Thứ Sáu, Tháng Năm 17, 2024

Chuyển mạng giữ số: Không cần biết tên nhà mạng

Chí Thịnh-

Kể từ đầu năm 2018, người dùng điện thoại di động sẽ không cần biết mình đang sử dụng dịch vụ của nhà mạng nào bởi vì họ có thể chuyển đổi nhà mạng một cách dễ dàng mà vẫn giữ nguyên số điện thoại quen thuộc. Liệu sẽ có bao nhiêu muốn đổi sang nhà mạng khác để được tận hưởng dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt hơn?

Mới chỉ có ba nhà mạng tham gia

Theo thông tin từ Cục Viễn thông thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), hiện tại mới chỉ có ba nhà mạng lớn đăng ký tham gia kế hoạch chuyển mạng giữ số trên điện thoại di động bắt đầu từ quí 3-2017. Đó là các nhà mạng VinaPhone, Viettel và MobiFone; còn Vietnamobile và GTel hiện chưa sẵn sàng tham gia kế hoạch này.

Theo thống kê trong Sách trắng của Bộ TT&TT, ba nhà mạng Viettel, MobiFone và VinaPhone đang chiếm đến 95% thị phần dịch vụ di động. Do đó, việc cả ba nhà mạng này đều áp dụng chính sách chuyển mạng giữ nguyên số di động cũng đồng nghĩa với việc hầu hết các thuê bao di động tại Việt Nam có thể thực hiện yêu cầu chuyển mạng giữ nguyên số (MNP-Mobile Number Portability).

Hai nhà mạng có số lượng thuê bao thấp hơn là Vietnamobile và GTel trước đó đã kiến nghị với Bộ TT&TT hoãn thời gian tham gia chính sách chuyển mạng giữ số. Lý do được đưa ra là do hạ tầng dịch vụ của các nhà mạng này chưa sẵn sàng đáp ứng, kết nối với trung tâm chuyển mạng quốc gia. Trên thực tế, xét về hạ tầng dịch vụ cũng như hoạt động chăm sóc khách hàng, các nhà mạng nhỏ sẽ khó lòng cạnh tranh với các nhà mạng lớn.

Theo thông tin từ Cục Viễn thông, các thuê bao di động nếu muốn đăng ký dịch vụ chuyển mạng chỉ cần chủ động đăng ký chuyển đổi, cập nhật đầy đủ thông tin thuê bao theo quy định của pháp luật hiện hành và đăng ký dịch vụ chuyển mạng tại nhà mạng chuyển đến. Thông tin chuyển đổi của thuê bao di động sẽ được gửi cho nhà mạng A (tức nơi chuyển đi) và nhà mạng B (nơi chuyển đến). Trung tâm chuyển mạng quốc gia sẽ là trung gian chuyển tiếp, kết nối dữ liệu thuê bao di động giữa các nhà mạng.

Một thuê bao di động sau gửi yêu cầu chuyển mạng tới nhà cung cấp dịch vụ (nhà mạng B) thì nhà mạng B sẽ phải chuyển tiếp yêu cầu này tới Trung tâm chuyển mạng quốc gia. Sau đó, trung tâm này sẽ tiếp tục chuyển yêu cầu đó đến nhà mạng cũ (gọi là nhà mạng A) của chủ thuê bao để nhà mạng này kiểm tra, xác thực thông tin thuê bao, sau đó phản hồi lại trung tâm về việc chấp thuận hoặc từ chối yêu cầu chuyển mạng.

Nếu yêu cầu chuyển mạng của khách hàng được cả hai bên nhà mạng chấp thuận thì nhà mạng cũ (nơi chuyển đi) sẽ gửi tin nhắn thông báo lịch trình chuyển mạng cho chủ thuê bao. Kế đó, Trung tâm chuyển mạng quốc gia sẽ yêu cầu cả hai nhà mạng (cũ và mới) lần lượt thực hiện ngắt dịch vụ và kết nối dịch vụ cho thuê bao, lưu trữ thông tin định tuyến của thuê bao vào cơ sở dữ liệu và cập nhật thông tin này cho tất cả các nhà mạng.

Được biết từ cuối tháng 9 này, ba nhà mạng VinaPhone, Viettel và MobiFone đã sẵn sàng kết nối, cung cấp dữ liệu thuê bao cho Trung tâm chuyển mạng quốc gia để chuẩn bị cho việc kết nối dữ liệu giữa các nhà mạng. Theo quy định, đến ngày 31-12-2017, các nhà mạng sẽ phải chính thức cung cấp dịch vụ chuyển mạng giữ số cho khách hàng.

 dienthoai

Thuê bao nào sẽ tham gia?

Trên một số trang mạng xã hội và diễn đàn, hiện đang có nhiều ý kiến trái chiều về việc có nên chuyển sang mạng di động mới hay không. Theo kết quả khảo sát của diễn đàn công nghệ tinhte.vn, có khoảng 50% thành viên tham gia khảo sát cho biết sẽ chuyển sang mạng mới (khoảng 570 bình chọn), khoảng 40% thành viên cho rằng không cần chuyển sang mạng mới (hơn 430 bình chọn).

Một thành viên của diễn đàn tên Hạo Minh cho rằng chính sách chuyển đổi nhà mạng, giữ nguyên số di động có cái hay nhưng cũng có cái dở. Đó là làm sao người dùng biết mình đang gọi nội mạng hay ngoại mạng? Sau khi chuyển mạng giữ số, cho dù số đầu di động là 091 trước đây của VinaPhone thì nay cũng có thể của Viettel, hoặc 098 của Viettel cũng có thể người dùng đã chuyển sang VinaPhone.

Trước đây, chỉ cần nhìn vào đầu số là có thể biết số đó của mạng di động nào. Ví dụ, 091 của VinaPhone, 090 của MobiFone hoặc 098 của Viettel… Chính sách chuyển mạng giữ số cho phép thuê bao chuyển mạng được giữ nguyên. Ví dụ, nếu trước đây là 091.3xx.xxxx thì khi chuyển qua mạng Viettel vẫn sẽ là 091.3xx.xxxx.

Ông Nhật Huy, chủ một cửa hàng kinh doanh điện thoại di động, cho rằng bản thân ông không quan tâm tới số di động thuộc nhà mạng nào, mà chỉ cần biết nhà mạng đó sóng 3G/4G có mạnh hay không để sử dụng. “Nhà mạng nào có dịch vụ kết nối internet di động 3G/4G tốt thì tôi sẽ sử dụng”, ông Huy nói.

Trong khi đó, bà Quỳnh Dao, một người bán hàng trực tuyến (online), cho biết bà đang sử dụng dịch vụ của nhiều mạng di động khác nhau nên cũng không để ý dịch vụ của nhà mạng nào tốt. Theo cách của bà, cứ chỗ nào sóng VinaPhone tốt thì dùng SIM VinaPhone, tới chỗ nào sóng Viettel mạnh hơn thì lấy SIM Viettel dùng.

Đây cũng là cách thức nhiều thuê bao di động đang chọn để có thể sử dụng tín hiệu kết nối internet di động (3G/4G) hiện nay. Họ gần như không bị lệ thuộc bởi bất kỳ nhà mạng nào vì luôn có trong tay 2-3 SIM di động từ các nhà mạng lớn như VinaPhone, Viettel và MobiFone.

[box] Điều kiện chuyển mạng giữ số Để đăng ký sử dụng dịch vụ chuyển mạng giữ số, chủ thuê bao di động cần đáp ứng một số điều kiện sau:

+ Đối với thuê bao trả sau, thông tin thuê bao phải đầy đủ, chính xác so với hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông mà thuê bao đã ký với nhà mạng chuyển đi.

+ Chủ thuê bao trả sau không được nợ cước của kỳ thanh toán cước gần nhất, không sử dụng dịch vụ chuyển vùng quốc tế trong tháng liền trước, hoặc trong tháng đăng ký dịch vụ chuyển mạng.

+ Đối với thuê bao trả trước, thông tin thuê bao phải đầy đủ, chính xác theo các quy định về việc đăng ký thông tin thuê bao trả trước.

+ Thuê bao phải sử dụng dịch vụ của nhà mạng chuyển đi (nhà mạng cũ) ít nhất 90 ngày trước khi đăng ký chuyển mạng. Thuê bao mới sẽ không được đổi mạng tức thời.

+ Chủ thuê bao cũng phải không đang ở trong quá trình chuyển quyền sở hữu (sang nhượng) số thuê bao. [/box]

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Phố Huế mùa Phật đản

0
(SGTT) - Hằng năm, cứ đến mùa Phật đản, phố Huế lại khoác lên mình "chiếc áo mới" nhiều sắc màu với cờ, hoa,...

TPHCM: hạ tầng giao thông ‘chạy theo’ cao ốc, người dân...

0
(SGTT) - Tại nhiều khu vực ở TPHCM, hạ tầng đường sá vẫn nguyên trạng trong khi cao ốc được xây dựng với mật...

Cần thêm nhân sự đa năng giúp phát triển giao thông...

0
(SGTT) - Các chuyên gia cho rằng, trong tương lai gần, cần phải đào tạo ra các thế hệ kỹ sư giao thông “mới”...

Buýt vi vu: Cùng buýt 53 khám phá những bảo tàng...

0
(SGTT) - Tuyến xe buýt số 53 có lộ trình đi từ trạm Lê Hồng Phong đến bến xe Đại học Quốc gia TPHCM....

Loạt hoạt động quảng bá, công bố khu du lịch quốc...

0
Vừa qua, khu du lịch Mộc Châu đã được công nhận là khu du lịch quốc gia. Theo đó, các hoạt động quảng bá,...

Trưa nay ăn gì: Mì gói xào nghêu, món ăn đơn...

0
(SGTT) – Mì gói xào nghêu là món ăn dễ chế biến, mang đến hương vị mới lạ cho thực khách trong bữa trưa...

Kết nối