Sau khi liên tục kêu gọi doanh nghiệp tăng lương nhưng không thành công như mong đợi, chính phủ Nhật Bản đã sử dụng nhiều biện pháp bao gồm giảm thuế thu nhập và trợ cấp để khuyến khích giới chủ tăng chi trả thù lao.
- Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt, thêm mức thuế với bia rượu, thuốc lá
- Bộ Nội vụ trả lời về đề xuất nâng lương cho bác sĩ, giáo viên, quân đội
Phân phối lợi nhuận doanh nghiệp công bằng hơn
Sau khi khi nhậm chức vào năm 2021, Thủ tướng Fumio Kishida nhấn mạnh lợi nhuận doanh nghiệp cần được phân phối công bằng hơn để giúp người lao động cảm thấy an toàn tài chính và thoải mái chi tiêu. Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) cũng cho rằng tăng lương là điều quan trọng để đạt được mục tiêu lạm phát ổn định dựa vào nhu cầu. Theo BoJ, lạm phát hiện nay tăng không lành mạnh vì chủ yếu là do chi phí nguyên liệu tăng.
Gần đây, các công ty như Nintendo và Fast Retailing, chủ chuỗi cửa hàng thời trang Uniqlo, đã đưa ra các mức tăng lương lớn. Nhưng các quyết định như vậy chưa lan tỏa đủ rộng trong giới doanh nghiệp để giúp kích hoạt chu kỳ tăng lương bền vững mà BOJ cần. Theo Tổ chức Hợp tác và phát triển quốc tế (OECD), mức lương trung bình hàng năm của người lao động Nhật Bản là dưới 40.000 đô la, thấp hơn ở Ý và chỉ bằng một nửa so với ở Mỹ.
Vấn đề tăng lương càng trở nên cấp thiết khi người dân đối mặt với chi phí sinh hoạt bao gồm giá lương thực và nhiên liệu cao hơn. Hơn 90% số người được hỏi trong một cuộc khảo sát do nhật báo Yomiuri thực hiện cho biết giá cả cao hơn gây gánh nặng tài chính cho gia đình họ.
Hideya Tokiyoshi, 54 tuổi, bắt đầu sự nghiệp với tư cách là một giáo viên tiếng Anh ở Tokyo khoảng 30 năm trước. Kể từ đó, mức lương của bà hầu như không thay đổi. Đó là lý do tại sao, ba năm trước, bà quyết định bắt đầu viết sách.
“Tôi cảm thấy may mắn vì viết lách và bán sách mang lại cho tôi một nguồn thu nhập bổ sung. Nếu không viết sách, tôi sẽ bị kẹt trong mức thu nhập không đổi”.
Tokiyoshi là một phần của thế hệ người lao động ở Nhật Bản hầu như không được tăng lương trong suốt cuộc đời làm việc của họ.
“Ở một nước mà tiền lương danh nghĩa không tăng trong hơn 30 năm, tiền lương thực tế đang giảm khá nhanh do lạm phát”, Stefan Angrick, nhà kinh tế cấp cao của Moody’s Analytics, nói.
Giờ đây, khi giá cả tăng lên sau nhiều thập niên giảm phát, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đang đối mặt với vấn đề lớn là mức sống giảm sút, và các công ty đang chịu áp lực chính trị gay gắt để tăng lương cho nhân viên.
Hồi tháng 1, Thủ tướng Kishida hối thúc các doanh nghiệp tăng lương ở mức cao hơn lạm phát. Ông đang có kế hoạch kéo dài chương trình trợ cấp hóa đơn tiền điện cho các hộ gia đình, buộc các công ty điện lực hoãn tăng giá để hỗ trợ những khách hàng đang gặp khó khăn.
Doanh nghiệp được giảm thuế thu nhập đến 40% nếu tăng lương
Đê thúc đẩy doanh nghiệp tăng lương, Bộ Kinh tế, thương mại và công nghiệp nghiệp Nhật Bản đã phát động một chiến dịch “bêu tên”, cho phép các nhà thầu phụ đánh giá các công ty lớn về mức độ sẵn sàng đàm phán về giá của họ khi chi phí tăng lên. Các nhà thầu phụ này thường phán nàn về việc bị các khách hàng doanh nghiệp lớn hơn ép giá giữa lúc chi phí cung cấp hàng hóa và dịch vụ của họ đang tăng. Nếu được hưởng giá thầu cao hơn, các nhà thầu phụ này có thể sẵn sàng tăng lương cho nhân viên của mình.
Trước đây, chính phủ Nhật Bản giảm thuế thu nhập đối với doanh nghiệp để khuyến khích tăng lương nhưng không mấy thành công. Vì vậy, kể từ tháng 4 năm ngoái, chính phủ quyết định tăng các ưu đãi thuế. Theo chương trình mới, có hiệu lực đến hết ngày 31-3 năm 2024, các công ty lớn tăng tổng số tiền trả lương của họ từ 4% trở lên và tăng chi tiêu cho các chương trình đào tạo kỹ năng cho nhân viên có thể nhận được mức giảm thuế thu nhập 30%, thay vì 20% như trước đây.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đủ điều kiện được giảm thuế thu nhập đến 40%, tăng so với mức 25% trước đây, nếu họ tăng tổng tiền chi trả lương từ 2,5% trở lên và chi tiêu nhiều hơn cho hoạt động đào tạo.
Tuy nhiên, vấn đề là gần 2/3 doanh nghiệp vừa và nhỏ không đủ điều kiện được được giảm thuế nếu tăng lương cho nhân viên vì lý do đơn giản là họ đang thua lỗ nên không cần phải đóng thuế thu nhập. Vì vậy, chính phủ Nhật Bản thiết lập chương trình trợ cấp đặc biệt dành cho các doanh nghiệp thua lỗ này nếu họ tăng lương cho nhân viên.
Ngoài ra, chính phủ đã dành khoản ngân sách 1.000 tỉ yen (7,3 tỉ đô la) cho hoạt động đào tạo lại kỹ năng, giúp người lao động trang bị các kỹ năng mới để có thể chuyển sang công việc được trả lương cao hơn.
Thủ tướng Kishida đang gây sức ép lên các công ty thông qua các nhóm hiệp hội doanh nghiệp chẳng hạn Liên đoàn doanh nghiệp Nhật Bản (Keidanren). Ông cho biết đang lên kế hoạch khôi phục các cuộc họp ba bên với các hiệp hội kinh doanh và công đoàn lao động để khuyến khích các công ty tăng lương. BOJ cũng đang thúc giục các các doanh nghiệp lớn tăng lương.
Liên hiệp các công đoàn Nhật Bản (Rengo) đang yêu cầu giới chủ tăng lương 5%, cao hơn tốc độ tăng lạm phát 4,2% mà Nhật Bản ghi nhận tháng 1. Các nhà kinh tế dự báo mức tăng trung bình tại các công ty lớn của Nhật Bản sẽ đạt 2,85% trong năm nay.
Khảo sát của Reuters cho thấy hơn 50% doanh nghiệp Nhật Bản có kế hoạch tăng lương trong năm nay, trong số đó, 34% cho biết sẽ tăng lương ít nhất 3%.
Theo Bloomberg, CNN
Chánh Tài
Theo Kinh tế Sài Gòn Online