêm nhiều kinh nghiệm và bài học cho những chuyến đi tiếp theo. Đó là bài học về sự chuẩn bị chu đáo, phải dự trù những tình huống xấu có thể xảy ra như lạc đường khi đi khám phá trong những khu rừng mới, đặc biệt là khi đi tự túc, không có porter (người khuân vác), người dẫn đường. Để khi gặp những tình huống đó sẽ không bị hoang mang, lo lắng hay bị động, trong những tình huống đó sự đoàn kết, lạc quan, tin tưởng và hỗ trợ nhau giữa các thành viên là điều rất quan trọng.

Bùi Hương

(Ảnh: Ngọc Huệ)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây