Thứ Hai, Tháng Năm 13, 2024

Đường hoa Xuân ký ức

Nguyễn Tục Ngữ

Từ khởi thủy, đường Nguyễn Huệ là con kênh đào nối liền sông Sài Gòn đến dinh Đốc Lý – nay là trụ sở UBND TPHCM. Bạn thử… nhắm mắt tưởng tượng ghe thuyền thuở ấy, chắc một điều, cũng chở hoa trái từ những vùng lân cận và các tỉnh Nam bộ lên Sài Gòn; nhất là những ngày cận tết. Không khí một con kênh rộn ràng xưa lắc xưa lơ đó cũng nhộn nhịp kẻ bán người mua, sắc màu rực rỡ. Dù khác nay xa, nhưng con kênh vẫn được tiếp diễn với đường hoa Nguyễn Huệ như một chuỗi dài cả trăm năm – một nét sinh hoạt văn hóa của vùng đất lắm kênh rạch, sông nước.

Thuở xa xưa đó, con kênh được lấp và trở thành đại lộ Charner từ thời Pháp thuộc, sau nữa đổi thành đường Nguyễn Huệ, một trong những con đường đẹp có thứ bậc ở Sài Gòn. Dạo ấy, mỗi độ xuân về, Charner đã hình thành một chợ hoa mua bán tấp nập, ghe thuyền cập sông Sài Gòn là đã đến được với trung tâm thị tứ. Chợ hoa tết cứ tồn tại mãi cho đến những năm đầu thế kỷ 21, cả hàng trăm năm hoa vẫn nở trên con đường này như một dấu chỉ báo hiệu nàng Xuân tới.

Một nốt son trong sinh hoạt văn hóa

Đường hoa – một nét văn hóa in đậm trong ký ức nhiều người Sài Gòn. Ảnh: Thanh Tao
Đường hoa – một nét văn hóa in đậm trong ký ức nhiều người Sài Gòn. Ảnh: Thanh Tao

Và, chợ hoa Nguyễn Huệ đã được nâng tầm, tổ chức quy mô mang tính thẩm mỹ thành “đường hoa xuân” được 11 năm kể từ Tết Giáp Thân 2004. Ở đó, những bàn tay của nghệ nhân, kiến trúc sư… với sự sáng tạo, sắp đặt nghệ thuật đã dệt nên một đoạn đường 900 m đẹp và đầy ý nghĩa. Đường hoa xuân này đã trở thành một dấu ấn văn hóa đối với người dân thành phố cũng như du khách trong và ngoài nước khi tết đến.

Những ngày xuân, từ sớm cho đến khuya, người người rộn rã đổ về đường hoa, những em bé tung tăng cánh áo dài khăn đóng thật ngây thơ, đáng yêu; những cô gái trong tà áo thướt tha cười duyên với trời xuân mới; bao bạn trẻ tưng bừng reo vui như ngày hội; các chàng trai hý hoáy bấm liên hồi, đèn flash nháy như pháo hoa; người cha vắt con lên cổ dạo quanh mãi phố xuân không thấm mệt… Và còn biết bao hình ảnh dễ thương khác bạn sẽ bắt gặp trên đường hoa này trong những ngày đất trời giao mùa.

Suốt một chặng đường hơn chục năm qua, cũng trên con đường hoa Nguyễn Huệ giữa lòng Sài Gòn, từng tràn ngập cỏ hoa, có những vạt lúa vàng trĩu nặng, những đám mạ non xanh mượt; có ao sen, đường làng quê với con kênh, cầu khỉ bắc ngang; những chiếc xe thổ mộ; những chiếc thuyền thúng, ghe biển đánh bắt xa bờ; rồi những gánh hàng hoa, thuyền hoa… mang nhiều sắc thái biểu tượng, tái hiện một cách dân dã mà sao niềm thương nhớ cứ ngập lòng.

Mỗi năm một chủ đề, một cách thể hiện mới cùng với những mô hình hoạt động sôi nổi, lạ và độc đáo cho sự kiện đường hoa xuân. Năm khởi đầu 2004 có một đòn bánh tét nặng đến 1.750 kg và một đại tiệc bánh tét cho 20.000 người thưởng thức. Năm tiếp theo, không gian đường hoa tái hiện một góc chợ tết quê Sài Gòn của những năm 1920-1940. Rồi năm sau quy tụ hơn 80.000 giỏ hoa, 500 đèn lồng mây tre cùng nhiều đồ gốm, sản phẩm mỹ nghệ… thể hiện nét văn hóa đặc sắc của ba miền.

duonghoa

Ký ức đường hoa vẫn nở

Hỏi có cảm xúc gì ở đường hoa của những xuân trước, bà Vân Phương, đã về hưu, hồi tưởng: “Ồ, cái năm Đinh Hợi 2007 tôi cho là hay. Trưng bày con heo đất to đùng để cho mọi người bỏ tiền vào, thể hiện lòng nhân ái, chăm lo cho người nghèo…”. Bà Phương nhớ tiếp, năm đó còn có hồ Chúc phúc, khách du xuân thả những đồng tiền vào lòng hồ, rồi “nguyện cầu an bình cho gia đình và nhân loại”. Thời gian gần nhất, năm vừa qua – Giáp Ngọ, bà Phương kể, bà đi du xuân với con gái út cả buổi trên đường hoa mà không thấy chán, đẹp rực rỡ, đại cảnh là Dòng thời gian với năm chú ngựa tung vó kéo cỗ xe hoa đồng hồ. “Ý nghĩa đó, nhắc nhở lớp trẻ đừng hoài phí thời gian”, bà Phương nói.

Trò chuyện với ông nhà giáo Vũ Đức ở quận 10 về đường hoa xuân, ông bảo, con đường đã trở thành một hoạt động văn hóa của thành phố. “Hầu như năm nào gia đình tôi cũng đi đường hoa Nguyễn Huệ. Con tôi hào hứng lắm! Đi và ngắm mọi người, trông ai cũng đẹp, cũng vui tươi. Khung cảnh thì muôn sắc màu, gợi nhiều hình tượng”.

Thế điều gì gây ấn tượng với ông, tôi hỏi. Ngẫm ngợi dòng suy tưởng một hồi và ký ức tràn về, ông giáo nói, không nhớ năm nào mà có một con thuyền lớn chở đầy hoa tươi thắm vượt sóng ra khơi. “Trên suốt đường hoa, tôi dạo mà nghe như đi giữa tiếng sóng vỗ, rồi tiếng suối reo… Đúng là một không gian hòa quyện thanh sắc làm lòng phơi phới”. Rồi ông giáo Vũ Đức tiếp, có năm tết đúng vào ngày lễ Tình nhân, hai trái tim thật lớn lồng vào nhau, kết bằng hoa bất tử; “như một lời chúc đầu năm cho những người đã, đang và sẽ yêu. Hay đó ông à!”. Chưa tắt dòng suy tưởng về đường hoa, ông giáo Đức kể: “Năm Tỵ thì phải, qua hình ảnh trang phục bằng hoa của 54 dân tộc anh em trên lãnh thổ Việt Nam để thể hiện xuân vùng cao, xuân đồng bằng, xuân biển đảo. Đằm thắm và gợi cảm lắm!”.

Nhớ những năm ở thập niên 80 thế kỷ trước đã hình thành con đường sách Đặng Thị Nhu, quận 1. Cả con đường này, hai bên, có đến hàng trăm sạp bán sách cũ và dạo đó, người ta gọi chợ sách – một dạng chợ “văn minh” hàng đầu; không tiếng xe chạy, không tiếng rao, tiếng í ới, chỉ nghe tiếng sột soạt của giấy và dép guốc. Mấy năm qua, tiếp nối theo đường hoa là đường sách cũng đã được kiến tạo trong dịp xuân về, tô đậm nét văn hóa của người Sài Gòn.

Không chỉ đường hoa đong đầy sắc màu rực rỡ mà còn tràn ngập hoa ở các công viên, chợ, các vỉa hè rộng trong những ngày cận tết. Ngàn ngàn cánh hoa đã làm nên mùa xuân. Đường hoa xuân đã như một lễ hội đi vào tâm thức bao người.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

TPHCM: Các khu du lịch mở xuyên tết, không tăng giá...

0
(SGTT) – Khu du lịch Suối Tiên, Công viên văn hóa Đầm Sen, Thảo cầm viên Sài Gòn là những địa điểm tham quan,...

Du xuân đường hoa “phố nhà giàu” Phú Mỹ Hưng

0
(SGTT) - Đường hoa Phú Mỹ Hưng ở quận 7, TPHCM, năm nay được bài trí quy mô vừa phải, bố trí lối đi...

Chùa Bà Thiên Hậu, nét đẹp văn hóa cầu bình an...

0
(SGTT) - Tuệ Thành Hội quán (còn gọi là Chùa Bà Thiên Hậu hay Chùa Bà Chợ Lớn) là một trong những ngôi chùa...

TPHCM tổ chức nhiều hoạt động phục vụ Tết Nguyên đán...

0
(SGTT) - Nhằm tạo không khí đón xuân vui tươi, an toàn trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19, UBND TPHCM đã có kế...

Đường hoa Nguyễn Huệ sẽ khai mạc vào 9-2-2021

0
(SGTTO) - UBND TPHCM vừa ban hành kế hoạch tổ chức đường hoa Tết Tân Sửu 2021 trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận...

Bình – Tĩnh du xuân

0
Nguyễn Văn Mỹ Mới nghe, cứ ngỡ là tour ung dung, thư thả; sống chậm để hưởng xuân. Ai dè, đọc kỹ, mới hay các...

Kết nối