Thứ Ba, Tháng Năm 14, 2024

Học cách sản xuất sạch

Vĩnh Thụy –

Khẩu vị ẩm thực của người Trung Quốc đang thay đổi, buộc các doanh nghiệp của nước này phải đầu tư công nghệ sản xuất theo hướng thực phẩm sạch. Đi theo xu hướng này có Tập đoàn WH (Trung Quốc), nơi đã áp dụng công nghệ và tri thức của người Mỹ vào dây chuyền sản xuất xúc xích, thịt heo xông khói và giăm-bông trước nhu cầu ăn thịt heo ngoại của người tiêu dùng nước này.

Bung tiền mua công nghệ

thitheo Bên trong xí nghiệp chế biến thịt heo của WH. Ảnh: Wall Street Journal

Theo tờ The Wall Street Journal, từ nhiều năm nay, các công ty Trung Quốc nỗ lực tìm đối tác để học chuyên môn của phương Tây. Họ tìm cách mua công nghệ nước ngoài trong bối cảnh nước này đang nỗ lực chuyển đổi nền kinh tế lệ thuộc xuất khẩu sang nền kinh tế dựa vào nghiên cứu và sáng tạo.

Theo hãng dữ liệu Dealogic, năm 2016, các công ty Trung Quốc chi số tiền kỷ lục 226 tỉ đô la Mỹ vào các tài sản ở nước ngoài, đứng đầu là tập đoàn hóa chất Trung Quốc với một thỏa thuận trị giá 43 tỉ đô la với Công ty Giống Syngenta AG (Thụy Sĩ).

Danian Zhang, Trưởng đại diện Công ty Luật Baker & McKenzie ở Thượng Hải, cho biết mặc dù Trung Quốc kiểm soát việc đầu tư ra nước ngoài, nhưng các thỏa thuận hiện đại hóa ngành nông nghiệp vẫn là một ưu tiên.

Ngân hàng Trung Quốc (thuộc nhà nước) dẫn đầu một nhóm cho vay đã phê duyệt cho Tập đoàn WH vay 4 tỉ đô la Mỹ để mua Smithfield hồi năm 2013. Trong báo cáo thường niên, họ mô tả vụ cho vay này là “trách nhiệm xã hội” để hỗ trợ các công ty Trung Quốc tiến ra nước ngoài.

Hiện nay, Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ khoảng phân nửa số lượng thịt heo trên thế giới, và quốc gia này đang phải nhập khẩu thịt heo do nguồn cầu vượt quá nguồn cung. Trong 10 năm qua, thịt heo Mỹ xuất qua Trung Quốc tăng gần gấp 10 lần, đạt 675.224 tấn.

Chuộng thịt heo ngoại

Tại Trung Quốc, gạo nhiễm kim loại nặng cadmium, sữa và các loại thực phẩm nhiễm chất melamine đã đánh động người tiêu dùng. Đó là một trong những lý do khiến nhiều người chuộng các thực phẩm nhập khẩu, trong đó có thịt heo Mỹ, để an toàn hơn.

Tờ báo trên mô tả một bảng quảng cáo ở cổng vào xí nghiệp chế biến thịt heo của WH ở Trịnh Châu với các gia đình Mỹ đang ăn bánh mì kẹp thịt giăm-bông bên dưới dòng chữ “Hưởng thụ lối sống Mỹ”. Còn truyền hình trong nhà máy thì phát một đoạn quảng cáo bằng tiếng Hoa mô tả thịt heo của Smithfield (Mỹ) được chọn làm món tiệc mời người phương Tây.

Trong xí nghiệp của WH, những chậu thép pha thịt hoạt động, các lò vi sóng công nghiệp rã đông từng khối thịt chỉ trong 20 phút, so với thời gian rã đông từ 8 đến 16 giờ ở những “lò heo” khác của Trung Quốc. Xí nghiệp này có nhiệt độ lạnh hơn các xí nghiệp khác, trần cũng cao hơn để giúp kiểm soát sự nhiễm trùng. Mỗi ngày, xí nghiệp này có thể sản xuất hơn 90.000 kg thịt xông khói, xúc xích và giăm-bông, với nguồn nguyên liệu thịt nhập từ Smithfield nơi họ đã bỏ tiền ra mua lại trước đó.

WH có sự hỗ trợ mạnh từ Chính phủ Trung Quốc. Tại trụ sở WH ở miền Trung Trung Quốc, nhân viên hải quan kiểm tra chất lượng heo nhập khẩu, bỏ qua khâu kiểm tra ở cảng. Chủ tịch WH Wan Long cho biết sự hỗ trợ này giúp tiết kiệm được nửa tháng và khoảng 150-200 nhân dân tệ (22-29 đô la Mỹ) trên mỗi tấn thịt heo.

Hồi đầu năm nay, WH cũng đã mua lại nhà máy chế biến thịt heo Clougherty Packing LLC (ở bang California, Mỹ) cùng hai chi nhánh với giá 145 triệu đô la Mỹ. Đây là một trong những thương vụ mua lại một công ty Mỹ lớn nhất của Trung Quốc.

Đó là “cú đánh thức” các công ty Trung Quốc, rằng họ có thể mua lại các công ty nước ngoài, theo James Tam, lãnh đạo lĩnh vực mua bán sáp nhập của Morgan Stanley, đơn vị cố vấn cho WH về vụ mua lại nêu trên.

Xí nghiệp của WH, trước đây là Công ty cổ phần Quốc tế Song Hội, là một ví dụ về việc Trung Quốc sử dụng công nghệ và tri thức phương Tây để thúc đẩy nền kinh tế.

Nhưng WH cũng không tránh khỏi những vấn nạn an toàn thực phẩm của Trung Quốc. Năm 2011, Đài Truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV cho biết heo mua ở một chi nhánh của Tập đoàn Song Hội đã được nuôi bằng một loại hóa chất giúp tăng lượng thịt nạc của con vật này.

Chất tăng trọng ractopamine được đánh giá an toàn nhưng bị cấm sử dụng ở hơn 100 nước, trong đó có Trung Quốc, vì lo ngại an toàn. Cục An toàn thực phẩm châu Âu phát hiện chất tăng trọng này làm tăng nhịp tim.

An toàn thực phẩm là một vấn đề mang tính hệ thống, đòi hỏi nhiều thay đổi từ chăn nuôi đến quá trình chế biến, theo nhà phân tích Feng Yonghui của Viện Kỹ thuật – Thông tin trang trại hiện đại Zhongke Yiheng. Theo ông nói nếu chỉ mua lại một, hai công ty thì sẽ không giải quyết được vấn đề.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Ngành đường sắt tăng chuyến, giảm giá vé tàu dịp hè

0
(SGTT) - Ngành đường sắt tổ chức chạy thêm tàu giữa Hà Nội – TPHCM, đồng thời, áp dụng nhiều chính sách về khuyến...

Người đi ‘góp’ màu xanh cho đời

0
(SGTT) - Hơn 50.000 người đang được dùng nước sạch, hơn 136.000 cây trồng được phủ xanh thêm cho những cánh rừng và còn...

17 hoạt động nổi bật tại Lễ hội Sông nước TPHCM...

0
(SGTT) - Lễ hội Sông nước TPHCM lần thứ 2 sẽ diễn ra từ ngày 31-5 đến ngày 9-6-2024 với khoảng 17 hoạt động...

Mùa mưa sắp đến, những lưu ý khi bảo dưỡng ô...

0
(SGTT) - Thời gian gần đây, nhiều trung tâm bảo dưỡng ô tô bắt đầu tiếp nhận nhiều xe đến để bảo dưỡng các...

Cách chăm sóc bàn tay khô và nứt nẻ tại nhà

0
(SGTT) - Tình trạng sức khỏe, thời tiết, thói quen sinh hoạt... là những nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng da tay...

Những thông tin thú vị về cơm tự chín

0
Gần đây, một doanh nghiệp Việt cho ra mắt thị trường sản phẩm cơm tự chín với mức giá dự kiến từ 100.000 -...

Kết nối