Thứ Bảy, Tháng Năm 11, 2024

Hấp lực từ lúa mùa nổi

TRUNG CHÁNH –

Sau một thời gian triển khai, mô hình sản xuất lúa mùa nổi-mùa được các chuyên gia đánh giá không chỉ cho hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần khôi phục đa dạng sinh học. Vì vậy, trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông thôn (RCRD) thuộc trường Đại học An Giang đang xem xét khả năng khôi phục và mở rộng diện tích sản xuất cây lúa này.

Tỷ suất lợi nhuận cao

nongdanNông dân xã Vĩnh Phước, huyện Tri Tôn, An Giang bên ruộng lúa mùa nổi của mình.

 

Trong khuôn khổ ba buổi hội thảo “Đánh giá hệ thống canh tác nông nghiệp sinh thái lúa mùa nổi cho một xã hội khỏe, thích ứng biến đổi khí hậu vùng hạ lưu sông Mê Kông và Myanmar” được tổ chức liên tục tại Việt Nam, Campuchia và Myanmar gần đây, ông Nguyễn Văn Kiền, Giám đốc RCRD, cho biết kết quả triển khai bước đầu của dự án khá tốt, nhất là về hiệu quả kinh tế và khôi phục đa dạng sinh học.

Về hiệu quả kinh tế, ông Kiền cho biết đối với mô hình sản xuất ba vụ lúa/năm (lúa cao sản) tại huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, nông dân thu được một khoản lợi nhuận khoảng 4,8 triệu đồng/công (1.000 m2) với tỷ suất lợi nhuận thu được trên đồng vốn đầu tư bỏ ra là 0,71. Còn mô hình lúa-lúa-bò, nông dân thu được một khoản lợi nhuận 13,9 triệu đồng/công, tỷ suất lợi nhuận là 0,56.

Trong khi đó, đối với mô hình lúa mùa nổi-khoai mì được sản xuất tại xã Vĩnh Phước, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, người dân thu được khoản lợi nhuận trên 4,4 triệu đồng/công, nhưng tỷ suất lợi nhuận đến 1,81. Với mô hình lúa mùa nổi-ớt, người dân thu được 17,67 triệu đồng/công với tỷ suất lợi nhuận là 2,68. Còn mô hình lúa mùa nổi-củ kiệu cho lợi nhuận đến 24,9 triệu đồng/công với tỷ suất lợi nhuận là 1,68.

Theo ông Kiền, nếu chỉ sản xuất lúa mùa nổi thì hiệu quả kinh tế không cao do năng suất lúa thấp, chỉ 150-200 kg/công. Nhưng khi kết hợp mô hình lúa mùa nổi-màu thì hiệu quả thu được tăng lên thấy rõ. Không chỉ có hiệu quả kinh tế, mô hình sản xuất lúa mùa nổi còn góp phần bảo vệ đa dạng sinh học, đảm bảo nguồn dinh dưỡng và tăng thêm thu nhập cho người dân thông qua sự phong phú về chủng loại cá.

Kết quả nghiên cứu của RCRD cho thấy trong vùng sản xuất lúa mùa nổi ở xã Vĩnh Phước, huyện Tri Tôn có đến 20 loài cá thuộc 8 họ khác nhau sinh sống và phát triển. Trong khi vùng sản xuất lúa ba vụ của xã Mỹ An, huyện Chợ Mới chỉ có 5 loài thuộc 4 họ khác nhau sinh sống và phát triển. Chim, bò sát và thực vật được ghi nhận trong vùng sản xuất lúa mùa nổi đều có số loài và họ cao hơn hẳn so với vùng sản xuất lúa ba vụ.

Tính chuyện mở rộng

khoaimiNông dân xã Vĩnh Phước, huyện Tri Tôn, An Giang bên ruộng lúa mùa nổi của mình.

Trước những kết quả đạt được, RCRD đang triển khai kế hoạch thực hiện khôi phục và mở rộng diện tích sản xuất lúa mùa nổi sang nhiều địa phương khác trong vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và cả Campuchia, Myanmar, với sự hỗ trợ từ Tập đoàn Mitsui&Co (Nhật Bản) và phía đối tác thuộc trường Đại học quốc gia Úc.

Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị về vấn đề này, ông Kiền của RCRD cho biết qua làm việc với các địa phương trong vùng ĐBSCL, nhu cầu phục hồi và mở rộng diện tích sản xuất lúa mùa nổi của người dân còn rất lớn. Cụ thể, tại tỉnh Đồng Tháp, huyện Thanh Bình có kế hoạch khôi phục và mở rộng đến 1.000 ha, huyện Hồng Ngự cũng có khoảng 1.000 ha diện tích đất trống để sản xuất lúa mùa nổi, khu vực vùng đệm của rừng quốc gia Tràm Chim cũng có nhu cầu khôi phục. “Ngoài ra, hai huyện Vĩnh Hưng và Tân Hưng của tỉnh Long An cũng muốn phục hồi sản xuất lúa mùa nổi trở lại”, ông Kiền cho biết.

Không chỉ thực hiện ở trong nước, RCRD và các chuyên gia của trường Đại học quốc gia Úc thông qua nguồn vốn từ quỹ hỗ trợ của Tập đoàn Mitsui&Co còn muốn khôi phục, mở rộng diện tích sản xuất lúa mùa nổi ở Campuchia và Myanmar.

Theo ông Kiền, hiện nay Campuchia còn khoảng 1.000 ha diện tích sản xuất lúa mùa nổi và tại Myanmar cũng vậy. “Hai quốc gia này rất muốn chúng tôi chia sẻ kinh nghiệm đã nghiên cứu để họ phục hồi và mở rộng diện tích sản xuất lúa mùa nổi theo hướng sinh thái để họ thương mại hóa”, ông Kiền nói.

Tuy nhiên, kế hoạch khôi phục và mở rộng diện tích sản xuất lúa mùa nổi ở hai quốc gia nêu trên còn phụ thuộc vào phản ứng của người dân. “Chúng tôi đã có bước làm việc đầu tiên để xây dựng đề cương. Lần này, chúng tôi tổ chức ba hội thảo ở ba quốc gia là Việt Nam, Campuchia và Myanmar để tìm hiểu và lắng nghe nguyện vọng của nông dân ở đó có thật sự muốn phục hồi hay không, và nếu muốn thì mới triển khai”, ông Kiền cho biết.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Ẩm thực Michelin: Trải nghiệm tô phở ‘Bib Gourmand’ 56 năm...

0
(SGTT) - Mở bán từ năm 1968, phở Hòa Pasteur là một trong những quán phở lâu đời ở TPHCM. Đi kèm không gian...

Ngôi đình cổ hơn 2000 năm tuổi bên bờ sông Hồng...

0
(SGTT) - Nằm bên bờ sông Hồng, đình Chèm đã trải qua hơn 2000 năm lịch sử và được công nhận là di tích...

Rợp màu phượng tím trên đường phố Côn Minh

0
(SGTT) - Mùa hoa phượng tím ở Côn Minh (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) kéo dài từ cuối tháng Tư đến trung tuần tháng...

Tạo điều kiện đưa lao động Việt Nam sang làm việc...

0
(SGTT) - Thông tin tại buổi làm việc giữa đại diện Bộ Lao động Thương binh và Xã hội với Chủ tịch Hội đồng...

Hơn 10 triệu lượt liên thông dữ liệu ứng dụng VssID...

0
(SGTT) - Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công an tích hợp tài khoản VNeID với ứng dụng VssID....

Nồi lẩu cuối tuần đặc sắc từ thịt gà và pate

0
(SGTT) – Tưởng chừng như không liên quan nhau, nhưng thực tế pate và thịt gà có thể kết hợp trong cùng một món...

Kết nối