Thứ Hai, Tháng Năm 13, 2024

Thời đại của sản phẩm hữu cơ…

Những năm gần đây, xu hướng sử dụng sản phẩm hữu cơ (organic) không chỉ là phong trào tiêu dùng sôi nổi ở một số quốc gia phát triển mà đã trở thành nhu cầu tất yếu, chi phối mạnh mẽ đến thị trường toàn cầu.

Khái niệm nông nghiệp hữu cơ hình thành từ những năm 20, 30 của thế kỷ XX do các nhà khoa học Rudolf Steiner, Robert Rodale, Sir Albert Howard và Eva Balfour khởi xướng. Giai đoạn 1940-1950, mô hình của những nhà sản xuất hữu cơ được đưa vào thực tiễn. Nhưng phải đến năm 1970, sản phẩm hữu cơ đầu tiên mới chính thức ra đời. Tuy nhiên, trải qua hơn 4 thập kỷ, sản phẩm hữu cơ với những lợi ích thiết thực cho sức khỏe con người cũng như tác động tích cực đến việc bảo tồn các nguồn tài nguyên nước, đất, khí hậu, hệ sinh học… đã thiết lập nên một thời đại tiêu dùng mới. Đó là thời đại sử dụng những sản phẩm sạch, thuần tự nhiên, nói không với hóa chất và tuân thủ quy trình sản xuất nghiêm ngặt do các tổ chức uy tín xác nhận.

Xu hướng tiêu dùng tất yếu

Kết quả khảo sát năm 2016 của Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Hữu cơ (FiBL) và Liên đoàn quốc tế các phong trào Nông nghiệp Hữu cơ (IFOAM), đến cuối năm 2014 đã có 172 nước sản xuất nông nghiệp hữu cơ với diện tích canh tác 43,7 triệu ha (chưa kể đến 37,6 triệu ha thu hái sản phẩm tự nhiên), trong đó châu Đại Dương chiếm 40%, châu Âu 27%, Mỹ La Tinh 15%, châu Á 8%, Bắc Mỹ 7% và châu Phi 3%.

1Xu hướng sử dụng sản phẩm hữu cơ đang chi phối mạnh đến thị trường tiêu dùng.

Theo số liệu thống kê gần đây, tổng giá trị thương mại sản phẩm hữu cơ thế giới năm 2015 đạt trên 81,6 tỉ đô la Mỹ. Trong đó, mức tiêu thụ nông sản hữu cơ ở 28 nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) ước đạt 28,3 tỉ euro. Các thị trường trọng điểm là Mỹ với 27,1 tỉ đô la Mỹ, Đức 7,9 tỉ đô la Mỹ, Pháp 4,8 tỉ đô la Mỹ. Riêng ở Mỹ, tổng doanh thu thực phẩm hữu cơ năm 2016 đạt 7,6 tỉ đô la Mỹ ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc 23% so với năm 2015. Xét về mức tiêu thụ sản phẩm hữu cơ trên đầu người/năm, các quốc gia châu Âu như Thụy Sỹ, Áo, Đan Mạch, Thụy Điển được xếp dẫn đầu.

Số liệu thống kê của cơ quan Eurostat cũng cho thấy tại EU, 9 triệu ha đất nông nghiệp hữu cơ vào năm 2010 đã được mở rộng thêm 21% lên 11,1 triệu ha chỉ sau 4 năm.

Những con số trên là sự phản ánh chân thực của xu hướng tiêu dùng chuyển từ thực phẩm thông thường sang sử dụng sản phẩm hữu cơ ngày càng nhiều hơn. Kim ngạch nhập khẩu toàn cầu về mặt hàng hữu cơ đã gia tăng chóng mặt từ 200 triệu đô la Mỹ mỗi năm lên ngưỡng 1 tỉ đô la Mỹ. Theo IFOAM, thị trường nông nghiệp hữu cơ thế giới đang giữ mức tăng trưởng 10-15% mỗi năm.

Tại Việt Nam, khái niệm sản phẩm hữu cơ đang dần trở nên phổ biến với người tiêu dùng, đặc biệt trong bối cảnh báo động đỏ về vệ sinh an toàn thực phẩm như hiện nay. Vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường được xác định là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng số lượng bệnh nhân ung thư tăng nhanh, khi WHO xếp Việt Nam trong top 2 của bản đồ ung thư thế giới. Mỗi ngày trung bình có khoảng 315 người chết vì ung thư. Gần đây, liên tục những thông tin về 4.000 con lợn tiêm thuốc an thần, rau nhiễm thuốc trừ sâu trong bếp ăn trường mầm non, hàng tấn sầu riêng nhúng hóa chất, dùng chất tẩy trắng “hô biến” đường bẩn, đường nhập lậu không xuất xứ… đã tác động sâu sắc đến ý thức tìm mua sản phẩm sạch, an toàn của người tiêu dùng Việt Nam.

Dường như, chưa bao giờ nhu cầu sử dụng sản phẩm sạch, hữu cơ lại được người tiêu dùng quan tâm như hiện nay. Kết quả khảo sát của AC Nielsen về xu hướng tiêu dùng thực phẩm hữu cơ cho thấy, 86% người tiêu dùng Việt Nam tham gia phỏng vấn sẽ chọn các sản phẩm địa phương, tự nhiên và hữu cơ nếu có thể. Trong khi đó, thị trường nông nghiệp hữu cơ Việt Nam chiếm chưa tới 1% giá trị của thế giới và cũng chưa bằng một nửa của nước bạn Thái Lan.

Trước nhu cầu thị trường rõ ràng như thế, đã đến lúc lúc thời đại sản phẩm hữu cơ nắm bắt vận mệnh mới cho mình. Các doanh nghiệp nội địa sẽ đón nhận xu hướng này như thế nào để thay đổi và đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng?

Doanh nghiệp Việt mặn mà với nông nghiệp hữu cơ

Hiện nay, Việt Nam xếp thứ 51/179 quốc gia có tiềm năng sản xuất nông nghiệp hữu cơ với 76.000 ha diện tích và trên 3.800 nông dân trực tiếp sản xuất hình thức nông nghiệp này. Người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm mua các sản phẩm nhập khẩu có gắn nhãn hữu cơ từ USDA (United State Department of Agriculture), EU (European Union), ACO (Australian Certified Organic)… Tuy nhiên, vì các sản phẩm hữu cơ phải tuân thủ một quá trình khắt khe nên những sản phẩm đến tay người tiêu dùng với giá thành thường rất cao.

Nắm bắt thị hiếu tiêu dùng trong nước, nhiều doanh nghiệp lớn đã nhanh chóng gia nhập sân chơi mới với mong muốn mang lại những giá trị tốt nhất cho khách hàng, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và hướng tới sự phát triển bền vững.

2Sản phẩm hữu cơ là thị trường hứa hẹn nhiều tiềm năng nhưng cũng đầy thách thức.

Trong hai năm vừa qua, thị trường Việt Nam liên tục đón nhận những dòng sản phẩm hữu cơ phong phú từ nhiều doanh nghiệp lớn như Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) hợp tác cùng một số đơn vị ra mắt các mặt hàng rau củ, tôm, cá… hữu cơ ra thị trường với số lượng 300-400 kg thực phẩm hữu cơ/ngày trong giai đoạn đầu thử nghiệm, dự kiến cuối năm 2017 tăng lên 1 tấn/ngày; Những “đại gia” trong ngành sữa là Tập đoàn TH và Vinamilk cùng phát triển dòng sữa organic bằng việc rót vốn hàng trăm tỉ đồng xây dựng trang trại sữa bò organic; CTCP Vinamit phát triển 3 trang trại canh tác hữu cơ rộng hơn 150 ha với 80 loại nông sản đạt tiêu chuẩn hữu cơ để sản xuất trái cây, rau củ organic sấy… Chưa kể những Tập đoàn lớn khác như Vingroup, PAN Group, Hoàng Anh Gia Lai, NutiFood… cũng đang đổ tiền tỉ đầu tư bài bản vào lĩnh vực này.

Vào cuối năm 2016, một doanh nghiệp thực phẩm khác cũng nhanh chân tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ là CTCP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (TTCS). Công ty đã cho ra đời sản phẩm đường hữu cơ mang thương hiệu T.SU Special Organic, hứa hẹn mở ra xu hướng mới sử dụng đường sạch, chất lượng trong cộng đồng người tiêu dùng thông minh. Sản phẩm này đáp ứng tất cả những quy trình nghiêm ngặt về organic và được biết, TTCS đã hợp tác với các tổ chức chứng nhận quốc tế Control Union và Peterson Consultancy, đầu tư dự án sản xuất đường hữu cơ này và đánh giá cấp chứng nhận Phương pháp sản xuất sản phẩm hữu cơ theo tiêu chuẩn châu Âu (EC 834/2007 & EC 889/2008) và Mỹ (USDA – NOP).

Doanh nghiệp này đã tập trung quy hoạch vùng nguyên liệu đầu tư nguồn mía nguyên liệu hữu cơ trong 200 ha diện tích đất của Nông trường Biên Giới trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. TTCS vẫn đang tiếp tục triển khai diện tích gần 1.500 ha tại Attapeu để sản xuất đường organic và có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Đây có thể xem là một trong những doanh nghiệp tiên phong sản xuất sản phẩm đường hữu cơ ở Việt Nam.

Đến nay, sản phẩm hữu cơ là một thị trường hứa hẹn nhiều tiềm năng nhưng cũng đầy thách thức, đặc biệt về giá. Các doanh nghiệp rất khó đưa sản phẩm hữu cơ đến tay người tiêu dùng với mức giá chấp nhận được so với mặt bằng chung vì giá của sản phẩm hữu cơ luôn cao hơn sản phẩm thông thường, một số doanh nghiệp phải ngưng hoạt động vì không tìm được đầu ra cũng như cạnh tranh nổi với sản phẩm ngoại nhập… Đây là vấn đề các doanh nghiệp cần đối diện giải quyết, tìm thị trường cho sản phẩm, cả nội địa lẫn xuất khẩu nếu muốn ổn định và duy trì, từng bước phát triển dòng sản phẩm hữu cơ.

Bên cạnh đó, nếu như các nước láng giềng như Thái Lan, Philippines, Malaysia đã có tiêu chí hữu cơ riêng thì ở Việt Nam mới dừng lại ở việc lấy ý kiến cho việc xây dựng dự thảo nghị định sản xuất nông nghiệp hữu cơ và dự kiến 1-2 năm tới Bộ NN&PTNT mới có thể xây dựng bộ quy chuẩn hữu cơ.

Tuy nhiên, đây là xu hướng tiêu dùng của hiện tại và tương lai, đồng thời thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Cùng với sự hoàn thiện tiêu chuẩn, chứng nhận hữu cơ riêng của Việt Nam, người tiêu dùng trong nước hoàn toàn có thể đặt niềm tin vào một tương lai tươi sáng về thị trường sản phẩm hữu cơ, tiệm cận xu hướng tiêu dùng văn minh, hiện đại của các nước phát triển trên thế giới, bởi Việt Nam là quốc gia có lịch sử lâu đời và tiềm năng chưa khai phá hết về lĩnh vực nông nghiệp.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Muôn sắc hoa Xuân ở Interlaken, Thụy Sĩ

0
(SGTT) – Là điểm du lịch nổi tiếng ở miền Trung Thụy Sĩ, Interlaken vào mùa Xuân được tô điểm bởi muôn sắc hoa,...

Tàu cao tốc TPHCM – Côn Đảo chạy từ 13-5

0
Từ ngày 13-5, Công ty Cổ phần tàu cao tốc Phú Quốc sẽ đưa vào hoạt động tuyến vận chuyển hành khách cố định...

Ngắm hoàng hôn trên đồi Vọng Cảnh

0
(SGTT) – Đồi Vọng Cảnh nằm ở phía Tây nam thành phố Huế, chân đồi tiếp giáp bờ sông Hương. Với khung cảnh thanh...

Dấu xưa trên bến Bình Đông

0
(SGTT) - Bến Bình Đông được ví như một “không gian di sản” với các dãy nhà đậm nét kiến trúc đặc thù của...

Chọn thịt gà, tôm làm điểm nhấn cho mâm tiệc trưa...

0
(SGTT) – Thịt gà và tôm là hai loại thực phẩm quen thuộc trong bữa cơm gia đình hay mâm tiệc. Hôm nay, chúng...

Bữa sáng Sài Gòn: Phở sườn bò cổng trường Trần Bình...

0
(SGTT) - Sườn bò là một trong những phần ăn kèm của món phở bò mà chỉ một số ít quán bán. Theo đó,...

Kết nối