Thứ Ba, Tháng Năm 14, 2024

Xem câu chuyện cảm động Cha cõng con

Nguyễn Trang –

Tác phẩm điện ảnh đầu tay của đạo diễn Lương Đình Dũng mà kịch bản dựa theo truyện ngắn của chính đạo diễn đã có một hành trình dài đi đến các liên hoan phim quốc tế trước khi chính thức ra mắt khán giả vào ngày 5-4 vừa qua. 

cha-cong-con-1

Được dán mác “phim nghệ thuật”, Cha cõng con có thể khiến số đông khán giả ngại ngần khi lựa chọn thưởng thức. Tuy nhiên, dù không phải phim giải trí đơn thuần nhưng không giống như các phim độc lập “nặng đô” từng tham gia tranh giải tại ba liên hoan phim danh giá như Cannes, Venice hay Berlin như Bi, đừng sợ; Cha và con và (đạo diễn Phan Đăng Di); Đập cánh giữa không trung (đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp), Cha cõng con là một câu chuyện nhẹ nhàng, giản dị với cách kể không có quá nhiều đột phá.

Nhân vật chính của phim là người cha Mộc và cậu con trai Cá, sinh sống tại một vùng núi hẻo lánh. Mẹ cậu bé đã qua đời vì bị lũ cuốn, một bi kịch quen thuộc của mảnh đất thiên nhiên tươi đẹp nhưng đầy dữ dội này. Cuộc sống “gà trống nuôi con” của Mộc dựa hết vào việc đánh cá trên sông. Mỗi khi lũ lên là hai cha con lại cùng một số người dân leo lên đỉnh đồi tránh nạn, lũ hết lại quay về. Rồi một ngày, bệnh tình của bé Cá diễn biến xấu làm đảo lộn cuộc sống của hai cha con. Anh Mộc phải đưa con lên thành phố, và tìm mọi cách để giúp con trai được toại nguyện với giấc mơ của mình. Cái tên “Cha cõng con” thực sự rất hay và đắt nhất là ở từ “cõng”, như là sự thương yêu vỗ về của người cha dành cho đứa con sớm mất mẹ, là quá trình chỉ dạy cho con kỹ năng sinh tồn trong đời sống. Hơn thế, “cõng” cũng chính là gánh nặng khủng khiếp về chi phí chữa bệnh mà người cha vốn không thể chịu nổi nhưng cũng gắng gượng bằng hàng trăm ngàn lần bắt cá.

Khác phần lớn các bộ phim tập trung khai thác chuyện cướp giật, đồng tính và các cô cậu con nhà giàu, Cha cõng con được giới chuyên môn đánh giá là chạm tới một nhóm đối tượng chịu thiệt thòi ở vùng sâu vùng xa, nơi cuộc sống đơn giản và có phần thiếu thốn. Với cách kể không đi vào kịch tính mà dùng chi tiết để miêu tả tâm lý nhân vật, người xem phải kiên nhẫn và tinh tế mới nắm bắt được những lớp nghĩa ẩn dưới những hình ảnh đẹp giàu chất thơ nhưng cũng đầy tính ước lệ của phim.

Đó là tình người chia sẻ với nhau trong căn nhà tránh lũ, những bữa cơm chung của một nhóm người già trẻ lớn bé tụm lại chia sẻ mọi cơ cực, của một cô gái lỡ thì miền núi sẵn sàng làm mẹ, làm vợ, thu vén cho một ngôi nhà đơn sơ. Dù thành phố trong phim hiện lên rất đáng sợ qua lời kể chú mù thì ở đây vẫn thấy tình người của cô bác sĩ nguyên tắc nhưng tình cảm, giữa những người đi chăm bệnh nhân với nhau, tình người của hai anh bảo vệ phá lệ một lần cho ước mơ trẻ nhỏ.

Giữa những diễn biến khắc nghiệt của thiên nhiên hay hoàn cảnh sống nghèo khó, người xem phần nào cảm nhận được tình làng nghĩa xóm và những diễn biến tâm lý hồn nhiên của các nhân vật trong phim. Điều đó có được nhờ những góc máy nhiều chất thơ của nhà quay phim Lý Thái Dũng và lối diễn xuất tự nhiên của dàn diễn viên không nổi tiếng nhưng rất chịu dấn thân. Các hình ảnh trong phim đẹp và giàu tính biểu tượng như cảnh hai cha con ngồi trên khúc gỗ, vừa đúng lúc đặt máy xuống thì đàn cò bay tới, đến khi quay kết thúc cảnh đàn cò mới bay đi. Những hình ảnh miêu tả tình yêu thương của người cha với con nhỏ, những tò mò của đứa bé miền núi nghèo khổ về thành phố rực ánh đèn và con chim sắt… Hình ảnh chú cá bị kẹt trong vũng nước nhỏ là hàm ý về thân phận của cậu bé tên Cá. Những cú máy quay ngược từ thấp lên cho thấy con người quá nhỏ bé so với thiên nhiên với núi đồi cây cối xung quanh.

Hầu hết các chi tiết phim được các nhà phê bình cho là được chăm chút cẩn thận, từ những cặp mắt ánh lên niềm vui sướng của lũ trẻ, tới cách chúng quan sát chiếc máy bay, hay lúc chúng nhại lại chú mù với câu “Chán cái mùi cá mú này lắm rồi” khá thú vị.

Tuy nhiên, dù là phim truyện điện ảnh được đề cử cho giải Cánh Diều Vàng nhưng những ai am hiểu phim đều ít nhiều cho rằng cốt truyện mỏng khi kịch bản phim được xây dựng từ truyện ngắn của chính đạo diễn. Do kịch bản dựa trên truyện ngắn phần nào thiếu đi các mâu thuẫn hay xung đột được đẩy tới đỉnh cao, thiếu nút thắt và giải quyết vấn đề, thiếu những bất ngờ thực sự để thu hút sự chú ý của khán giả như một kịch bản bài bản.

Một đạo diễn cho rằng câu chuyện phim chỉ thể hiện những thân phận con người, cái tình người trong hoạn nạn và nỗ lực hiện thực hóa giấc mơ của trẻ em, để khán giả tự tìm thấy những suy tưởng cho riêng mình. “Nhưng một phim như này sẽ dễ bị coi là nhàm chán với lối xem phim đi tìm kịch tính của đại chúng khán giả”, vị đạo diễn này nói.

Bỏ lại đằng sau những đề cử hay giải thưởng ở các liên hoan phim nhỏ, công bằng mà nói phim Cha cõng con hiện đang được giới chuyên môn đánh giá là một tác phẩm mạo hiểm khi tiếp cận số đông công chúng. Nhưng đây vẫn là một bộ phim cho thấy sự dấn thân cả về thời gian, tiền bạc, công sức của vị đạo diễn xuất phát từ dân quảng cáo chuyên nghiệp và là thành quả đáng ghi nhận sau hơn 10 năm ấp ủ thực hiện của toàn bộ ê kíp.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Đi thuyền buồm ngắm cảnh đôi bờ sông Nile tại Aswan,...

0
(SGTT) – Đi thuyền buồm ngắm cảnh đôi bờ sông Nile là trải nghiệm được nhiều du khách yêu thích khi đến thành phố...

Bảy đóa sen ‘nở’ trên sông Hương mừng Đại lễ Phật...

0
(SGTT) - Ban Tổ chức Đại lễ Phật đản năm 2024 tỉnh Thừa Thiên Huế vừa hạ thủy bảy hoa sen giữa dòng sông...

Nhiều nước bắt đầu đánh thuế xe điện

0
(SGTT) - Các nhà hoạch định chính sách trên toàn cầu đang triển khai các loại thuế phí mới đối với xe điện. Động...

Dự kiến tháng 6 chọn xong nhà thầu trạm dừng cao...

0
(SGTT) - Theo kế hoạch, 8 trạm dừng trên cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 mở thầu vào...

Hơn 90.000 chứng chỉ ngoại ngữ cấp sai quy định của...

0
(SGTT) - Theo các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các chứng chỉ tiếng Anh Aptis và IELTS cấp sai quy...

Toàn cảnh depot Long Bình với góc nhìn từ trên cao

0
(SGTT) - Depot Long Bình nằm tại thành phố Thủ Đức, có diện tích trên 20 hec-ta. Đây là trung tâm điều khiển và...

Kết nối