Chủ Nhật, Tháng Năm 12, 2024

Ngon nhưng không dễ ăn

ĐỨC TÂM –

Từ đầu năm đến nay, Công ty TNHH Hoa Mặt Trời tại huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng đã liên kết gần 50 hộ nông dân tại địa phương để xuất khẩu hơn 600.000 cành hoa vũ nữ sang thị trường Nhật Bản. Sự liên kết này đã mang về một khoản doanh thu hơn 6 tỉ đồng cho công ty và các hộ nông dân. Chỉ có điều không phải ai cũng làm được chuyện này.

Ông Huỳnh Tân Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Hoa Mặt Trời, cho biết các đơn hàng xuất khẩu hoa của công ty qua thị trường này đều phải tham gia các phiên chợ hoa đấu giá dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Chính phủ Nhật Bản. Phiên chợ đấu giá hoa được tổ chức, vận hành bởi một công ty chuyên nghiệp. Hoa được đưa lên đấu giá với sự tham gia của nhiều nhà phân phối hoa tại đất nước mặt trời mọc này.

9Khách tham quan một kios trưng bày lan tại Festival Nông nghiệp đang diễn ra tại công viên Gia Định, TPHCM. Ảnh: Thành Hoa

Cái hay của phiên chợ đấu giá này là giá hoa sẽ được hô từ giá cao nhất trở xuống, chứ không phải đưa ra mức giá từ thấp đến cao giống như những phiên đấu giá thường thấy. Đầu tiên, công ty tổ chức sẽ đưa ra một mức giá thật cao, mức giá gần như chắc chắn không ai mua. Sau đó, giá lô hàng sẽ được hạ thấp dần dần theo những thang bậc nhất định cho đến khi có người đồng ý mua lô hàng. Người xác nhận mua đầu tiên sẽ sở hữu lô hàng được đưa ra đấu giá.

Theo ông Sơn, mô hình này có rất nhiều ưu điểm cho cả người bán lẫn người mua. Khi một lô hàng được xuất khẩu sang Nhật và đi qua chợ đấu giá này, Chính phủ Nhật Bản quản lý tốt hàng hóa và thu các khoản thuế liên quan; còn người bán thì bán được hoa với mức giá sát với độ chấp nhận của thị trường. Thông tin về lô hàng đấu giá được công khai rộng rãi, và người tiêu dùng sẽ biết được mức giá mà mình phải trả cho một đóa hoa có hợp lý hay không.

Xuất khẩu hoa sang Nhật, theo ông Sơn, ngoài việc đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về luật kiểm dịch thực vật và muốn tạo được thương hiệu tại Nhật Bản, công ty phải có đơn hàng đều đặn và chất lượng ổn định.

Xuất khẩu lan vũ nữ sang Nhật như một dấu ấn thương hiệu đảm bảo cho sản phẩm có thể xâm nhập vào nhiều thị trường khác. Vậy tại sao đến nay, tại Đà Lạt, vẫn chưa có nhiều đơn vị tham gia xuất khẩu sang Nhật?

Trả lời câu hỏi này, ông Sơn cho biết lan vũ nữ là một loại hoa khó trồng để đạt năng suất và chất lượng ổn định, thêm nữa chi phí đầu tư ban đầu lên đến hàng tỉ đồng. Hai yếu tố về kỹ thuật và tài chính như một rào cản cho các hộ nông dân muốn tham gia vào mô hình sản xuất này. Bên cạnh đó, từ lúc sản xuất giống cho đến khi có những cành lan đầu tiên đưa ra thị trường phải mất ít nhất bốn năm, tức người trồng phải đợi đến năm thứ tư mới có được dòng tiền quay về. “Tôi cho rằng đây là một trong những trở ngại lớn, thậm chí là một yếu tố có thể gọi là mạo hiểm, khiến các hộ nông dân ngại tham gia vào mô hình này”, ông Sơn phân tích.

Thật ra, không riêng gì lan vũ nữ, những loại hoa cúc phổ biến trên thị trường, muốn xuất khẩu sang Nhật cũng đòi hỏi phải ứng dụng công nghệ để đáp ứng yêu cầu khắt khe tại thị trường này.

Trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, bà Nguyễn Mai, một hộ trồng hoa tại làng hoa Thái Phiên, thành phố Đà Lạt, cho biết bà từng tham gia xuất khẩu hoa cúc sang Nhật, nhưng trước yêu cầu quá khắt khe, nhiều lô hàng bị trả về. “Lợi ích kinh tế không như mong đợi, nay tôi chỉ tập trung cung cấp cho thị trường trong nước”, bà Mai cho biết.

Bà Mai phân tích, chưa tính các yêu cầu về an toàn kiểm dịch, chỉ riêng yếu tố về hình thức đã thấy khó. Tất cả cành hoa phải to, đều về bán kính; chiều dài từ ngọn hoa đến thân đúng 80 cm, không hơn không kém; lá phải xanh đều, đẹp, không úa, không cháy đen. Bà trồng theo phương pháp truyền thống, từ khâu giống cho đến gieo trồng, chăm sóc, các cây không thể đều nhau được. “Những cây đẹp nhất bán cho Nhật, phần còn lại xem như chúng tôi bỏ đi. Cân đối các yếu tố thiệt hơn, xem ra vẫn không kinh tế. Còn muốn đầu tư công nghệ cao như Đà Lạt Hasfarm thì chúng tôi không thể đủ vốn để thực hiện”, bà Mai cho biết thêm.

Nếu như việc xuất khẩu hoa sang Nhật, người bán không biết giá trước thì việc đưa hoa từ nhà vườn tại Đà Lạt xuống các chợ hoa tại TPHCM cũng tương tự như vậy, giá do các thương lái trung gian, các chủ vựa hoa tại TPHCM quyết định dựa trên nhu cầu của thị trường.

[box type=”bio”] Vào tháng 4 vừa qua, UBND tỉnh Lâm Đồng kêu gọi sự đầu tư của các doanh nghiệp để xây chợ hoa đầu mối theo mô hình chợ hoa Nhật Bản với sự tư vấn từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Theo đó tiền mua, bán hoa phải được công khai, minh bạch để nông dân được biết. Nhiều người hy vọng khi chợ hoa đi vào hoạt động sẽ giải quyết được việc nông dân lâu nay không quyết định được giá bán hoa của mình hoặc mù mờ về giá khi giao cho thương lái trung gian.[/box]

Tùy nhu cầu của thị trường, các thương lái hay chủ vựa hoa bán được cao sẽ tính giá cao, bán được giá thấp thì tính giá thấp cho chủ vườn hoa. Với mô hình này, theo ông Vũ Nhuận, một người trồng hoa lâu năm tại làng hoa Hà Đông, thành phố Đà Lạt, các chủ vựa hoa dường như không chịu yếu tố rủi ro; còn các chủ vườn hoa, những người nông dân sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp quy luật lời ăn lỗ chịu. Khi “cháy chợ”, mặt hàng hút khách, thì vui; còn khi “dội chợ”, cung lớn hơn cầu thì méo mặt chịu lỗ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Thị trường quà tặng 20-10 vẫn chưa trở lại “bình thường...

0
Ngày phụ nữ Việt Nam 20-10 năm nay diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề lên các hoạt động...

Gặp gỡ nghệ nhân Vui Trần Clay: người làm đất sét...

0
(SGTT) – Nghệ nhân đất sét Vui Trần Clay đã trở thành một cái tên quen thuộc trong lĩnh vực các ngành nghề thủ...

Hoa khô ngoại tìm cách lấn sân

0
Vũ Yến Bên cạnh việc sử dụng hoa tươi để trưng, tặng vốn phổ biến lâu nay thì người tiêu dùng cũng đang chuyển sang...

Trao yêu thương bằng hoa tự cắm

0
Tặng hoa là hình thức giao tiếp đầy ý nghĩa, mang thông điệp của tình yêu thương, lòng kính trọng, sự mến mộ của...

Kết nối