Thứ bảy, Tháng mười hai 14, 2024

Bộ Nội vụ trả lời về đề xuất nâng lương cho bác sĩ, giáo viên, quân đội

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà có công văn trả lời kiến nghị cử tri về việc xem xét có chế độ đặc thù nâng lương cho 3 đối tượng là bác sĩ, giáo viên và quân đội nhân dân và giải pháp tinh giản biên chế đối với viên chức, công chức muốn nghỉ hưu sớm.

Cử tri các tỉnh kiến nghị xem xét có chế độ đặc thù nâng lương cho ba đối tượng là bác sĩ, giáo viên và quân đội. Ảnh minh họa: TL

Cổng thông tin Bộ Nội vụ cho biết, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà có công văn trả lời kiến nghị cử tri về xem xét có chế độ đặc thù nâng lương cho 3 đối tượng: bác sĩ, giáo viên và quân đội nhân dân.

Theo đó, chế độ tiền lương, phụ cấp hiện hành được thực hiện từ tháng 10-2004 đến nay dù đã được điều chỉnh, bổ sung nhiều lần nhưng tiền lương, thu nhập và đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang vẫn còn nhiều khó khăn, trong đó có các đối tượng nêu trên.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, trong bối cảnh tác động bất lợi của nhiều yếu tố ở trong nước và giá cả, lạm phát tăng ở nhiều nước, đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh Covid-19 nên chưa đủ điều kiện để cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo yêu cầu của Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21-5-2018 của Hội nghị Trung ương 7 Khóa XII.

Từ ngày 1-7 tới, mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng được nâng lên 1,8 triệu đồng/tháng, tăng lương thêm 20,8% cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang trong năm 2023. Quốc hội cũng đã giao Chính phủ khẩn trương nghiên cứu hoàn thiện các nội dung cụ thể của chính sách tiền lương và phụ cấp mới trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định thực hiện vào thời điểm thích hợp sau năm 2023, bảo đảm theo yêu cầu của Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Về một số chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, theo Bộ Nội vụ, các cán bộ có năng lực và sức khỏe tốt, có nguyện vọng nghỉ chế độ sớm, nhưng để nghỉ sớm thì phải đáp ứng điều kiện hoàn thành nhiệm vụ 2 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, song còn hạn chế về năng lực hoặc có 1 năm hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và 1 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp hoặc không hoàn thành nhiệm vụ trong năm trước liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý…

Để hoàn thiện chính sách tinh giản biên chế đối với cán bộ, công chức, viên chức dôi dư, đặc biệt trong bối cảnh đẩy mạnh việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các bộ, ngành và địa phương nghiên cứu đề xuất, kiến nghị sửa đổi các điều kiện nghỉ chế độ theo Nghị định số 108/2014 và Nghị định số 143/2020 để xác định đối tượng tinh giản biên chế cho phù hợp.

Bộ Nội vụ cho rằng, việc này sẽ tạo điều kiện cho các địa phương kiện toàn tổ chức bộ máy, sắp xếp, bố trí công tác cán bộ, có chính sách ưu đãi, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức dôi dư nghỉ việc ngay, nhằm đẩy nhanh lộ trình sắp xếp các đơn vị hành chính, đặc biệt là cấp xã.

T.H

Theo Kinh tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối