Thứ Tư, Tháng Năm 22, 2024

Ứng phó trước đại dịch hô hấp cấp MERS-CoV

Nhóm PV

Trước những diễn biến phức tạp của hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông (MERS-CoV) diễn ra gần đây, đặc biệt là sau khi Hàn Quốc phát hiện ra ca bệnh đầu tiên, sau đó lây lan với tốc độ nhanh, Bộ Y tế Việt Nam đã dựng “hàng rào” phòng chống.

Chưa có thuốc trị

Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hội chứng MERS-CoV do vi rút Corona gây ra là một bệnh viêm đường hô hấp nguy hiểm và có tỷ lệ tử vong cao. Trong đó, vi rút Corona là một chủng mới tương tự vi rút gây SARS (năm 2003) nhưng có giải trình gen khác nhau. Bệnh xảy ra lần đầu tiên tại Ả Rập Xê Út từ năm 2012. Tới nay, vi rút này đã lây lan ra 26 quốc gia với 1.154 người mắc MERS-CoV, trong đó có 434 ca tử vong. “Như vậy, tỷ lệ tử vong trên tổng số người mắc bệnh là 38%, một mức rất cao”, ông Phu nói

Hàn Quốc đã ghi nhận ca bệnh MERS-CoV đầu tiên vào ngày 19-5, sau khi người này trở về từ khu vực Trung Đông. Đến ngày 1-6, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo đã ghi nhận 25 người tại Hàn Quốc lây nhiễm MERS-CoV. Trong thời gian này, tại Trung Quốc cũng đã ghi nhận một trường hợp mắc bệnh (ngày 29-5) là công dân Hàn Quốc.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long kiểm tra các trang thiết bị tại khu vực cách ly của Bệnh viện Chợ Rẫy.             Ảnh: Thành Hoa
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long kiểm tra các trang thiết bị tại khu vực cách ly của Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: Thành Hoa

Nói về đại dịch này, ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng dịch MERS-CoV đang diễn biến rất phức tạp với tốc độ lây lan nhanh hơn dịch SARS trước đây.

Về biểu hiện của bệnh, ông Long cho hay, phần lớn bệnh nhân nhiễm MERS-CoV thường có biểu hiện nhiễm trùng đường hô hấp cấp gồm sốt trên 38°C, ho, khó thở, có tổn thương nhu mô phổi, viêm phổi hoặc hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển dựa trên lâm sàng hoặc hình ảnh X quang, tổn thương phổi ở các mức độ khác nhau và kèm theo có hội chứng suy thận cấp. Đặc biệt, có nhiều trường hợp nhiễm MERS-CoV nhưng không nhận ra, vì bệnh này rất giống với bệnh đường hô hấp thông thường khác. Vì vậy gây khó khăn rất lớn trong công tác kiểm soát sớm dịch bệnh.

Về khả năng nhiễm bệnh, theo ông Phu, dịch MERS-CoV không từ một ai. Tuy nhiên, theo ghi nhận thì hầu hết các trường hợp mắc là người già, nam giới, những người có bệnh mãn tính kèm theo, thường có nguy cơ cao hơn. Ông Phu nói rằng, dịch MERS-CoV có thể lây truyền trực tiếp từ người sang người thông qua tiếp xúc gần hoặc từ nước bọt.

Do chưa có thuốc điều trị và vắc xin dự phòng MERS-CoV, các phương pháp điều trị hiện nay vẫn là điều trị như đối với bệnh viêm đường hô hấp cấp và điều trị tích cực.

Hiện vẫn chưa rõ nguồn gốc của dịch này nhưng gần đây WHO cho rằng ổ chứa MERS-CoV có thể từ lạc đà. Trước diễn biến đó, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng đã cấm nhập khẩu trên mọi hình thức các loại sữa, thịt và các sản phẩm làm từ lạc đà.

[box type=”bio”] Khuyến cáo của Bộ Y tế

* Hạn chế đi tới các quốc gia đang có dịch bệnh tại khu vực Trung Đông. Trước khi đi du lịch cần tìm hiểu các thông tin tình hình dịch bệnh tại nơi đến để chủ động có các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho bản thân.

* Giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng.

* Cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.

* Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính; khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc.

* Tránh tiếp xúc với động vật, vật nuôi, nếu đã tiếp xúc phải rửa tay bằng xà phòng.

* Những người trở về từ khu vực Trung Đông, trong vòng 14 ngày nếu có dấu hiệu của viêm đường hô hấp cấp như sốt trên 38°C, ho, khó thở hoặc có tiếp xúc gần với người có dấu hiệu như trên, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, kiểm tra, xét nghiệm MERS-CoV.

* Thường xuyên cập nhật thông tin và cách phòng chống dịch bệnh của Bộ Y tế trên trang web: http://vncdc.gov.vn.[/box]

Chuẩn bị tại cơ sở y tế

Để phòng chống dịch, chiều 4-6 Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và đoàn công tác đã làm việc với Bệnh viên Chợ Rẫy và Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TPHCM để kiểm tra việc chuẩn bị các trang thiết bị nhằm ứng phó với dịch bệnh. Đặc biệt, ông Long cho rằng cần đẩy mạnh việc tuyên truyền cho người bệnh tự giác khai nhận ngay từ đầu về nơi mình đến có phải từ ổ dịch hay không? Nếu làm tốt khâu này thì nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng sẽ được hạn chế đáng kể. Nếu không may có người từ vùng dịch trở về có triệu chứng nghi ngờ mắc phải dịch MERS-CoV thì cần phải phân luồng, cách ly ngay.

Về phía Bệnh viện Chợ Rẫy, PGS.TS. Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc bệnh viện cho biết, ngay từ hôm qua bệnh viện đã thành lập các tổ chuyên môn nghiệp vụ phòng chống hội chứng viêm đường hô hấp cấp khu vực Trung Đông (MERS-CoV). Và hôm nay (5-6), bệnh viện sẽ tiến hành tập huấn cho các tổ công tác này cũng như nhân viên về quy trình tiếp nhận và xử lý khi có bệnh nhân bị nghi nhiễm MERS-CoV.

Dựng “hàng rào” ở sân bay

Cục Hàng không cũng vừa có công điện yêu cầu các cảng vụ, các hãng hàng không trong nước và nước ngoài có đường bay đến Việt Nam giám sát hoạt động vận chuyển hành khách từ vùng có dịch MERS-CoV vào Việt Nam.

Theo đó, cơ quan này yêu cầu những đơn vị trên giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh nhằm phát hiện sớm các trường hợp bệnh, trường hợp nghi ngờ, đặc biệt là những người có nguy cơ cao như công dân, người lao động, hành khách du lịch, tiếp xúc làm công việc nông trại liên quan đến lạc đà thuộc các quốc gia khu vực Trung Đông nhập cảnh vào Việt Nam qua đường hàng không.

Cục Hàng không yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ hành khách đi máy bay từ vùng có dịch vào Việt Nam nhằm ngăn chặn sự lây nhiễm hội chứng viêm đường hô hấp do vi rút MERS-CoV gây ra. Cảng hàng không quốc tế và địa phương có liên quan được yêu cầu phối hợp chặt chẽ với Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế và Trung tâm y tế dự phòng có hoạt động kiểm dịch y tế để triển khai công tác kiểm tra, giám sát hành khách đi máy bay.

Hôm 3-6, Bộ Y tế cũng chính thức áp dụng tờ khai y tế đối với người nhập cảnh đến từ Hàn Quốc tại cửa khẩu quốc tế Nội Bài (Hà Nội) và Tân Sơn Nhất (TPHCM). Như vậy, đến nay, Bộ Y tế đã áp dụng tờ khai y tế đối với người nhập cảnh đến từ 10 quốc gia, trong đó có 9 quốc gia thuộc khu vực Trung Đông đã được áp dụng trước đó đối với dịch Ebola.

Tại Đà Nẵng, bà Ngô Thị Kim Yến, Phó giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, ngay khi nhận được thông báo của Cục Y tế dự phòng, ngành y tế địa phương đã triển khai việc kiểm soát chặt chẽ những hành khách về từ vùng có dịch đi qua sân bay quốc tế, cảng biển Đà Nẵng. Những du khách đến Đà Nẵng bằng đường bộ cũng được giám sát.

Theo bà Yến, Đà Nẵng mỗi tuần đón 22 chuyến bay đến từ Hàn Quốc cùng nhiều chuyến bay đến từ Trung Quốc nên việc giám sát tại các Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế đặt tại sân bay là quan trọng.

Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Nguyễn Thành Long, từ năm 2014, Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch để ngăn chặn MERS-CoV với ba tình huống. Với mỗi tình huống đều đưa ra kế hoạch, hoạt động rất chi tiết. Bộ cũng đã ban hành phác đồ giám sát, phòng chống, chẩn đoán, điều trị MERS-CoV. Mới đây, các cơ quan chuyên môn cũng đã tiến hành rà soát lại các phác đồ này một lần nữa.

Tại buổi họp về công tác đối phó với dịch bệnh diễn ra ngày 2-6, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết tình hình dịch bệnh do vi rút MERS-CoV tại Hàn Quốc thời điểm này rất đáng lo ngại. Bà cho biết, khả năng lây lan sang Việt Nam hoàn toàn có thể do việc đi lại, giao thương giữa hai nước rất lớn. Hiện nay tại Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc MERS-CoV nào. Trấn an người dân, bà Tiến nói rằng không nên quá hoang mang vì “ngành y tế hiện nay đã và đang làm hết sức để dịch bệnh không xâm nhập vào Việt Nam”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Chặn MERS từ cửa ngõ

0
Bình An - Trước tình hình dịch nhiễm vi rút Corona (MERS-CoV) ngày càng lan rộng ở các nước, Bộ Y tế nhận định rằng...

Kết nối