Thứ bảy, Tháng mười hai 14, 2024

‘Trải nghiệm xanh’ tại 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam

Tính đến nay, Việt Nam đã được công nhận có 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới, trở thành quốc gia có số lượng khu dự trữ sinh quyển thế giới đứng thứ hai Đông Nam Á, sau Indonesia với 19 khu dự trữ sinh quyển. 

Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa (được công nhận vào năm 2021)

Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa sở hữu nhiều giá trị về đa dạng sinh học rừng, biển với các loài động, thực vật quý hiếm; cảnh quan thiên nhiên đa dạng mang những nét đặc trưng riêng của vùng khí hậu khô hạn ven biển của Ninh Thuận và khu vực Nam Trung Bộ.

Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa được các nhà khoa học đánh giá là nơi có khí hậu khắc nghiệt nhất ở Việt Nam hiện nay với lượng mưa trung bình hàng năm dao động từ 700-800 mm, thời tiết quanh năm nắng nóng. Ảnh: Nguyên Phong

Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa hiện có 1.511 loài thực vật, trong đó có 54 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ thế giới (IUCN). Hệ động vật cũng đa dạng với 765 loài được biết đến, trong đó có 46 loài quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ thế giới.

Ngoài ra, vùng biển của Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa còn có rạn san hô rất phong phú. Đây còn là nơi có quần thể rùa biển đến sinh sản hàng năm đang được bảo vệ nghiêm ngặt.

Khu dự trữ sinh quyển Kon Hà Nừng (được công nhận vào năm 2021)

Cùng với Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa, Khu dự trữ sinh quyển Kon Hà Nừng vừa được được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới vào tháng 9-2021.

Khu dự trữ sinh quyển Kon Hà Nừng có diện tích khoảng 413.511ha, tiêu biểu cho hệ sinh thái rừng ở khu vực Tây Nguyên với hệ thống động, thực vật rất phong phú và đa dạng, nhiều loài quý hiếm có giá trị kinh tế cao được khoanh thành 3 vùng. Vùng lõi có diện tích 57.589ha gồm Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng; vùng đệm có diện tích 152.009ha và vùng chuyển tiếp có diện tích 206.211ha.

Việc UNESCO công nhận Khu dự trữ sinh quyển Kon Hà Nừng là khu dự trữ sinh quyển thế giới sẽ là điều kiện quan trọng giúp tỉnh Gia Lai bảo tồn cảnh quan, hệ sinh thái ở khu vực này đồng thời mở ra cơ hội cho người dân phát triển kinh tế thân thiện với môi trường song hành với giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Khu dự trữ sinh quyển Langbiang (được công nhận vào năm 2015)

Langbiang là Khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên tại miền đất Tây Nguyên được UNESCO công nhận. Khu dự trữ sinh quyển Langbiang có diện tích 275.439ha nằm ở phía Bắc tỉnh Lâm Đồng. Đây là nơi lưu giữ những giá trị tiêu biểu về đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiện đa dạng hòa quyện với những nét văn hoá đặc sắc của Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên.

Khu dự trữ sinh quyển Langbiang bao gồm một vùng rừng nguyên sinh rộng lớn với vùng lõi là Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà, nơi được đánh giá là một trong bốn trung tâm đa dạng sinh học của Việt Nam.

Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm (được công nhận vào năm 2009)

Với hệ động thực vật phong phú và những di tích lịch sử hàng trăm năm trước, Cù Lao Chàm được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 2009.

Cù Lao Chàm được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 2009. Ảnh: Minh Hải

Các giá trị đặc trưng, nổi trội của khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm phải kể đến là Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm được thiết lập năm 2006 thuộc hệ thống các các khu bảo tồn cấp quốc gia; phố cổ Hội An – Di sản văn hóa của UNESCO được công nhận năm 1999; rừng ngập mặn với đặc trưng là hệ sinh thái rừng dừa nước tại vùng cửa sông Thu Bồn; rừng đặc dụng trên đảo Cù Lao Chàm; hệ thống rừng phòng hộ ven biển; các làng nghề truyền thống cùng với những giá trị nổi trội về văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với mảnh đất và con người Hội An qua bao thời kỳ lịch sử.

Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau (được công nhận vào năm 2009)

Nơi đây có nhiều hệ sinh thái đặc trưng điển hình như: Hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái rừng tràm trên đất ngập nước than bùn, hệ sinh thái biển… mỗi hệ sinh thái đều lưu giữ các nguồn tài nguyên sinh vật, tài nguyên địa chất phong phú có giá trị bảo tồn cao.

Không gian xanh mát tại Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau. Ảnh: Nguyên Phong

Khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau có 4 đặc trưng sinh thái chính: Hệ thống diễn thế nguyên sinh trên đất bãi bồi; hệ thống chuyển tiếp các hệ sinh thái đặc trưng từ rừng ngập mặn sang rừng tràm ngập nước ngọt theo mùa; là vùng bãi đẻ và nuôi dưỡng con non các loài thuỷ hải sản cho cả vùng biển rộng lớn.

Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An (được công nhận vào năm 2007)

Khu dự trữ sinh quyển miền tây Nghệ An được UNESCO công nhận vào ngày 18-9-2007. Đây là khu dự trữ sinh quyển có diện tích lớn nhất khu vực Đông Nam Á với tổng diện tích 1,3 triệu ha, thuộc địa bàn 9 huyện: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Thanh Chương, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, Tân Kỳ, Anh Sơn.

Khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An có tính đa dạng sinh học rất cao đại diện cho hầu hết các kiểu rừng của rừng mưa nhiệt đới, các sinh cảnh sống rất đa dạng bao gồm: núi, đất ngập nước, suối và sinh cảnh khác. Đây là khu vực duy nhất của miền Bắc còn lại một diện tích lớn rừng nguyên sinh đang được bảo vệ tốt.

Khu dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang (được công nhận vào năm 2006)

Khu dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang trùm lên địa phận các huyện Phú Quốc, An Minh, Vĩnh Thuận, Kiên Lương và Kiên Hải. Khu có ba vùng lõi thuộc các Vườn quốc gia U Minh Thượng, Vườn quốc gia Phú Quốc và Rừng phòng hộ ven biển Kiên Lương-Kiên Hải.

Một dòng thác tại Vườn Quốc gia Phú Quốc. Ảnh: Châu Quốc Tuấn

Khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang chứa đựng sự phong phú, đa dạng và đặc sắc về cảnh quan và hệ sinh thái. Khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang có 6 hệ sinh thái với 22 dạng sinh cảnh khác nhau.

Trong số đó, rừng tràm ngập chua phèn là hệ sinh thái điển hình, trong vùng lõi ở khu vực U Minh Thượng có gần 4.000ha “rừng úng phèn” được xếp hạng độc đáo, quý hiếm trên thế giới, mang những đặc điểm của rừng cực đỉnh nguyên sinh với các ưu hợp rừng tràm hỗn giao và rừng tràm trên đất than bùn.

Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng (được công nhận vào năm 2004)

Đây là khu dự trữ sinh quyển đất ngập nước ven biển thuộc 3 tỉnh châu thổ sông Hồng là Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình. Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng chứa đựng những hoạt động kiến tạo địa chất và đa dạng sinh học có giá trị nổi bật toàn cầu với các kiểu sinh cảnh chủ yếu như: bãi bùn, bãi cát ngập triều, trảng cỏ, sậy, rừng ngập mặn cùng các cồn cát phi lao.

Ấn tượng nhất phải kể đến khoảng 200 loài chim, trong đó có gần 60 loài chim di cư, hơn 50 loài chim nước. Nhiều loài quý hiếm được ghi trong sách đỏ thế giới như: cò thìa, mòng bể, rẽ mỏ thìa, cò trắng bắc…  Những cánh rừng này được ví như bức tường xanh bảo vệ đê biển, làng xóm khỏi bị tàn phá bởi gió bão, nước biển dâng...

Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà (được công nhận vào năm 2004)

Khu Bảo tồn sinh quyển thế giới Cát Bà nằm trên đảo Cát Bà, thuộc thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng. Với tổng diện tích hơn 26.000ha, khu dự trữ sinh quyển Cát Bà bao gồm 2 vùng lõi được bảo tồn nghiêm ngặt và không có tác động của con người, 2 vùng đệm cho phép phát triển kinh tế hạn chế song kết hợp với bảo tồn và 2 vùng chuyển tiếp để phát triển kinh tế.

Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà được phân bố chủ yếu trên đảo đá vôi Cát Bà và khoảng 400 hòn đảo nhỏ xung quanh, nơi còn lưu giữ hơn 70 di chỉ khảo cổ học thuộc các nền văn hóa Sơn Vi, Soi Nhụn cách đây từ 4.000-25.000 năm.

Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai (được công nhận vào năm 2001)

Với tổng diện tích gần 970.000ha, khu sự trữ sinh quyển Đồng Nai chia làm 3 phần là vùng lõi, vùng đệm và vùng chuyển tiếp, trải rộng trên địa bàn các tỉnh gồm Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Dương, Bình Phước và Đắk Nông. Trong đó, có hơn 80% diện tích vùng lõi nằm trong phạm vi địa giới hành chính của tỉnh Đồng Nai.

Vườn quốc gia Cát Tiên vào mùa muồng hoa đào bung nở. Ảnh: Khánh Hoang Dã

Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai được thành lập trên cơ sở mở rộng Khu dự trữ sinh quyển Cát Tiên cũ đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Các khu vực cấu thành gồm Khu dự trữ sinh quyển Cát Tiên, Khu Ramsar Bàu Sấu, Khu Bảo tồn thiên nhiên và Di tích Vĩnh Cửu, Khu Bảo tồn vùng nước nội địa Trị An-Đồng Nai.

Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai được xem như lá phổi xanh cho khu vực Đông Nam Bộ, có nhiều đóng góp trong việc bảo vệ và phát triển rừng.

Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ (được công nhận vào năm 2000)

Với cảnh quan tươi đẹp, hệ thống động thực vật đa dạng và phong phú cả về số lượng và chủng loại, rừng ngập mặn Cần Giờ được UNESCO công nhận khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 2000. Đây cũng là khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên tại Việt Nam.

Rừng ngập mặn Cần Giờ là khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên tại Việt Nam. Ảnh: TL

Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ là một quần thể gồm các loài động, thực vật rừng trên cạn và thuỷ sinh, được hình thành trên vùng châu thổ rộng lớn của các cửa sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ.

Rừng ngập mặn Cần Giờ sở hữu điều kiện môi trường rất đặc biệt, là hệ sinh thái trung gian giữa hệ sinh thái thủy vực với hệ sinh thái trên cạn, hệ sinh thái nước ngọt và hệ sinh thái nước mặn. Hệ thực vật nơi đây rất phong phú với trên 150 loài thực vật, trở thành nguồn cung cấp thức ăn và nơi trú ngụ cho rất nhiều loài thủy sinh, cá và các động vật có xương sống khác.

Đăng Huy tổng hợp

Theo Vietnamplus, Báo Điện tử Chính phủ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối