Thứ Ba, Tháng Năm 14, 2024

Hoa khô ngoại tìm cách lấn sân

Vũ Yến

Bên cạnh việc sử dụng hoa tươi để trưng, tặng vốn phổ biến lâu nay thì người tiêu dùng cũng đang chuyển sang sở thích chơi hoa khô ngày càng nhiều, theo các chủ cửa hàng hoa nhận xét. Ngay cả trong cùng một loại mặt hàng là hoa khô thì người tiêu dùng cũng có nhiều sự chọn lựa giữa hoa khô sản xuất trong nước và hoa khô nhập khẩu.

Hoa ngoại nở rộ

Mới đây, chị Hà Vân, nhà ở quận Thủ Đức, TPHCM, được bạn tặng một bó hoa oải hương (lavender), một trong những loại hoa khô nhập khẩu khá được ưa chuộng. Chị Vân kể, thấy bạn bè chơi các loại hoa khô nhập khẩu đã lâu, nay chị mới có dịp trưng thử trong nhà. Theo chị, hoa khô có thuận lợi là giữ được lâu nên tính ra không mắc hơn so với sử dụng hoa tươi. Chị so sánh, một bông hồng Ecuador tươi cùng với hoa trang trí trong bình nhỏ có giá khoảng 500.000 đồng, thời gian trưng chỉ khoảng một tuần, trong khi một bó hoa khô có giá khoảng 400.000 đồng nhưng có thể chơi được vài tháng.

Anh Thành Nam, nhà ở quận Gò Vấp, TPHCM, kể khoảng một năm trở lại đây, trong các dịp lễ, tết hay kỷ niệm ngày cưới, anh thường tặng vợ hoa khô thay vì hoa tươi như trước đây. Sở dĩ anh Nam biết tới hoa khô là do thỉnh thoảng anh thấy đồng nghiệp nữ trưng tại bàn làm việc. “Nhìn đẹp và lạ, lại giữ được lâu nên khi được tặng, vợ tôi cũng thích”, anh Nam nói.

Chị Hoàng Phương, chủ cửa hàng hoa khô nhập khẩu Iris trên đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 3, TPHCM, cho biết cửa hàng chị nhập hoa khô từ năm 2012. Nửa năm đầu tiên, chị hầu như không bán được hàng do người tiêu dùng chưa biết tới sản phẩm. Tuy nhiên, hai năm sau đó, nhiều người biết đến và tìm mua hoa khô, khiến số lượng bán tăng nhanh trong năm 2014, đặc biệt dịp tết vừa qua. Chị Phương cho biết, hoa khô cửa hàng nhập về phân phối tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng. Năm ngoái, doanh thu bán hàng trung bình khoảng 100 triệu đồng/tháng, trong đó thị trường TPHCM chiếm khoảng 70%.

Hoa khô được nhập khẩu khá nhiều, với khoảng 100 loại có mặt trên thị trường.     Ảnh: Vũ Yến
Hoa khô được nhập khẩu khá nhiều, với khoảng 100 loại có mặt trên thị trường. Ảnh: Vũ Yến

Chị Trần Thị Tuyên, chủ cửa hàng Thế giới hoa lavender trên đường Kinh Dương Vương, quận 5, TPHCM – nơi chuyên nhập khẩu và bán các loại hoa oải hương – nói rằng lượng khách hàng có nhu cầu mua sử dụng trong nhà và tặng hoa khô ngày càng nhiều. Điều này thể hiện qua doanh thu và số lượng hoa bán ngày càng tăng. Chị cho biết, nếu tháng 6-2014 chị bắt đầu nhập hoa về bán với số lượng rất ít, thì những tháng tiếp theo số lượng đã tăng lên mức 600-700 bó/ngày. Đến nay, số lượng này vẫn được duy trì và có xu hướng tăng vào ngày lễ, tết.

Theo ghi nhận của Sài Gòn Tiếp Thị, tại TPHCM hiện có những cửa hàng chuyên nhập khẩu hoa khô với số lượng khá lớn. Ngoài việc bán lẻ ra thị trường, các nơi này còn bán sỉ cho các cửa hàng, các đại lý phân phối khác.

Chị Hoàng Phương của cửa hàng hoa khô Iris cho biết, các loại hoa khô nhập khẩu được làm từ hoa tươi thông qua quy trình xử lý kỹ thuật và máy móc. Có khoảng 100 loại hoa khô trên thị trường, bao gồm hoa oải hương, hoa tuyết, hoa phi yến, cỏ đuôi thỏ, cúc ammo, cẩm tú, hồng, lúa mạch… Hoa khô được nhập về bằng đường biển và cả đường bưu điện từ các nước như Pháp, Anh, Mỹ…

Hiện giá bán cúc ammo khoảng 400.000 đồng/bó 35-40 cành, cẩm tú khoảng 700.000 đồng/bó bốn bông, oải hương có giá khoảng 300.000-380.000 đồng/bó 300 cành, phi yến giá 370.000 đồng/bó
110 g. Ngoài bán riêng từng loại hoa, tại các cửa hàng còn có những bó hoa được kết từ các loại hoa, cỏ, lá khác nhau. Giá cả tùy theo số lượng hoa, loại hoa và loại cỏ, lá phối hợp.

Theo chị Phương, mặc dù giá ban đầu hơi mắc so với các loại hoa tươi, nhưng thời gian chơi hoa khô lâu hơn, ít nhất cũng sáu tháng, nhiều nhất khoảng hai năm. Đó là một trong những lý do khiến nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, mua về để trưng trong nhà, nơi làm việc, làm hoa cưới hay để tặng bạn bè, người thân.

 Hoa nội cạnh tranh

Nói về sự cạnh tranh giữa hoa khô trong nước và hoa khô nhập khẩu, chị Trần Thị Ngọc Hằng, chủ cửa hàng hoa khô Bách Hợp trên đường Nhật Tảo, quận 10, TPHCM, cho biết mặc dù thị trường đang tồn tại và có xu hướng tăng thêm một số cửa hàng chuyên bán hoa khô nhập khẩu, nhưng sự cạnh tranh không đáng ngại bởi mỗi dòng hoa khô có đối tượng khách hàng riêng, tùy thuộc vào thị hiếu của người tiêu dùng. Có người thích màu sắc, mùi hương của hoa hồng Đà Lạt, có người lại thích mùi thơm, màu sắc của hoa oải hương, có người thích hoa nhập khẩu, nhưng có người chỉ thích trưng các loại hoa Việt Nam.

Chị Hằng cho biết, mức tiêu thụ hoa khô trong nước tại cửa hàng chị tương đối ổn định. Trong những tháng có ngày lễ, tết, cửa hàng chị tiêu thụ khoảng 10.000 bông hoa khô, trong đó có hoa hồng, hoa cẩm chướng và hoa tú cầu. Còn những tháng bình thường, lượng hoa tiêu thụ thấp hơn. Đối tượng khách hàng chủ yếu là nhân viên văn phòng, cán bộ công chức. Chị cho biết, một bức tranh hoa khô có giá khoảng 450.000 đồng, tùy kích cỡ và số lượng hoa. Còn hoa bán theo bó hoặc bình có giá từ 120.000 đồng trở lên.

Theo chị Hằng chia sẻ, quy trình làm hoa khô trong nước khá phức tạp, thông thường phải mất khoảng 10-15 ngày mới hoàn tất một quy trình sản xuất. Hoa tươi nở đúng độ, được chọn lọc kỹ, sau đó tẩy màu bằng hóa chất. Hoa được sấy khô, cắt tỉa sao cho đẹp rồi tiếp tục ướp màu. Tất cả các công đoạn này được xử lý bằng máy móc, kỹ thuật của Nhật Bản.

Chị Hằng cho biết, cách đây năm năm lúc chị mới bước vào kinh doanh, số lượng người kinh doanh hoa khô trong nước đếm chưa hết mười đầu ngón tay, và hoa khô nhập khẩu cũng chưa xuất hiện. Nay số lượng người kinh doanh hoa khô trong nước đang có xu hướng tăng lên thời gian gần đây.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Ngon nhưng không dễ ăn

0
ĐỨC TÂM - Từ đầu năm đến nay, Công ty TNHH Hoa Mặt Trời tại huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng đã liên kết gần...

Kết nối