Thứ bảy, Tháng mười hai 14, 2024

Làm sao để nâng cao quản lý khu sinh quyển Cù Lao Chàm?

(SGTT) – Thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam đang tìm kiếm giải pháp nâng cao quản lý khu dự trữ sinh quyển (KDTSQ) Cù Lao Chàm, xem đây là hành động cấp thiết để bảo tồn bền vững bên cạnh việc phát triển du lịch xanh tại khu vực này.

Nói một cách khác, việc bảo vệ KDTSQ Cù Lao Chàm sẽ góp phần phát triển du lịch bền vững cũng như thu hút khách du lịch, hưởng ứng Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.

Thông tin này được ghi nhận tại hội thảo “Nâng cao hiệu quả quản lý khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An” diễn ra mới đây tại thành phố Hội An. Đại diện chính quyền Hội An cho hay Cù Lao Chàm là nơi sống dựa vào thiên nhiên trên nguyên lý bảo tồn để phát triển và phát triển để bảo tồn. Điều này đã góp phần vào định hướng xây dựng TP. Hội An "sinh thái văn hóa du lịch" cũng như sự phát triển bền vững chung của Quảng Nam.

Dọn vệ sinh tại Cù Lao Chàm. Ảnh: Nhân Tâm

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An, chia sẻ thời gian qua tại khu dự trữ sinh quyển này cũng bộc lộ những hạn chế trong quá trình vận hành, bởi mô hình và phương thức quản lý còn khá mới mẻ, quy định pháp lý chưa sát thực tiễn, chưa thống nhất, đòi hỏi quản lý khu sinh quyển cần có định hướng chiến lược thích ứng, giải pháp phù hợp.

Trong khi đó, đại diện Ban quản lý khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm, cho hay bên cạnh những mặt hạn chế về khâu vận hành và quản lý, Cù Lao Chàm còn gặp phải những thách thức như khu sinh quyển mới dừng lại ở danh hiệu, chưa có hệ thống quản lý chung từ Trung ương. Việc ô nhiễm từ thượng nguồn, đất liền cùng thiên tai, biến đổi khí hậu tác động không nhỏ đến hòn đảo này.

Bên cạnh đó, theo nhiều ý kiến tại hội thảo, việc gia tăng phát triển du lịch tại đây đồng nghĩa với việc thiên nhiên sẽ bị tác động bởi du khách và các hoạt động du lịch. Thêm vào đó, các doanh nghiệp chưa cùng gánh vác trách nhiệm bảo tồn.

Vì vậy, ban quản lý của khu dự trữ sinh quyền này cần đưa ra hướng tiếp cận phù hợp cũng như giải pháp để có thể song hành hiệu quả giữa việc quản lý, bảo tồn và phát triển du lịch tại Cù Lao Chàm.

Theo đó, mô hình vận hành KDTSQ Cù Lao Chàm để bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên ven bờ được các bên đưa ra và bàn thảo.

Cụ thể, mô hình này dựa vào sự điều phối, hài hoà giữa các yếu tố tác động đến Cù Lào Chàm như cân bằng giữa khai thác và bảo tồn tài nguyên hay cộng đồng góp phần vào việc bảo tồn KDTSQ và nhận được những lợi ích từ việc làm đó.

Bên cạnh đó, cần tập huấn cho ngư dân nhận biết về thời gian, không gian, kích thước, loài, tình trạng… trong việc khai thác và đánh bắt hệ sinh thái thực vật và động vật tại đây; cũng như lên kế hoạch và hợp tác với các doanh nghiệp trong vấn đề du lịch có trách nhiệm với thiên nhiên; nghiên cứu chính sách phát triển và đảm bảo an ninh quốc phòng.

Ngoài ra, mô hình đồng quản lý – quá trình chia sẻ quyền quản lý giữa nhà nước và cộng đồng theo thời gian cũng được đề cập. Đồng thời, các chuyên gia cũng nêu ý kiến cần cụ thể hóa trong xây dựng kế hoạch quản lý, bảo vệ môi trường khu sinh quyển trong thời gian tới để thực hiện tốt 3 chức năng và bảo đảm 7 tiêu chí của khu sinh quyển mà UNESCO đã công nhận.

Theo ông Hùng, các bên liên quan cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý để nâng cao hiệu quả quản lý KDTSQ, tích hợp các mục tiêu quản lý KDTSQ trong các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội.

Được biết từ năm 2019, Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm là một trong 3 KDTSQ nhận được tài trợ của dự án “Lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội và quản lý các khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam” (Gọi tắt là dự án BR) dưới sự quản lý của Bộ Tài nguyên và môi trường.

Quỳnh Như

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối