Thứ bảy, Tháng mười hai 14, 2024

Bắt mắt chè sương sa hạt lựu cầu vồng, màu đều từ thành phần tự nhiên

(SGTTO) - Món chè sương sa hạt lựu quen thuộc bỗng trở thành tác phẩm ẩm thực ấn tượng, chỉ với bí quyết tạo màu từ rau củ.

Hiện có rất nhiều bí quyết để nấu món chè sương sa hạt lựu. Tài khoản Facebook Trần Phương Thùy (YouTube Bếp Xùy Xùy) đã sáng tạo món chè này với trân châu củ năng và tạo màu bảy sắc cầu vồng từ những loại củ quả quen thuộc. Theo đó, món chè sẽ có bảy màu: đỏ (củ dền) – cam (cà rốt) – vàng (đậu xanh) – lục (lá dứa) – lam (hoa đậu biếc) – chàm (thay bằng màu trắng nước cốt dừa) – tím (khoai lang tím dẻo). Củ năng (còn gọi là mã thầy) còn là loại thực phẩm bổ dưỡng, tươi mát, phù hợp cho những ngày nắng nóng.

Nguyên liệu

Cách làm

  • Màu đỏ: Trân châu hạt lựu củ dền

Bước 1: Củ dền xắt nhỏ, đun sôi lấy nước cốt màu đỏ.

Bước 2: Bột năng (lượng tùy ý theo khẩu phần ăn) cho ra tô lớn, đổ từng muỗng nước củ dền còn ấm vào, trộn đều, nhào đến khi bột ẩm, có thể nắm thành khối tròn mịn.

Nhào bột năng với củ dền đến khi tạo khối tròn mịn. Ảnh: Trần Phương Thùy.

Bước 3: Xắt khối bột thành từng lát mỏng. Sau đó xắt sợi, rồi xắt hạt lựu nhỏ đến khi hết phần bột.

Bước 4: Cho bột năng đã xắt hạt lựu vào nồi luộc khoảng 5 phút, đến khi trân châu nổi lên là được.

Trân châu củ dền. Ảnh: Trần Phương Thùy.
  • Màu cam, lục: Trân châu củ năng cà rốt, lá nếp

Bước 1: Ép cà rốt lấy nước màu. Xay nhuyễn lá nếp với nước lọc, chắt lấy nước màu lục.

Bước 2: Củ năng tươi đem xắt hạt lựu, ngâm riêng hai phần với nước cà rốt và nước lá nếp trong vòng một giờ cho lên màu.

Bước 3: Vớt củ năng cho ráo nước, trộn bột năng với phần củ năng đã ngâm màu. Bỏ phần củ năng ra rổ, xóc đều để loại bỏ bột thừa. Lưu ý: thực hiện riêng hai màu.

Bước 4: Cho củ năng đã áo bột vào luộc đến khi củ năng nổi lên là chín. Đem trân châu củ năng đã luộc ngâm vào nước lạnh, sau đó vớt ra trộn với chút đường cho bớt dính.

Trân châu củ năng lá nếp. Ảnh: Trần Phương Thùy.
Trân châu củ năng cà rốt. Ảnh: Trần Phương Thùy.
  • Màu vàng: đậu xanh xay nhuyễn

Bước 1: Đậu xanh bóc vỏ ngâm nước ấm khoảng một giờ.

Bước 2: Sau đó cho nước nấu đến khi đậu nhừ thì cho thêm đường vừa ăn, đem xay nhuyễn phần đậu này.

Đậu xanh xay nhuyễn. Ảnh: Trần Phương Thùy.
  • Màu lam: Thạch hoa đậu biếc

Bước 1: Hoa đậu biếc khô ngâm nước nóng cho ra màu.

Bước 2: Dùng gói bột rau câu giòn, làm theo hướng dẫn trên gói bột, bớt lượng nước tương ứng với nước hoa đậu biếc để tạo màu xanh.

Bước 3: Thạch làm xong đổ ra hộp để nguội rồi cho vào tủ lạnh sau đó cắt thành hình tuỳ ý.

Thạch hoa đậu biếc. Ảnh: Trần Phương Thùy.
  • Màu trắng: Nước cốt dừa

Bước 1: Dừa già xay nhuyễn lọc lấy nước cốt cho vào nồi, giữ lại bã, (có thể mua dừa bào sẵn ngoài chợ hoặc nước cốt dừa đóng lon), thêm vài lá nếp cho thơm, chút muối, sữa đặc, đường vào nếm ngọt vừa miệng.

Dừa già xay nhuyễn lọc lấy nước cốt cho vào nồi, giữ lại bã (thêm vài lá nếp cho thơm).

Bước 2: Lấy bã dừa lọc thêm một chút nước nữa, hoà thêm bột năng hoặc bột sắn dây. Đổ từ từ vào nồi nước cốt dừa trên cho nước cốt hơi sánh.

  •  Màu tím: Khoai lang tím dẻo

Bước 1: Khoai lang tím gọt vỏ, thái miếng.

Bước 2: Hấp cho mềm khoai, sau đó nghiền nhuyễn rồi cho bột năng nhào đến khi kết dính thành khối (nếu thích ăn dẻo bạn cho thêm nhiều bột năng, nếu khô cho thêm chút nước). Sau đó nặn thành hình thù tùy sở thích.

Nhào bột năng với khoai đến khi đạt khối. Ảnh: Trần Phương Thùy.

Bước 3: Đun nồi nước sôi, cho khoai vào luộc đến khi nổi lên mặt nước rồi cho ra bát nước lạnh. Sau đó, vớt khoai dẻo ra tô, thêm chút đường trộn vào cho khoai ngọt và bớt dính.

Khoai tím dẻo thành phẩm. Ảnh: Trần Phương Thùy.

Trình bày món chè: Sắp xếp màu sắc các nguyên liệu tùy ý, rưới thêm nước cốt dừa béo ngậy và thưởng thức.

Sắp xếp nguyên liệu theo ý thích, rưới nước cốt dừa là có thể thưởng thức. Ảnh: Trần Phương Thùy.

Vũ Nhi ghi

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối