(SGTT) – Về thăm U Minh Hạ mùa bông tràm nở, tôi có dịp gặp gỡ một lão nông làm du lịch năng động và sáng tạo. Dù ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, ông Ba Liêm vẫn tiếp tục dấn thân vào nhiều mô hình kết hợp nông, lâm nghiệp với du lịch.
- Vườn trái cây trĩu quả trên sân thượng của anh nông dân thành thị
- Bí quyết lập trại huấn luyện “cây nhà lá vườn”
Trên đất rừng U Minh Hạ, nơi thường được ví von là “túi nghèo” ở Cà Mau, ông Ba Liêm, tên thật là Trần Thanh Liêm, năm nay đã ngoài 70 tuổi, nguyên là Phó chủ tịch Mặt trận Tổ Quốc tỉnh Cà Mau, hiện đang là chủ của vườn trái cây Trang trại xanh rộng 7 ha ở ấp 10, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, Cà Mau.
Ông Ba Liêm giọng vẫn còn sang sảng, tràn đầy nhiệt huyết, nói: “Không cần đi đâu xa, mình hoàn toàn khai thác tốt tiềm năng đất rừng U Minh, để chúng tạo ra hàng hóa, sinh lợi không thua gì đất đai ở vùng khác. Tôi đi nhiều nước, thấy sao người ta làm du lịch hay, nhưng cũng dễ mà, ăn thua mình muốn làm hay không thôi”.
Khu vườn của ông Liêm có đủ các loại cây ăn trái đặc trưng miền Tây: quýt, cam, bưởi, vú sữa, chôm chôm, chuối… và không thể thiếu dâu Cái Tàu, loại trái cây nổi tiếng ở miệt rừng U Minh. Trong vườn cả gần trăm gốc dâu Cái Tàu trở thành nơi check-in của nhiều du khách khi vào mùa trái chín. Dịch vụ này giúp ông thu được hàng trăm triệu đồng mỗi mùa dâu. Ngoài ra từ mô hình du lịch này, bà con nông dân xã Nguyễn Phích cũng học hỏi và phát triển, từ đó vừa có thêm thu nhập, vừa quảng bá thương hiệu xã Cái Tàu trở thành “vương quốc” của loài dâu vàng ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong vườn, ông Liêm còn trồng hơn 4.000 cây quýt, dù sống trên đất phèn nhưng quả vẫn ngọt lịm như tình người ở đây. Không chỉ vậy ông còn trồng xen canh rau má, cỏ đậu phộng, chúng có tác dụng che phủ mặt đất, giữ ẩm, giữ nước cho cây ăn trái vào mùa khô hạn. Mấy cái ao thì nuôi ít cá, xây dựng vài cái chuồng nuôi gà, vịt, heo… Tất cả đều là thực phẩm tươi, xanh phục vụ du khách bên cạnh việc bán buôn.
Ông còn gom hết tiền hưu, mua lại rừng của các hộ dân để trồng tràm quảng canh, bảo tồn rừng sát bên khu vườn cây ăn trái nên khi đến tham quan vườn của ông, du khách có thể khám phá rừng tràm, gác kèo ong. ”Khách du lịch có thể đến vườn cây ăn trái hay đi “ăn ong” trong rừng tràm, tận hưởng các dịch vụ trải nghiệm câu cá đồng, thưởng thức các món ăn đồng quê U Minh”, ông Liêm cho biết.
Ông dẫn tôi đi tham quan khắp vườn, chân bước nhanh, tay cầm con dao, vừa đi vừa vạt cành lá khô, quần áo lem luốc, ông nói: “Tôi là nông dân ở rừng nên làm du lịch phải từ nông nghiệp, từ rừng, nhưng cần đổi mới, phải tìm tòi, sáng tạo gắn nông nghiệp với dịch vụ. Vậy mới có thể chủ động trên mảnh đất của mình và khiến du khách yêu thích quê hương của mình được”.
Vườn của ông Liêm từng được huyện chọn làm điểm đến trong sự kiện “Hương rừng U Minh” năm 2019, góp phần quảng bá hình ảnh vùng đất và con người U Minh đến với du khách. Ông chia sẻ trừ năm 2020 bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, ngoài thu nhập từ nông sản và từ rừng, mỗi năm gia đình ông có thêm khoảng 500 – 600 triệu đồng từ vườn cây ăn trái kết hợp làm du lịch.
Nhìn ông Ba Liêm đi lại như thoi đưa trong khu vườn, nghe giọng nói hào sảng của ông, tôi như hiểu rõ hơn về con người miệt rừng U Minh Hạ và thấy mình như đang được theo chân người đi khai hoang mở cõi ngày xưa. Ông vẫn say sưa trình bày với các ý tưởng độc đáo và hấp dẫn về các sản phẩm mới không khác một chuyên gia du lịch thực thụ. Một vài ý tưởng mới của ông như sẽ dùng ròng rọc kéo bè tre cho khách đi thăm vườn hay phối hợp với các đầu bếp trong xã làm món ăn, thức uống mới, rồi còn ý tưởng sẽ kiến nghị Ủy ban và Phòng Văn hóa Thông tin huyện tái hiện lại di tích trường cách mạng Nguyễn Văn Tố trong thời kỳ kháng chiến trên nền xưa giữa vườn để thu hút khách về nguồn.
Sự ham học hỏi và tinh thần dám nghĩ, dám làm của ông Ba Liêm trên vùng đất được xem là “khỉ ho cò gáy” khiến nhiều người không khỏi thán thục. Thời còn đương chức Phó chủ tịch Mặt trận Tổ Quốc tỉnh Cà Mau, ông còn làm nhiều việc để hỗ trợ bà con và nhân dân, ấy là việc xung phong cùng nông dân tận dụng đất trống trồng khoai lang, khoai mì… để chống thiếu lương thực thời bao cấp; cùng 10.000 thanh niên tình nguyện trồng lại khu rừng cháy hơn 23.000 ha những năm 80; xây nhà tình thương, xây cầu cho dân đến việc tiên phong tìm cách tháo gỡ khó khăn; người đầu tiên có dèo tôm (nơi thuần dưỡng tôm sú giống) ở Cà Mau hay với 74 bể ương nuôi cua, sò và nghêu giống ở ấp Nước Lên huyện Năm Căn, Cà Mau.
Cái hay là ông Ba Liêm là không giấu thành công và bí quyết mà phát động để bà con nông dân xã Nguyễn Phích triển khai mô hình du lịch nông nghiệp, vượt khó khăn và cái nghèo, vươn lên làm giàu. Câu chuyện thú vị của lão nông rừng U Minh Hạ giúp ta như hiểu hơn về đất, về người Cà Mau, về cách đổi mới sáng tạo để làm du lịch. Hương rừng U Minh không chỉ nhờ bông tràm ngan ngát mà hương tình của đất, của người thật bao la!
Phan Yến Ly